Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Quá Tam Ba Bận (Nguyễn Xuân Nghĩa)

-Quá Tam Ba Bận
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên NgoàiNguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20110307

Trận bão thứ ba của thế kỷ 21
    Chúng tôi không chịu được nữa!&@#!  

Người viết vốn hay tự làm khó nên kỳ này sẽ viết về ba vụ khủng hoảng đã ụp vào nước Mỹ từ khi thế kỷ 21 mở đầu. Xin quý độc giả cài dây an toàn và ôm phao cho chặt....

Do hoàn cảnh địa dư, lịch sử và văn hóa, người dân Hoa Kỳ thường tin rằng việc khó đến mấy thì nước Mỹ cũng thực hiện được. Kể cả đưa người lên cung trăng. Cũng người dân lạc quan đó lại hay hốt hoảng khi gặp tai ương mà các dân tộc khác đã từng bị, nhưng với dân Mỹ thì vẫn là bất ngờ trong lịch sử quá mỏng của quốc gia. 
Trong chế độ dân chủ, và qua các cuộc bầu cử hai năm lại có một lần, phản ứng hốt hoảng bi quan đó có làm lãnh đạo thay đổi chính sách. Nhìn từ bên ngoài, người ta cho rằng Mỹ bất nhất, cứ đổi trắng thành đen, nay nói thế này mai đòi thế khác. Những thay đổi ấy có khi ảnh hưởng đến thế giới - và gieo họa cho người khác - mà dân Mỹ không biết. 

Đôi khi có biết cũng bất cần! Vì vậy mà phục Mỹ và ghét Mỹ cũng là phản ứng của đa số người dân các nước.

Huống hồ quy phạm về đối ngoại của lãnh đạo Hoa Kỳ trong suốt thế kỷ 20 là can thiệp tứ tung để khu vực nào cũng ở vào thế quân bình bất ổn: chẳng cường quốc nào có thể đe dọa mà còn cần đến sự hợp tác của Mỹ. Như Mỹ hợp tác với Liên Xô để chống Đức quốc xã, rồi yểm trợ Tây Đức trong Âu Châu bị chia hai để chặn cửa Liên Xô. Sau đó hợp tác với Bắc Kinh cũng để làm suy yếu Liên Xô.... Trong trò đảo điên ấy, việc hy sinh đồng minh và hợp tác với kẻ thù thì đã là thường tình.

Sau khi giáo đầu tuồng về bối cảnh chung, xin nói về thế kỷ 21, cứ coi như bắt đầu từ năm 2001.


***

    Hạ cánh thiếu nhẹ nhàng


BỐI CẢNH TẠI HẬU TRƯỜNG


Tất cả những ai lên lãnh đạo đều tất nhiên lãnh di sản xấu tốt của người tiền nhiệm. Đôi khi còn được bầu lên để hót rác do người trước để lại. Biết vậy mà trình bày cho khéo - như Franklin Roosevelt hay Ronald Reagan - và không ăn vạ hoặc đổ lỗi, thì có thể huy động quần chúng vào sứ mệnh cao cả làm xã hội tiến hóa được mấy chục năm và được lịch sử coi là anh minh mà bỏ qua những lầm lỡ lụp chụp. 

Hai tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong thế kỷ 21, George W. Bush và Barack H. Obama không thuộc loại đó.

Năm 2001, Hoa Kỳ vừa tỉnh giấc hồ hởi sau khi bong bóng đầu tư bị bể từ vụ sụt giá cổ phiếu loại "cao kỹ", hai tếch.

Số là trong năm năm liền, 1996-2000, cổ phiếu Mỹ lên giá vù vù. Mỗi năm tăng 20% thì ai chẳng lạc quan? Học giả ồn ào viết sách về phép lạ của cách mạng tín học hoặc tưởng là sinh hoạt kinh tế từ nay sẽ bốc khỏi sức hút của trái đất chứ không rơi vào chu kỳ kinh doanh như đã từng thấy trong quá khứ. Đó là hiện tượng hồ hởi sảng, irrational exhuberance, mà Alan Greenspan nói tới từ 1996.

