Phần thứ năm
TỔNG KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG:
KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP BẮT ĐẦU
KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP BẮT ĐẦU
17. Chính phủ VNDCCH - Hồ Chủ tịch tán thành kháng chiến
Huấn lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
gởi cho nhân dân Nam Bộ
gởi cho nhân dân Nam Bộ
Bốn ngày sau 23 tháng 9, nhân dân Nam Bộ nhận được Huấn lệnh sau đây của Chính phủ. Nguyên văn của Huấn lệnh là:
“Hỡi đồng bào Nam Bộ!Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam.Hiện nay, đồng bào Nam Bộ đang đi qua những bước khó khăn gay go. Điều đó là một sự dĩ nhiên trên con đường tranh đấu cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày độc lập.Hỡi các đồng chí phụ trách! Các đồng chí phải căn cứ theo chính sách tranh thủ hoàn toàn độc lập của chính phủ và điều kiện thực tế của Nam Bộ mà định phương châm hành động cho đúng, làm sao cho giữ gìn được thực lực chính trị và quân sự, đồng thời tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của thực dân Pháp một lần nữa.Trong giờ phút nghiêm trọng này, chính phủ kêu gọi đồng bào yêu quý Nam Bộ phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm và thận trọng, kiên quyết và trầm tĩnh, nghe theo lời chính phủ để đưa cuộc giải phóng của chúng ta đến thắng lợi cuối cùng”.
Thế là Chính phủ tán thành chủ trương kháng chiến. Ai nấy đều vô cùng phấn khởi. Riêng tôi tự hào là đã dám quyết định trong lúc khó khăn nhất, và quyết định không sai ý cụ Hồ. Lạ đời là Hoàng Quốc Việt giấu mãi bức điện của Trung ương; không gởi cho tôi, nhưng tôi vẫn biết.
18. Câu chuyện mười năm kết thúc
(đoạn này viet-studies đã đăng rồi,
nay đăng lại để giữ sự liên tục)
(đoạn này viet-studies đã đăng rồi,
nay đăng lại để giữ sự liên tục)
Việc gì rồi cũng phải có kết thúc, duy kết thúc hay dở, đúng sai là vấn đề khác. Một ngày, tôi nhớ đâu là đầu năm 1988, tốt trời, tôi được Lê Đức Thọ[1] mời dự buổi chiêu đãi ở T.78[2] với một số đồng chí. Tôi lấy làm lạ: là bởi vì, ở Hà Nội từ 1954 đến 1976, anh Thọ chưa hề đến nhà riêng tôi, chưa hề gọi tôi lên văn phòng hay nhà riêng của anh. Còn tôi thì tôi quen cái tánh “mọi rợ” là chưa bao giờ tự mình đến thăm bất cứ ai có chức, có quyền lớn hơn tôi – trừ trường hợp duy nhất là cụ Tôn Đức Thắng mà tôi thỉnh thoảng lên thăm, trước hết là vì anh Hai Thắng cứ vài ba tháng thì xuống thăm hai vợ chồng tôi một lần.
Bữa chiêu đãi hôm đó của anh Thọ, có mặt bốn người được mời: chị Năm Bi[3], Tào Tỵ[4], Tô Ký[5], và tôi – Trần Văn Giàu.
Ăn uống, trò chuyện thân mật. Không có riêng bàn về vấn đề gì cả.
Lúc buổi tiệc tàn, anh em sắp chia tay, thì tôi xin nói một tâm sự, nói với Thọ, giữa Bi, Tỵ, Ký:
“Tôi cảm ơn anh Sáu mời cơm với các bạn đều là quen thân từ lâu. Tôi có việc tâm sự cần nói với anh Sáu, có các anh chị nghe, nghe tôi và nghe anh Sáu sẽ nói sau. Các đồng chí cho phép tôi nói lối nói ở trong tù, tôi và Thọ cùng ở banh 1, khám 8; Côn Lôn những năm 1935/1936. Đồng ý chứ?
– Tao là Giàu, mày, ở khám 8, banh 1[6], là Khải, Phan Đình Khải[7]; hôm nay chúng ta nói chuyện thân mật như cách đây mấy mươi năm, khi còn ở ngoài Côn Lôn. (Tới đây, thì Thọ liền nói với các đồng chí khách kia: hồi ở khám, ở banh tụi mình gọi nhau bằng mày tao như vậy đó, không khi nào có thưa anh, thưa chú; hồi ở Côn Lôn chính Giàu dạy tôi học chủ nghĩa Mác-Lênin, chớ trước đó mình có học gì bao nhiêu đâu!).
