Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Học cách yêu cách mạng

-Học cách yêu cách mạng -TIME--Michael ElliottThứ Bảy, ngày 26-2-2011
Không việc gì phải sợ.
Cách mạng là một vấn đề lộn xộn. Nó không tuân thủ lô gic đơn giản của sách giáo khoa phổ thông. Chiến sự Cách mạng Mỹ nổ ra một năm trước Tuyên ngôn Độc lập, và Hiến pháp không được thông qua tận 7 năm sau trận chiến quyết định ở Yorktown. Trong 2 năm kể từ 1974, Bồ Đào Nha đi từ chủ nghĩa phát xít mới đến sự cai trị của quân đội (army rule), đến cuộc nổi dậy cộng sản chớp nhoáng và cuối cùng là dân chủ tự do, may mắn thay tồn tại đến tận bây giờ. (Trong quá trình đó, những sự kiện xảy ra trên đất nước nhỏ bé này khiến cho sự sụp đổ của chế độ cai trị của người da trắng ở Nam Phi và Rhodesia là điều không thể tránh khỏi. Đây là một khía cạnh khác của cách mạng: nó thường có những phản ứng dội lại bất ngờ.) Người Philippines lật đổ được Ferdinand Marcos năm 1986, nhưng vẫn đang mò mẫm tìm một hệ thống chính quyền vừa hiệu quả vừa dân chủ.

Trong 10 tuần kể từ khi biểu tình bắt đầu từ Tunisia, khu vực Trung Đông Ả-rập trở nên vô cùng hỗn độn. Chúng ta đã chứng kiến sự lật đổ khá nhanh gọn và thanh bình của chính thể ở Tunisia; 18 ngày đánh dấu sự phản đối hòa bình của dân chúng và sự kháng cự rời rạc của chính thể trước khi Tổng thống Hosni Mubarak rời bỏ ngôi vị ở Ai Cập; biểu tình yêu cầu sửa đổi hiến pháp vấp phải phản kháng chết người từ lực lượng quân đội trước khi đến được bàn đàm phán ở Bahrain; và gần đây nhất là bạo lực nổ ra ở Libya khiến cho đất nước này gần như lâm vào nội chiến. Và danh mục cơn sốt dân chủ ở thế giới Ả-rập chưa bao gồm những cuộc biểu tình chống đối ở những nơi khác, chống lại tất cả từ ông lớn cổ điển ở Yemen đến các ông hoàng nối ngôi ở Ma-rốc và Jordan. Vậy chúng ta học được gì từ những cuộc cách mạng trong khu vực – và những cuộc cách mạng xảy ra trước đó?
1. Cung cấp, cung cấp, cung cấp

Từ khóa khi nghĩ đến Trung Đông ngày nay, theo Eugene Rogan – giám đốc Trung tâm Trung Đông tại trường St. Anton, Đại học Oxford – chính là sự cung cấp (provision). Đối mặt với những đòi hỏi của số lượng tăng nhanh một cách chóng mặt giới trẻ ngày càng oán giận sự thống trị của các triều đại, và được ngày càng liên kết với nhau cũng như với thế giới bên ngoài nhờ công nghệ, chính thể trong khắp khu vực không thể cung cấp đủ việc làm, giáo dục, nhà ở, lòng tự trọng. “Thất bại trong cung cấp,” theo ông Rogan, “chính là nguồn gốc rõ ràng nhất gây ra căng thẳng. Đó chính là một điểm chung.”
Cũng một điểm chung khác chính là yêu cầu căn bản của những người biểu tình. Điều này khá đơn giản, có thể thấy rõ trong những tiếng hô hào từ đường phố: Ishaab ureed isqat al-nizam hay “người dân muốn sự sụp đổ của thể chế.” Nhưng trong khi những người tìm kiểm cải cách ở Trung Đông Ả-rập có nhiều điểm chung về mối bất bình và mục đích, họ cũng có những khác biệt rõ rệt. Một khu vực trải dài từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương không hoàn toàn đồng nhất. Ai Cập có trên 80 triệu người, Bahrain khoảng 1 triệu. Một số dân tộc, như Libya, có nguồn dự trữ dầu và khí đốt thừa thãi; những dân tộc khác, như Yemen, có một ít hydrocarbon.
