Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

QUAN HỆ TRUNG QUỐC-MIANMA VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KHU VỰC

QUAN HỆ TRUNG QUỐC-MIANMA VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KHU VỰC
Tài liệu tham khảo đặc biệt Thử Bảy, ngày 19/03/2011
TTXVN (Niu Yóoc 10/3)
Đánh giá về mối quan hệ Trung Quốc-Mianma và tác động của mối quan hệ này đối với khu vực, mạng “Eurasia Review” ngày 10/3 nhận định, mặc dù việc can dự vào Mianma có thể chỉ là một phần trong toàn bộ cuộc tiến công kinh tế của Trung Quốc như một “sức mạnh mềm” ở khu vực Đông Nam Á, nhưng mối quan hệ của Trung Quốc với Mianma được coi là mối quan hệ đặc biệt, bởi vì những lý do chiến lược và địa chính trị nhất là việc tiến vào Ấn Độ Dương. An ninh năng lượng cũng là một nhân tố quan trọng khác đối với Trung Quốc nhằm khai thác nguồn khí đốt của Mianma.
Quan hệ Trung Quốc-Mianma thường được ngôn ngữ Mianma nhắc đến như là “anh em”. Hai nước tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 10/2010 khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm Mianma. Mianma là một trong những nước đầu tiên công nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ngày 17/12/1949 và hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/6/1950. Năm 1954, Trung Quốc, Mianma và Ấn Độ ra tuyên bố 5 nguyên tắc cùng tồn tại. Tuyên bố này đã trở thành cơ sở cho các mối quan hệ quốc tế và được Phong trào Không Liên kết theo đuổi. Những nguyên tắc này được đưa vào Tuyên bố chung Trung Quốc-Mianma ngày 29/6/1954. Mối quan hệ 60 năm đã đạt được những tiến bộ vững chắc qua việc hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Có lẽ Trung Quốc là nước duy nhất không lên án việc đàn áp cuộc nổi dậy thân dân chủ ở Mianma năm 1988. Mianma cũng đáp lại không lên án sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Từ đó Trung Quốc không ngừng ủng hộ mạnh mẽ Mianma về ngoại giao, kinh tế, quân sự và gần đây vượt qua Thái Lan trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Mianma.
Trong 60 năm của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung Quốc đã sử dụng sức ép, thuyết phục, viện trợ kinh tế và quân sự để bảo vệ chế độ Mianma tránh khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh. Việc sử dụng quyền phủ quyết của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy Bắc Kinh là đồng minh giá trị nhất của Mianma. Từ đầu những năm 1990, Mianma coi sức mạnh phủ quyết của Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như chính sách bảo lãnh cuối cùng chống lại sự can thiệp quốc tế. Do đó, các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây không có tác dụng đối với chế độ Mianma là nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Trung Quốc ủng hộ chế độ quân sự khi diễn ra cuộc nổi dậy của phong trào thân dân chủ năm 1988. Trung Quốc ủng hộ cựu Thủ tướng Khin Nyunt (một người gốc Trung Quốc) và hy vọng ông ta giúp tăng cường ảnh hưởn của Bắc Kinh ở Mianma. Mặc dù sự lãnh đạo quân sự ở Mianma phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, nhưng thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi từ năm 2006. Một số nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đã ép Chính quyền quân sự Mianma tiến hành các cải cách chính trị và theo đuổi tiến trình ít đối đầu hơn với LHQ. Trung Quốc hoan nghênh các cuộc bầu cử đa đảng được tổ chức tháng 11/2010 ở Mianma và chúc mừng việc triệu tập Quốc hội Mianma ngày 31/1/2011 sau hai thập kỷ. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên ca ngợi đội ngũ lãnh đạo mới của Mianma. Ngày 4/2/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gửi điện chúc mừng ông Thein Sein được chỉ định làm Tổng thống Mianma.