Tôi nói với Thọ: “Chúng ta là những người quá 70 tuổi, xấp xỉ 80 rồi, sắp đi theo cụ Hồ rồi. Mấy mươi năm nay, tao chịu những cái hàm oan mà mày, Khải, mày biết hết, biết rõ trắng đen. Chúng ta đều muốn đi theo cụ Hồ một cách thanh thản. Vậy lần này, Thọ về Hà Nội hãy có quyết định rõ, bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về tất cả những điều người ta vu cáo cho Giàu, được không?” Thọ hứa, hứa trước mặt chị Năm Bi, anh Tào Tỵ, chú Ba Tô Ký.
Chủ khách chia tay nhau trong vui vẻ, thân ái nữa.
Một tháng sau, ủy viên thường vụ Thành ủy là Bảy Dự[8] đến nhà tôi, đem cho tôi một bức thơ, mở ra, thấy cái quyết nghị của Ban Tổ chức Trung ương mà tôi chờ đợi mấy chục năm nay. Người ký tên không phải là Lê Đức Thọ mà là Nguyễn Đức Tâm, đương chức bí thư phụ trách tổ chức như Thọ trước đây. Tôi đọc lên cho Dự nghe. Vả lại bức thư không niêm, chỉ chuyển tải quyết nghị. Chắc ở Trung ương có bản lưu: bốn việc tố cáo, vu cáo, quyết nghị này cho là không căn cứ; còn một vụ là Deschamps 1935 thì quyết nghị nói rằng tôi, Giàu, có chịu trách nhiệm.
Tôi tuyên bố ngay với Bảy Dự rằng tôi không bằng lòng và tôi sẽ cãi. Dự bảo với tôi rằng, như thế này thì tốt lắm rồi, cãi làm gì nữa. Tôi nói lại rằng tôi sẽ nhờ Thành ủy gởi cho Ban Tổ chức một bức thơ để tỏ rõ lại mọi việc. Tôi đã viết và gởi bức thơ đó, trong ấy không có gì lạ hơn là hai bức thơ trả lời cho tôi của đồng chí Nguyễn Văn Trân (Prigorny)[9] và đồng chí trưởng ban Lịch sử Đảng thành phố – đã chép lại bên trên và đã photocopy. (Xin xem Phụ lục dưới đây).
Một tháng sau nữa, tôi được giấy của Ban Tổ chức Trung ương cho đi Liên Xô nghỉ hè ở Sotchi (Hắc Hải).
Tôi gởi lại cho Ban Tổ chức cái giấy mời ấy với lời cảm ơn thành thật và lời cắt nghĩa vì sao tôi không đi nghỉ mát ở Hắc Hải, dù ý thì rất muốn (mấy chục năm nay tôi chưa được cho đi nghỉ mát ở Liên Xô lần nào). Tôi trình bày lý do là: Từ năm 1930, tôi để vợ trẻ[10] của tôi ở nhà một mình, đi mãi, đi miệt, đi làm “cách mạng chuyên nghiệp”. Từ 1930 đó cho đến sau Genève, tôi chỉ được về nhà hai lần, một lần hơn tháng, một lần 9 ngày; hoạt động bí mật, ở tù, có vợ mà bỏ vợ ở nhà mãi; tôi kháng chiến ở Bắc, vợ kháng chiến ở Nam, hai đứa không ở gần nhau như vậy là gần một phần tư thế kỷ, hết tuổi trẻ. Nay, hoà bình lập lại, tôi không đi nghỉ hè đâu xa mà không có vợ tôi cùng đi. Vậy xin gởi lại giấy mời với lời cảm ơn thành thật chớ không phải là chút hờn mát nào, xin các đồng chí ở tổ chức biết cho.
Không tới một tuần sau, Ban Tổ chức Trung ương gởi vào giấy cho vợ tôi cùng đi nghỉ mát hơn một tháng ở Hắc Hải, viếng Moscou, Lêningrad. Đó là vào năm 1988 thì phải, tôi nhớ không rõ. Kiểm lại, tôi thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác, việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữ vững nhân cách Việt Nam.
