Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Chừng nào chưa rõ ràng, chừng ấy phải trả giá


Cần có sự công khai minh bạch trong đầu tư công. Ảnh: internet
-Chừng nào chưa rõ ràng, chừng ấy phải trả giá

(Tamnhin.net) - Hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam hiện đang là chủ đề nóng, được dư luận quan tâm. PV Tamnhin.net đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quanh vấn đề này.

Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư công bằng khoảng 17-20% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ dưới 5% (Trung Quốc 3,5%, Indonesia 1,6%...). Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam hiện vẫn còn quá kém.

Xin ông cho biết, đâu là vấn đề lớn của đầu tư công tại Việt Nam hiện nay?

Đầu tư công của Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Trước kia, theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì hầu như tuyệt đại đa số mọi đầu tư của xã hội là đầu tư công, còn tư nhân chỉ đầu tư vào xây nhà, xây cửa… chứ không có đầu tư gì nhiều.

Ngày nay, khi Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và có thu hút đầu tư nước ngoài thì đầu tư công vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, có năm ít vẫn chiếm từ 43-46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì thế, đầu tư công rất quan trọng. Tuy nhiên, những vấn đề dư luận hiện nay quan tâm nhiều về đầu tư công đó là hiệu quả đầu tư công quá kém, hay nói cách khác, có đầu tư nhưng tài sản cố định mang lại ngày càng giảm đi; và đầu tư quá dàn trải.

Nếu như năm 2000, đầu tư 100 đồng chúng ta có được 82 đồng là tài sản cố định thì đến năm 2007, chúng ta đầu tư 100 đồng thì chỉ còn 60 đồng là tài sản cố định và có những dự án như xây kè, làm thuỷ lợi thì tài sản cố định chỉ còn 40 đồng thôi, còn 60 đồng đã “hao hụt” đi đâu không rõ?!. Và nếu như tình trạng này còn kéo dài, thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia rất đắt đỏ, bởi Việt Nam sẽ phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để đầu tư làm đường, và đường đó sẽ thu phí, thì xe cộ, người đi lại phải nộp phí, đó là điều mà trên thực tế chúng ta đều đã thấy.

Một vấn đề nữa của đầu tư công hiện nay tại Việt Nam đó là, đầu tư quá dàn trải, người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, ai cũng muốn đầu tư. Hầu như những người lên chức, từ chủ tịch xã đến hiệu trưởng đều muốn đầu tư, bởi vì đầu tư ngoài lợi ích xây cho mình một “đài tưởng niệm” về công lao, sáng tạo thì có lẽ cũng còn có những phần lợi ích “chia chác” của nhà thầu rồi các đơn vị thi công “lại quả”, cho nên vấn đề giám sát đầu tư là rất quan trọng.

Sở dĩ có tình trạng “người người đầu tư, nhà nhà đầu tư” như trên là bởi việc phân trách nhiệm cho người quyết định đầu tư và người thực hiện đầu tư vẫn chưa rõ ràng. Có những công trình đầu tư những con đường thì người thi công nhận thầu (gọi là bên B) chưa kịp làm gì đã bán lại ngay lập tức (sang đối tượng B’) để lấy một  lượng phí, và thậm chí có những công trình được bán đến 4 lần (B’’’’ – B bốn phảy), vì thế thực chất số tiền thực để thi công công trình đó không còn là nhiều. Đó là thực trạng đầu tư công của Việt Nam hiện nay, vì thế Nghị quyết 11 của Chính phủ đòi hỏi phải giảm đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Hiệu quả đầu tư công đã được nhắc đến khá nhiều, tuy nhiên, tại sao tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, thưa ông?

Tình trạng chưa giải quyết được triệt để đó là có vấn đề của lợi ích nhóm, có sự “chia chác” của những người liên quan. Vì vậy, khi Quốc hội ra Nghị quyết cần phải được cắt giảm, giám sát thì nói rất nghiêm nhưng khi thực hiện không được bao nhiêu, đó là vấn đề khó khăn, vì thế muốn làm khác đi thì chúng ta cần phải công khai, minh bạch, nói rõ là ai ký hợp đồng, và người ký hợp đồng ấy có thực thi không hay lại bán lại cho một người thứ hai rồi người thứ tư nữa và bán lại vì lý do gì, điều kiện ra làm sao…tất cả cần phải được công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin và các cơ quan giám sát phải vào cuộc.

Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm rõ ràng đối với người quyết định đầu tư và người thực hiện đầu tư, tránh tình trạng ai ai cũng xin đầu tư dẫn đến tình trạng đồng tiền của nhà nước và dân chi vào đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Và như vậy, một viễn cảnh về Việt Nam sẽ xảy ra, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia “đắt đỏ” từ thu phí cầu đường đường, đến điện, nước,…

Vậy thì việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ hiện nay có phải là cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này không, thưa ông?

Đó là bước đầu tiên, là biện pháp hành chính để làm sao tránh việc đầu tư một cách quá đáng, còn về lâu về dài thì phải thay đổi cơ chế, là phải thay đổi chế độ trách nhiệm thật rõ ràng. Đơn cử như ở Trung Quốc, họ làm như thế này. Có một hội đồng đề ra yêu cầu, muốn sống sót thì về năng xuất phải tăng 3%, xuất khẩu tăng 5%, dùng điện giảm 1%, nước giảm 3% và tiền lương tăng bao nhiêu,… và công bố ai muốn làm giám đốc lập kế hoạch hành động đưa lên, và họ sẽ lập một hội đồng xem xét xem chương trình hành động của ai hay nhất, lúc bấy giờ sẽ bổ nhiệm và nếu được bổ nhiệm mà làm tốt thì tăng lương, không tốt giảm lương và sau 2 năm làm không được thì thay người khác… thế thì chế độ trách nhiệm rõ ràng hơn.

Theo tôi, mình cần làm công khai, minh bạch và ra điều kiện rõ ràng, chứ ở Việt Nam không biết tại sao người này lại đi làm tổng giám đốc cho công ty này và được ít lâu sau lại có một người khác đi lên làm tổng giám đốc thay,… mình không giải thích và cũng không biết trách nhiệm của người đó ra làm sao. Như vậy thì chừng nào chúng ta làm chưa rõ ràng, không có chế độ trách nhiệm, không có luật pháp rõ ràng thì chừng ấy chúng ta còn phải trả giá.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần làm gì?

Cần phải thực hiện ngay công khai minh bạch. Từ việc lập dự toán, lên danh mục và phải có một chế độ hội đồng công khai, độc lập và giám sát độc lập, kiểm toán độc lập và phải có chế độ trách nhiệm rõ ràng, nếu chúng ta tiến được những bước tiến thực sự thì bằng các biện pháp giảm đầu tư công này chúng ta sẽ mạnh lên, có hiệu quả cao hơn và sẽ có năng lực cạnh tranh.

Ngược lại, nếu chúng ta chỉ làm việc cắt giảm mang tính chất hành chính thì việc ấy nó chỉ diễn ra một lần và năm sau lại có cơn khát đầu tư mới, lại có những người mới lên, họ lại nghĩ ra nhiều mẹo hay hơn, nhiều dự án hay hơn,… chúng ta lại nghĩ ra cách này, và như từ trước tới nay, chúng ta đã rất nhiều lần cắt giảm đầu tư công và rồi chúng ta lại phải cắt giảm đầu tư công nữa, thì tôi nghĩ cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi, lặp lại vì thế vấn đề hiện nay là, chúng ta cần đổi mới cơ chế, đó là cần có sự công khai minh bạch trong đầu tư công.

Cũng cùng quan điểm trên, nghiên cứu mới đây nhất của ông Vũ Anh Tuấn- Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư công luôn “phình” to ra theo các năm. 10 năm qua, quy mô vốn đầu tư công tăng tới 3,2 lần, trung bình mỗi năm tăng 13,9 %. Năm 2008, lạm phát, Chính phủ đã rốt ráo rà soát, cắt giảm vốn đầu tư công thì tổng vốn đầu tư công vẫn chỉ thấp hơn một chút so với năm 2007, rồi đến năm 2009, nguồn vốn này lại tăng vọt lên nhờ chủ trương kích cầu đầu tư như để “bù lại sự cắt giảm ít ỏi”.

Vốn đầu tư thì như vậy, song hiệu quả đầu tư thì lại rất kém. Theo thông tin TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Viện Khoa học xã hội tổ chức trong hai ngày 10 và 11/3 tại Cần Thơ vừa qua, cho thấy, hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) cho khu vực nhà nước là 7,8 - cao hơn mức trung bình chung của nền kinh tế là 5,2.


Chu Huỳnh-12 tỉ USD nhập siêu từ Trung Quốc (TNO) -
Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã vọt lên 12,7 tỉ USD trong năm 2010. Trong tám năm qua (2002-2010), nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần và tiếp tục có xu hướng tăng nhanh. Hàng tiêu dùng có xuất xứ Trung Quốc giờ đây đang hiện diện khắp nơi từ trung tâm thương mại, siêu thị đến chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa...