2. Không có hai mảnh đất nào là giống nhau
Không có hai cuộc cách mạng nào là hoàn toàn tương tự. Mỗi dân tộc ở Trung Đông mang một màu sắc khác biệt bởi lịch sử cai trị của chế độ thực dân. Ma-rốc, Algeria và Tunisia nói tiếng Pháp; Libya có mối quan hệ tốt đẹp với Ý – người chủ thực dân trước đây của đất nước này; Jordan từng đứng dưới sự bảo hộ của Anh. Ai Cập nhận khoản khổng lồ viện trợ từ Mỹ, và những nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Ai Cập có mối liên kết mật thiết với những người cùng cấp ở Lầu năm góc. Sự kết hợp  này cho Mỹ những lợi ích rõ rệt mà Mỹ không có tại những nước khác trong khu vực.
Khi cách mạng nổ ra, ký ức, phẫn uất và những rạn nứt xã hội sẽ định hình kết quả. Ví dụ, Ai Cập từ lâu đã là kẻ lãnh đạo của thế giới Ả-rập. Bẽ bàng bởi sự suy thoái trong ngôi vị của mình (dân tộc này đã từng lãnh đạo phong trào không liên kết), nhiều người Ai Cập không nghi ngờ gì việc muốn thấy đất nước mình lấy lại ngôi vị và làm sống lại thuyết động lực văn hóa và chính trị đã từng là phần không thể thiếu trong xã hội Ai Cập thể hiện sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và một lần nữa sau khi Gamal Nasser và đồng nghiệp lập đổ chế độ quân chủ năm 1952. Không có dân tộc Ả-rập nào khát khao muốn lấy lại danh vọng đã mất mạnh mẽ như đất nước này.
Ở một nơi khác, tôn giáo có thể quyết định điều diễn ra tiếp theo. Ở Bahrain, đám đông hô hào “Không Sunni, không Shi’ite. Chỉ có người Bahrain.” Nhưng trong một dân tộc mà thiểu số người Sunni và hoàng gia cai trị đa số nghèo hơn nhiều người Shi’ite, các vấn đề bè phái có thể dễ dàng làm rối loạn yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Syria có những rạn nứt của riêng mình. Gia đình Assad, cai trị đất nước này từ 1970, xuất thân từ giáo phái Hồi giáo Alawite – trong một dân tộc đa số người Sunni, một dân tộc nơi mà những người theo chủ nghĩa Hồi giáo vẫn còn nhớ rõ chính thể này đã đàn áp một cách dã man Muslim Brotherhood những năm 1980. Chính quyền Ali Abdullah Saleh ở Yemen bị đe dọa bởi hai nhóm nổi dậy – và những thành viên vũ trang của chi nhánh địa phương của al-Qaeda. Sudan bị chia cách giữa phía Bắc của những người Hồi giáo Ả-rập (mà thành viên của nó cai trị đất nước) và phía Nam của những người châu Phi, người theo đạo Thiên Chúa với nguồn tài nguyên dầu mỏ giàu có mới đây đã bỏ phiếu tích cực cho ly khai. Jordan là nhà của những người Palestine từ phía Tây con sông và của những người xuất thân từ sa mạc ở phía Đông.
Các vấn đề kinh tế cũng sẽ lộ ra theo những cách khác nhau ở những nơi khác nhau. Ghét cay gét đắng tham nhũng là tình trạng chung ở tất cả các nước trong khu vực xảy ra bạo loạn, và xuất phát từ nguyên nhân tốt. Nhưng đây là một động lực đặc biệt rõ rệt cho thay đổi ở Libya. Đây là một dân tộc mà dân số nhỏ, giàu khoáng sản, lịch sử văn hóa và sự gần gũi với thị trường châu Âu giàu có đáng lẽ từ lâu đã khiến nó trở thành một trung tâm kinh tế như những quốc gia vùng vịnh, nhưng lại trở thành một chính quyền tham nhũng hoạt động cho lợi ích của Muammar Gaddafi, gia đình và những kẻ ủng hộ ông.
3. Kiên nhẫn là một đức tính
Với những bối cảnh kinh tế và xã hội khác nhau ở thế giới Ả-rập và sự thoái hóa nhanh chóng từ những gương mặt tươi tắn ở Tunisia đến bạo lực khủng khiếp ở Libya, người ta có xu hướng lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra: đó là tình trạng bất ổn định diễn ra hàng năm ròng trải dài khắp khu vực, sự bất ổn mà nước Mỹ học được từ 11/9/2001, có thể thấm ra ngoài biên giới Trung Đông.