19. Chiến trường Sài Gòn lúc tôi ra đi
Người trong cuộc kể lại có khi không được khách quan bằng nhà quan sát. Chúng ta hãy đọc lại quyển sách Sài Gòn Septembre 45 (xuất bản năm 1947 ở Sài Gòn) của nhà báo Trần Tấn Quốc, nhà cầm bút nổi tiếng của Điện Tín:
“Từ sáng ngày 23 tháng 9, Sài Gòn (nói cho đúng là: trung tâm Sài Gòn), đã chịu dưới quyền kiểm soát của quân đội Pháp và Đồng minh, nhưng về mặt quân sự, Sài Gòn hiện nằm trong vòng vây của dân quân. Theo lệnh của Uỷ ban kháng chiến thì (dân quân) chẳng những chặn đường không cho quân Pháp tiến ra ngoại ô, mà phải nhắm ngay Sài Gòn tập kích. Như vậy, trong nửa tháng đầu (sự thật, còn lâu hơn nữa), Sài Gòn bị cô lập. Lúc bấy giờ tình cảnh của người Pháp ở Sài Gòn ra sao? Họ có bị ảnh hưởng của cuộc phong toả kinh tế và các cuộc tập kích của dân quân chăng?“Muốn biết rõ chuyện trên đây, không gì hơn chúng ta nghe lời thuật của một nhà viết báo Pháp có mặt tại “Sài thành trong vòng vây” (nhà báo Pháp đó viết):“Từ sáng ngày 23 đến trưa ngày ấy, Sài Gòn được yên tĩnh. Nhưng đến xế chiều, tình thế đã biến hẳn. Một bộ phận dân quân Việt Nam tiến theo đường Verdun[11] tràn xuống trung tâm Sài Gòn chiếm chợ Bến Thành, kéo thẳng đến đại lộ Bonard, xả súng bắn. Mặt khác, nhiều bộ đội vượt kinh Tàu Hủ (tức sống cầu Ông Lãnh, arroyo chinois) đổ bộ lên Sài Gòn tiến thẳng về đại lộ La Somme. Trong vài vùng khác, người ta cho hay có những trận đánh. Tiếng súng nổ khắp nơi. Đại tướng Gracey liền triệu tập một cuộc hội họp báo giới. Chúng tôi sống âm thầm, không một ngọn đèn. Trong cảnh tối om ấy, mỗi người đều tự hỏi những gì đã xảy ra và mỗi người đều đặt nhiều câu hỏi hối thúc. Đại tướng Gracey bình rĩnh giải bày rằng ông còn hy vọng một cuộc giải quyết hoà bình.“Ở xa xa, nhiều đám cháy ngùn ngụt đỏ trời. Một cảnh tượng kinh hoàng bao trùm nhà hàng Continental. Rất đông đàn bà và trẻ con Pháp lánh nạn tại nhà hàng, mà nơi đây, không còn một miếng nước, không còn một tia sáng của đèn điện. Ở đây, thỉnh thoảng, lại được tin những người Pháp lẻ loi, vừa bị thiệt mạng. Những tin điện đầu cứ truyền ra, phần thì tiếng súng nổ không ngớt, làm rối loạn tinh thần. Còn Việt Minh hiện giờ họ chiếm đóng tất cả các khu vực ngoại ô. Mặc dù ý muốn của đại tướng Gracey là không gây lớn chuyện, nhưng sự dùng võ lực từ đây không tránh khỏi. Còn đại tá Cédile không ngớt yêu cầu quân tuần tiễu thật đông đi khắp nơi. Ở vùng Tân Định, nhiều tử thi người Pháp nằm sóng sượt. Đêm 25 tháng 9, cả thành phố vẫn không nước, không đèn và không lương thực. Những người Pháp chỉ còn có nước cuối cùng là đi đến các quán cóc dơ dáy của Hoa kiều, mà tại đây người ta còn tìm được vài cặp lạp xưởng và cơm lạt. Trong các quán cóc bẩn thỉu, ngồi bên những anh khu bến tàu, người ta thấy được nhiều vị cựu thượng quan Pháp không còn khó tánh trước sự dơ dáy, ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng gỗ, dùng đũa ăn cơm.“Lúc này dân chúng Pháp không sao ngủ được. Họ xao xuyến và mệt mỏi. Đại tá Cédile viết một tờ bố cáo kêu gọi người Việt Nam bình tĩnh khuyên họ trở lại với công việc làm. Song, những chứng chỉ rõ ràng để đáp lại: tất cả người Việt Nam kéo nhau ra khỏi thành phố.“Trong một thành phố tối om mà lúc bấy giờ không khí chiến tranh và cách mạng đương bao trùm, những gia đình phải khóc thêm cho người trong thân quyến vừa tử nạn. Tất cả đều phập phồng lo sợ ở ngày mai…”.