Khi ấy, ông Tổng thống may mắn và láu cá như Xuân Tóc Đỏ là Bill Clinton gặt hái thành quả của sự hồ hởi. Và để lại cho ông Tổng thống nổi tiếng "sát quân" là George W. Bush một núi rác. Bên trong có hai quả bom.

Xin chào mừng thế kỷ 21 với ông Bush 43, người có sống mũi sắc như dao nên số phận vất vả!

    Họa vô đơn chí!

Quả bom thứ nhất, nhỏ xíu, là suy trầm kinh tế từ Tháng Ba đến Tháng 11 năm 2001 khi nhạc lắng mây chìm vì cổ phiếu cao kỹ loại dot.com biến ra dot.coma từ Tháng Ba 2000. Vừa nhậm chức xong, hai tháng sau, Bush 43 lãnh thẹo. Nhưng quả bom thứ nhì mới dữ dội: vụ khủng bố 9-11, âm ỉ từ thời Clinton và bùng nổ vào Tháng Chín năm 2001.

Phản ứng của Chính quyền Bush với hai trái bom đó mới dẫn đến vụ khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng ta đang kỷ niệm năm thứ ba của vụ khủng hoảng tài chính này.

Nó có vẻ - có vẻ thôi - manh nha từ chuyện tổ hợp đầu tư Bear Sterns bị vỡ nợ vào Tháng Ba năm 2008, lên tới cao điểm là sự sụp đổ của các đại gia tưởng như vững chãi ngàn năm là Lehman Brothers, AIG, hay Fannie Mae, Freddie Mac, v.v.... vào Tháng Chín. 

Bây giờ, Hoa Kỳ đang lãnh cơn hậu chấn của vụ khủng hoảng ấy thì đầu năm 2011 lại thấy Trung Đông có biến!

Khi nói đến sự nối kết liên hoàn của ngần ấy biến cố trong mười năm đầu của thế kỷ 21 - nào dot.com, suy trầm, khủng bố rồi khủng hoảng tài chính và chuyện Trung Đông - rõ là người viết tự làm khó.

Và gây khó cho độc giả!


***


    Vào dinh Saddam Hussein 


CẬN CẢNH VÀ CHÍNH TRƯỜNG


Từ khi nhân loại áp dụng quy luật kinh tế tự do - gần đây thôi, từ thời... Nguyễn Huệ hay Washington - người ta nghiệm thấy là sinh hoạt kinh tế thường thăng giáng theo chu kỳ: sáu bảy năm lại một lần đình trệ, hơn một năm là lại hết. Lý do? Xin miễn dông dài mà cô đọng vào... Dịch lý của thủy lợi: khi kinh tế tăng trưởng thì tiền trôi như nước nên gây úng thủy và ung thối tại những nơi thiếu khai thông. Doanh nghiệp kém hiệu năng thì chết ngộp và tiêu vong, nhường chỗ cho doanh nghiệp khác xuất hiện và lại tung hoành. Cho đến trận lụt sau. Nhưng suy trầm có thể kéo dài thành suy thoái hay khủng hoảng nếu được ứng phó bằng liều thuốc đổ bệnh.

Nhìn như vậy, suy trầm năm 2001 hay 2008 chẳng là điều lạ. Khốn nỗi, kinh tế còn có nhà nước.

Và nhà nước phải nhảy vào khai thông. Bị nạn suy trầm dồn trong vụ khủng bố 9-11, ông Bush khai thông bằng chánh sách nước đôi - tuyệt nhiên xin không chơi chữ!

Ông khuyến khích dân Mỹ tiêu thụ hầu kích thích kinh tế - và cũng để cho thấy là Hoa Kỳ không sợ khủng bố đến nỗi đổi thói sinh hoạt của mình. Rồi ông khai mở cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến ông gọi là toàn cầu. Cuộc chiến toàn cầu dẫn tới Suy trầm toàn cầu: Global War on Terror dẫn tới Global Recession!

Sai lầm căn bản ở đây là cách nhìn: khủng bố chỉ là phương pháp. Ý thức hệ cực đoan và chủ trương toàn trị khối Hồi giáo của nhiều nhóm cuồng tín mới là vấn đề.