Một lời khuyên khôn ngoan hơn chắc chắn là kiên nhẫn. Trong những cuộc cách mạng châu Âu năm 1989, người ta thường nhìn đến Trung Đông và tự hỏi tại sao khu vực này dường như miễn nhiễm với làn sóng dân chủ. Nhưng nếu như điều gì đó đã được chứng minh trong tháng vừa qua, đó chính là Ả-rập cũng không phải ngoại lệ, không có quy luật thép nào chỉ ra rằng những khát vọng thúc đẩy xã hội loài người ở bất cứ nơi đâu – khát vọng về quyền được lựa chọn người cai trị, hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em bạn, sự tìm kiếm phồn vinh và hạnh phúc – bằng cách nào đó lại không tồn tại ở Trung Đông. Tại sao không chứ?
Điều đó không có nghĩa là sự sắp đặt sau cách mạng trong khu vực sẽ là hạnh phúc tất cả nơi nơi. Mặc dù những người lãng mạn mong muốn cách mạng có những người lãnh đạo có sức lôi cuốn, những cuộc cách mạng thành công chuyển đổi bản năng cách mạng thành thói quen cai trị hiệu quả thông qua những thể chế có mức hợp pháp phổ biến. (Thật may cho Ba Lan khi đất nước này vừa có một hệ thống chính trị – Đảng liên kết (Solidarity) – vừa có một hệ thống nhà thờ với tính hợp pháp như thế năm 1989.) Ở những nơi mà thể chế như thế không tồn tại, tình trạng bất an nổi lên. Nga sau 1990 từng là một quốc gia với ít sự đối lập chính trị có tổ chức cùng một hệ thống nhà thờ và quân đội sẵn lòng thỏa hiệp. Không có gì ngạc nhiên khi đầu sỏ chính trị, tội phạm và cựu chiến binh cục an ninh Xô Viết nhảy vào lấp chỗ trống.
4. Thể chế thực sự quan trọng
Những sắp xếp về mặt thể chế đặc biệt là quan trọng ở Trung Đông do bản chất của những biến đổi mang tính cách mạng. Những thanh niên gan dạ và có tổ chức đã mang đến thay đổi có thể lập nên thể chế – nhưng đám đông ở Quảng trường Tahrir không thể cai trị Ai Cập, hay một trang Facebook hay một tài khoản Twitter có thể làm được điều đó – ít nhất là trong thời điểm này. Chúng ta cần nhiều hơn thế. Có thể mà họ đã bị buộc cẳng hàng năm trời bởi chế độ chuyên quyền, Ai Cập và Tunisia có nghị viện, đảng chính trị, thẩm phán và luật sự, liên đoàn lao động và một nền báo chí mà thành viên muốn làm những gì mà các nhà báo tự do ở nơi khác có thể làm. Tất cả điều đó là dấu hiệu tốt cho việc xây dựng hệ thống cai trị hiệu quả, và quan trọng không kém là chịu trách nhiệm trước dân chúng.
Sự đối lập giữa Libya và Yemen khó có thể mạnh mẽ hơn nữa. Trong cơn giận của Gaddafi, Libya bị tước bỏ hoàn toàn sức mạnh của chính quyền. (Libya chính thức trở thành một Jamahiriya, hay “nhà nước của quần chúng.”) Yemen đã là một nhà nước thống nhất từ 1990; nghèo nàn và bị đe dọa bởi những cuộc nổi dậy trong khu vực, đất nước này rất có thể đi vào một quỹ đạo hậu cách mạng chông gai.
5. Để họ tự làm điều đó
Nhưng thậm chí cả Libya và Yemen vẫn có khía cạnh tươi sáng. Khi thay đổi diễn ra ở những khu vực gay go của thế giới, những người sống trong khu vực hạnh phúc hơn – như Mỹ và châu Âu – thường hạ cố đề nghị giúp đỡ. Và chắc chắn là họ có thể – châu Âu có lẽ là dễ dàng hơn Mỹ, bởi châu Âu kiểm soát đầu nút quan trọng điều biến dòng người và hàng hóa từ Trung Đông đến thị trường gần nhất và quan trọng nhất của nó.
