Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Hội chứng Facebook ở Trung Quốc

-Hội chứng Facebook ở Trung Quốc
Bloomberg Businessweek---Brendan Greeley và Mark Drajem
Chính sách kiểm duyệt ngăn chặn đường vào thị trường mạng của Trung Quốc.
Ngày 10-3-2011
Từ năm 2009, Trung Quốc đã chặn Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới. Năm nay, Renren, một trong những mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, có kế hoạch thu hút 500 triệu USD trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYX). Như thế là một mạng xã hội Trung Quốc có thể rút tiền từ thị trường vốn Hoa Kỳ, nhưng các mạng xã hội Hoa Kỳ thì không thể moi tiền từ thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Vậy có công bằng không?
Nếu Facebook là một công ty trồng ngũ cốc hoặc thiết kế xe hơi, họ có thể kêu lên là Trung Quốc thiết lập rào cản thương mại. Điều này đã không xảy ra, vì quan chức và chính trị gia Hoa Kỳ, đã thành tính cách rồi, luôn coi chính sách kiểm duyệt Internet của Trung Quốc là vấn đề nhân quyền chứ không phải vấn đề thương mại. Mọi chuyện đang thay đổi từ từ. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) – đơn vị chuyên đàm phán các thỏa thuận mậu dịch – đã xem vấn đề kiểm duyệt Internet là một loại rào cản thương mại, ít nhất từ năm 2007. Một điều khoản không ràng buộc, bảo vệ “dòng thông tin xuyên biên giới”, là một phần của Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc – Mỹ (vẫn chưa được phê chuẩn). Và vào ngày 7/3, USTR nói với Bloomberg Businessweek rằng họ đang “xem xét các đề xuất” áp dụng một ngôn ngữ nghiêm khắc hơn trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương với các quốc gia khác, một thỏa thuận đang được đàm phán với những nước thuộc vành đai Châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam, Australia, và Malaysia (chứ không phải Trung Quốc).
Đó mới là vấn đề: Trong khi USTR lặng lẽ đưa từ ngữ này từ ngữ kia kia vào các hiệp định thương mại, có lẽ để tạo tiền lệ trong những đàm phán tương lai với Trung Quốc, thì thực chất họ đang chơi một trò chơi rất lần mần. (Nguyên văn: game of inches, nghĩa là trò chơi có không gian rất nhỏ hẹp, chỉ lệch đi một chút, kết quả đã khác, ví dụ trò chơi điện tử – ND). Khoảng 400 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc tạo nên thị trường Internet lớn nhất thế giới, một nơi mà các mạng xã hội Mỹ nói chung đều bị ngăn cản, không cạnh tranh nổi ở đây. Nhưng nếu Mỹ hành động quyết liệt hơn và đưa vụ việc này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ có thể làm Trung Quốc tức giận, cắt đứt quan hệ thương mại ở những lĩnh vực khác – và hậu quả sẽ khó đoán. “Đó dứt khoát là các rào cản thương mại” – ông James Bacchus, luật sư của tổ chức Greenberg Traurig ở Washington, cựu thẩm phán phúc thẩm của WTO, nói. “Còn chúng có là bất hợp pháp, theo luật thương mại của WTO, hay không, lại là chuyện khác”.
Năm 2007, Andrew McLaughlin – khi đó là người định hướng chiến lược toàn cầu của Google (GOOG) – đã đưa các tranh biện của mình lên USTR. Google, hiện vẫn còn hoạt động ở Trung Quốc, nghi ngờ rằng đường truyền của người dùng Trung Quốc khi vào các website nước ngoài đều bị làm chậm lại. Sinh viên đại học phải trả một khoản phí để có thể truy cập các site nước ngoài. USTR đã rất quan tâm, và họ yêu cầu Google thu thập bằng chứng. “Theo tôi nhớ” – McLaughlin nói – “chúng tôi không phải những người duy nhất đề cập với USTR về việc này”.
Hai năm sau. Hosuk Lee-Makiyama, khi ấy là đàm phán viên về thương mại cho Thụy Điển, viết một bản đề xuất rằng các nước thành viên WTO, kể cả Trung Quốc, phải có nghĩa vụ để cho dịch vụ Internet vận hành xuyên biên giới mà không bị hạn chế gì. Kể từ đó, ông cho biết ông đã nhận được những yêu cầu làm rõ từ chính quyền “của cả hai phía trong cuộc tranh cãi”. Google lại tiếp xúc lần nữa với USTR khi Tổng thống Barack Obama bắt đầu tập hợp đội ngũ cố vấn thương mại của ông vào năm 2009. Trong một email vào ngày 7/3 vừa qua, USTR đã đánh giá những rào cản thương mại đối với mạng xã hội là “một vấn đề phức tạp mà chúng tôi bắt đầu tập trung”.