Nhớ lại thì giữa suy trầm - đã rắc rối thì miễn nói về vụ các doanh nghiệp bất lương như Enron phá sản cuối năm 2001 - mà tiến vào chiến tranh, ông Bush lại không có phản ứng khôn khéo của Roosevelt và Reagan. Không hùng biện giải thích và kêu gọi hy sinh cho sứ mệnh cao cả, hoặc cụ thể là tăng thuế đề tìm nguồn tài trợ chiến phí. Ông tiến hành chiến tranh cứ tưởng như miễn phí và vượt qua suy trầm nhờ hai vòi nước.

Xin lại không chơi chữ!

Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất tới sàn, rồi bơm tiền vào kinh tế cho dân xài, và vào công khố cho nhà nước chi. Vòi nước thứ hai thì không do Chính quyền Mỹ mà do máu tham của thị trường. Các nước Đông Á ào ạt bơm tiền vào Mỹ để kiếm lời - đứng đầu là đại xì thẩu Trung Quốc. Dân Mỹ lạc quan vì tiền rẻ và lãi suất hạ, nên lại bắt đầu đi thổi bong bóng!

Sau khi trái bóng cao kỹ bị bể năm 2000, tiền vào như nước đã chảy từ thị trường cổ phiếu qua thị trường gia cư và tạo ra "hiệu ứng phồn thịnh" - wealth effect: thấy mình giầu hơn nhờ tài sản lên giá, trước nhất là cái nhà, nên lại tiếp tục xài. Ngôi nhà là vật đầu tư, mua qua bán lại dễ như lật bàn tay, dại gì không nhảy vô đó kiếm chút cháo... bồ dục?

Vì nếu tính theo "giá trung vị" - median price, có giá trị tiêu biểu hơn "giá trung bình" là average price - thì ba chục năm liền, trị giá một ngôi nhà tiêu biểu tại Mỹ chỉ xê dịch giữa 125 tới 175 ngàn (sau khi giảm trừ lạm phát, tất nhiên). Thế rồi từ khi thế kỷ 21 mở ra, từ 2001, giá nhà lại ra khỏi biên độ ấy, và tăng vọt từ 2002 đến 2006 tới đỉnh cao là hơn 250 ngàn một căn. Rồi sụt! Sức hút của trái đất mà.

Nhưng chưa hết.


    Ngôi nhà như bóng bay 

Chủ trương xã hội của nhà nước - đề xướng từ thời Jimmy Carter đến Clinton và được Bush 43 duy trì - còn lập ra thủ tục giúp dân nghèo cũng có nhà. Chính sách "hữu sản hóa" duy ý chí này dẫn tới loại tín dụng thứ cấp, sub-prime, trong thị trường tài trợ gia cư. Dân nghèo hồ hởi đi vay quá khả năng hoàn trái. Công ty tài trợ thì cho vay với tiêu chuẩn rủi ro quá cao mà chẳng sao.

Vì họ gói giấy nợ thành từng lớp như cái kén và quăng kén nợ cho kẻ.... tham hơn để lấy tiền về cho vay tiếp. Miễn là hoa hồng chồng chất thì ai cũng vui.

Thừa thắng xông lên, Quốc hội trong tay đảng Dân chủ cũng không chịu kém: lại tăng chi! Tội bội chi ngân sách thì đẩy qua Bush - vì không dùng quyền phủ quyết - còn thành tích lo cho dân nghèo thì ta hưởng!

Kết cuộc?

Giữa thời chiến, với quân đội căng mỏng trên hai mặt trận A Phú Hãn và Iraq, nước Mỹ hồn nhiên thổi bóng, doanh gia hớn hở kiếm lời nhờ sáng kiến lạ mà bất kể rủi ro. Cho đến khi thị trường tự điều chỉnh, chu kỳ suy trầm bắt đầu và giá nhà đổ ụp lên cả một hệ thống lạc quan được định chế hóa, bên trong là kén nợ ung thối cỡ nào thì chẳng ai biết.

Xuất phát từ 2001, vụ khủng hoảng tài chánh 2008 bùng nổ khi thị trường gia cư bắt đầu khựng từ năm 2006 và kinh tế đình đọng từ năm 2007! Từ lạc quan thái quá, dân Mỹ lại hốt hoảng. Sau khi viết sách ngợi ca cách mạng tín học và nền kinh tế tri thức, các học giả Mỹ lại viết sách kết án kinh tế thị trường và sách bán chạy như tôm tươi.