Hàng Trung Quốc bày bán tràn ngập trên đường phố. Trong ảnh: một điểm bán túi xách ở cầu Kiệu, TP.HCM -  Ảnh: CHÂU ANH 
 
 
Hàng trái cây, rau củ từ Trung Quốc được chuyển về chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sau đó đưa ra thị trường - Ảnh: B.HOÀN

Điều đáng nói là nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Trung Quốc đều là những nhóm hàng trong nước có thể sản xuất được như: quần áo, đồ chơi trẻ em, giày dép, rau củ quả... Từ đồ chơi trẻ em...
Tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở tổ 2, khu phố 3, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM có hàng trăm vỉ, bọc đồ chơi được treo, xếp trên tủ, kệ, từ xe đua, xe leo tường đến bộ đồ xếp hình, trái cây, bóng nhựa... ghi xuất xứ Trung Quốc. Ngoài ra, còn khá nhiều vỉ đồ chơi không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi xuất xứ.
Chủ cửa hàng xác nhận toàn bộ số hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng tại cửa hàng này, khi khách hỏi mua đồ chơi trẻ em do VN sản xuất, người bán hàng tìm trong góc sạp một vỉ xếp hình và hai bọc trái cây bằng nhựa. “Đây là hàng tồn từ năm trước. Hiện đồ chơi trẻ em do VN sản xuất không được giao nữa do không thể cạnh tranh với hàng ngoại”, chủ cửa hàng cho hay.

"Hàng Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ, tương tự đi buôn hàng trong nước chứ không phải hàng nhập khẩu"
Ông Nguyễn Bá Định