Trong khi Google tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận đến vấn đề này, thì các quan chức mậu dịch vẫn chỉ tiếp tục “bắt đầu tập trung”. Trong thời gian chờ đợi, vào năm 2009, Google đã bỏ thị trường Trung Quốc. Twitter và Facebook từ chối bình luận. Cả hai đều không ra khiếu nại công khai về tình trạng khó truy cập ở nơi đây. “Nếu bạn còn muốn làm việc ở Trung Quốc” – Bill Bishop, một nhà phân tích độc lập hiện cư trú tại Bắc Kinh, nói – “bạn không được than phiền về điều vớ vẩn ấy”. Ngay cả người phát ngôn của Google là bà Niki Fenwick cũng viết trong một email rằng kiểm duyệt trước hết là vấn đề nhân quyền. Bà bổ sung thêm: “Khi chính quyền chặn Internet, hành động ấy cũng giống như việc quan chức hải quan chặn hàng hóa lại ở biên giới thôi”.
Giới tài chính và đầu tư Mỹ dường như thờ ơ với các rào cản mà Trung Quốc đặt ra. Ngoài Renren, có vài công ty Trung Quốc nữa cũng cung cấp các dịch vụ tương tự như những mạng xã hội bị cấm của Mỹ; và họ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ hoặc đang có kế hoạch chào mời đầu tư. Hồi tháng 12, Goldman Sachs (GS) đưa Youko, một dịch vụ chia sẻ file hình ảnh giống như YouTube, lên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (YOKU). GS từ chối bình luận về việc này. YouTube vốn thường xuyên bị chặn ở Trung Quốc. Brookside Capital, một đơn vị thuộc Bain Capital, và TCW Group, một nhà quản lý quỹ đầu tư ở Los Angeles, là hai pháp nhân lớn nhất đầu tư cho Youku.
Mỹ ít cảm thấy có sức ép nào từ các nhóm lợi ích trong nước khiến họ phải cứng rắn hơn. Hiệp định gia nhập WTO tiêu chuẩn mà Trung Quốc đã ký có bao gồm những điều khoản miễn trừ cho việc gìn giữ các giá trị quốc gia và bảo vệ an ninh công cộng; nếu Mỹ khiếu nại lên WTO, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tận dụng mấy điều khoản ấy. Lee-Makiyama, người hiện đang làm việc cho Trung tâm Châu Âu về Kinh tế Chính trị Quốc tế, cho biết, Trung Quốc thường xuyên áp dụng tiêu chuẩn khác cho các công ty nước ngoài, vi phạm hiệp định gia nhập WTO. Trung Quốc biện bạch rằng các site của nước ngoài có chứa hình ảnh khiêu dâm, nhưng theo ông Lee-Makiyama thì Baidu (BIDU), một công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, cũng thế cả. Ông nói, mặc dù “WTO không thể xóa bỏ vấn đề kiểm duyệt”, nhưng một vụ việc bị đưa ra WTO có thể buộc Trung Quốc phải hủy bỏ những hành vi xấu chơi của họ, kể cả hủy bỏ việc chặn hoàn toàn nhiều trang mạng mà không hề thông báo cũng như không đưa ra giải pháp đền bù nào, và việc thiếu sự minh bạch, công khai các tiêu chuẩn kiểm duyệt. McLaughlin, cựu giám đốc điều hành của Google, thường thắc mắc tại sao Quốc hội Mỹ không đòi hỏi nhiều hơn từ các vị giám đốc người Mỹ của những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. “Đấy là một công cụ chúng ta có trong tay” – ông nói – “một thứ công cụ có hiệu lực khác thường”.
Nước Mỹ có thể sớm bắt kịp tiến độ vụ việc. Ron Wyden, chủ tịch một tiểu ban về mậu dịch quốc tế ở Thượng viện Mỹ, vào ngày 9/3 đã yêu cầu Ron Kirk, Đại diện Thương mại Mỹ, đưa “các thỏa thuận mang tính ràng buộc và có khả năng thực thi về tốc độ lưu chuyển dữ liệu” thành một vấn đề ưu tiên. “Tôi tin rằng Internet sẽ trở thành tuyến đường vận chuyển hàng hóa lớn nhất trên thế giới” – Wyden nhận xét. “Tôi đang nói về chính sách cởi mở Internet. Đó là điều mà chúng ta chưa hề tập trung chú ý đến”.
Nội dung chính của bài: Các quan chức thương mại Mỹ đã chậm chạp trong việc đánh giá hành động của Trung Quốc ngăn chặn mạng xã hội. Điều này có thể thay đổi khi có sức ép từ Quốc hội.
Bài viết có sự cộng tác của Hans Nichols. Greeley là cây viết của tờ Bloomberg Businessweek. Drajem là phóng viên cho Bloomberg News.
Người dịch: Đỗ Quyên

Tổng số lượt xem trang