Trung Quốc và các nhóm sắc tộc của Mianma
Trung Quốc có đường biên giới trên bộ dài 2.192km với Mianma ở các ban Kachin và Shan – nơi một số nhóm sắc tộc lớn có vũ trang hiện chiếm giữ một số khu vực quan trọng. Các nhóm sắc tộc lớn gồm: Quân độ bang Wa thống nhất (UWSA); Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDAA). Một số nhóm này là người sắc tộc Trung Quốc. Mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc là ổn định vùng biên giới và phát triển kinh tế các khu vực nội địa. Từ năm 1985 khi Trung Quốc ngừng ủng hộ Đảng Cộng sản Mianma (CPB), các nhóm này không còn nhận được sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của Trung Quốc, nhưng vẫn nhờ Trung Quốc tổ chức đàm phán và làm trung gian với Chính quyền quân sự nhằm giải quyết bất đồng giữa các bên. Các nhóm sắc tộc đã tham gia thoả thuận ngừng bắn do sức ép hoặc thuyết phục của Trung Quốc. Các nhóm sắc tộc nhận thấy sự ủng hộ của Trung Quốc chỉ là tạm thời và do các lợi ích kinh tế cũng như an ninh của Trung Quốc. Từ tháng 4/2009, do bị sức ép của Trung Quốc và Chính quyền Mianma, các nhóm vũ trang sắc tộc đã sáp nhập vào các đơn vị biên phòng. Nhưng tháng 8/2009, Trung Quốc bất ngờ khi Chính quyền Mianma tấn công Liên minh Dân chủ Quốc gia Mianma (Nhóm Kokang) buộc trên 20.000 người Kokang (người gốc Trung Quốc) chạy sang Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc lo ngại Chính quyền Mianma có thể đang âm mưu buộc tất cả các nhóm vũ trang khác trên biên giới giải trừ vũ khí và sáp nhập vào các đơn vị biên phòng. Chính quyền Bắc Kinh và Côn Minh có sự bất đồng trong việc phối hợp hành động với các nhóm sắc tộc. Hầu hết các nhóm ở khu vực biên giới trực tiếp phối hợp hành động với Chính quyền Vân Nam. Điều này chủ yếu do Chính quyền tỉnh Vân Nam muốn mở rộng các cơ hội thương mại dù Bắc Kinh rất lo ngại vấn đề an ninh của các khu vực biên giới. Trung Quốc đóng vai trò chủ yếu về tương lai của các thỏa thuận ngừng bắn đó. Đến nay, Trung Quốc đã buộc các nhóm ngừng bắn và Chính quyền Mianma tổ chức đàm phán để đạt được nền hoà bình ở khu vực biên giới và phát triển kinh tế với các tỉnh láng giềng.
Giúp đỡ quân sự
Lực lượng Vũ trang Mianma phát triển mạnh từ năm 1988. Giới phân tích cho rằng sự phát triển đó không dựa trên cơ sở lo sợ mối đe doạ bên ngoài mà chủ yếu do lo ngại cuộc nội chiến tiếp tục với các nhóm vũ trang sắc tộc và ngăn chặn hoà giải dân tộc với các nhóm đối lập thân dân chủ.
Hầu hết trang thiết bị quân sự hiện có của quân đội Mianma là do Trung Quốc cung cấp. Mặc dù chưa có số liệu chắc chắn, nhưng theo thoả thuận mua bán vũ khí đầu thập kỷ 1990, Trung Quốc đã cung cấp 1-2 tỷ USD các loại vũ khí cho Mianma gồm các loại máy bay chiến đấu F-2, tàu tuần tiễu, xe tăng, các loại vũ khí hạng nhẹ, pháo phòng không, tên lửa… Trung Quốc còn huấn luyện cho lực lượng bộ binh và không quân cho quân đội Mianma. Ngoài ra, Trung Quốc còn đào tạo nhiều sĩ quan Mianma tại các trường quân sự ở nước này. Mặc dù quân đội Mianma không hài lòng với chất lượng các loại vũ khí mua của Trung Quốc, nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác do không nước nào đáp ứng các yêu cầu của Mianma, hơn nữa các loại vũ khí mua của Trung Quốc được ưu tiên “giá hữu nghị” bằng các khoản vay không tính lãi. Từ năm 2002-2004, Trung Quốc bắt đầu huấn luyện các sĩ quan hải quân Mianma và hai bên tổ chức các cuộc diễn tập chung dọc bờ biển phía Nam Mianma. Năm 2003, Trung Quốc giúp Mianma xây dựng một cầu tàu dài 85m và trang bị hệ thống trinh sát và tình báo điện tử trên đảo Coco, gần đảo Nicobar của Ấn Độ. Năm 2010, Lực lượng Không quân Mianma mua 50 máy bay chiến đấu Karakorum K-8 của Trung Quốc. Từ những năm 1990, Trung Quốc đã và đang giúp Mianma hiện đại hoá các căn cứ hải quân trên đảo Hainggyi, quần đảo Great Coco, Akyab, Kyaukpyu và Mergui, tất cả đều ở vịnh Bengan.