Sau khi trích bài tường thuật của một nhà báo Pháp, Trần Tấn Quốc viết tiếp:
“Xin nhắc lại, đoạn trên đây là lời thuật của một ký giả Pháp đã từng sống trong lúc Sài Gòn bị bao vây, trong Sài thành sau ngày 23 Septembre.“Càng ngày Sài Gòn càng chìm sâu trong nguy ngập. Trong thành phố chết ấy, người ta khó tìm thấy một người Việt Nam. Súng vẫn nỗ. Dân quân đã bắt đầu dùng chiến thuật du kích, lúc ẩn, lúc hiện, đột nhập thình lình để phá hoại chớp nhoáng và lập tức rút lui trong im lặng. Người ta có thể ví lối đánh này là một chiến thuật xuất quỷ nhập thần. Chẳng những thường dân Pháp phải kinh sợ ngày đêm bởi không thể đoán được Việt quân sẽ xuất hiện giờ nào và chỗ nào, mà cả đến quân đội Pháp, Anh, Ấn cũng không thể ngăn ngừa được. Trước tình thế ấy, quân đội chiếm đóng Sài Gòn chỉ dùng hai phương pháp: một là tự vệ và phản công khi bị tấn công, hai là mở cuộc tảo thanh trong (trung tâm) thành phố.“Ngày 25 tháng 9, một cuộc tàn sát xảy ra tại xóm R. Héraut (khu cư dân Pháp ở Tân Định) mà đến bây giờ thỉnh thoảng một số người Pháp ỏ đây còn nhắc lại để tố cáo một cách nặng nề người Việt Nam. Cơn khủng khiếp chưa qua khỏi trong lòng người (thì) đến tối lại, không biết xuất phát từ nơi nào, Việt quân kéo ngay vào trung tâm thành phố, phóng hoả đốt chợ Bến Thành. Lửa bốc đỏ trời; dân chúng Pháp hoảng hốt bồng bế đến nhà hàng Continental, đến bệnh viện Đồn Đất[12] tị nạn.“Lúc bấy giờ, ban ngày của Sài Gòn thuộc về quyền kiểm soát của quân đội Pháp, Anh, Ấn; ban đêm của Sài Gòn hoàn toàn về tay Việt quân…“Sài Gòn vẫn còn nằm trong tình trạng kinh khủng. Du kích quân luôn luôn đột nhập tấn công các đồn lính trong châu thành. Không ngày nào không có đám cháy. Đêm đêm súng càng nổ vang, lửa bốc đỏ trời…“Cuối tháng 9, tình hình chưa có gì thay đổi. Về mặt quân sự, vòng vây Sài Gòn thêm thắt chặt. Ở đây các đường nối liền Sài Gòn và vùng ngoại ô đều có trận đánh dữ dội. Đánh ở cầu Bông, đánh ở cầu Kiệu, đánh ở Khánh Hội. Đánh khắp nơi. Người ta đồn sắp có lệnh tấn công. Rồi người ta đồn sắp thương thuyết…“… Hôm nay 10 tháng 10, truyền đơn và bố cáo rải khắp vùng ngoại ô với hai khẩu hiệu:- Chừng nào Sài Gòn hoá ra tro tàn, quân Pháp mới chiếm được Sài Gòn.- Chừng nào Nam Bộ biến thành sa mạc, dân Pháp mới chiếm được Nam Bộ.“Xế ngày 10 tháng 10, một trận kịch chiến xảy ra cách trung tâm Sài Gòn 3km về phía Tây Bắc, một đoàn lính Gourkas bị dân quân tập kích, nhiều sĩ quan, binh sĩ Anh, Ấn bị thiệt mạng. Chiều lại, nhiều bộ đội dân quân ở Xóm Chiếu tràn qua Sài Gòn, hiệp với du kích cảm tử quân trong thành phố đột kích bót cảnh sát quận Nhì ở đường Boresse. Tối đến, súng nổ đều, dữ dội nhất là ở phía bắc Sài Gòn; dân quân thừa đêm tràn qua cầu Bông, cầu Kiệu đột nhập Sài Gòn công kích các nơi đồn trú của quân Pháp ở vùng Đakao. Sáng ngày sau, súng vẫn nổ…”.
Tình hình kháng chiến lúc đầu là như vậy, nói cho đúng, sự thật là mười, ngòi bút tả chỉ được năm, ba thôi. Ngay cả tôi ở Tổng hành dinh Bình Điền cũng không biết hết các trận đánh và các cuộc phá hoại (anh em chiến đấu nhiều mà báo cáo ít, cái tốt của người chiến binh cách mạng, thì nhà báo với tai mắt mình biết làm sao hết được).