Đường Trần Bình, Q.6 là khu vực tập trung các đầu mối bán sỉ đồ chơi trẻ em nổi tiếng ở TP.HCM và đi các vùng lân cận. Tại đây, hàng chục căn nhà chỉ sử dụng vào mục đích chứa trữ và bày bán đồ chơi trẻ em.
Hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường đồ chơi trẻ em ở TP.HCM. Chị Hồng Phương, bán mặt hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây (Q.6) đã được ba năm, cho biết thời gian đầu có trên 30% là hàng nội. Đối tượng mua hàng nội chủ yếu là các trường mầm non. Thời điểm đó, những mặt hàng này của Trung Quốc chưa nhiều. Nhưng càng ngày hàng Trung Quốc càng lấn át, đến nay có thời điểm trong sạp bán 100% hàng Trung Quốc.
...Đến quần áo, túi xách
Chợ đêm Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp là nơi mua sắm quần áo, giày dép, túi xách, thú bông, dây đeo cổ... của rất đông công nhân các nhà máy, sinh viên và người dân sống ở khu vực này. Với mức giá mềm, trên 100.000 đồng có thể mua được túi xách, giày dép thời trang, khoảng 60.000 đồng mua được áo, 30.000 đồng/chiếc thắt lưng... khu mua sắm này luôn nhộn nhịp vào tất cả các ngày trong tuần.
Tuy nhiên, đại đa số hàng hóa cũng được nhập về từ Trung Quốc. Thu Huệ, bán hàng tại đây, cho biết một chiếc túi giá 120.000 đồng, giá đầu vào chỉ 50.000-60.000 đồng. Với các mức giá này, hàng trong nước không đáp ứng được. Huệ cho biết trước đây còn có quần áo đồ bộ của một số cơ sở may mặc ở Q.6 hay Q.Bình Tân đến bỏ mối. Nhưng nay Huệ từ chối hết vì mức lời không bằng hàng Trung Quốc. Trung tâm bán sỉ những mặt hàng này là khu vực chợ An Đông, Q.5 và chợ Bình Tây, Q.6.
Các tiểu thương cho biết giá đầu vào rẻ, lợi nhuận cao là một trong những lý do khiến túi xách, mắt kính, phụ kiện thời trang... Trung Quốc đánh bật hàng nội tại các chợ.
Ghi nhận thị trường hàng tiêu dùng ở TP.HCM cho thấy sự hiện diện của hàng Trung Quốc còn ở nhiều mặt hàng, chủng loại sản phẩm khác nhau. Tại các siêu thị, chén đĩa, ly thủy tinh, ly nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa, inox, thậm chí đến cả dây thun cột tóc, bì thư, móc khóa... đều được nhà nhập khẩu hàng Trung Quốc đưa vào tiêu thụ tại VN.
Hàng tiêu dùng Trung Quốc nhiều tới mức, theo nhân viên một công ty chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, khoảng hơn một năm trở lại đây tất cả các lô hàng nhập khẩu nhân viên này làm thủ tục hải quan đều là hàng Trung Quốc!
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Hàng rào thuế vô hiệu
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2008-2010, mười nhóm hàng tiêu dùng có giá trị nhập khẩu lớn từ Trung Quốc vẫn luôn giữ tốc độ năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, nhập khẩu hàng tiêu dùng từ thị trường Trung Quốc đã lên tới 1,84 tỉ USD. Một trong những mặt hàng có đóng góp khá lớn vào nhóm này là hàng rau củ, trái cây.
Mặc dù đây là hàng VN có thế mạnh sản xuất trong nước, với những vùng trồng rau và trái cây có thương hiệu, nhưng hàng Trung Quốc giá rẻ và bảo quản lâu dài vẫn chiếm được chỗ đứng vững chắc ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu rau quả nguồn gốc Trung Quốc lên tới 156,13 triệu USD, chiếm 53,1% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ tất cả các thị trường.
Đêm 22-3, tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhiều loại trái cây và nông sản nguồn gốc Trung Quốc liên tục được dỡ xuống từ các xe tải, xe container lạnh để chuyển vào tiêu thụ tại các sạp ngay trong đêm. Ngoài một số loại trái cây như táo, lê... là mặt hàng đặc thù của Trung Quốc, tại chợ còn có hàng chục sạp bán sỉ các loại trái cây vốn là thế mạnh của hàng Việt như quýt, cam, dưa...
Tại khu vực bán hàng nông sản, nhiều sạp treo biển “chuyên bán sỉ rau củ Đà Lạt” nhưng thực tế chuyên bán hàng nông sản Trung Quốc, đặc biệt là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi, gừng... Đây là những mặt hàng mà các vựa rau ở Đà Lạt và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM không thiếu.
Anh Trần Quang Phương, tiểu thương kinh doanh hàng nông sản, cho biết: “Tôi từng làm hàng Đà Lạt, nhưng nay hàng Đà Lạt sao “ăn” bằng hàng Tàu? Hành tây 6.000 đồng/kg, hành tím 22.000 đồng/kg, tỏi 45.000 đồng/kg, giá bán chỉ bằng một nửa hàng nội nên rất chạy”. Ngoài ra, theo các tiểu thương, cà chua Trung Quốc rẻ hơn cà chua Đà Lạt 3.000 đồng/kg, lại bảo quản được lâu hơn nên ngày càng phổ biến. Bắp cải, cải thảo... cũng cạnh tranh với rau Đà Lạt vì những lý do này.
Ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan phụ trách khu vực Cát Lái, cho biết rất nhiều loại nông sản Trung Quốc đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% nên biện pháp hạn chế bằng hàng rào thuế quan hoàn toàn vô hiệu. Thế nhưng, hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay vẫn chưa được dựng lên. Nhờ đó hàng Trung Quốc vào VN quá dễ, tương tự đi buôn hàng trong nước, chứ không phải hàng nhập khẩu từ quốc gia này sang quốc gia khác!
Chiếm lĩnh thị trường điện thoại
Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy hàng trăm loại sản phẩm điện tử, linh kiện, thiết bị điện có nguồn gốc Trung Quốc đang được tiêu thụ số lượng lớn. Nhiều loại điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc như: Q-Mobile, Philips, Ktouch, Mobell... xuất hiện ở hầu hết các cửa hàng, trung tâm phân phối điện thoại di động.
Na ná các sản phẩm có thương hiệu đắt tiền, thậm chí nhái hàng cao cấp như iPhone, Vertu... nhưng giá chỉ 1-2 triệu đồng hoặc dưới 1 triệu đồng vẫn có chức năng đa phương tiện nên hàng Trung Quốc đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần tiêu thụ bình dân. Anh Nguyễn Văn Thắng, bán hàng điện thoại di động ở đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, cho biết các loại linh kiện như: vỏ máy, bao máy, pin sạc, phần mềm thay thế, cục sạc pin... Trung Quốc chiếm 90-95% linh kiện bày bán trên thị trường.
 
Một cửa hàng chuyên kinh doanh linh kiện điện thoại di động từ Trung Quốc trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM   - Ảnh: T.Đạm
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của cả nước năm 2010 khoảng 936 triệu USD, riêng hàng Trung Quốc chiếm 84,5%, tức 791 triệu USD.
Theo Tuổi Trẻ

Tổng số lượt xem trang