Nhưng điều quan trọng nhất về cuộc cách mạng Ả-rập – lý do khiến chúng ta hy vọng rằng thậm chí Libya cuối cùng cũng sẽ ổn – chính là người Ả-rập đang làm điều đó cho chính họ. Cuộc cách mạng này là một cuộc cách mạng khu vực, một phong trào mà giới trẻ các nước đã học hỏi lẫn nhau sách lược, bố trí công nghệ và khẩu hiệu. Một kênh TV địa phương – al-Jazeera, chứ không phải BBC hay CNN – đã trở thành loa tuyên truyền chính. Một hệ thống tương trợ lẫn nhau không được vạch kế hoạch trước có thể đã giúp ích cho việc gắn bó khu vực lại với nhau hơn cả những nỗ lực từ cấp cao nhằm tạo một thuyết liên Ả-rập những năm 1950. Năm nay, theo ông Rogan, “Người Ả-rập đã được truyền cảm hứng bởi những những người anh em Ả-rập. Những gì quan trọng với thế giới Ả-rập cũng quan trọng với người Ả-rập.” Vì lý do đó, nó cũng quan trọng với tất cả chúng ta.
Bài báo gốc đăng trên Time số ra ngày 7/3/2011.
Người dịch: Minh Hạo

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

--------

-Đằng sau những cuộc cách mạng Ả-rập là một từ chúng ta không dám nhắc đến anhbasam
Eurasia Review---John Pilger
Ngày 27-2-2011
Ngay sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq, năm 2003, tôi phỏng vấn Ray McGovern, thành viên một nhóm quan chức cao cấp của CIA, người soạn thảo bản tóm lược thông tin tình báo hàng ngày cho Tổng thống. McGovern thuộc dạng người ở trên đỉnh cao của một tảng đá nguyên khối có tên là “an ninh quốc gia” – sức mạnh Mỹ – và hiện giờ ông ta đã về hưu, được Tổng thống biểu dương nhiều lần. Vào ngày hôm trước cuộc đổ quân vào Iraq, ông và 45 quan chức cao cấp của CIA và các cơ quan tình báo khác viết cho Tổng thống Mỹ George W. Bush rằng “hồi trống trận” đã nổi không phải dựa trên thông tin tình báo, mà là dựa vào những lời dối trá.
“95% là trò bịp” – McGovern bảo tôi.
“Làm sao họ cứ tiếp tục như thế được?”.
“Báo chí đã để cho những thằng điên tiếp tục”.
“Những thằng điên nào?”.
“Những kẻ cầm đầu chính quyền [Bush] tin vào một loạt thứ rất giống những thứ được viết trong cuốn Mein Kampf (“Cuộc chiến đấu của tôi” của Hitler – ND). Chính những kẻ đó bị cái giới mà tôi giao dịch, ở cấp cao nhất ấy, coi là “những thằng điên”.
Tôi hỏi: “Norman Mailer viết rằng ông ấy tin là nước Mỹ đã bước vào giai đoạn một nhà nước tiền phát xít. Ông nghĩ thế nào về điều này?”.
“Tôi hy vọng là ông ta đúng, bởi vì có nhiều người khác nói là chúng ta đã ở trong giai đoạn nhà nước phát xít rồi”.
Ngày 22-1, Ray McGovern gửi email cho tôi để bày tỏ sự phẫn nộ trước cách hành xử man rợ của chính quyền Obama với Bradley Manning (nghi phạm rò rỉ thông tin cho Wikileaks – ND) và cách họ truy đuổi người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange. Ông viết: “Nhớ lại khi George và Tony quyết định rằng tấn công Iraq có lẽ cũng tốt, tôi có nói mấy câu hàm ý là chủ nghĩa phát xít đã lại bắt đầu từ đây. Tôi phải thừa nhận tôi không nghĩ mọi sự tồi tệ như thế này nhanh đến vậy”.