Ở các mặt trận nào có nổ súng đều có tôi đến. Có mấy lần gọi là đi “lược trận”, nhưng sự thật là tôi muốn có mặt ở nơi này nơi nọ trong khói lửa, chủ yếu là để cho quân dân thấy tận mặt rằng Uỷ ban kháng chiến không phải ngày đêm ngồi ở phòng giấy của Bộ Tư lệnh. Một cách làm cho chiến sĩ và nhân dân thêm tin tưởng, thêm kiên quyết chiến đấu. Tôi có mặt ở cầu Thị Nghè, cầu Kiệu. Tôi đến thăm các mặt trận đông, mặt trận tây của thành phố. Tôi đi lập mặt trận nam, hội họp ở nhà việc làng Đa Phước với các lãnh tụ các nhóm Bình Xuyên, Ba Dương, Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí và chính uỷ của anh em đó là Bảy Trân - Prigorni. Kể một chuyện tiếp xúc với một nhóm Bình Xuyên cho vui: Hôm đó tôi đi tổ chức Uỷ ban kháng chiến miền Đông (ở Biên Hoà) về đến Bà Quẹo, gặp Mười Trí và toán quân của anh ấy. Họ mời tôi vào trụ sở để báo cáo. Không biết tại sao mà, khi tôi ngồi nghe báo cáo, một tay dự họp lăm le một quả lựu đạn nãy giờ, để quả lựu đạn sẩy tay lăn trên bàn; mọi người đều lập tức “lặn” dưới bàn. Tôi cũng hết hồn muốn lặn theo, nhưng linh tính bảo tôi trông chừng Mười Trí; tôi thấy Mười Trí bình tĩnh ngồi yên, cho nên tôi cũng ngồi yên. Lựu đạn lép! Các anh giang hồ dùng để thử coi người ta có yếu bóng vía không? May quá. Tôi ngồi yên như Mười Trí. Từ hôm đó, Mười Trí càng gần tôi. Lần sau, tôi trở lại Bà Quẹo để đi lên Xuân Lộc đón các chi đội từ Bắc vào tới, do Vũ Đức, Quang Trung, Nam Long chỉ huy, vào trợ chiến cho đồng bào Sài Gòn Nam Bộ. Gặp lại tôi, Mười Trí mỉm cười, “xin lỗi” về cái vụ “lơ đễnh” hôm trước.
Quân Pháp bị bao vây ngặt nghèo trong Sài Gòn. Mà đại quân Pháp do tướng Leclerc cầm đầu thì chưa tới. Nên Gracey, Cédile yêu cầu ngừng chiến để thương thuyết. Ta biết chán chúng nó “dục hoãn cầu mưu”, chờ Leclerc và đại binh Pháp tới. Nhưng, về phần chúng ta, chúng ta cũng cần có thời giờ để củng cố, chuẩn bị thêm. Đình chiến ít hôm, đại binh Pháp bắt đầu tới Sài Gòn. Thì cuộc chiến lại tiếp diễn. Bọn Pháp ở Sài Gòn xem Leclerc như cứu tinh. Quân Pháp có Anh, Ấn và Nhật tiếp sức bắt đầu phá vòng vây. Chiến sự lại rộ lên một lần nữa. Súng nổ và lửa cháy càng nhiều hơn.
Chính lúc này là lúc tôi và Thạch được lệnh của Việt chuyển cho là Chỉnh phủ Trung ương “mời” chúng tôi ra Hà Nội ngay. Tôi giao quyền cho đồng chí Tôn Đức Thắng, Thạch để nhiệm vụ đối ngoại cho Việt. Tôi đâu phải là con “gà rót”[13]. Tôi lại vừa đi rước mấy chi đội của Vũ Đức, Quang Trung, Nam Long từ Bắc cấp tốc vào chi viện. Vậy mà tôi phải rời chỗ chiến đấu nóng bỏng để ra Bắc! Hôm tôi từ giã anh em ở Tổng hành dinh (Bình Điền, Chợ Đệm) phần lớn các đồng chí đều ngạc nhiên, vài anh rưng nước mắt. Bảy Trân nói khẽ: “Mày biết tích Nhạc Phi về triều không?”. Tôi đáp: “Sao lại không? Nhưng chắc chắn không đến nỗi nào đâu!”.
Thạch và tôi lên xe, qua trường đua Phú Thọ, lên ngã tư Bảy Hiền, đến Gò Vấp, vẫn nghe tiếng súng nổ đều. Lên tới cầu Biên Hoà, dừng xe ngó về thành phố, vẫn thấy Sài Gòn cháy đỏ rực từ mấy tuần rày. Kẻ địch hãy còn bị bao vây quân sự và kinh tế trong Sài Gòn, hẳn không phải vì bọn tôi có tài năng đặc biệt gì mà vì toàn dân kháng chiến, vì đại quân Pháp chưa tới đủ. Chúng đang tới. Nam Bộ sắp bị tiến công lớn, sẽ gặp khó khăn nhiều, mà mình thì lại phải rời chiến trường. Buồn thay!
Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch phải rời Sài Gòn. Đứng trên cầu Biên Hoà, ba tuần sau nổ súng, đêm nay vẫn còn thấy Sài Gòn rực cháy lửa đấu tranh kháng chiến. Gần một tháng rồi quân xâm lược bị bao vây trong “một Sài Gòn không điện nước, không chợ búa”.