Thương mại song phương
Hiện nay, hàng hoá Trung Quốc chiếm 80% nhập khẩu của Mianma. Từ năm 1988, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mianma đạt 20 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 12,3 tỷ USD. Chỉ riêng từ tháng 3/2010 đến nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 8,17 tỷ USD ở Mianma, trong đó 5 tỷ USD vào thuỷ điện, 2,15 tỷ USD vào lĩnh vực dầu lửa và khí đốt, 997 triệu USD vào khai thác khoáng sản. Tương tự, quan hệ thương mại song phương cũng tăng mạnh: 4 tháng đầu năm 2010 tăng 76,8% so cùng kỳ năm trước. Năm 2009, tổng thương mại hai chiều tăng 10,7% và tăng hơn nữa trong năm 2010. Mặc dù thương mại tăng, nhưng thâm hụt thương mại của Mianma với Trung Quốc cũng tăng. 4 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mianma tăng gấp 4 lần xuất khẩu từ Mianma sang Trung Quốc. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu của Mianma các loại gỗ, hải sản, than đá, đá hoa và nicken. Trung Quốc xuất khẩu sang Mianma chủ yếu thiết bị điện tử, máy móc xây dựng, cáp điện tử, thiết bị thông tin liên lạc… Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn nhất của Mianma.
Dầu lửa và khí đốt
Năm 2008, 16 công ty dầu khí Trung Quốc đã đầu tư vào Mianma. Từ đó đến nay, chắc chắn ngày càng nhiều công ty dầu khí khác của Trung Quốc tiến vào nước này. Ngày 3/6/2010, Trung Quốc và Mianma bắt đầu xây dựng 2 tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt song song dài 793km từ bờ biển phía Tây của Mianma đến tỉnh Vân Nam. Công ty Qingdao Port của Trung Quốc đã ký một thoả thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để xây dựng và vận hành một cầu tàu ở thị trấn bờ biển Arakan thuộc Kyauk Phyu ở Mianma. Bến cảng biển sâu Kyauk Phyu cũng đang được các công ty Trung Quốc khai thác. Theo dự kiến, mỗi năm Trung Quốc có thể vận chuyển 22 triệu tấn dầu thô và 12 tỷ m3 khí đốt đến tỉnh Vân Nam từ cầu tàu này ở Kyauk Phyu. Năm 2010, Tập đoàn Sinopec phát hiện khu vực dự trữ khí đốt chứa khoảng 7,16 triệu thùng ở khu vực Pathilon (miền Trung Mianma); và khu vực Mahutaung (phía Tây cách Yangon 520km) với khả năng khai thác mỗi ngày khoảng 2,1 triệu feet khối. Từ năm 2004, Sinopec đã và đang thăm dò dầu lửa và khí đốt ở Mianma. Năm 2007, CNPC ký nhiều hợp đồng với các công ty dầu lửa Mianma để thăm dò và khai thác một số khu vực trên biển và lục địa  Mianma.
Các dự án thuỷ điện
Tháng 2/2010 Mianma và Trung Quốc ký thoả thuận triển khai dự án thuỷ điện Upper Salween có công suất 2400kw. Dự án này nằm sát biên giới Trung Quốc và khu vực thuộc UWSA. Hiện nay, các công ty Trung Quốc đang tham gia 20/21 nhà máy thuỷ điện lớn ở Mianma. Sau khi xây dựng xong, điện của tất cả các nhà máy thuỷ điện này sẽ được bán cho Trung Quốc và một số nước láng giềng: Trung Quốc mua 48%, Thái Lan 38%, Ấn Độ 3% và 1% sử dụng trong nước.
