Nguyên nhân đích thực của cơn địa chấn chính trị trong thế giới A-rập | ||
00:48 | 05/03/2011 | ||
.Bạo loạn chính trị mở đầu ở Tuynidi, sau đó làm rung chuyển quốc gia Ai Cập cổ kính và lan sang nhiều nước Bắc Phi – Trung Đông như: Angiêri, Yêmen, Baranh, Iran, Libi… Giới truyền thông quốc tế nhất loạt bóc trần nguyên nhân của sự kiện đó là: chế độ chuyên quyền độc đoán, tham nhũng, tình trạng nghèo khổ, giá hàng hóa tăng cao… ở các nước sở tại. Bởi vậy, những cuộc xuống đường hàng nghìn, hàng vạn người lật đổ chính quyền ở Tuynidi và Ai Cập được tung hô như thắng lợi của nền dân chủ, thậm chí như những cuộc nổi dậy cách mạng của quần chúng nhân dân. Trên thực tế, nguyên nhân đích thực, trực tiếp và nguy hiểm nhất của cơn địa chấn chính trị A-rập là mô hình phát triển kinh tế- xã hội theo chủ nghĩa tự do mới và sự can thiệp của chính quyền Mỹ. Nhà Trắng và các đồng minh phương Tây đã chuẩn bị kịch bản chiến lược từ nhiều năm trước. Chỉ có điều, như nhiều lần trước, một lần nữa, họ lại mưu toan bịt mắt toàn thế giới. Thế giới A-rập là một thực thể địa chính trị rộng gần 13 triệu km2, bao gồm 20 quốc gia nói tiếng A-rập, thành viên Liên đoàn A-rập, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Phi - Trung Đông và lấy đạo Hồi làm tôn giáo chính. Đây là kho năng lượng khổng lồ nhất thế giới với trữ lượng trên 700 tỷ thùng dầu và sản lượng hàng năm chiếm hơn 60% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu. Đây cũng là nơi có kênh đào Xuyê trọng yếu, hành lang của 3 triệu thùng dầu mỗi ngày và chiếm gần 20% tổng lượng hàng hóa vận chuyển toàn thế giới. Từ lâu, Mỹ và các thế lực tư bản đế quốc đã thực hiện chiến lược bá chủ Bắc Phi - Trung Đông nói riêng và thế giới A-rập nói chung. Tất cả các chế độ theo khuynh hướng dân tộc tiến bộ đều bị Nhà Trắng xếp vào danh sách cần loại bỏ. Lãnh tụ Mossadegh của Iran và lãnh tụ Nasser của Ai Cập đã từng là nạn nhân của chiến lược do Oasinhtơn chủ mưu ngay từ cách đây hơn 40 năm. Cũng trong suốt nửa thế kỷ qua, nhân dân và Tổ chức Giải phóng Palextin phải gánh chịu hàng loạt chính sách thù địch phũ phàng của chính quyền Mỹ. Để biến thế giới A-rập thành nhân tố phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ, các ông chủ Nhà Trắng đã ráo riết áp đặt mô hình tự do mới lên đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy mô hình dân chủ theo các chuẩn Mỹ và phương Tây. Sau 3-4 thập kỷ đi theo chủ nghĩa tự do mới, các xã hội A-rập đều chịu chung các căn bệnh trầm kha: kinh tế tuy tăng trưởng nhưng không có ổn định vĩ mô, phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nhân tố bên ngoài; phân hóa xã hội, chênh lệch giàu nghèo trầm trọng; giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc, đạo lý Hồi giáo bị xâm hại nặng nề; căng thẳng xã hội âm ỉ kéo dài và sẵn sàng bùng phát; chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tái hiện như sự phản kháng sống còn đối với văn minh ngoại lai… Bão táp chính trị ở Tuynidi, Ai Cập và hàng loạt quốc gia Bắc Phi- Trung Đông vừa qua là hệ quả không tránh khỏi của sản phẩm mang nhãn hiệu USA chính hiệu: mô hình tự do mới sau vài thập kỷ cấy ghép vào thực thể A- rập vốn không thể dung nạp dị vật này của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Từ nhiều năm nay, chính quyền Mỹ nhận thấy rất rõ sự bất ổn của các nước A-rập, trước hết là của các