Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Giữ nguyên hiện trạng ruộng đất để tránh gây xáo trộn

Giữ nguyên hiện trạng ruộng đất để tránh gây xáo trộn
picture
Có chia lại ruộng đất vào năm 2013? Như đã đề cập ở số báo trước, việc có chia lại ruộng đất vào năm 2013 (thời điểm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm giao theo Luật Đất đai 1993 hết hạn sử dụng 20 năm) hay không là nội dung được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai hiện hành.
Ý kiến người dân phân rõ thành hai quan điểm, một là muốn chia lại, hai là giữ nguyên hiện trạng. Vậy ý kiến của cơ quan quản lý và các chuyên gia về vấn đề này như thế nào?
Theo Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nếu năm 2013 chia lại ruộng đất thì sẽ có tác động, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu gia đình. Việc chia lại đất gây xáo trộn và tạo cảm giác bất an cho người dân. Đây là vấn đề quá phức tạp, không nên xới lên mà cần chấp nhận hiện trạng.
Chia lại sẽ rối tinh
Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong gần 20 năm qua đã có rất nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất đã được nhận bồi thường bằng tiền hoặc bằng nhà, đất. Nếu chia đất cho những hộ này sẽ là bất bình đẳng về quyền lợi giữa những gia đình đã nhận bồi thường và những hộ chưa có đất bị thu hồi. “Điều tiết lợi ích như thế nào là vấn đề nan giải. Việc chia lại sẽ rất phức tạp, đặc biệt với những hộ đã bị thu hồi đất và đã nhận tiền bồi thường” - ông Đỗ Đức Đôi, Giám đốc Trung tâm lưu trữ và thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, nhấn mạnh.
Cùng cách nhìn nhận, ông Nguyễn Hữu Tiệm - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh cho rằng: “Nếu giao lại đất thì rất phức tạp. Với người đã có đất bị thu hồi, đã nhận tiền bồi thường thì tính sao? Nên xác định đây là việc giao đất lâu dài. Thực tế thì người dân đã có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế… Trường hợp đất không còn ai thừa kế thì nhà nước lấy lại để phục vụ lợi ích chung”.
Nhiều quan điểm cho rằng không nên chia lại ruộng đất để cho người dân yên tâm canh tác. Ảnh: Tam Anh
“Cần giao đất luôn cho người dân. Bỏ thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm quy định trong luật hiện nay đi. Dân đã sử dụng rồi thì giao vĩnh viễn cho họ. Nếu chia lại thì sẽ rối tinh lên” - ông Vũ Trọng Bình, Phó Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh. Phía Hội Nông dân Việt Nam cũng có chung quan điểm này.
Giữ nguyên hiện trạng
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết luồng ý kiến không nên chia lại ruộng đất có ưu thế hơn so với ý kiến nên chia lại. Bởi không chia lại đất tiện lợi, ít tốn kém phát sinh, tránh được việc gây xáo trộn và có thể gây phương hại đến quyền lợi kinh tế cho cá nhân, tổ chức đã được giao đất; tránh được nguy cơ gây bức xúc trong dân, nguy cơ bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội. Điều này còn phù hợp với ý kiến, nguyện vọng của đa số hộ gia đình, cá nhân.
Từ thực tiễn điều tra, Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất: Không nên chia lại đất mà giữ nguyên hiện trạng. Cùng với đó, nên bỏ thời hạn và nên giao đất vĩnh viễn cho hộ gia đình, cá nhân để tránh lặp lại tình trạng như hiện nay. Mặt khác, nên xem xét cho các hộ bị thu hồi 50%-100% diện tích đất đã giao được thuê đất công ích nếu địa phương có quỹ đất và người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục, việc có chia lại ruộng đất hay không là vấn đề lớn nên Bộ TN&MT đang xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.
Phải chuyển nhượng nếu không sản xuất
Nếu năm 2013 không chia lại ruộng đất thì với những người không có hoặc thiếu đất sản xuất sẽ giải quyết thế nào? Theo ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, có nhiều biện pháp để điều tiết lại đất mà không cần phải chia lại. Cụ thể, những người không còn đất nhưng có nhu cầu sản xuất thì có thể nhận chuyển nhượng hoặc thuê đất.
Ông Vũ Trọng Bình nêu giải pháp cụ thể: Cần có quy định người dân đã không ở địa phương trong một thời hạn nhất định, có thể 1-2 năm, thì phải chuyển nhượng đất nông nghiệp đó cho người khác theo giá thỏa thuận. Nếu quá thời gian đó người dân chưa chuyển nhượng đất cho người khác thì Nhà nước sẽ “mua” theo giá của Nhà nước. Quỹ đất Nhà nước “mua” lại này sẽ dùng để giao lại cho người không có ruộng hoặc đưa ra đấu thầu. “Một người ở Thái Bình nhưng vào TP.HCM làm ăn tới cả năm rồi thì trong trường hợp này họ buộc phải chuyển nhượng ruộng cho người khác hoặc “bán” cho Nhà nước” - ông Bình ví dụ.
7% đất được giao đã bị thu hồi, theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai. Khảo sát cho thấy mức độ chênh lệch giữa số suất đất hiện tại so với số suất đất khi giao là không đáng kể, chỉ tăng 1% (mỗi suất đất 1-3 sào). Số suất đất biến động không nhiều là do chênh lệch giữa nhân khẩu mới sinh và chuyển đến khá cân bằng với số nhân khẩu chuyển đi, mất đi.
Để lại vì chưa quyết được
Câu hỏi đến năm 2013 có chia lại đất nông nghiệp hay không đã được đặt ra từ năm 2003, khi thông qua Nghị quyết Trung ương số 26 (khóa IX). Khi đó, 50% số ý kiến ủy viên Trung ương đồng ý chia lại, 50% đồng ý kéo dài thời hạn. Vì vậy, vấn đề khó khăn này được để lại quyết định sau, vào trước năm 2013.
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Chỉ là tương đối
Chúng tôi đã tính thử, nếu chia lại thì các hộ cũng chỉ được giao đất tương đương với diện tích hiện nay. Nhà tôi có bảy người, ba cháu nội không có ruộng. Dù vậy, tôi vẫn thấy không cần phải chia lại ruộng đất. Sự công bằng cũng chỉ là tương đối.
Ông VŨ XUÂN THỤ,
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên)
Kéo dài thời hạn với đất trồng cây lâu năm
Theo tôi, với đất trồng cây lâu năm thì vẫn cần có thời hạn nhưng cần kéo dài hơn so với hiện nay, có thể là 100 năm thay vì 50 năm. Như vậy, người dân sẽ yên tâm đầu tư hơn. Sở dĩ vẫn phải duy trì thời hạn đối với loại đất này là do trong đất này có cả đất rừng nên nhà nước cần có sự điều chỉnh.
Ông VŨ TRỌNG BÌNH, Phó Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT
HOÀNG VÂN

Tổng số lượt xem trang