Sau những diễn biến phức tạp và kéo dài, thu hút sự quan tâm của dư luận, vậy là cuối cùng vụ án Nông trường Sông Hậu cũng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ công bố Bản kết luận điều tra.
Là người được tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương trong giai đoạn điều tra lại, tôi đã được cơ quan điều tra tạo điều kiện tham dự ba buổi hỏi cung và bà Trần Ngọc Sương có điều kiện bày tỏ nguyện vọng đề nghị xin được xem xét lại bản chất vụ án và việc đề nghị truy tố tội danh “lập quỹ trái phép” đối với mình.
Buổi sáng ngày 22-2-2011 được tham dự và chứng kiến bà Trần Ngọc Sương nhận Bản kết luận điều tra, tôi thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã rất tôn trọng và cho phép bà Trần Ngọc Sương ghi ý kiến của mình vào biên bản giao nhận kết luận điều tra. Tôi không biết được rằng, trên đường từ Cần Thơ về TP Hồ Chí Minh, tôi nhận được tin đã có một cuộc họp báo do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ tổ chức. Tôi cũng hiểu, việc thông tin về tiến độ và kết quả điều tra vụ án trước dư luận thông qua việc tổ chức họp báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ tuy không nằm trong quy định của trình tự tố tụng điều tra vụ án, bản thân người bào chữa và đương sự không buộc phải có mặt để tham dự và phản biện, nhưng cũng góp phần công khai hóa hoạt động tố tụng. Đó là điều đáng mừng, nhất là trong điều kiện các cơ quan thông tin đại chúng mong muốn nhận được các thông tin trung thực và chính xác.
Nhưng thật khó tin, bên cạnh thông tin liên quan việc trả lời của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương cho luật sư bào chữa trong vụ án về việc khiếu nại, đề nghị trưng cầu giám định lại là không chính xác, theo thông tin trên VietnamNet được đăng tải vào lúc 7h33 ngày 23.2.2011, tại cuộc họp báo, ông Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ cho biết: Qua quá trình điều tra, họ đã 4 lần thông qua nội dung này với Khối Nội chính Trung ương. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông cho biết: “Qua làm việc với các ngành thuộc Khối Nội chính Trung ương, cả 7 vấn đề kháng nghị này chúng tôi đã thẩm tra - điều tra lại, không có gì sai sót so với kết luận điều tra lần trước. Việc này chúng tôi đã có báo cáo Trung ương rồi”.
Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi chỉ lo lắng là nếu thông tin trong cuộc họp báo nói trên là sự thật, thì cơ hội tìm kiếm sự thật, công bằng và đảm bảo tranh tụng dân chủ có còn nữa hay không? Tại sao một câu chuyện mang tính “thỉnh thị nội bộ” như thế mà lại đưa ra công khai trong cuộc họp báo? Các nguyên tắc cơ bản ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 minh định rõ, mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của bộ luật này. Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do Toà án Việt Nam thực hiện chế độ hai cấp xét xử, nên ngay cả khi đã xét xử sơ thẩm, bị cáo và những người liên quan vẫn còn có quyền kháng cáo, kháng nghị lên cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết lại. Tôi thiển nghĩ rằng, tính độc lập trong chức năng hoạt động và sự chế ước lẫn nhau chính là một trong những đặc trưng cơ bản đảm bảo cho hoạt động tố tụng thể hiện được tính dân chủ của nó.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2002 thì “độc lập” là tự mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai. Kết quả nghiên cứu của một đồng nghiệp của tôi vừa bảo vệ luận án tiến sĩ luật học vào ngày 25.2.2011 tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, tư pháp với tư cách là một quyền lực trong bộ máy tổ chức nhà nước được hiểu là quyền lực thực hiện phán xử đúng sai về những vấn đề mang tính tư pháp. Vì thế, độc lập xét xử cần phải được quan niệm theo hướng bao gồm sự độc lập của quyền lực tư pháp, sự độc lập của thiết chế thực hiện quyền tư pháp và sự độc lập của những con người thực hiện quyền lực tư pháp thông qua vai trò của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Nó còn bao hàm sự độc lập của quyền lực tư pháp với tư cách là một nhánh quyền lực so với hai nhánh quyền lực còn lại là quyền lập pháp và quyền hành pháp.
Do đó, trong chừng mực có thề, cần từng bước đảm bảo quyền tư pháp phải được độc lập và không thể bị các quyền lực lập pháp và hành pháp tham gia hoặc can thiệp vào việc thực hiện các quyền tư pháp đó trong sự thống nhất quyền lực chung của nhà nước pháp quyền.
Luật sư Phan Trung Hoài