Hôm 16-2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có bài diễn văn tại Đại học George Washington, trong đó bà lên án các chính quyền nào bắt giữ người chỉ trích và đàn áp tự do ngôn luận. Bà ca ngợi sức mạnh tự do hóa của Internet nhưng lại không đề cập tới chuyện chính phủ của bà đang có kế hoạch đóng một số nội dung của mạng Internet – những phần nào khuyến khích bất đồng chính kiến và nói sự thật. Đó là một bài diễn văn đầy đạo đức giả, và Ray McGovern có mặt trong đám cử tọa. Ông phẫn nộ đứng dậy và lẳng lặng quay lưng lại bà Clinton. Ông bị cảnh sát cùng những nhân viên an ninh chìm bắt ngay lập tức và bị đánh dập mặt xuống sàn nhà, bị kéo lê ra ngoài, ném vào trại giam, mặt mũi chảy máu. Ông có gửi tôi những bức ảnh chụp vết thương. Năm nay ông 71 tuổi. Trong lúc vụ hành hung diễn ra, rõ ràng bà Clinton có trông thấy hết, nhưng bà vẫn tiếp tục diễn thuyết.
“Chủ nghĩa phát xít” là một từ khó nói, vì nó gắn liền với một hình tượng động chạm tới não trạng Nazi (Quốc xã Đức), cũng như đã bị lạm dụng làm công cụ tuyên truyền chống lại các kẻ thù chính thức của nước Mỹ, thúc đẩy những cuộc phiêu lưu của phương Tây ở nước ngoài, với những lời lẽ đạo đức từng được nói tới trong cuộc chiến đấu chống Hitler. Và cho đến nay thì chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc đã là anh em sinh đôi. Sau Thế chiến II, những người ở các nước đế quốc, vốn vẫn cho rằng ưu thế về chủng tộc và văn hóa của “văn minh phương Tây” là rất đáng tôn kính, nhận thấy rằng Hitler và chủ nghĩa phát xít đã tuyên bố những điều giống nhau, áp dụng các phương pháp tương tự nhau một cách đáng chú ý. Về sau này, khái niệm “đế quốc Mỹ” bị quét sạch khỏi sách giáo khoa, và nền văn hóa bình dân của một nước đế quốc đã tiến lên chinh phục ồ ạt chính những người dân của nó. Và chiến đấu vì công bằng xã hội và dân chủ trở thành “chính sách ngoại giao của Mỹ”.
Như nhà sử học Mỹ William Blum ghi lại, kể từ năm 1945, Mỹ đã phá hoại hoặc lật đổ hơn 50 chính quyền, rất nhiều trong số đó là những nhà nước dân chủ; và sử dụng những tên giết người hàng loạt như Suharto, Mobutu, Pinochet làm “lãnh đạo theo ủy nhiệm”. Trong chiến dịch “Operation Cyclone”, CIA và MI6 đã bí mật nuôi dưỡng và tài trợ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Mục tiêu là đập tan hoặc ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc cũng như dân chủ. Những con người can đảm bị bắn hạ tuần trước ở Bahrain và Libya kia (mà những người ở Lybia được xem là “thị trường ưu tiên của nước Anh”), theo các nhà môi giới vũ khí của Anh, từng đứng cùng hàng ngũ với những thanh thiếu niên bị bắn tan xác ở dải Gaza dưới làn đạn của một máy bay F-16 đời mới nhất của Mỹ.
Cuộc nổi dậy ở thế giới Ai Cập không đơn thuần nhằm chống lại một nhà độc tài sở tại, mà nhằm chống một chế độc tài toàn cầu về kinh tế do Bộ Tài chính Mỹ thiết kế nên, và do Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ áp đặt lên thế giới. Ba tổ chức này đã tìm cách kìm giữ những nước giàu như Ai Cập trong tình cảnh làm “công xưởng đầy mồ hôi nước mắt” của thế giới, với một nửa dân số kiếm không đầy 2 USD một ngày. Khúc khải hoàn của nhân dân ở Cairo là đòn tấn công đầu tiên vào cái mà Benito Mussolini gọi là chủ nghĩa nghiệp đoàn, một từ có trong định nghĩa của ông ta về chủ nghĩa phát xít.
