-Lion Group quy lỗi cho Vinashin về sự thất bại của dự án liên doanh (VOA)-Tập đoàn Lion của Malaysia đã quy lỗi cho tập đoàn đóng tàu Vinashin do nhà nước Việt Nam sở hữu về sự thất bại trong một dự án liên doanh nhiều tỉ đôla.
Tin của Pháp Tấn Xã nói rằng dự án liên doanh giữa Tập đoàn đóng tàu Vinashin của Việt Nam và Lion Group của Malaysia có kinh phí lên tới 9,8 tỉ đôla, bao gồm một nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện và một cảng biển ở tỉnh Ninh Thuận.
Tờ Lao Động, trích lời các giới chức Việt Nam hồi tháng trước nói rằng giấy phép đầu tư cho dự án liên doanh Vinashin-Lion Group bị thu hồi là vì “chủ đầu tư không thực hiện cam kết của mình để triển khai dự án như trong giấy phép đã nêu”.
Trong một thông báo gửi cho hãng tin AFP, tập đoàn công ty Lion của Malaysia nói “Tập đoàn Lion muốn khẳng định rõ rằng tình trạng thiếu tiến bộ là do những vấn đề tài chính và quản trị ảnh hưởng tới Vinashin, khiến cho công ty này không thể đáp ứng đòi hỏi để có thể tiếp tục dự án.”
Thông báo này còn nói thêm rằng tập đoàn Lion đòi hỏi một số điều kiện, kể cả một mức độ bảo vệ về mặt thuế quan cho hàng nhập khẩu, tương xứng với một dự án đầu tư lớn như thế.
Tập đoàn Lion Group nói vì các điều kiện ấy không được đáp ứng, nên tập đoàn Lion đã quyết định không tiến hành dự án liên doanh với Vinashin.
Trước đó, nói chuyện với Hãng tin Dow Jones, ông Phạm Đông, người đứng đầu Phòng Kế Hoạch và Đầu Tư tại Ninh Thuận, nói rằng tập đoàn Lion sở hữu 75% dự án, nhưng gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư. Ông Đông cho biết là ngoài ra, còn có một số vấn đề liên quan tới công nghệ được chọn để sử dụng.
Với nợ nần chồng chất lên tới 4 tỉ đôla, hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Vinashin đã không thanh toán khoản tiền 60 triệu đôla đầu tiên, để trả món nợ 600 triệu đôla do Ngân hàng Credit Suisse dàn xếp hồi năm 2007.
Chủ tịch công ty Vinashin Phạm Thanh Bình và một số giới chức khác của công ty này đã bị bắt giữ. Và sự thất bại của công ty Vinashin đã tác động đến uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Tờ Financial Times bình luận rằng Vinashin đã trở thành một bài học về những nguy cơ đối với vấn đề quản trị nợ đầu tư của các thị trường mới nổi.
Bên bờ phá sản, tập đoàn đóng tàu Vinashin đã mướn công ty KPMG cố vấn để tái cấu trúc nợ nần. Nói chuyện với phóng viên của hãng tin tài chánh Bloomberg, Vinashin cho hay sẽ báo cáo lại cho các chủ nợ vào tháng Năm hoặc tháng 6 năm nay.
Một số chủ nợ than phiền về việc công ty Vinashin tránh tiếp xúc, và không thông tin liên lạc với họ để có thể đi đến giải pháp tốt nhất.
Ông Fred Burke, một đối tác trong chi nhánh Việt Nam của công ty luật Baker & McKenzie nói khó có thể tránh khỏi các vụ tố tụng, nếu các bên liên hệ không thương thuyết để đi đến một giải pháp tương nhượng trong một vài tháng tới.
Nguồn: Financial Times, AFP, Bloomberg