quốc gia đồng minh như Ai Cập, Ả rập Xê út… Mối lo ngại của các ông chủ Mỹ ngày càng gia tăng khi phát hiện Tổng thống Mubarak mắc căn bệnh hiểm nghèo. Làm thế nào để thay thế Mubarak mà vẫn giữ được chính quyền thân Mỹ ở Ai Cập, quốc gia vốn được coi là chìa khóa không thể thiếu cho các vấn đề Bắc Phi - Trung Đông ? Nhà Trắng và CIA đã chơi con bài lợi hại quen thuộc: ủng hộ các lực lượng đối lập nhân danh dân chủ tiến hành bạo loạn chính trị, phế truất chiến hữu Mubarak già nua, nhũng nhiễu, hết thời. Nhân vật thay thế đã được chuẩn bị sẵn cho cuộc bầu cử sắp tới của đất nước kim tự tháp: ông El Baradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, đồng minh không giấu diếm của các chính quyền Mỹ trong nhiều năm qua. Lần này, các chuyên gia Mỹ đã khéo lợi dụng mạng xã hội, điện thọai di động, hộp thư điện tử và các phương tiện truyền thông hiện đại khác để kêu gọi nhiều làn sóng dân chúng xuống đường dồn ép chính quyền Mubarak vào điểm tận cùng. Qua sự nhào nặn của giới truyền thông do Mỹ chi phối, sự kiện Ai Cập và chảo lửa Bắc Phi – Trung Đông hiện lên như một thảm kịch tự phát do Twitter, Facebook, Google… kích động ! Lịch sử đã nhiều lần chứng minh, biết bao sự kiện lớn lần đầu xảy ra như một bi kịch và lần thứ hai xảy ra sẽ như một hài kịch. Đối với Mỹ, thay thế Mubarak mà vẫn giữ nguyên vai trò, vị trí đồng minh thân Mỹ của Ai Cập chỉ là màn đầu của kịch bản Bắc Phi - Trung Đông. Màn thứ hai, quan trọng hơn nhiều, chính là lợi dụng làn sóng chống đối đang tràn lan toàn khu vực, lật đổ các chính quyền chống Mỹ. Hiển nhiên là Libi và Iran lọt ngay vào tầm ngắm của Oasinhtơn. Lần này, họ không chỉ chống phá bằng các vũ khí truyền thông, mà bằng cả hăm dọa quân sự, bằng sự hiện diện của tàu sân bay, tàu chiến với hàng chục nghìn lính thủy đánh bộ ăn chực nằm chờ sát nách hai quốc gia vốn đã làm Nhà Trắng mất mặt nhiều năm qua. Thêm nữa, họ còn chống phá Cadaphi và Almadinejad bằng sức mạnh của quyền lực chinh trị quốc tế, chủ yếu là thông qua Liên hợp quốc, với những nghị quyết cấm vận nguy hiểm. Thế giới ngày nay tỉnh táo hơn nhiều so với những gì các ông chủ Nhà Trắng lầm tưởng. Đã xuất hiện nhiều tiếng nói trong cộng đồng quốc tế, trong đó có cả một số cường quốc, phản đối mưu toan dùng can thiệp quân sự nước ngoài nhằm giải quyết tình hình Libi; phản đối việc lợi dụng Liên hợp quốc như công cụ quyền lực phục vụ mục tiêu chiến lược của Mỹ. Vấn đề của Libi nhất thiết phải do chính quyền và nhân dân Libi giải quyết, tốt nhất là thông qua giải pháp chính trị, trên cơ sở luật pháp quốc gia và tôn trọng các giá trị chung của cộng đồng quốc tế. Ảnh hưởng lây lan của bạo loạn chính trị rất có thể từ thế giới A rập đến một số khu vực khác. Và nếu như vậy, cộng đồng quốc tế, các chính phủ và nhân dân các nước rất cần cảnh giác với những tấn hài kịch tiếp theo, được dàn dựng bởi các thế lực muốn che đậy sự phá sản của mô hình tự do mới; muốn bắt nhân dân thế giới trả giá đắt cho những chính sách lầm lỗi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và, hơn nữa, muốn nhân cơ hội này chống phá, lật đổ các chế độ không tuân theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa do Mỹ và phương Tây chỉ huy. |
Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011
Nguyên nhân đích thực của cơn địa chấn chính trị trong thế giới A-rập
Nhãn:
CM Hoa Nhài,
Thế Giới