Và mọi người gây thêm khủng hoảng vì 2008 là năm có tổng tuyển cử.

Chữ "khủng hoảng" - crisis - trở thành thông dụng trong cuộc tranh cử khởi sự rất sớm từ 2006 và dẫn đến một chọn lựa chính trị lịch sử: bầu một người không có kinh nghiệm làm Tổng thống. Quả thật, nhìn Nghị sĩ John McCain đã thất thập nhị lại ấp úng trong ba ngày từ 15 đến 18 tháng Chín năm 2008 thì Nghị sĩ Barack Obama có vẻ trẻ trung năng động hơn. Huống hồ miệng rất dẻo và tay múa loạn.

May ra được việc!

 
    Tổng thống bắt job, dân mất job  

Từ thuở hàn vi sống trong Thế giới thứ ba nghèo khổ, nên dù ít kinh nghiệm, Tổng thống Obama có tham vọng cách mạng: nhân cơn khủng hoảng tiến hành kế hoạch cải tạo xã hội. Rồi nhờ có Quốc hội Dân Chủ trong thế mạnh từ năm 2006, lại phóng tay tăng chi để bành trướng bộ máy công quyền hầu cải sửa kinh tế thị trường.

Trong hai năm, thành tích bội chi của Bush được nhân hơn gấp ba, gần gấp bốn: từ gần 500 tỷ lên tới gần 1.800 tỷ Mỹ kim. Mức công trái, nợ của khu vực công, thì vượt khỏi tầm nhìn: từ 9.000 đến 11.000 tỷ trong quãng 2000-2008, năm 2010 vọt quá 13.000, coi như bằng 90% của Tổng sản lượng toàn năm. Nhìn từ bên ngoài, siêu cường độc bá cũng chạy theo trò tín dụng thứ cấp của dân đen. 

Bây giờ đến chuyện "quá tam ba bận": vì sau hai tai nạn tưởng là "họa vô đơn chí" thì đến chuyện MENA - Trung Đông và Bắc Phi, Middle East and North Africa.


***

 
CHÍNH TRƯỜNG VÀ THỊ TRƯỜNG
 
 
Sau khi thấy mình mua hớ trong hai kỳ bầu cử 2006 và 2008, năm 2010 cử tri Mỹ bèn đổi ý.


    Dân Mỹ lại nổi giận - Gọi nhau đi bầu như ra trận


Tháng 11, đảng Cộng Hoà được xốc khỏi góc đối lập để cầm kéo ngồi vào ghế chuẩn chi, với sứ mệnh cắt hết mọi khoản chi vô ích. Mơ hồ và nguy hiểm lắm vì có khoản chi nào là vô ích? Đã có chi là có kẻ nhận. Giảm chi là khiến người buồn, mà người buồn cũng có thể bỏ phiếu. Theo truyền thống, đảng Cộng Hoà chủ quan lại mắc bẫy đảng Dân Chủ giảo hoạt.

Thế rồi Quốc hội khóa 112 vừa tuyên thệ để đôi bên dàn trận dao kéo thì thế giới lại có loạn trong khu vực MENA. Mà chuyện ấy cũng liên hệ đến Hoa Kỳ.

Từ vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ tiến sâu vào thế giới Hồi giáo. Cũng với tinh thần hồ hởi sảng vì lật đổ hai chế độ hung đồ tại A Phú Hãn và Iraq như trở bàn tay. Sau đó thì bần thần cho đến đầu năm 2005 khi ông Bush khai triển một dòng tư tưởng truyền thống: phát huy dân chủ để đẩy lui khủng bố.

Bây giờ qua thế kỷ 21 và vào thế giới Hồi giáo, một thế giới thu nhỏ biết bao hỗn mang của nhân loại: có các sắc tộc và hệ phái khác biệt, thể chế chính trị và quan hệ với Mỹ cũng khác. Có Sunni đa số và Shia thiểu số, có xứ theo thế quyền có xứ theo thần quyền, có xứ còn chế độ quân chủ, có xứ lập ra cộng hòa, có xứ ôn hoà có xứ cực đoan, v.v...

Chẳng sao!

