Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Cách Mạng Tại Việt Nam?


-Cách Mạng Tại Việt Nam?Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay (Houston) 110315

Thành phố hô khẩu hiệu. Nông dân chưa đứng dậy....?
    Xuất cảng gạo thứ nhì thế giới?Những cuộc nổi dậy liên tục tại Bắc Phi và Trung Đông khiến người Việt chúng ta ở trong và ngoài nước nêu câu hỏi là liệu một cuộc cách mạng có thành hình tại Việt Nam không?

Trước hết, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng.

Những thành quả phiến diện của công cuộc đổi mới kinh tế không thể che giấu được biết bao vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá và chính trị bên dưới. Nhà cầm quyền hiện tại lại không muốn và thực tế thì cũng không thể giải quyết được các vấn đề này, vốn dĩ là thuộc tính của hệ thống chính trị  độc đảng. 

Đằng sau những con số biểu kiến về tăng trưởng hay xoá đói giảm nghèo là một sự suy bại chậm rãi về tinh thần và tiềm năng phát triển của đất nước. Nhìn theo thời gian, Việt Nam quả là có thay đổi, nhưng thực tế  vẫn là bị tụt hậu so với các nước cùng trình độ. Và khó thắng lợi trong cạnh tranh. Đã thế, ở bên một Trung Quốc có nhiều nguy cơ bất ổn bên trong và ý chí bành trướng ra ngoài - hai sự kiện này hỗ trợ lẫn nhau - sự suy bại của Việt Nam là một rủi ro lớn.

Cuộc cách mạng cần thiết sẽ phải thay đổi hệ thống chính trị cho minh bạch và dân chủ hơn, để cải cách nền kinh tế cho công bằng và bền vững hơn, ngõ hầu xây dựng lại một nếp văn hóa lành mạnh, cởi mở và thực tiễn hơn. Cách mạng chính trị có thể gây xáo trộn trong khoảng một chục năm, cải cách kinh tế thì chỉ có kết quả sau năm năm, nhưng phát triển văn hoá thì phải mất cả thế hệ. Nhưng chính vì vậy mà một sự đổi thay có tính chất cách mạng càng là nhu cầu cấp thiết.

Giải pháp lý tưởng, ôn hoà và tránh đổ máu là chế độ phải chủ động tiến hành việc cải cách này. Nhưng lý tưởng đó là không tưởng. Đây là một thảm kịch cho Việt Nam.

Bây giờ, trước những biến động từ khu vực Bắc Phi và Trung Đông đang lan ra nhiều nơi, người ta có quyền nêu câu hỏi là một cuộc cách mạng đã có hy vọng thành hình tại Việt Nam chưa? 

Thật ra, ta nên nêu ngược một câu hỏi khác: thế giới đã có một biến động tương tự tại Âu Châu và Liên Xô vào năm 1989, khi Việt Nam cũng đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, vì sao lại không có cách mạng tại Việt Nam?

Tìm câu trả lời cho vấn nạn ấy cũng là một cách suy ngẫm hữu ích.... Giờ đây, nếu không muốn nhắc lại chuyện cũ, chúng ta hãy nhìn vào hiện tại.

Vì khủng hoảng kinh tế bùng nổ 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhà cầm quyền Cộng sản đã phải thay đổi. Trước hết là buông tay cho dân chúng - nông dân - có điều kiện canh tác và sinh hoạt tự do và công bằng hơn. Sau năm năm "đổi mới" thụ động và tự phát từ dưới lên mà chế độ chính trị không bị đe dọa, nhà cầm quyền mới chủ động tiến hành đổi mới từ trên xuống - từ 1991 trở về sau. Chiến lược đổi mới nửa vời, có chọn lọc và gian ý, bắt đầy gây vấn đề từ những năm 1997 cho đến ngày nay.

Trước tiên, những vấn đề ấy là phản ứng của dân chúng tại nông thôn,  trước tệ nạn cướp đất trắng trợn từ Thái Bình đến Thanh Hoá tới Đồng Nai. Từ vài trăm, số người biểu tình phản đối có lúc lên tới nhiều ngàn, có khi đụng độ mạnh với công an, trong khi truyền thông bị tắt đèn, kiểm duyệt. Sau đó, chính quyền có sửa sai một số lạm dụng tại địa phương, đề nghị một vài hình thức mở rộng dân chủ từ dưới lên nhưng thực tế thì tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn trước.

Lúc ấy, truyền thông quốc tế ở đâu?

Đợt thứ hai, từ năm 2000 trở về sau, là những vụ biểu tình phản đối lẻ tẻ mà lan rộng ra nhiều nơi hơn, vì những lý do có thể là cục bộ về xã hội: đảng viên cán bộ tham ô, cường hào ác bá cướp đất và công an hành hiếp người dân. Song song là phong trào chống đối của các tôn giáo, hầu hết mọi tôn giáo, vì chà đạp giáo dân, cầm tù các nhà tu, và tước đoạt tài sản của giáo hội, nhà chùa, tại địa phương.

