Thông thường, công lý luôn thực thi muộn mằn đối với các vị độc tài, chính khách có tội lỗi với nhân dân mình hay dân tộc mà họ đến xâm lăng. Nhưng với nhà độc tài Muammar Gaddafi, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Tòa án Quốc tế The Hage tiến hành điều tra tội ác của một nguyên thủ quốc gia ngay từ lúc tội ác đang diễn ra và còn tiếp diễn. Vậy là, ánh sáng công lý đã rọi vào nhà độc tài của Libya, người bốn mươi năm qua núp bóng dưới tư tưởng "xã hội vĩ đại", kết hợp xã hội chủ nghĩa với dân chủ nhân dân và Hồi Giáo.
Chúng ta cùng xem lại sự việc pháp lý mới này.
Nhân loại tiến bộ chung nhau những giá trị phổ quát
Nhân loại đang tiếp tục những bước tiến dài trong việc tổ chức cuộc sống cộng đồng trên hành tinh chúng ta. Các quốc gia, dân tộc đang gắn kết nhau thành thể thống nhất dưới tên gọi Nhân loại hay Toàn cầu hóa. Chúng ta đang chứng kiến những quá trình gia tăng tính hợp tác, hợp nhất quốc gia và cơ quan tổ chức toàn cầu. Liên hợp quốc, WTO, Worldbank, UNDP, FAO, WHO, WWO, Interpol... là những khởi đầu của những tổ chức cấp toàn cầu ấy.
Đặc biệt, hai tổ chức quy mô nhất là:
- Năm 1945, thành lập Liên Hợp Quốc (United Nations - UN) để giúp các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau thông qua những điều luật chung của Quốc tế, để giải quyết những xung đột giữa các quốc gia có thể dẫn đến đe dọa nền An ninh của Thế giới, để giúp phát triển Kinh tế ở những quốc gia còn lạc hậu, để giúp đỡ các vấn đề Xã hội, Nhân quyền, và tạo ra nền Hòa bình chung cho cả Thế giới.
- Năm 1995, thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) với chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại trên toàn cầu.
Các quốc gia ồ ạt kéo nhau tham gia dần vào các công ước quốc tế, đăng ký ra nhập các tổ chức quốc tế. Các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau làm theo quy trình và chuỗi giá trị quốc tế để làm ăn chung, tiền tệ, ngoại giao, luật pháp, an ninh đều với chuẩn mực chung... Điển hình nhất là vào năm 1948, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được phê chuẩn như căn cứ pháp luật cho mọi công dân trên trái đất này có được cuộc sống tốt đẹp hơn –không cần biết người đó sống ở tại đâu, mang quốc tịch nước nào, hay theo tín ngưỡng tôn giáo nào.
Tóm lại, nhân loại đi những bước vững vào tương lai với các giá trị chung, tri thức chung, phía của ánh sáng nhiều tự do, nhiều đa dạng, thế giới của đại đồng không còn độc tài. Phía ngược sáng, nhiều dân tộc, quốc gia có nguy cơ trở thành "Mù Căng Chải", "rừng rậm nhiệt đới hoang vu không bóng người"... tụt hậu với xu thế hợp nhất đang diễn biến mau lẹ.
Dấu hiệu của điều đáng lo ngại ấy là đói nghèo, giáo dục thấp, kinh tế kém phát triển, không có sự giao lưu tức thời về khoa học-công nghệ, kinh tế-chính trị... Rất nhiều quốc gia được thế giới biết đến rất muộn và cũng ít giao thương, hiểu nhiều về thế giới. Cuộc sống tại các nước ấy lạc hậu và xa lạ với nhiều giá trị chung của nhân loại. Những phương cách tổ chức quốc gia văn minh, những giá trị phổ quát như công lý, hiến pháp, tam quyền phân lập, tự do, dân chủ, quyền lực của nhân dân, quyền công dân, nhân quyền, bình đẳng, cộng hòa... của nhân loại được người dân rót tai nhau bập bõm nơi xô bồ, hoặc mới chỉ được vài nhà lập quốc đăm chiêu nghĩ ngợi, vài nhà trí sĩ bừng hiểu muộn mằn từ thực tiễn cuộc sống. Thật may, một vài sự hỗ trợ toàn cầu về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cải cách tư pháp để chống tham nhũng, viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo... đã giúp cho các quốc gia lạc hậu tránh bị tụt hậu hơn với đà quay của bánh xe lịch sử Toàn cầu hóa.