Làm sao cái thứ chủ nghĩa cực đoan ấy lại có ảnh hưởng ở phương Tây tự do? “Cần phải tiêu diệt hy vọng, lý tưởng, đoàn kết, sự quan tâm đến người nghèo, người bị áp bức” – một thế kỷ trước đây, học giả, nhà phân tích Noam Chomsky đã quan sát thấy như thế. “[Và] cần phải thay thế những cảm xúc nguy hiểm đó bằng sự vị kỷ, chỉ biết mình, bằng một tâm lý yếm thế lan tràn, có tác dụng duy trì sự bất bình đẳng; và áp bức là điều tốt nhất người ta sẽ đạt được. Trên thực tế, một chiến dịch tuyên truyền cực lớn trên bình diện quốc tế đã và đang diễn ra nhằm thuyết phục nhân dân – đặc biệt thế hệ trẻ – rằng đây không chỉ là những cảm xúc họ nên có mà là những cảm xúc họ quả thật đang có”.
Giống như các cuộc cách mạng ở châu Âu năm 1848 và phong trào đạp đổ chủ nghĩa Staline năm 1989, vụ nổi dậy của những người Ả-rập đã chấm dứt nỗi sợ hãi. Một cuộc vùng lên của những ý kiến, những niềm hy vọng và sự đoàn kết bị đàn áp, đã vừa bắt đầu. Ở Mỹ, nơi 45% người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi không có việc làm còn các giám đốc điều hành những quỹ đầu tư hàng đầu được trả trung bình 1 tỷ USD một năm, những cuộc biểu tình khổng lồ chống thất nghiệp đã lan tràn cả tới những bang trung tâm nước Mỹ như Wisconsin. Ở Anh, phong trào phản đối phát triển nhanh nhất thời hiện đại, UK Uncut (tạm dịch: nước Anh không cắt giảm), sắp có hành động trực tiếp nhằm vào những người tránh thuế (tax avoider: những người tận dụng các quy định của hệ thống pháp luật để giảm thuế cho mình bằng những cách hợp pháp; khác với tax evader là người trốn thuế –ND) và các nhà băng keo kiệt. Có điều gì đó đã thay đổi và không thể không thay đổi. Kẻ thù giờ đây đã mang tên mới.
John Pilger sinh ra và lớn lên, đi học tại Sydney, Australia. Ông từng là phóng viên chiến trường, nhà làm phim, biên kịch. Hiện ông sống chủ yếu ở London, đã viết bài từ nhiều nước và hai lần đoạt giải cao nhất của báo chí Anh, “Nhà báo của năm” nhờ những tác phẩm viết về Việt Nam và Campuchia.
Người dịch: Đỗ Quyên

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011



-Lời kêu gọi nơi Bức Màn Thép anhbasam
Foreign Policy--Charles Kenny
Ngày 28-2-2011
Mikhail Gorbachev góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông cũng đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ ai khác để chấm dứt phần còn lại của nó.
Ngày mồng 2 tháng 3, Mikhail Gorbachev bước sang tuổi 80, và tới mùa thu này thì nước Liên Xô mà ông từng làm chủ tịch sẽ kỷ niệm 20 năm ngày sụp đổ. Trong 20 năm ấy, Gorbachev đã ra một album, quay phim quảng cáo bánh pizza, thành lập một loạt đảng chính trị (đều thất bại). Và với độ dài thời gian – hai thập niên – đủ để nghiền ngẫm lại quá khứ, mới thấy di sản mà những thành tựu của Gorbachev để lại, dù gây sửng sốt nhưng cũng có thể hơi đáng ngờ: những nền dân chủ ổn định, thịnh vượng ở phần lớn các nước Đông Âu, nhưng cùng với đó là sự khôi hài ngày càng điên khùng của Vladimir Putin và sự sắp hạng – thật đáng buồn – những nền kinh tế sụp đổ, những nhà độc tài xấu xa, trên khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Và căng thẳng toàn cầu, từ Trung Đông tới quần đảo Trường Sa, hầu như chưa bao giờ chấm dứt.
Nhưng Gorbachev đã để lại một di sản rất rõ rệt: Nhờ những việc làm của ông, thế giới ngày nay là một nơi ít bạo lực hơn ngày xưa. Chủ yếu đó là do Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và sự sụp đổ của Liên Xô làm tăng đáng kể sự thịnh vượng của các nền dân chủ đa nguyên trên toàn thế giới. Ấy là những vector lịch sử làm giảm mạnh số lượng các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Con người ta giết nhau suốt từ buổi bình minh của nhân loại – chúng ta có lẽ đã ăn thịt rất nhiều tổ tiên người Neanderthal của mình, đến nỗi khiến họ bị tuyệt chủng. Sự ra đời của chiến tranh tổng lực trong khoảng thời gian 100 năm qua đẩy xu hướng bạo lực này tới đỉnh điểm đẫm máu: Nhà sử học Niall Ferguson ước tính, thế kỷ 20, chiến tranh đã làm chết một số lượng người nhiều gấp 800 lần hồi thế kỷ 17. Nhưng gần đây, cơn ham thích bạo lực của chúng ta đã giảm sâu sắc. Không chỉ tỷ lệ giết người giảm mạnh, mà cả tỷ lệ tử vong trong chiến tranh cũng giảm.