Ra đi khỏi Sài Gòn trong lúc Sài Gòn và Nam Bộ đang chiến đấu và chắc chắn là sẽ còn tranh đấu lâu dài, lòng mình không thể không bời bời những ý nghĩ phức tạp. Một mặt thì tin chắc rằng đảng bộ được củng cố bởi đồng bào anh em ở Côn Lôn về, sẽ đủ sức đảm đương việc lãnh đạo kháng chiến, vắng mình chắc không phải là lỗ trống không lấp được, những mặt khác thì mình có vẻ như “bỏ hàng ngũ”; tôi sẽ bằng lòng hơn nếu Hoàng Quốc Việt “hạ tầng công tác” tôi, chuyển tôi về một vùng nhỏ bé xa xôi nào ở Nam Bộ hay là đưa cho tôi một trách nhiệm mới hoàn toàn, ví dụ lên Cao Miên để giúp gây phong trào kháng chiến ở đất Chùa Tháp, làm một “appui logistique”[14] cho Nam Bộ. Đầu này, đi ra Bắc thì “đi dễ khó về” lắm, mà không về Nam trong chiến tranh thì làm sao cho đồng bào, đồng chí hiểu được mình? Có thể ngừng xe ở Dầu Dây, để một mình Thạch đi ra Bắc, mình ở lại Nam Bộ, trở lại vùng Tà Lài, tự mình gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng, không phải để “cát cứ nhất phương” mà để tạo ra một thứ chiến khu làm chủ đường số 1, số 20, mà chẳng sớm thì chầy, Pháp và Anh sẽ đánh chiếm để ra Trung Bộ và lên Tây Nguyên. Lượng sức, có thể làm được việc ấy. Nhưng làm như vậy là mắc phải kỷ luật Đảng và Nhà nước. Khó nghĩ quá! Thôi, đi ra Bắc rồi xin trở về Nam, nếu không được sẽ xin đi Miên, cái appui logistique này cần quá, ai chớ Võ Nguyên Giáp thì sẽ hiểu tôi ngay. Giáp chắc sẽ đồng ý, và tôi là người tháo vát, chắc sẽ còn đất dụng võ, đất chùa Tháp đang cần có phong trào, cần có người, chắc tôi không “thất nghiệp” đâu[15]. Và tôi vẫn còn có thể trả lời cho câu hỏi tất phải có của đồng bào Sài Gòn và Nam Bộ: “Anh đi đâu, làm gì, mấy năm rồi?” mà không bị xấu hổ.
Vậy thì cứ tiếp tục, “an tâm” đi ra Bắc với Phạm Ngọc Thạch.
Việc chiến đấu, như thế, tạm có phương hướng. Nhưng tâm trí vẫn bời bời vì một vấn đề khác lâu nay như bị quên lửng: vấn đề gia đình.
Chắc nay mai thôi, khi Pháp có đủ viện binh, thì chúng nó sẽ đi lên Biên Hoà và đi xuống Tân An - Mỹ Tho. Chiến tranh sẽ sớm lan ra tới vùng của gia đình tôi. Thì mẹ già và cô vợ của tôi sẽ lâm vào cảnh nào? Ví mình còn ở gần đó thì có thể giúp gia đình bằng cách này hay cách khác. Nhưng mà, chiến tranh đã nổ ra gần cả tháng rồi, tôi có dịp hai lần đi ô tô ngang nhà, nhà cách lộ chỉ một cây số thôi, mà tôi không ghé nhà được lần nào, vậy thì, dù không đi ra Bắc, tôi cũng có ích gì mấy cho gia đình đâu? Tôi ước mong biết mấy được gặp lại mẹ tôi một lần nữa. Khi cách mạng tháng Tám thành công, tôi chỉ được rước vợ tôi lên Sài Gòn sau 25 tháng 8, lần đó mẹ tôi không cùng đi, phải ở nhà giữ nhà, hẹn lần khác, mà lần khác đó không có, chỉ có vợ tôi lên Sài Gòn vài tuần rồi thì kháng chiến bắt đầu, tôi lại phải cho người đưa vợ tôi về làng tảng sáng ngày 23. Chừng nào chúng tôi sẽ được ở chung với nhau nữa? Nhớ hồi tháng 4 năm 1941, tôi mãn tù, vợ tôi lên trước cửa Khám Lớn đón tôi về nhà, hai đứa tôi ở chung nhau chỉ được có 9 ngày thì tôi lại bị bắt nữa, đày lên Tà Lài; rồi tôi vượt ngục, xa nhà mãi cho tới cách mạng tháng Tám. Nay lại xa nhà nữa, biết đến chừng nào sum họp mong đợi? Mà chiến tranh còn kéo dài tới bao lâu? Ai biết? Bổn phận làm trai, làm dân, tôi làm được; giỏi dở tuỳ đồng bào và lịch sử phán cho, không có gì phải suy tư cho lắm, ít nhất là cho tới nay. Còn bổn phận làm con, làm chồng thì tôi hoàn toàn không làm được gì. “Được cái này thì mất cái kia”, có nhất thiết phải như vậy không? Lịch sử cận đại đã chứng minh rằng, trong nhiều, rất nhiều trường hợp, nhất thiết phải như vậy! Việc nước trước việc nhà.
Mà tôi chắc rằng, kháng chiến dù gian lao mấy cũng sẽ thắng lợi, mất mát mấy rồi cũng còn.
