Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Nói thì nghe rất sướng tai, nhưng...

Nói thì nghe rất sướng tai, nhưng...

- Dẫn lại nhiều quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ vừa qua vì "rơi vào tình thế chuyện đã rồi", nhiều vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ tâm tư về việc Quốc hội đang hoạt động trong tình thế bị động. Nhất là trong phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách. 
"Chính phủ đưa món gì ta ăn món đấy"
Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XI của QH, các cơ quan của QH, diễn ra sáng nay (28/3), ĐB Nguyễn Minh Hồng (TP.HCM) kể lại, trước một phiên biểu quyết ngân sách, có vị  Phó chủ tịch QH đã nói nói, tiền thì cũng đã tiêu rồi.
ĐB Ngô Minh Hồng: "Tôi nhất trí với ĐB Quốc về việc QH phải hát quốc ca thay vì cử hành nhạc. Mỗi lần tôi hát quốc ca tôi lại thấy nổi da gà".
Vậy là trước sức ép nếu có không thông qua nghị quyết cũng không biết sẽ treo đến lúc nào, nên các đại biểu đều bấm nút.  Thông lệ, các tỉnh, thành đều đã làm việc với Bộ Tài chính về dự toán ngân sách từ tháng 8, nhưng đến kỳ họp cuối năm là tháng 11 mới đưa ra xin ý kiến QH, nên, "có xin thêm hay bớt cũng thế cả thôi", bà Hồng nói.
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nguyễn Đăng Vang nhẩm tính, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, bản dự toán đưa ra xin ý kiến QH cũng chỉ thay đổi được 1%, còn 99% đã được quyết gần hết.
Không chỉ bị động trong tham gia ý kiến về ngân sách, mà các ĐBQH cũng tự trách mình vì liên tục bị động trong công tác làm luật, quyết định các dự án quan trọng.
Bà Hồng cho rằng, QH đang rơi vào tình thế Chính phủ đưa sang luật nào là làm luật nấy, không quy quyết liệt đòi hỏi cái gì quan trọng phải trình trước. Ngay dự án, công trình quan trọng quốc gia đáng lý phải được xem xét cẩn trọng, thì đại biểu cũng chỉ biết  đưa gì bàn nấy.
Bà Hồng dẫn chứng, tại kỳ họp thứ năm, nhiều ý kiến trên nghị trường phàn nàn việc Chính phủ chẻ nhỏ dự án bôxit, nhưng rồi khi Chính phủ giải thích là các dự án nhỏ xây đường sắt và cảng biển là các dự án phục vụ chung cho cộng đồng thì QH cũng nghe theo.
"QH đang ở trạng thái Chính phủ đưa món gì ta ăn món đấy, vì không có lựa chọn nên không biết́ món nào ngon hơn", bà Hồng chốt lại.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu): "ĐB địa phương còn thiếu thông tin, nhất là thông tin phản biện của chuyên gia, chỉ có thông tin của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và tự khai thác trên mạng nên bấm nút mà không tránh khỏi băn khoăn".
Vì chỉ được hỏi ý kiến những việc đã rồi, nên theo ĐB Phạm Thị Loan, nếu cứ để ĐBQH được quyết định chủ trương sáp nhập Hà Nội theo đúng tâm nguyện kết quả đã khác. Quyết định sáp nhập trong nhiệm kỳ vừa rồi đã để lại  những tác động đáng  buồn.
Hoặc, dân cầń câu trả lời triệt để cuối cùng về sai phạm ở Vinashin.  Còn nếu vẫn tiếp tục bị động, QH sẽ rất khó có được sự tín nhiệm của dân. Sức mạnh của QH chỉ có khi  QH hoạt động độc lập không bị chi phối.
ĐB Nguyễn Ngọc Đào phân tích, do tính chất phản biện còn nhẹ, mới dẫn đến những hiện tượng như trong dư luận có người nói QH chẳng có vai trò gì, từng vị ĐB còn chưa được dân trọng.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc QH phải "vắt chân lên cổ" chạy theo các dự án luật chậm trễ mà QH trình sang. Hàng loạt dự án luật dân cần quan không vội như Luật đất đai, Luật biển... liên tục bị trì hoãn.
Thời điểm chín muồi nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng
Để tăng tính chủ động, bà Hồng cho rằng từng ĐB phải nâng bản lĩnh, sự chuyên nghiệp, và tinh thần trách nhiệm.
Còn theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), điều quan trọng là QH phải cầm cương chi tiêu quốc gia. "Khi QH kiểm soát chặt ngân sách thì bất kỳ dự án, chính sách nào, Chính phủ cũng phải trình thì chúng ta mới rót tiền", ông Lịch nói.
ĐB Trần Hoàng Thám
Về quyết định vấn đề quan trọng, ông Lịch nói, bàn vấn đề gì là phải đi đến cùng. Hiện, cử tri vẫn phàn nàn, nghe QH thảo luận và nói thì rất sướng tai nhưng lại không quyết được gì̀.
Theo ông Lịch, QH  nên ban hành hai loại nghị quyết. Một loại thuộc dạng cưỡng chế, không làm không được. Loại thứ hai là nghị quyết khuyến nghị, Chính phủ nếu không làm cũng không sao và có quyền lựa chọn nhưng nếu không thực thi có thể sẽ xem xét chế độ trách nhiệm.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, cần khẳng định vai trò những người đứng đầu QH lẫn các ủy ban. Họ phải là những cá nhân bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách, có đức hy sinh vì lợi ích dân tộc, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách và không né tránh, không ngại va chạm.
Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám (TP.HCM) lại đề xuất, Ban chấp hành Trung ương nên dành thời gian tổng kết xem xét việc tăng cường hoạt động của Đảng với Quốc hội và các cơ quan dân cử một cách phù hợp và căn cơ.
Theo ông Thám, đây là thời điểm chín muồi để xem lại vấn đề, chưa kể, tiền đề thuận lợi nhất là hai vị Tổng Bí thư (ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng) đều từng kinh qua vị trí Chủ tịch QH, nên hiểu hơn ai hết tác động và ảnh hưởng của vấn đề này.
Ông Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng, trước thềm kỳ bầu cử QH khóa mới đang có nhiều ý kiến về việc ĐB trong Đảng hay ngoài Đảng tham gia QH thì hoạt động tốt hơn.
Nhưng theo ông Ngũ, quan trọng nhất là cơ chế cho ĐB đóng góp với QH, không cứ Đảng viên hay không.
Ông Ngũ cho hay, tại một hội thảo của UB Pháp luật vừa qua ở Nam Định, nhiều người cũng mổ xẻ vai trò sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội. "Phải có 1 nghị quyết về  nâng cao chất lượng sự lãnh đạo của Đảng với QH", ông Ngũ đề xuất.
Đồng tình ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) nói, thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng với QH là mấu chốt để QH hoạt động thực chất hơn.
Ngày mai 29/3, QH họp phiên bế mạc.
  • Lê Nhung
  • Ảnh: Long Anh

Tổng số lượt xem trang