Số các cuộc chiến tranh xuyên biên giới đã giảm được một thời gian – theo một bài báo gần đây trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, chỉ có bốn cuộc chiến bùng nổ vào giai đoạn 1980-1989, và từ năm 1990 tới năm 1997 thì chỉ còn một. Cho tới gần đây, nội chiến đã phát triển để thế chỗ. Từ năm 1990 tới năm 1997, cuộc chiến tranh duy nhất có tính quốc tế đó bị mờ nhạt đi vì 24 cuộc nội chiến. Nhưng hiện nay, ngay cả nội chiến cũng giảm. Số lượng các cuộc chiến (dưới mọi hình thức) đang diễn ra trên toàn cầu tăng từ con số 5 năm 1961 lên 24 năm 1984, tới năm 2008 đã giảm lại về 5.
Tỷ lệ chết trung bình trong chiến tranh cũng giảm đáng kể, theo hai nhà nghiên cứu Bethany Lacina và Nils Gleditsch, Trung tâm Nghiên cứu Nội chiến. Con số chết trận trung bình hàng năm trong mỗi xung đột quốc tế giảm từ 21.000 người vào thập niên 50 thế kỷ trước xuống còn không đầy 3.000 trường hợp trong thiên niên kỷ mới này – theo Báo cáo An ninh Con người của Đại học Simon Fraser, Canada. Đó là một cách tính không công bằng, vì rất nhiều ca tử vong liên quan đến chiến tranh đã không xảy ra trên chiến trường (tỷ lệ bao nhiêu thì còn gây tranh cãi, nhưng một số người cho là tới 90%). Dù sao, tổng số người chết vì chiến tranh cũng đã giảm, nhất là vì rủi ro mắc các dịch bệnh thời chiến đã giảm. Theo Báo cáo An ninh Con người, “xung đột vũ trang ngày nay hiếm khi làm chết nhiều người đủ để đảo ngược một khuynh hướng dài hạn là tỷ lệ tử vong giảm xuống trong thời bình”.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều chết chóc, hủy diệt ở đây đó – nội chiến lúc này lúc khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau 5 năm xung đột đã trở thành cuộc chiến làm chết nhiều người nhất trong thiên niên kỷ mới: đâu đó từ 1,8 triệu đến 5,4 triệu người. Và mặc dù con số chiến tranh đang giảm nhanh chóng, nhưng số lượng các cuộc giao tranh vũ trang có quy mô quá nhỏ để có thể được coi là “chiến tranh” – những giao tranh làm chết từ 25 đến 1000 người mỗi năm –giảm chậm hơn và hiện tại dừng ở mức 35. Con số này tương đối cao hơn hồi thập niên 1960, thậm chí còn cao hơn năm 2003 gần đây. Tất cả những điều ấy nói lên rằng chúng ta phải thận trọng với bất kỳ tuyên bố nào cho rằng “chiến tranh đã kết thúc”.
