Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tài sản bí mật của Libya trở thành chiến trường mới

-Tài sản bí mật của Libya trở thành chiến trường mới (Đất Việt)-
Trong khi chiến tranh giữa quân Chính phủ và quân nổi dậy ở Libya vẫn diễn ra ác liệt, thì một cuộc chiến mới lại nảy sinh ở đất nước này. Theo báo The New York Times, sự giằng co giành quyền kiểm soát nguồn ngân quỹ kếch xù của Libya cùng tài sản trị giá 70 tỷ USD bắt đầu khai mào.
Dù Mỹ và các nước châu Âu thống nhất phong tỏa Quỹ Đầu tư Libya (LIA) với tổng tài sản ước tính lên tới 70 tỷ USD, song vấn đề là phần lớn số tiền kếch xù này hiện ở đâu thì chưa ai rõ. Những nguồn thạo tin cho rằng khoảng 50 tỷ USD vẫn nằm ở Libya và chính quyền Gaddafi rất có thể sẽ sử dụng được khoản tiền này.
Sự giằng co giành quyền kiểm soát nguồn ngân quỹ kếch xù của Libya cùng tài sản trị giá 70 tỷ USD bắt đầu khai mào.
Quỹ “bảo vệ” Libya
Theo The New York Times, với số tiền lớn và những khoản đầu tư đang nằm trong một số công ty tiếng tăm của châu Âu, trong đó có NXB Pearson của Anh và CLB bóng đá Juventus của Italy, LIA thực sự tạo vị thế cho Seif Gaddafi, con trai nhà lãnh đạo Libya, người từng được xem là có đầu óc cải cách trong gia đình.
Được thành lập năm 2006, hoạt động của LIA dưới sự lãnh đạo của Seif Gaddafi cho thế giới thấy Libya sẵn sàng mở rộng cửa đối với phương Tây. Và cũng nhờ nó mà một loạt nhân vật quyền lực bị lôi kéo vào quỹ đạo nhà Gaddafi như Hoàng tử Anh Andrew, cựu Cao ủy Thương mại EU Peter Mandelson...
LIA đầu tư hàng trăm tỷ USD từ nguồn thu dầu mỏ khắp thế giới và hiện sở hữu số tài sản khoảng 70 tỷ USD. LIA đầu tư chủ yếu vào những doanh nghiệp lớn của Italy (do Libya từng là thuộc địa lâu đời của Italy), trong đó có 7,5% cổ phần trong CLB bóng đá Juventus, 2% trong hãng xe hơi Fiat, hơn 2% trong hãng Finmeccanica, 7,5% trong Ngân hàng UniCredit... LIA cũng được cho là đang quản lý khối tài sản trị giá hàng chục triệu euro của Libya trên toàn thế giới.

Vì thế mà mặc dù EU đang xem xét cả gói biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của Libya, thì một nguồn tin ngoại giao của EU cho biết gói các biện pháp trừng phạt này sẽ không bao gồm các công ty dầu mỏ và khí đốt, chiếm tới 95% thu nhập của Libya.
Ở Mỹ, LIA cũng đầu tư những đồng USD dầu mỏ vào rất nhiều công ty lớn như Exxon, Chevron, Pfizer, thậm chí vào cả những tập đoàn làm việc cho Lầu Năm Góc như Halliburton (dầu mỏ), Honeywell (vũ trụ).

LIA cũng đầu tư vào những tập đoàn nhạy cảm như Alcatel Lucent (thông tin và quốc phòng), Lagradere (báo chí, truyền hình, quốc phòng và không gian)... Các chuyên gia đều thừa nhận LIA là một trong những quỹ đầu tư quốc gia “bí mật nhất thế giới”.

Và có lẽ cũng vì thế mà dù tuyên bố phong tỏa mọi tài sản thuộc LIA đang do các cơ sở tài chính của Mỹ kiểm soát, song đến nay Mỹ chưa hề chính thức công khai tên ngân hàng hay tài sản cụ thể nào.
Bị chỉ đích danh mới thừa nhận 
Khi lệnh phong tỏa LIA có hiệu lực từ 11/3, thì các quan chức Anh mới lên tiếng rằng tài sản thuộc LIA sẽ được bảo vệ để không bị đem ra bán lại cũng như bị chuyển ngược về nước. Trong số tài sản này, ngoài cổ phần đầu tư ở NXB Pearson, Anh nói rằng chỉ còn một danh mục đầu tư nhỏ các bất động sản ở London.
Đối với Pearson, chủ tờ The Economist Financial Times, khi bị chỉ đích danh, Tổng Giám đốc Marjorie Scardino mới tuyên bố tập đoàn này đâu có vui vẻ gì với số cổ phần 3% của Libya và đóng băng số cổ phần này.
Tại Italy, Chủ tịch CLB Juventus Andrea Agnelli cũng đành bày tỏ mình không lo ngại về số cổ phần 7% của người anh em của Qaddafi là ông Al-Saadi. Bình tĩnh hơn, Ngân hàng Unicredit có 7% cổ phần thuộc LIA chỉ nói họ đang theo dõi tình hình.
Chính Michael Porter, chuyên gia về cạnh tranh quốc tế thuộc ĐH Harvard (Mỹ), cũng liên quan tới LIA. Ông được xem là người tạo đà không riêng gì cho LIA mà còn cho giấc mơ kỳ khôi của ông Gaddafi, biến Libya thành một tụ điểm đầu tư kinh doanh trong vùng, cạnh tranh với Dubai.

Song khi Libya bất ổn, ông mới phân trần: “Chúng tôi có mặt ở đó vì nước này dường như sẵn sàng cải cách. Song khi phe bảo thủ ngăn cản cải cách và thế là tôi chấm dứt mối quan hệ cá nhân của mình vào năm 2007”.
Hiểm họa từ... sự bí mật! 
Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ ngày 7/3 cho biết đóng băng gần 32 tỷ USD tài sản của LIA tại Mỹ, song vấn đề nằm ở chỗ số tiền mặt khoảng 50 tỷ USD cùng các chứng khoán lưu động của quỹ vốn do Seif Gaddafi gián tiếp điều hành, được cho là vẫn ở Libya. Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền của Đại tá Gaddafi vẫn có thể sử dụng được khoản tiền này. 
Tất nhiên, nguồn tài sản của Libya được tích lũy từ dầu mỏ, song trong khi xứ sở này có thể đang ngồi trên núi tiền, thì việc trích số tiền này trong thị trường quốc tế ra để mua vũ khí hay trả lương cho lính đánh thuê, lại là điều khó thực hiện.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Một người làm việc ở LIA cho biết quỹ hoạt động hoàn toàn bí mật, cộng với bộ máy nhân sự quan liêu, thiếu hiểu biết về đầu tư, nên ít linh hoạt. Thực tế, LIA chỉ mới đầu tư ra nước ngoài lần đầu năm 2008, nên phần lớn số tiền có thể vẫn còn nằm trong nước hoặc trong các ngân hàng ở Trung Đông, ngoài tầm với của lệnh cấm vận. 
Thực vậy, ông Oliver Miles, cựu Đại sứ Anh ở Libya nhấn mạnh: “Không có biện pháp dự phòng, không có nhiều nhân viên và không có cả hệ thống điều hành, song sẽ là sai lầm nếu nói rằng quỹ này sập, nó chỉ chưa hiệu quả mà thôi”.
Các ngân hàng cho rằng số tiền trên có thể đang được giữ tại hệ thống ngân hàng lưu động ở Libya - phản ánh kinh nghiệm lâu dài của đất nước này trước lệnh cấm vận của phương Tây trước đây. Thêm vào đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, ngoài LIA, Ngân hàng TƯ Libya đang dự trữ khoảng 110 tỷ USD, chiếm 160% tổng sản phẩm quốc nội của Libya. 
Mặc dù Chủ tịch của LIA trên danh nghĩa là ông M.Layas, nhà đầu tư ngân hàng quốc tế kinh nghiệm nhất ở Libya, song quyền hành lại tập trung trong tay Phó Tổng giám đốc của LIA Mustafa Zarti, bạn thân của Seif Gaddafi. Bản thân Seif Gaddafi hầu như không tham gia vào hoạt động thường nhật của LIA nhưng ông chỉ đạo thông qua Zarti. 
Theo ông Layas, tính đến đầu năm 2010, LIA có tới 50 tỷ USD tiền mặt cũng như cổ phần chứng khoán. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Layas từng nói các chủ ngân hàng đều ý thức được rằng trong quỹ có hàng tỷ USD tiền mặt nhưng ông chưa hề dám đem ra đầu tư mạnh bạo ở nước ngoài như Quỹ Đầu tư Abu Dhabi của UAE.

Như để chứng minh, ông Layas nói: “Những vết sẹo của hàng thập kỷ bị cấm vận vẫn còn chưa phai nhòa. Cấm vận khiến chúng tôi trở nên bảo thủ. Quan điểm của lãnh đạo là để dự trữ và chúng tôi chỉ việc giữ hết trong ngân hàng trung ương”. 
Xét cho cùng, những cáo buộc tham nhũng tràn lan nhằm vào gia đình Gaddafi là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy ở Libya. Song với các công ty, ông Gaddafi đổ, họ được hay mất? Theo báo Corriere della Sera, cho đến nay các nước phương Tây vẫn phản ứng phân tán, có nước công khai, có nước “úp úp, mở mở”, có nước lại im hơi lặng tiếng!

Lệnh cấm mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư của LIA và các tổ chức tài chính khác trên thế giới. Họ không thể nhận cổ tức hay bán đi cổ phần. Tóm lại, họ sẽ lại hành động... bí mật, miễn là có lợi.

>>  Sự thật đằng sau sự nhún nhường của Mỹ tại Libya
Theo VN&TG

Tổng số lượt xem trang