Đáng chú ý là hai loại phản ứng cùng có lý do xã hội ấy lại không có thông tin và phối hợp đủ rộng lớn để nhắm vào nguyên nhân chính: chế độ chính trị thiếu dân chủ nên đảng viên cán bộ có quá nhiều quyền hạn mà khỏi bị trách nhiệm. 

Một số thành phần trí thức hoặc đảng viên đầy công trạng của chế độ cũng có lên tiếng cho người dân về tệ nạn bất công xã hội và thiếu dân chủ chính trị. Nhưng họ bị cô lập và dần dần bị tê liệt. Sự kiện truyền thông không được tự do có thể giải thích vì sao có trở ngại về thông tin và phối hợp. Hệ thống kiểm soát và đàn áp rất chặt chẽ làm nốt phần vụ còn lại.

Đợt biểu tình thứ ba, gần đây hơn, là do phản ứng ái quốc của tuổi trẻ trước nguy cơ bành trướng của Trung Quốc. 

Hai đề mục chính là lãnh hải của Việt Nam bị Trung Quốc uy hiếp ở ngoài khơi và các dự án nguy hại cho Việt Nam được Trung Quốc tiến hành ở trong lãnh thổ, với sự đồng tình của nhà cầm quyền Hà Nội. Các cuộc biểu tình đều bị trấn áp nhưng trong đợt này, phản ứng của nhiều đảng viên thuộc loại công thần từ thời chống Pháp đã mạnh mẽ hơn đợt trước và cho đến nay vẫn âm ỉ trong dư luận.

Lồng trong làn sóng xin gọi là ái quốc có các cuộc vận động và lên tiếng của thành phần trí thức trẻ ở thành phố cho ước nguyện dân chủ. Trừ các đảng viên cao cấp, những người biểu tình vì chống Trung Quốc hay vì dân chủ đều bị đàn áp, cô lập và cầm tù sau các thủ thuật pháp lý thô thiển, đôi khi thô tục.

Nếu nhớ lại thì từ 1988 đến nay, không năm nào mà không có người biểu tình phản đối, rồi bị đàn áp - trước sự hững hờ của đa số. Vì không biết cũng có, vì không muốn biết cũng có. Sự thiếu phối hợp hoặc ít kinh nghiệm của những người nổi dậy trước khả năng kiểm soát của chế độ chỉ là một phần của vấn đề. Phần kia là yếu tố tâm lý đáng kể và đáng buồn: quần chúng e sợ rủi ro.

Bây giờ, hãy nói đến một rủi ro lớn hơn.

Việt Nam có dân số gần 90 triệu và sản lượng gạo chừng 40 triệu tấn do một lực lượng nông dân đông đảo sản xuất ra. Thực tế thì chính nhà nông đã kịp cứu chế độ ngay trong cơn khủng hoảng 1985-1986 khi bung ra làm ăn và nâng cao sản lượng lương thực vào thời đó - khi mà nơi này nơi kia vẫn còn có người bị đói trong những năm 1987-1988....

Sau đấy họ mới thấy là bị lừa, vì vậy mới có chuyện biểu tình từ 1988.

Ngày nay, 70% dân số gần 90 triệu người vẫn sống tại nông thôn. Chế độ chỉ rung chuyển khi đa số trong 60 triệu người tại thôn quê đòi thay đổi vì không có tương lai và không chấp nhận được tình trạng bất công. Những người đầy thiện chí đấu tranh tại thành phố là nơi có hy vọng - hão huyền - là được truyền thông quốc tế chú ý tới sẽ khó làm xoay chuyển tình hình nếu không nghĩ tới và tìm đến dân chúng nông thôn. 

Đấy mới là quần chúng có thể đi làm cách mạng.

Một thành phần khác là tuổi tẻ. Ngày nay, Việt Nam có một dân số trẻ - còn trẻ hơn các nước đã làm rung chuyển Bắc Phi như Tunisie hay Ai Cập - với khoảng 26 triệu người ở tuổi từ 15 đến 29. Tuổi trẻ là lực lượng lao động sung mãn nếu có điều kiện tốt đẹp về giáo dục và đào tạo, và cũng thường mong muốn thay đổi nên sẵn sàng xuống đường nêu cao những đòi hỏi họ cho là chính đáng. Tình trạng ưa thích hưởng lạc và chạy theo cái mới ở bề mặt - với sự góp phần đáng kể của một số người vô ý thức từ hải ngoại về! - thường chỉ tập trung vào các thành phố lớn.

Trong khi ấy, một lớp người trẻ và có lý tưởng cũng đang tòng quân nhập ngũ: thành phần bộ đội. Họ nghĩ sao về bất công xã hội hay chủ quyền quốc gia thì ít người biết, có lẽ vì chẳng ai hỏi đến.

Bây giờ, nếu thành phần thanh niên tại các vùng thôn quê khốn khổ lại đứng dậy cùng bà con và gia đình thì tình hình sẽ thay đổi. Trong hiện tại, hai thành phần đó có nhiều lý do buồn lòng và bất mãn. Đứng dậy hay không thì chưa ai rõ.

Tổng hợp lại, hãy nhìn từ trên xuống: chính quyền đã thất bại trong quản lý kinh tế qua một chuỗi sai lầm từ 2007 đến nay.

