Phóng viên BBC Jeremy Bowen, cùng Christiane Amanpour của kênh ABC và một phóng viên nữa của tờ Sunday Times của Anh mới có cuộc phỏng vấn với lãnh đạo Libya là đại tá Muammar Gaddafi tại thủ đô Tripoli. Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn:
Jeremy Bowen: Ông được biết là lãnh đạo tại đây và đã là lãnh đạo trong rất nhiều năm rồi. Có rất nhiều người ở nước này nói rằng ông chính là cản trở lớn nhất cho thay đổi?
Đại tá Gaddafi: Ngược lại thì có. Sự hiện diện của tôi là để thúc đẩy và khuyến khích người dân có bất cứ thay đổi nào mà họ muốn, cũng như không có những thay đổi mà họ không mong muốn.
Lãnh đạo Libya sau đó được hỏi về nghị quyết trừng phạt mới đây mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Gaddafi: Trước hết, nghị quyết đó không có hiệu lực và vô tác dụng. Đó không phải là nghị quyết hợp pháp, vì Hội đồng Bảo an không có quyền. Họ không có quyền tài phán về vụ việc này.
Tôi xin hỏi quý vị một câu: Tại sao các biện pháp trừng phạt đó không được đưa ra với Algeria? Ai cũng biết quân đội Algeria đã chiến đấu trên đường phố. Ngày nào cũng có tin đó.
Hoặc tại sao không có các biện pháp chống lại Nga khi Nga chiến đấu với quân Chechnya? Hay tại sao không dùng các biện pháp này đối với Mỹ khi Mỹ giao tranh với Afghanistan? Tại sao không dùng các biện pháp này với Israel khi Israel chiến đấu chống lại người dân ở Gaza?
Bowen: Thế câu trả lời của ông cho câu hỏi đó là thế nào?
Gaddafi: Bởi vì người ta có ý định đô hộ Libya. Và điều này khiến cho nhân dân Libya muốn chiến đấu chống lại tình trạng đô hộ mới của phương Tây.
Bowen: Trong những năm gần đây, ông đã thiết lập lại quan hệ với các nước phương Tây. Các lãnh đạo quan trọng như Tony Blair cũng đã tới đây. Nhưng nay có các lãnh đạo phương Tây nói rằng ông nên từ chức. Ông có cảm thấy bị phản bội không? Ông đã bao giờ coi họ là bạn chưa?
Gaddafi: Dĩ nhiên như vậy là phản bội. Họ không có đạo đức. Ngoài ra, nếu họ muốn tôi từ chức thì tôi từ chức gì? Tôi có phải ông vua đâu.
Bowen: Nhưng ông đã có diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, và nói đến Libya là nói đến ông, ngay cả khi ông không có danh hiệu chính thức.
Gaddafi: Đó là danh dự, chứ không có gì động chạm đến thực thi quyền lực hay quyền hạn gì hết. Ở Anh, ai nắm quyền? Nữ hoàng Elizabeth hay David Cameron? Các ông không hiểu được hệ thống ở Libya đâu... Ông thực sự không hiểu hệ thống đang được áp dụng tại Libya đâu.
Bowen: Tôi hiểu hệ thống ông có tại đây, nhưng ở quốc tế, ông được coi là lãnh đạo.
Gaddafi: Ông không hiểu hệ thống tại đây. Đừng có nói ‘tôi hiểu’ - ông không hiểu gì hết. Và thế giới cũng không hiểu hệ thống tại đây. Quyền lực của nhân dân. Các ông không hiểu điều đó đâu.
Bowen: Thế người dân thể hiện quyền lực của mình như thế nào? Bởi vì một số người đổ ra đường biểu tình nói rằng người của ông đã bắn họ.
Gaddafi: Không có biểu tình gì hết trên đường phố. Ông có trông thấy biểu tình không?
Bowen: Có, tôi có trông thấy.
Gaddafi: Ở đâu?
Bowen: Tôi trông thấy một số người hôm nay.
Gaddafi: Ở đâu?
Bowen: Tôi trông thấy một số người biểu tình ở Zawiya. Hôm qua tôi cũng trông thấy biểu tình.
Gaddafi: Họ ủng hộ chúng tôi.
Bowen: Không, họ không ủng hộ ông đâu. Có một số người chống ông, và một số ủng hộ ông.
Gaddafi: Họ không phải chống chúng tôi. Không ai chống chúng tôi hết. Chống chúng tôi để làm gì? Bởi vì tôi không phải là Tổng thống. Họ yêu tôi. Tất cả nhân dân đều sát cánh với tôi, họ đều yêu tôi. Nhân dân tôi sẽ chết để bảo vệ tôi.
Christiane Amanpour: Nếu ông nói họ đều yêu ông thì tại sao họ lại chiếm Benghazni và nói họ chống lại ông?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda đấy. Nhân dân tôi không như thế đâu. Họ là những người ngoài.
Bowen: Vậy đó là những người kéo các áp phích xuống và treo cờ của vua?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda, chúng vào các căn cứ quân sự, tịch thu vũ khí và khủng bố nhân dân. Những người mà có vũ khí là các thanh niên. Họ bắt đầu hạ vũ khí vì thuốc phiện mà al-Qaeda cấp cho họ đang hết tác dụng.
Bowen: Vậy đó là những người kéo các áp phích xuống và treo cờ của vua?
Gaddafi: Đó là al-Qaeda tới các khu quân sự và đồn cảnh sát, bắt giữ súng ống và giờ đây khủng bố mọi người, rồi giờ đây đổ ra đường phố. Họ không có yêu cầu gì, đòi hỏi gì. Họ không hề dựng ra các cuộc biểu tình.
Bất cứ nơi đâu, cho dù là Libya, Nigeria hay Afghanistan, người ta không đổ ra đường phố hay dựng lên các cuộc biểu tình.
Những người đó có vũ khí, họ là thanh niên, còn trẻ, không biết al-Qaeda. Giờ đây, họ đã bắt đầu hạ vũ khí xuống, bán chúng đi và quay trở về nhà. Giờ đây, họ đang tỉnh khỏi những ảo giác của thuốc phiện người ta cấp cho họ.
Bowen: Đại tá Gaddafi, ông sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng này thế nào? Một phần lớn của đất nước giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Áp lực của nước ngoài lên ông cũng đang rất lớn. Mọi chuyện sẽ chấm dứt như thế nào?
Gaddafi: Chúng tôi không bận tâm về áp lực của nước ngoài.
Bowen:Thế còn thực tế là ông đã mất quyền kiểm soát một phần lớn đất nước thì sao?