Tuy thế, đặt lời cảnh báo ấy sang một bên, thì khuynh hướng giảm chiến tranh trên toàn cầu trong vòng 30 năm qua là có thật – và cần một sự giải thích. Lý giải đầu tiên là các nước bây giờ hiếm khi đánh nhau vì những nguyên nhân ngày xưa. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cuộc chiến tranh duy nhất mang tính quốc tế, về vấn đề lãnh thổ, là giữa Ethiopia và Eritrea, mặc dù số lượng các nhà nước độc lập đã tăng cực mạnh. Đó là ý kiến của giáo sư khoa học chính trị Đại học Ohio State, ông John Mueller, trong một bài báo gần đây. Chiến tranh giữa thuộc địa với thực dân – chiếm đa số các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 – đã vắng bóng hoàn toàn. Chủ nghĩa đế quốc đang suy tàn vào dĩ vãng, dù đang có một cuộc phiêu lưu tân đế quốc chủ nghĩa, gây chú ý. Có lẽ đây là một phần của nhận thức ngày càng phát triển rằng sức mạnh của nhà nước không còn được quyết định bởi diện tích đất đai được chiếm hữu nữa, mà bởi khả năng vận hành nền kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế học có thể giải thích một khía cạnh khác trong cái xu hướng tổng thể tiến tới hòa bình đó. Năm 1999, Thomas Friedman viết một ý nổi tiếng trong cuốn Chiếc Lexus và cây ô-liu, là chưa bao giờ xảy ra chiến tranh giữa hai nước cùng có cửa hàng McDonald’s. Những người phản đối ông cho rằng liên minh NATO, vốn đầy cửa hàng McDonald’s, đã sẵn sàng ném bom Serbia, nơi cũng có cửa hàng McDonald’s; ngoài ra, Nga và Gruzia, cả hai nước đều đã có cửa hàng McDonald’s (dạng franchise – mua lại thương hiệu) trước khi họ xung đột với nhau về vấn đề Nam Ossetia. Tuy nhiên, ít nhất thì quan điểm sâu xa hơn của Friedman vẫn đúng trên diện rộng: Sức mạnh ngày càng tăng của những mối liên kết kinh tế toàn cầu khiến chiến tranh trở thành một điều ít hấp dẫn. Tương tự, giáo sư kinh tế Đại học Rutgers, Carlos Sieglie, và các đồng nghiệp lập luận rằng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các quốc gia dẫn đến việc chiến tranh ít khả năng bùng nổ hơn – và cho đến nay đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.
Dù vậy, liên kết thương mại và đầu tư quốc tế không thể giúp giải thích sự gia tăng vào cuối thế kỷ 20 hoặc sự giảm bớt nội chiến gần đây ở các nước. Có lẽ lý do khả dĩ là một hệ luận dẫn đến tính tương tác ngày càng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu: Cuộc tranh cãi ý thức hệ mang tính toàn cầu – về các hình thức chính phủ tồn tại tiếp sau sự sụp đổ của Bức Màn Thép – đã chấm dứt. Liên Xô tan rã và sự kết thúc những căng thẳng giữa các siêu cường đã mang lại lợi ích toàn cầu cực lớn trên giác độ quyền con người, quyền chính trị. Mặc dù Mỹ hầu như không tránh né việc ủng hộ những nhà độc tài chừng nào các nhà độc tài đó dường như còn cần thiết đối với Mỹ về mặt địa chính trị – điều mà Mỹ đã làm suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh – nhưng số nước được dư luận rộng rãi xem là dân chủ đã tăng gấp đôi kể từ đầu thập niên 1980. Và người ta cho rằng các nền dân chủ hiếm khi có chiến tranh với các nền dân chủ khác, hoặc ít nhất là chưa có chiến tranh suốt từ Thế chiến I đến nay. So với các chế độ chuyên quyền, chế độ dân chủ cũng ít có khả năng tham gia những vụ diệt chủng.
Mỹ và Nga không còn giao chiến nữa (ngoại trừ vụ cãi cọ xoay quanh vấn đề Cap-ca-zơ). Không chỉ thế, họ còn thường xuyên đề ra các thỏa thuận gìn giữ hòa bình cùng Liên Hợp Quốc. Trong 10 năm kể từ năm 1998, các chiến dịch gìn giữ hòa bình đã tăng gấp ba lần về số lượng, và số các chính sách cấm vận đa phương được thực thi từ năm 1991 tới năm 2008 cũng tăng gấp 13 lần.
Vì vậy, trở lại với ông Gorbachev, mặc dù những khuynh hướng dài hạn về giảm số người tử vong trong chiến tranh diễn ra từ trước khi ông lãnh đạo Liên Xô, nhưng thời kỳ cải tổ và công khai cũng đã đánh dấu một sự tăng tốc mạnh mẽ những khuynh hướng này. Còn hơn cả Ronald McDonald hay Pascal Lamy, ông là người mà chúng ta phải cảm ơn vì (đã tạo ra) bầu không khí lịch thiệp hiện nay trên thế giới.
Người dịch: Thủy Trúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang