Một khu đô thị hoành tráng chẳng thua gì thành phố với đường rộng thênh thang và nhà tầng mọc san sát. Tuy nhiên, trong những ngôi nhà kiểu đại gia ấy nông dân hết gạo ăn và lâm vào cảnh nợ nần. Bi kịch đó diễn ra ở khu TĐC thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La).
Vỡ mộng thành "người phố"
Phiêng Lanh là thị trấn tái định cư của các hộ dân thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu. Với giấc mơ của các nhà quy hoạch biến thị trấn vùng cao này thành một đô thị vàng của cả vùng núi Tây Bắc. Phiêng Lanh cũng là một trong những điểm tái định cư lớn nhất của Dự án thủy điện Sơn La với nhiệm vụ chính là thay thế thị trấn Mường Chiên (thủ phủ của Quỳnh Nhai cũ) sẽ nằm trong lòng hồ thủy điện với độ ngập sâu hơn 30m.
Các công trình hạ tầng của thị trấn Phiêng Lanh đã cơ bản được xây dựng theo quy hoạch với diện tích 815 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là 1.061 tỷ đồng, được chia thành 5 phân khu chức năng: Khu trung tâm hành chính, khu tái định cư, KCN - tiểu thủ CN, khu bản làng văn hoá, khu du lịch Quỳnh Long. Nằm giữa dãy núi Hin Cẩu và đồi Tạng Mó, trải dài trên 5 km theo tỉnh lộ 107 và một phần dọc theo QL 279, là ngã ba nối tâm điểm huyện Tuần Giáo (Điện Biên) với huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và huyện Than Uyên (Lai Châu).
Những thông số đó đủ để hiểu vì sao khu đô thị này có sức hút mãnh liệt đối với các hộ dân phải nhường quê cũ cho thủy điện. Những hộ nông dân đến TĐC ở Phiêng Lanh đều khấp khởi hi vọng sẽ rủ bỏ được cảnh chân lấm tay bùn, khoác lên mình chiếc áo của người thành phố. Và không ít bi kịch đã xẩy ra bắt nguồn từ giấc mơ này.
Bản Phiêng Lanh 1 nằm ở “lối sau” của thị trấn nhưng nhà cửa cao tầng mọc san sát. Ngay đường vào bản là một siêu thị mua sắm và quán Bar - Cà phê không thua gì thành phố. Vậy mà trưởng bản Lò Văn Khoản lại thở dài: “Nhìn thế thôi chứ dân khổ lắm. Nhiều gia đình nợ ngân hàng cả trăm triệu để xây nhà đấy. Phần lớn các hộ dân đang sống dở chết dở vì tiền đền bù đã hết sạch rồi mà chưa có công ăn việc làm gì cả”.
Bản Phiêng Lanh 1 có gần 200 hộ đồng bào Thái ở xã Mường Giàng (huyện Thuận Châu) chuyển ra. Những người Thái ở bản quanh năm ruộng nương nhưng từ khi ra đây chẳng còn ai mang dáng dấp nông dân cả. Trước khi di dời họ suy nghĩ rằng ra Phiêng Lanh nếu không làm nông nghiệp sẽ được đào tạo nghề để chuyển đổi. Nhưng đã gần 2 năm trôi qua mà một nửa số hộ trong bản vẫn chưa biết làm nghề gì để kiếm sống. Ngay như nhà trưởng bản Khoản, có 4 khẩu, được đền bù tất tần tật cộng thêm tiền trợ cấp gạo trong vòng 2 năm mới chỉ được 98 triệu đồng. Vợ chồng con cái dắt díu nhau ra thị trấn làm nhà dang dở thì thiếu tiền phải đi chạy nợ.
Nhà ông Khoản nằm ngay mặt đường 279, nơi mà theo quy định của huyện Quỳnh Nhai là phải xây nhà hai tầng trở lên để cho giống đô thị. Tiền đền bù chỉ đủ cho phần móng, ông phải chạy vạy vay mượn nhưng hiện vẫn chưa biết phải làm gì. Cuộc sống hàng ngày của 4 con người chỉ dựa vào mớ rau bà vợ và đồng lương ít ỏi của chức trưởng bản. “Nhà đền bù nhiều nhất chỉ hơn 200 triệu. Xây nhà còn thiếu thì lấy đâu ra để trang trải cuộc sống. Cả cái dãy mặt đường này có khoảng 70 hộ, nhà nào xây được mà không nợ mới lạ”.
Thấy nợ nần quá một số gia đình cứ nhận đất nhưng không dám chuyển đến vì sợ xây nhà phải đi vay ngân hàng. Ngày ngày họ dùng chính nền nhà mình để thâm canh rau củ rồi mang ra chợ bán lấy tiền trang trải cuộc sống. “Quê cũ đất rộng, không canh tác thì chăn nuôi. Giờ ra đây nhà cửa san sát, muốn làm gì cũng không có đất. Muốn có đất thì không làm nhà ở thôi”. Ông Khoản không thể nắm rõ trong bản đã có bao nhiêu hộ phải đi nợ ngân hàng nhưng cứ đà này kéo dài vị trưởng bản lo ngại không khéo xây xong nhà phải kêu người bán.
Không chỉ bản Phiêng Lanh 1 mà các bản Phiêng Lanh 2, 3… cũng rơi vào thực trạng tương tự với những hộ nông dân “mắc cạn” ở khu đô thị này.
“Phi nông nghiệp” và bất hợp lý
+ Không chỉ gặp khó khăn về đất sản xuất, theo phản ánh của Bí thư chi bộ bản Phiêng Lanh 1, Lò Văn Nệm thì điểm TĐC này thiếu đủ đường. Đường sá cứ mưa là không đi lại được do bùn đất và nước ứ đọng gây ô nhiễm. Cả bản chỉ có chung một công tơ điện. + Cạnh nhà trưởng bản Khoán là nhà hai mẹ con bà Đỗ Thị Hiển. Từ ngày thành "người phố" không hiểu sao mà mất luôn trợ cấp hộ nghèo. Nhà mặt đường nhưng hai mẹ con sống dựa vào mấy mớ rau. |
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, năm 2010 các đại biểu HĐND tỉnh Sơn La đã đề nghị Chính phủ cần tăng thời gian hỗ trợ lương thực từ 24 tháng lên 36 tháng cho các hộ tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La. Bởi khi thực hiện TĐC tỉnh Sơn La xây dựng 55 khu với 221 điểm tập trung nông thôn và đô thị, tái định cư xen ghép vào 38 bản trong tỉnh. Theo quy hoạch, các điểm tái định cư này đều bố trí đất ở và đất sản xuất. Tuy nhiên, các điểm tập trung này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho nhu cầu sản xuất của các hộ dân. Thời điểm đó vẫn còn 5.480 hộ sản xuất nông nghiệp mới chỉ bố trí đất ở mà chưa được cấp đất sản xuất. Từ thực tế này, các đại biểu HĐND tỉnh Sơn La đề nghị, Chính phủ cần tăng thời gian hỗ trợ lương thực từ 24 tháng lên 36 tháng cho các hộ tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La vì việc ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân tái định cư thuỷ điện Sơn La tại nơi ở mới hiện gặp quá nhiều khó khăn.
Vấn đề này trưởng bản Khoản cũng rất sốt sắng: “Nhà nước không hỗ trợ thêm tiền gạo thì nguy. Dân không có nghề nghiệp, không đất sản xuất, ở nhà to thật đấy, nhưng không khéo chạy bữa thường xuyên cũng nên”.