Thân mẫu và thân phụ tác giả
(Mẹ tôi, tuổi quá 80, đã qua đời khi tôi còn ở chiến trường Biển Hồ. Vợ tôi vào bưng biền, làm nhân viên hậu cần cho quân đội, đến 1954 được tập kết ra Bắc).
PHỤ LỤC Thư của Trần Văn Giàu gởi cho Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Tổ chức Trung ương.
|
Chú thích của người biên tập
[1] Lúc này, hơn một năm sau Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Lê Đức Thọ không còn ở trong Bộ chính trị Trung ương nữa. Trong những ngày trước Đại hội, ông đã lèo lái mọi cách để ông Trường Chinh không ở lại tiếp tục làm tổng bí thư, tạo thêm đà cho cuộc đổi mới (ông Phạm Văn Đồng bị lung lạc, đã dùng nước mắt để thuyết phục ông Trường Chinh, nhân danh sự “đoàn kết nội bộ”). Ba người rút ra làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương khóa VI. Với thế lực của bộ máy tổ chức, an ninh, đối ngoại, quân đội, Lê Đức Thọ tiếp tục nắm giữ nhiều quyền hạn, cho đến ngày ông mất (tháng 10.1990).
[2] Khu trụ sở các ban trung ương của ĐCSVN ở thành phố Hồ Chí Minh (phường 7, quận 3) tiếp giáp các đường Trần Quốc Thảo và Lý Chính Thắng. T.78 là tên gọi của Cục quản trị, phụ trách các cơ ngơi của ĐCSVN. Nhà ở “phía nam” của các ủy viên Bộ chính trị nằm ở đây
[3] Tức là bà Hồ Thị Bi (Hồ Thị Hoa). Thành lập và chỉ huy “Chi đội 12” (tiền thân của Trung đoàn 312) đã lập nên những chiến công hiển hách từ cuối năm 1945 ở vùng Hóc Môn. Lúc này bà mới tập đọc, tập viết, ký tên BI trông như ba con số 131, nên quân đội Pháp ở vùng này gọi bà là “Madame 131”. Có thể đọc thêm Nguyên Hùng: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng.
[4] Nhà cách mạng lão thành, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 ở Bạc Liêu. Làm nghề họa đồ, nên còn có tên là “Họa đồ Lý”. Có thể đọc tiểu truyện của ông trong Tuyển Tập Nguyên Hùng: Tà Lài tụ nghĩa (Hồi thứ nhất: Vì Việc Nghĩa Tào Tỵ Thọ Nạn Tới Gia Định Gặp Bạn Công Trung).
[5] Thiếu tướng Tô Ký sinh năm 1922 (Wikipédia viết 1919), tại làng Bình Lý, Hóc Môn (nay là xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 17 tuổi bị bắt giải đi căng Tà Lài (1940). Đầu năm 1942, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục và bị bắt giải lên Bà Rá cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3. 1945. Ông là một trong những người lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, sau là Chi đội 12. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được thăng thiếu tướng, Chính ủy quân khu. Ông mất mùng 2 Tết năm Kỷ Mão (1999). Theo Nguyên Hùng: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng (“TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”)
[6] Banh (từ tiếng Pháp bagne): trại giam. Ở Côn Đảo, có nhiều banh, mỗi banh gồm nhiều khám. Thời Pháp, có 4 banh: banh 1 (trại Phú Hải), banh 2 (trại Phú Sơn), banh 3 (trại Phú Thọ), banh 3 phụ (trại Phú Tường), Chuồng Cọp, Chuồng Bò. Thời Mỹ, thêm trại 5 (Phú Phong), trại 6 (Phú An), trại 7 (Phú Bình, còn gọi là Chuồng Cọp Mĩ, phân biệt với Chuồng Cọp Pháp), trại 8 (Phú Hưng). Tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập Chuồng Cọp. Các tên “Phú…” được đặt ra dưới thời Nguyễn Văn Thiệu sau Hiệp định Paris, khi quần đảo Côn Sơn được gọi tên là Phú Hải.
[7] Phan Đình Khải là tên thật của ông Lê Đức Thọ. Cả hai đều sinh năm 1911: Trần Văn Giàu ngày 6 tháng 9, Lê Đức Thọ ngày 14 tháng 10.
[8] Bảy Dự: bí danh của Nguyễn Võ Danh, từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, phó bí thư Thành ủy Đảng bộ TP HCM của ĐCSVN.
