Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài về nhà sau khi mãn hạn bốn năm tù giam.
Ông Đài nói với BBC từ Hà Nội rằng chính quyền đã cho xe chở ông từ trại giam Nam Hà về từ lúc 6 giờ sáng và "8 giờ đã tới nhà"."Trước hết họ chở tôi về phường để làm thủ tục quản chế, sau mới cho về nhà."
Theo phán quyết của tòa tại phiên xử phúc thẩm tổ chức hôm 27/11/2007, ông Nguyễn Văn Đài lãnh án bốn năm tù giam, thêm bốn năm quản chế tại địa phương, vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.
Ông Đài nói với BBC rằng cảm giác đầu tiên của ông khi trở về nhà là rất "bồi hồi".
"Vợ tôi cũng thường xuyên lên trại thăm tôi, nhưng nhìn vợ con trong khung cảnh gia đình vẫn có cảm giác khó tả."
Ông cũng nhận thức được rằng lúc đầu ra tù, "việc đi lại sẽ rất khó khăn" nên cũng chưa biết sẽ làm gì.
"Trước khi thả, người ta cũng căn dặn tôi nhiều điều. Ngay bây giờ bên ngoài nhà cũng có nhiều người lạ."
Đi lại khó khăn
Không biết có phải sự trùng hợp, nhưng ông Nguyễn Văn Đài cho hay đường cung cấp nước sạch cho gia đình ông vừa gặp vấn đề, "nhà không có nước dùng, và họ nói phải ngày mai đầu tuần mới có thể giải quyết".Ông Nguyễn Văn Đài và một cộng sự, luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt từ hôm 06/03/2007.
Bà Công Nhân đã được thả từ tháng Ba năm ngoái vì mức án nhẹ hơn một năm.
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trước khi bị bắt là hai nhân vật đấu tranh dân chủ tích cực, thành viên chủ chốt của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một đảng chính trị không được công nhận ở trong nước.
Họ cũng tham gia phong trào dân chủ có tên Khối 8406.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Mỹ trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.
Tuy nhiên sau đó ông bị khai trừ khỏi Đoàn luật sư Hà Nội và văn phòng luật Thiên Ân của ông cũng bị đóng cửa.
Luật sư Đài lúc đó bị cáo buộc đã 'lợi dụng giấy phép hành nghề để hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và vi phạm nghiêm trọng luật Việt Nam'.
Trong các hành vi bị coi là "chống phá" của luật sư Đài, cáo trạng của tòa có nhắc tới việc ông viết bài trên các trang mạng, trong có BBC, việc ông thu thập tài liệu về nhân quyền-dân chủ, và việc văn phòng luật sư của ông Đài cử người đi tìm hiểu về tình hình tôn giáo cũng như nhận bào chữa cho các nhân vật bị chính quyền coi là "có vấn đề".