Trong những xoay trở đó, lằn ranh Thiện-Ác không là dân chủ hay độc tài, ôn hoà hay cực đoan, mà là thân Mỹ và chống khủng bố hay không. Từ năm 2005, đã thân Mỹ thì phải cải cách kinh tế và chính trị hầu có một chế độ Hồi giáo tử tế hơn với người dân, một trong nhiều điều kiện cần thiết để đầy lui sự cám dỗ của xu hướng cực đoan và phương pháp khủng bố.

Năm năm sau quả là có kết quả khi Tổng suy trầm đẩy mạnh thất nghiệp tại MENA.

Nhưng là kết quả hỗn loạn trong thế giới hỗn mang. Biểu tình phải dẫn đến đàn áp và nổi dậy, nổi dậy mà có tổ chức thì cách mạng mới hy vọng. Trong chuỗi biến động, độc tài thì có phương tiện; các lực lượng Hồi giáo cực đoan thì có kinh nghiệm và cán bộ, lẫn võ khí. Lực lượng dân chủ chỉ có lòng khát khao. 

Chính quyền Obama mà lúng túng thì cũng hiểu được.

Việc tiến hành dân chủ hóa trong các nước thân Mỹ trở thành trách nhiệm của Hoa Kỳ, để khỏi mang tội bao che độc tài. Nhưng yểm trợ dân chủ trong các nước chống Mỹ như Iran, Syria hay Libya thì phải thận trọng, để khỏi mang tiếng can thiệp vào xứ khác! Hoa Kỳ thực tế là đang dập dình trước vụ khủng hoảng thứ ba của thế kỷ 21: chống Mỹ hay thân Mỹ đều đang đổ nháo nhào, và còn đổ vào nhau, trong khi lãnh đạo Mỹ xào xáo về bội chi và vai trò của nhà nước.

Khi ấy, Mỹ sẽ bênh ai cứu ai để phát huy dân chủ và đẩy lui Hồi giáo cực đoan? Mà nếu mai này cách mạng thành công, bầu cử dẫn tới chính quyền chống Mỹ thì sao? Nền Cộng hòa Weimar có bầu cử và Hitler thắng lớn năm 1933. Dân Palestine có bầu cử thì Hamas thắng lớn năm 2006. Tại Lebanon cũng vậy, nhờ bầu cử lực lượng quá khích Hezbollah chiếm thế mạnh trong Quốc hội và coi như kiểm soát miền Nam xứ này.... Éo le!

Chúng ta vẫn còn thời giờ thẩm định hậu quả vì trận bão mới chỉ bắt đầu.


***

    "Đừng than nữa! Có thấy gíá lúa không?"

Nhưng trước mắt, dầu thô lại vượt ngưỡng trăm đồng! Và xăng dầu tại Mỹ lại có cơ vượt quá năm đồng một ga-lông ba lít tám.

Thị trường Hoa Kỳ đang ngoi khỏi Tổng suy trầm, chính trường thì dàn trận giảm chi với dao kéo múa loạn. Dầu thô lên giá từ Tháng Chín vì cung cầu đã căng do đà hồi phục kinh tế toàn cầu. Nay khủng hoảng Trung Đông rất dễ làm dầu bốc giá lên trời. Và hất kinh tế Mỹ xuống hố khi thất nghiệp thật ra chưa giảm. Mà năm 2012 lại có tổng tuyển cử.

Trong khi chờ xem bão tố MENA sẽ dạt về đâu thì ta nên xem thị trường Mỹ phản ứng ra sao. Trung Đông mà có dân chủ thì dân Mỹ cũng bất cần nếu xăng tại Mỹ cũng đắt như tại Âu Châu! Và thú vị chừng nào: như mọi vị tiền nhiệm, Obama lại đòi lấy lon nước để chữa cháy khi dự tính bơm dầu từ kho dự trữ chiến lược ra xài để nới giá xăng, trong khi bên đảng Dân Chủ vẫn đòi bịt kín các khu vực có dầu ở ngoài khơi nước Mỹ. Để bảo vệ môi sinh và thú hiếm!

Cả một chuỗi biến động kinh hoàng được cử tri thẩm xét từ giá xăng đổ vào xe hơi...  Khôi hài đen.

Tổng số lượt xem trang