Xây dựng sân bay
Một công ty Trung Quốc được Chính phủ Mianma cấp giấy phép xây dựng một sân bay gần thủ đô Nây Pi Đô của Mianma. Dự án này được bắt đầu năm 2009 và dự kiến hoàn thành đầu năm 2011. Công ty Xây dựng Thông tin Liên lạc Trung Quốc đã đầu tư trên 100 triệu USD vào dự án đó, do đó tổng đầu tư của dự án là khoảng 250 triệu USD.
Các tuyến đường sắt
Hiện nay, Trung Quốc và Mianma đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 1920km nối Côn Minh và Yangon, sau đó sẽ nối với Tavoy-nơi có một bến cảng lớn của Thái Lan. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ xây dựng một tuyến đường sắt chạy song song với đường ống dẫn dầu và khí đốt nối khu vực Kyauk Phyu ở bang Arakan và Công Minh. Trung Quốc và Mianma cũng chuẩn bị triển khai tuyến đường sắt chạy từ Côn Minh qua bang Shan của Mianma đến thành phố Chiang Rai của Thái Lan và một số tuyến đường sắt khác trong nội địa Mianma.
Các khoản vay và viện trợ
Từ năm 1962-1994, Trung Quốc viện trợ cho Mianma gần 62,5 triệu USD. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Than Shwe năm 2003, Trung Quốc cung cấp cho Mianma các khoản vay ưu đãi trị giá 200 triệu USD và viện trợ 6,25 triệu USD. Năm 2005, Trung Quốc tiếp tục cam kết viện trợ cho Mianma 100 triệu USD; năm 2006 cung cấp cho Mianma vay 1,2 tỷ USD để phát triển kinh tế và công nghệ thông tin. Tháng 9/2010, cho Mianma vay 4,2 tỷ USD thời hạn 30 năm để thực hiện các dự án thuỷ điện, xây dựng đường sá, đường sắt và phát triển công nghệ thông tin. Tháng 1/2011, Trung Quốc tiếp tục cung cấp các khoản vay trị giá hàng trăm triệu USD để Mianma thực hiện dự án xây dựng sân bay mới ở gần thủ đo. Ngoài ra, Trung Quốc và Mianma còn hợp tác thực hiện nhiều dự án phát triển thông tin liên lạc viễn thông, cải tạo và xây mới các tuyến đường quốc lộ ở trong nước và nối liền với các tỉnh biên giới Trung Quốc.
Tác động của mối quan hệ Trung Quốc-Mianma đối với các nước ASEAN: Đầu thập kỷ 1990, Thái Lan ngày càng lo ngại các tuyến đường chiến lược của Trung Quốc nối liền với Mianma. ASEAN cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các nước khác trong khu vực. Để cân bằng mối quan hệ và thông qua chiến lược chung với Trung Quốc, ASEAN quyết định kết nạp Mianma và Lào năm 1997 và Campuchia năm 1999. Kể từ đó, ASEAN đã sử dụng sự can dự xây dựng với Mianma và các nước thành viên khác cũng tăng cường quan hệ ngoại giao, thương mại với Mianma. Nhưng quan hệ Trung Quốc-ASEAN cũng phát triển trong thập kỷ qua.
Liên minh châu Âu (EU): EU có quan điểm tương tự quan điểm của Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp cấm vận. EU tăng cường sức ép đối với ASEAN sử dụng ảnh hưởng buộc Mianma phải cải cách chính trị hơn nữa. Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) hiện đã bị chia rẽ do các nước như Pháp, Đức bắt đầu có quan hệ kinh tế với Mianma.
Nhật Bản: Chính sách của Nhật Bản là tăng sức ép đối với Mianma bằng cách hạn chế hợp tác kinh tế với nước này. Nhật Bản đã hạn chế cung cấp các khoản viện trợ phát triển chính thức lớn bằng đồng yên từ năm 1998, nhưng vẫn mở rộng các khoản viện trợ nhân đạo hào phóng. Thực tế, chính sách của Nhật Bản với Mianma là chính sách “can dự xây dựng”.
