Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Nước Mỹ có còn là số một?

-- Fareed Zakaria, TS khoa học chính trị Đại học Havard: Nước Mỹ có còn là số một? (SGGP) dịch lại từ bài -.Are America's Best Days Behind Us? (time) Vietnam Boyz - Mafiovi đã báo tin cho ttngbt hôm qua.

Fareed Zakaria, 47 tuổi, tiến sĩ khoa học chính trị Đại học Havard và là biên tập viên kỳ cựu của Tạp chí Newsweek, sau đó là Time của Mỹ, vừa có bài viết phản ánh về thực trạng nước Mỹ hiện nay đăng trên Tạp chí Time. SGGP trích giới thiệu với bạn đọc.
  • Tụt giảm trong nhiều lĩnh vực
Tôi là người Mỹ không phải là do được sinh ra ở đây mà do lựa chọn (ông sinh ra ở Mumbai, Ấn Độ sau đó di cư tới Mỹ - PV). Tôi chọn để trở thành người Mỹ vì tôi yêu đất nước này và nghĩ rằng đây là đất nước đặc biệt. Nhưng khi nhìn ra thế giới ngày hôm nay với làn gió thay đổi công nghệ và cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ, nó làm tôi căng thẳng. Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là trong khi các yếu tố này ngày càng lớn mạnh thì người Mỹ dường như không thể nắm bắt được những thách thức của nó. Bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, hầu hết người Mỹ tin rằng nước Mỹ vẫn là số một.
Nhưng thực sự có như vậy không? Vâng, nước Mỹ vẫn là nền kinh tế và là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với các công ty công nghệ năng động nhất và môi trường kinh doanh tốt. Nhưng đi sâu vào thì sẽ khác. Những quyết định tạo ra tốc độ tăng trưởng ngày nay gồm những quyết định về giáo dục, hạ tầng… đã được quyết cách đây nhiều thập niên. Những gì chúng ta chứng kiến ngày nay về sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ chính là do những chính sách và phát triển những năm 1950-1960. Nó bao gồm hệ thống đường cao tốc liên bang, đầu tư lớn cho khoa học và công nghệ, hệ thống giáo dục công mà thế giới từng ước ao và chính sách di dân hào phóng.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mỹ đứng thứ 17 trên thế giới về khoa học và thứ 25 về toán. Đứng thứ 12 trong số các nước phát triển về tỷ lệ tốt nghiệp đại học (so với số 1 cách đây nhiều thập niên), đứng thứ 79 về số học sinh đến trường ở bậc tiểu học, đứng thứ 23 trên thế giới về cơ sở hạ tầng, sau rất nhiều nước phát triển khác. Nền y tế Mỹ cũng đã tụt hậu.
Theo OECD và Tổ chức Y tế thế giới, Mỹ đứng thứ 27 trên thế giới về tuổi thọ, đứng thứ 18 về các ca bị tiểu đường và đứng đầu thế giới về tỷ lệ người béo phì. Cách đây nhiều thập niên, con số này đều khả quan hơn nhiều. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn còn là số một thế giới ở những điều không tốt đẹp gì: vẫn là nước có súng nhiều nhất, có tỷ lệ tội phạm cao nhất trong các nước phát triển và gần đây nhất là con nợ lớn nhất thế giới.
Giáo viên của Mỹ tại Miami, Florida phản đối cắt giảm chi tiêu giáo dục.
  • Sự trỗi dậy của phần còn lại thế giới
Những thay đổi nói trên không chỉ do nước Mỹ sẩy chân mà còn do các nước khác cũng đang biết cách phát triển như Mỹ: phát triển để chiến thắng. Ngày nay, nhiều nước cũng có thể sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ nhiều hơn trong khi giảm bớt nhân công, thay đổi diễn ra ở khắp nơi với tốc độ chóng mặt. Đó là thế giới mà Mỹ phải đối mặt. Thế nhưng nước Mỹ dường như chưa sẵn sàng để thay đổi tận gốc mà chỉ đơn giản là  tranh luận về sắp xếp chỗ ngồi trên con tàu Titanic.
Hiện đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tranh cãi nhau về việc cắt giảm chi tiêu. Nhưng việc cắt giảm đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu khoa học, cơ sở hạ tầng và năng lượng thay thế không những chẳng tiết kiệm được bao nhiêu mà còn gây hại nền kinh tế trong phát triển dài hạn.
Trong khi đó các nước Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào giáo dục, khoa học, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Chúng ta cắt giảm đầu tư và tăng trợ cấp tiêu dùng - đi ngược với động lực phát triển kinh tế. Dường như các nhà chính trị Mỹ đang gìn giữ quá khứ hơn là đầu tư cho tương lai. Không hề có những nhóm vận động cho các ngành công nghiệp tương lai, chỉ có các công ty vận động vì chính túi tiền của họ. Không có các nhóm quan tâm đến sự thịnh vượng kinh tế cho thế hệ tương lai của Mỹ, chỉ có những người muốn trục lợi chính phủ trước mắt.
Những thành công trong lịch sử đã biến nước Mỹ trở nên xơ cứng. Chúng ta đã ngồi trên đỉnh thế giới gần một thế kỷ, những thắng lợi liên tiếp về kinh tế, chính trị và quân sự đã làm cho chúng ta hoàn toàn tin rằng nước Mỹ vẫn là số một mãi mãi. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, chúng ta chỉ điều chỉnh nhưng tế bào ung thư tiềm ẩn vẫn  tiếp tục phát triển, đe dọa nuốt cả hệ thống.
FAREED ZAKARIA
KHÁNH MINH
dịch

Tổng số lượt xem trang