Xét xử tội ác chống lại loài người
Cũng trên lộ trình toàn cầu hóa đó là hoạt động chống tội phạm toàn cầu. Những kẻ tội phạm, tổ chức tội phạm, khủng bố bị truy đuổi và xét xử trên phạm vi nhiều nước, quốc tế. Đến cả những kẻ độc tài lạm dụng quyền lực nhà nước hành xử với nhân dân, các cá nhân trái với giá trị phổ quát của loài người. Hãy xem định nghĩa tội ác chống lại nhân loại theo Bộ luật quốc tế năm 1996:
Tội ác chống nhân loại bao gồm một trong các hành vi sau, khi được thực hiện có hệ thống hoặc trên phạm vi lớn hoặc được âm mưu, chỉ đạo do một chính phủ hay tổ chức, tập thể:
(a) Giết người;
(b) Hủy diệt;
(c) Tra tấn;
(d) Nô lệ hóa;
(e) Khủng bố chính trị hay của, chủng tộc, tôn giáo, bộ lạc;
(f) Phân biệt chủng tộc, bộ lạc, tôn giáo liên quan đến sự xâm phạm các quyền cơ bản và tự do của con người dẫn đến sự tổn thất nặng nề về số dân;
(g) Tự ý ép buộc, dùng vũ lực trục xuất, lưu đày;
(h) Tự ý giam hãm;
(i) Ép buộc, dùng vũ lực gây ra sự mất tích;
(j) Cưỡng hiếp và các hành vi lạm dụng tình dục khác;
(k) Những hành động mất nhân tính gây ra thương tổn nặng nề đến tình trạng thể chất hoặc tinh thần, sức khỏe hay phẩm chất con người, như gây tổn thương, tàn tật hay tổn hại khốc liệt cho thân thể.
Lãnh đạo quốc gia lúc còn sống bị bắt và xử đầu tiên theo điều luật này là Slobodan Milošević (1941 – 2006) là Tổng thống Serbia từ năm 1989 đến 1997, sau là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Tư từ năm 1997 đến 2000. Sau khi ông bị thua trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001, ông bị cảnh sát bắt giam về tội danh "Lạm dụng quyền lực", rồi bị dẫn độ và đưa ra xét xử tại Tòa án quốc tế tội phạm chiến tranh ở Den Haag (La Hay), Hà Lan.
Milošević là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị Tòa án quốc tế Den Haag truy tố vì tội diệt chủng và các tội ác chống lại loài người, cộng thêm tội ác chiến tranh ở Croatia, Bosna và Kosovo hồi những năm 1990. Ông cũng bị buộc tội có hành động diệt chủng trong cuộc chiến Bosna từ 1992–1995 làm 200 nghìn người thiệt mạng.
Và nay, Muammar Gaddafi và cộng sự đối mặt với điều tra của Tòa án Quốc tế The Hage về tội "tội ác chống lại nhân loại". Tòa Tư pháp Quốc tế tại Hague tuyên bố có cuộc điều tra tìm hiểu xem lãnh đạo Libya, là đại tá Gaddafi và các cộng sự, có phạm tội ác chống lại nhân loại không khi có những hành vi dùng bạo lực tấn công những người biểu tình ôn hòa.
Ngày 3/3/2011, công tố viên trưởng của Tòa án Quốc tế, Luis Moreno-Ocampo, đã nêu đích danh đại tá Gaddafi, các con trai của ông này và lãnh đạo nhiều tổ chức an ninh của ông ta. Ông Ocampo nói ông đã cảnh báo với giới lãnh đạo Libya là họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu các lực lượng của họ phạm tội ác và ông đã yêu cầu tòa án bắt giam trong vài tháng tới theo một danh sách bao gồm ông Gaddafi, các con của ông ta và những người thân cận như chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát.
Chúng ta cùng nhau chờ đợi sự kiện pháp lý và thực thi công lý tiếp theo của Tòa án Quốc tế The Hage như một minh chứng nữa về sự hợp nhất loài người với những giá trị chung phổ quát dưới mái nhà chung - “Quốc gia Toàn cầu”.