Ấn Độ: Một trơng những lý do “quay trở lại” trong chính sách của Ấn Độ đối với Mianma là Mianma ngày càng ngả về Trung Quốc. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang lôi kéo các nước láng giềng của Niu Đêli để ngăn chặn sự phát triển của Ấn Độ trong khu vực. Là một bộ phận của chính sách “Hướng về phía Đông”, Ấn Độ đã tăng cường phối hợp hoạt động với ASEAN nói chung và đặc biệt với Mianma. Điều đó có lợi cho Mianma để giảm bớt sự lệ thuộc của nước này vào Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và Ấn Độ cũng sử dụng con bài “Phật giáo” để tăng cường quan hệ với Mianma. Do Ấn Độ có đường biên giới chung dài 1642km với Mianma và việc Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương phải qua Mianma, nên Ấn Độ nhận thấy cải thiện quan hệ với Mianma rất quan trọng. Vấn đề an ninh của khu vực Đông Bắc Ấn Độ cũng đang bị nguy hiểm do các nhóm chiến binh người Ấn Độ hoạt động trên lãnh thổ Mianma. Mianma cũng là chiếc cầu nối cho sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Bắc. Những nhân tố này cộng với nguồn dầu lửa và khí đốt dư thừa của Mianma khiến Ấn Độ không thể không duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với Mianma.
Mỹ: Mối quan tâm của Mỹ đối với Mianma giảm đi sau sự sụp đổ của Liên Xô và Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thái độ của Mỹ đối với Mianma ngày càng lạnh nhạt sau cuộc nổi dậy dân chủ năm 1988. Từ năm 1990, Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách cấm vận kinh tế và ngày càng thắt chặt các biện pháp này trong những năm gần đây. Nhưng thực tế, chính sách Mianma của Oasinhtơn đã cô lập Mỹ chứ không phải Mianma. Do đó, tháng 2/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố một đánh giá toàn diện về chính sách của Mỹ đối với Mianma chủ yếu để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mianma và khu vực. Từ đó Chính phủ Mỹ quyết định can dự vào Mianma về ngoại giao nhưng tiếp tục tăng cường cấm vận. Tháng 11/2009, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell đến thăm Mianma và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mianma cũng như bà Aung San Suu Kyi. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tại Mianma kể từ năm 1955. Tháng 2/2010 và tháng 1/2011, Uỷ ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc của Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc điều trần về hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh nỗi lo ngại của Mỹ trước tác động và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực chiến lược này. Hiện nay, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN sau EU và Nhật Bản.
Kết luận: Mối quan hệ Trung Quốc-Mianma phát triển mạnh trong thập kỷ qua. Chính sách Mianma của Trung Quốc phù hợp với toàn bộ chính sách hướng ra môi trường bên ngoài ổn định để phục vụ quá trình hiện đại hoá và phát triển đất nước. Như ông Lixin Geng thuộc Đại học Tổng hợp Vân Nam nhận xét: “Vào năm 2050, Trung Quốc sẽ giành ưu thế trên biển ngang tầm thế giới và Mianma sẽ trở thành đầu cầu rất quan trọng cho Trung Quốc thâm nhập Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Ngược lại, để tránh chịu sự tác động của các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây, Mianma không còn lựa chọn nào khác là cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc. Sự bảo hộ ngoại giao của Trung Quốc bằng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và dung thứ các chính sách phi dân chủ khiến Mianma ngày càng ngả theo Trung Quốc. Mianma cần sự trợ giúp của Trung Quốc để giải pháp một số nhóm vũ trang sắc tộc trên biên giới và phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tỏ ra lạnh nhạt và áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế chống Mianma hàng chục năm qua. Tuy nhiên, để cân bằng các mối quan hệ và bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình ở Đông Nam Á, hiện nay Mỹ và phương Tây, đặc biệt Pháp và Đức, bắt đầu có những dấu hiệu trở lại quan hệ gián tiếp, thông qua ASEAN, và trực tiếp với Mianma./.

Tổng số lượt xem trang