[9] Tức Bảy Trân (đừng nhầm với Nguyễn Văn Trấn “ông già Chợ Đệm”), sinh năm 1908, sang Pháp (Marseille) năm 15 tuổi. 19 tuổi, sang Liên Xô học trường Stalin (1927-1930), cùng khóa Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai, Trần Đình Long, Bùi Ái. Bí mật về nước năm 1930. Một trong những đảng viên cộng sản hiếm hoi đã tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của đạo Cao Đài và hàng ngũ Bình Xuyên. Cũng đã từng làm liên lạc giữa bí thư xứ ủy Trần Văn Giàu với những trí thức yêu nước như Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Thiều... Xem thêm: Nguyễn Văn Trân, người cảm hóa giang hồ Bình Xuyên trong Nguyên Hùng (sách đã dẫn).
[10] Bà Đỗ Thị Đạo. Khi Trần Văn Giàu bị trục xuất từ Pháp về (19 tuổi, năm 1930), cha mẹ ông buộc phải cưới vợ “cho tròn chữ hiếu”. Cuốn hồi ký này, ông đề “tặng vợ tôi, bà Đỗ Thị Đạo, người vợ trung thành, người đàn bà theo đúng truyền thống Việt Nam và truyền thống gia đình”.
[11] Đối chiếu tên đường phố Sài Gòn nói tới trong phần này:
Bonard: nay là đại lộ Lê Lợi
Boresse: nay là đường Bác sĩ Yersin. Những năm 1920-30, khu này được gọi là khu Bột Đền (từ chữ Pháp bordel – nhà chứa, nhà thổ), vì khu này có nhiều nhà chứa.
La Somme: nay là đại lộ Hàm Nghi
Verdun: trở thành đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách mạng Tháng Tám.
[12] Bệnh viện Đồn Đất: nay là Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh viện này do người Pháp xây từ năm 1867, lần lượt mang tên Bệnh viện Hải quân, Bệnh viện Quân đội, Bệnh viện Grall. Sau ngày thống nhất (tháng 7.1976) Pháp chuyển giao cơ sở y tế này cho chính phủ Việt Nam, trở thành bệnh viện dành cho cán bộ cao cấp và trung cấp. Năm 1978, bệnh viện dành cho cán bộ chuyển về Bệnh viện Thống Nhất (Vì Dân cũ), cơ sở Đồn Đất trở thành Bệnh viện Nhi đồng 2.
[13] Gà rót: từ lóng của giới chọi gà, chỉ con gà đã bị thua một lần, sau đó, hễ gặp lại đối thủ là bỏ chạy.
[15] Ông Trần Văn Giàu đã được cử sang Campuchia và Thái Lan tổ chức hậu cần cho kháng chiến Nam Bộ, và cũng đã vận động được nhiều thanh niên Việt kiều ở Thái Lan về nước chiến đấu. Đầu năm 1947, ông được điều về Việt Bắc làm Tổng giám đốc Nha thông tin.
[16] Năm Đông: tức Dương Quang Đông, tức Dương Văn Phúc (1902-2003). Ông Năm Đông là nhà cách mạng lão thành đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của lãnh lụ Nguyễn Ái Quốc và sớm hoạt động trong Công hội Đỏ của cụ Tôn Đức Thắng. Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kì. Trong thời kháng Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta ở thủ đô Xiêm quốc, Bangkok. Ông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập cảng lớn tại thủ đô Bangkok, mua sắm tàu biển chở súng đạn, hóa chất, máy móc về nước đánh Tây. Trong cuộc sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái tên Xiêm là Nai Chran ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt. Xem tiểu sử đầy đủ trong cuốn Dương Quang Đông xuyên Tây của Nguyên Hùng (sách đã dẫn). Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, ông vẫn lên tiếng chống tiêu cực và sự lưu manh hóa hàng ngũ đảng (như tố cáo sự gian trá của tướng Lê Đức Anh).
[17] Deschamps là đảng viên Đảng cộng sản Pháp, làm thuyền trưởng. Trong cương vị này, ông làm giao liên giữa hai đảng, và cung cấp sách báo tài liệu cho ĐCSVN. Deschamps bị bắt năm 1935 cùng với Trần Văn Giàu. Các nhân chứng ông Giàu kể trong thư này, và nhiều người khác đều cho biết ai là người tố giác và khai báo về Deschamps và Trần Văn Giàu (xem Nguyên Hùng, sách đã dẫn).
[18] Bảy Huệ tức Ngô Thị Huệ hoạt động cách mạng từ những năm 1930, hai lần tù. Bà kết hôn với ông (Mười Cúc) Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư tương lai) năm 1948. Hai người gặp nhau lần đầu trước đó ba năm, khi Bảy Huệ thay mặt tỉnh ủy Sóc Trăng ra đón đoàn tù trở về từ Côn Đảo.
[19] Ba Nhâm tức Trương Văn Nhâm hay Trương Quang Nhâm. Từng làm bí thư tỉnh ủy Trà Vinh. Một trong tám người vượt ngục Tà Lài (đợt 2) năm 1942, cùng với Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết (Kiệt), Nguyễn Công Trung, Nguyễn Hoàng Sính (Đức), Tô Ký.
7-3-11