Lạm phát thời 2007-2008, rồi kích cầu không đúng hướng vì bơm tín dụng bừa bãi khi thế giới bị suy trầm thời 2008-2009 dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày hôm nay. Ngân sách bị bội chi, ngoại thương bị nhập siêu mỗi tháng hơn tỷ đô la, dự trữ ngoại tệ sút một phần ba nay chưa tới 10 tỷ, lạm phát sẽ vượt 14% và dấu hiệu hoảng loạn đã thấy rõ tại các thành phố với cơn sốt đô la và vàng. Nạn tẩu tán tài sản đã bắt đầu.

Những biến động ấy dập mạnh vào thành phần nghèo khốn ở thôn quê và những người bần cùng trong thành phố. Khi lại được thấy rõ nhiều tai tiếng trong khu vực kinh tế của nhà nước, vụ Vinashin là một điển hình, họ càng bất mãn.

Ở thành phố thì người ta biết được hậu quả quốc tế của sự kiện này: các công ty lượng giá tín dụng đánh sụt thứ bậc trái phiếu Việt Nam vào loại giấy lộn, và giới đầu tư quốc tế đang nghĩ lại về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Nói chung, tương lai cả nước thật không sáng sủa. Trong một xứ có dân chủ thì chính quyền phải bị thay thế sau những thành tích quá tệ như vậy. Việt Nam không có may mắn đó.

Thực tế thì chế độ đang tuột tay trong một lãnh vực đã từng tự hào là kinh tế. Thế rồi cơn bão giá về năng lượng lại nổi lên từ những chấn động ở Trung Đông khiến xăng dầu càng thổi bùng lạm phát và càng khiến nhiều người tuyệt vọng. Khi chế độ phải đạp thắng và kềm hãm tín dụng để ngăn ngừa vật giá gia tăng thì các tập đoàn kinh tế nhà nước lại bị thiệt vì đã quen với ưu thế sẵn có và tìm cách chống đỡ. Vì vậy mới có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Mà lại xảy ra sau Đại hội đảng, trong giai đoạn chuyển quyền và chia chác đỉnh chung!

Một số người thì tin rằng trong cơn bão giá hiện nay - cả lương thực cùng xăng dầu và thương phẩm đều lên giá - có lẽ nông gia có lợi nhờ giá gạo tăng mạnh. Quả thật là trong hai tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất cảng tăng khoảng hai phần ba với giá bán gấp rưỡi so với năm 2010.

Tuy nhiên, một phần đáng kể, ít ra là 15% của mối lợi về xuất cảng lại trút vào các đại gia xuất cảng, tay chân của chế độ. Trong khi nông gia bị thiệt vì mọi nhập lượng như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v... đều tăng. Tính đến cuối Tháng Hai, giá gạo có tăng được 5% thì cũng chưa bù được sự gia tăng của phí tổn canh tác. Gần đây khi chính quyền ra lệnh là phải đảm bảo cho nông dân có được mức lời 30% thì người ta biết rằng nhà nông đã bị bóc lột và bị thiệt vì giá cả. Mà chế độ cũng biết và sợ chuyện đó.

Có lẽ còn sợ hơn những tin tức về cách mạng hoa nhài!

Họ trông chờ vào vụ gặt Đông-Xuân này để giảm bớt tình trạng căng thẳng. Nhưng ngay trước mắt, chế độ lại đang gặp quy luật "hậu quả bất lường" trong kinh tế. Nhu cầu tiết giảm tín dụng để kềm chế lạm phát khiến lãi suất cao đã gây khó khăn cho các công ty thu mua bị thiếu vốn và cho giới sản xuất. Ngành thủy sản đã bắt đầu chóng mặt vì vốn mỏng, tiền lời cao và nhập lượng ngày càng đắt.

Trong khung cảnh bấp bênh đó, những vụ biểu tình phản đối hay khiếu kiện sẽ lại xảy ra, lồng trong mối lo của chế độ về hiệu ứng Trung Đông. Vì vậy, dân chúng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn và mọi phản ứng sẽ bị đàn áp dữ dội hơn. Nhưng chính sức ép đó lại càng gây sức bật như người ta đã có thể thấy khi dân chúng trực tiếp đánh nhau với công an vì những chuyện oan ức ở địa phương.

Những sự kiện kinh tế và xã hội đó chưa thể dẫn tới một cuộc cách mạng như nhiều người trông đợi. Nhưng đang tạo điều kiện cho nhiều biến động rộng lớn hơn nếu tình hình kinh tế tiếp tục sa sút, trong đó, số phận của nông dân mới là yếu tố then chốt nếu họ bị đẩy tới chỗ phải đồng loạt đứng dậy. Khi họ đứng dậy đủ đông thì công an sẽ cởi áo và bộ đội sẽ không nhảy vào đánh người trong nhà, vốn dĩ là bà con nông dân của họ.

Còn lại là khả năng tổ chức của những ai muốn thay đổi. 

Có hay không, câu hỏi này xin nhường cho các nhà cách mạng! (20110310)

Tổng số lượt xem trang