Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Thảm họa của Nhật Bản, cơ hội cho Trung Quốc

Những người lánh nạn trong một khu tạm trú tại thành phố Minamisoma Quận Fukushima
- Thảm họa của Nhật Bản, cơ hội cho Trung Quốc
The Atlantic
Max Fisher
Ngày 11-3-2011
Liệu hải quân Trung Quốc, lâu nay vẫn bị kìm chân bởi một liên minh do Mỹ dẫn đầu, giờ sẽ sử dụng hoạt động nhân đạo để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực?

Tháng 8 năm ngoái, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố tập trận chung với Hạm đội 7 của Mỹ. “Chúng tôi sẽ cho Trung Quốc thấy rằng Nhật Bản có ý chí và khả năng bảo vệ quần đảo Nansei (âm Hán Việt: Tây Nam Chư Đảo – ND). Cuộc tập trận này sẽ làm Trung Quốc thoái chí”. Trên danh nghĩa, hoạt động tập trận chung giữa hai lực lượng hải quân biển xanh (blue-water navy, nghĩa là hải quân viễn dương – ND) lớn nhất thế giới chẳng có liên quan gì đến Trung Quốc. Nhưng lời bình luận xấc xược của vị quan chức Nhật nọ phản ánh những nỗ lực ngày càng tăng, do Mỹ dẫn dắt, nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của hải quân Trung Quốc. Vài tuần sau cuộc tập trận, xích mích giữa một Trung Quốc mở rộng hải quân và một Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ, với việc Nhật Bản bắt một tàu đánh cá Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp. Xích mích sau đó đã tiến triển thành một trong những vụ căng thẳng ngoại giao đáng sợ nhất, ngày càng xuất hiện nhiều trong quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc.
Năm qua, Mỹ đã khai thác căng thẳng này để kích động phần còn lại của Đông Á chống lại Trung Quốc, dưới sự quản lý của Mỹ – một hình thức can thiệp được áp dụng chủ yếu ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Mới cách đây hai ngày (tức là 9-3-2011 – ND), Nhật Bản cùng Việt Nam và Philippines chính thức phản đối những nỗ lực ngày một hung hãn của Trung Quốc nhằm trình diễn sức mạnh hải quân ở Biển Đông, mà gần đây nhất là việc họ triển khai trực thăng đến quấy rối một tàu khu trục của Nhật Bản. Hôm nay, hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị đổ vào Biển Đông, nhằm hướng Nhật Bản, vì một mục đích nghe có vẻ khác hẳn với sự thật đằng sau nó: hoạt động nhân đạo và cung cấp viện trợ tái thiết cho Nhật Bản, đất nước đang quay cuồng sau thảm họa động đất và trận sóng thần ngay sau đó.
Không rõ liệu Nhật Bản có chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc không; với lực lượng phòng vệ quốc gia và lực lượng quân đội hùng hậu của Mỹ hiện diện tại Nhật (sẽ sớm được bổ sung bởi các tàu sân bay USS Essex, USS Blue Ridge và USS Tortuga, đều đang trên đường tới Nhật), thì có thể họ không cần đến Trung Quốc. Nhưng chẳng thể biết điều gì sẽ xảy ra trong 24 giờ tới. Thiên tai và hậu quả của nó là cái không dự đoán được; cho đến giờ phút này, 6.000 người dân Fukushima đã được sơ tán, đề phòng nhà máy điện hạt nhân gần đó có thể rò rỉ phóng xạ.
Nếu dân chúng Nhật Bản cần được sơ tán khẩn trương, hoặc nếu cần triển khai nhiều nhân viên cứu hộ hơn, địa hình độc nhất vô nhị của Nhật Bản cho thấy rằng cách tốt nhất để di chuyển mau chóng một lượng lớn người là sử dụng tàu quân sự đổ bộ. Nhưng khả năng đổ bộ của Hải quân Mỹ hiện tại không phải ở mức cao nhất. Việc cắt giảm ngân sách của những chương trình đổ bộ, một thập kỷ tập trung vào hàng không mẫu hạm và các công cụ hải quân khác có thể ứng dụng ngay ở Iraq và Afghanistan, cùng nhiều năm trì hoãn nâng cấp hạm đội hải quân đánh bộ già cỗi, tất cả những cái đó đã khiến năng lực vận tải ra vào cảng nhanh chóng của Mỹ hiện giờ ở trình độ thấp nhất. Còn Trung Quốc có một hạm đội tàu đổ bộ ngày càng mạnh, lại trẻ trung, ở gần, và sẵn sàng triển khai ngay khi có thông báo. Thậm chí ngay cả khi không đổ bộ, hải quân hùng mạnh của Trung Quốc và sự gần kề của họ với Nhật Bản cho thấy, nếu Nhật Bản rơi vào tình thế tuyệt vọng, sự đối lập về mặt chính trị và văn hóa của Nhật với Trung Quốc có lẽ cũng không đủ để ngăn họ chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ phía Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc có thể tham gia vào các hoạt động nhân đạo của Nhật Bản sau động đất, khi đó tất nhiên bất cứ việc gì có thể cứu dân và góp phần tái thiết đều là điều tốt mà các chính trị gia Nhật cũng như Mỹ không thể ngăn cản, mà như thế là đúng. Song rất cần phải hiểu rõ sự thay đổi nhỏ nhưng quan trọng mà điều ấy sẽ mang đến cho thế cân băng quyền lực tinh tế ở Đông Á. Trong năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng thể hiện ảnh hưởng to lớn hơn ở vùng biển xung quanh, bằng sức mạnh thô kệch, cục súc. Cách làm của họ thường phản tác dụng, chỉ khiến cho Nhật và các nước châu Á khác đoàn kết với Mỹ hơn để chống lại Trung Quốc. Giờ thì Trung Quốc có lẽ đã thấy rằng trợ giúp Nhật Bản vào lúc cần thiết sẽ tạo cho Trung Quốc cái ảnh hưởng mà họ muốn. Cho dù hải quân Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng lớn rộng hơn ở Biển Đông và Biển Nhật Bản vì họ xấn xổ tự dọn đường, hay vì Nhật Bản, trong cơn tuyệt vọng, buộc phải mời họ vào, cả hai cách ấy đều không quan trọng miễn đạt được kết quả cuối cùng là tàu Trung Quốc có thể giương buồm tự do hơn với số lượng lớn hơn.
Việc Trung Quốc to giọng đề nghị giúp đỡ Nhật Bản cũng có thể mang lại một cơ hội nối lại tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Chắc chắn là một vài chương trình cứu trợ nhân đạo ít ỏi không thay đổi được hàng thế kỷ đối kháng, cũng như ít khả năng khiến chính sách đối ngoại Nhật Bản có những thay đổi mang tính cách mạng. Song, chính những động thái ngoại giao nhỏ bé này có thể mở đường cho nhiều động thái ngoại giao hơn nữa và có thể cho hai nước cơ hội giảm căng thẳng, tuy cũng cần vài năm, nếu mọi việc tiến triển tốt và cả hai bên đều sẵn lòng. Sau khi thảm họa sóng thần tháng 12/2004 tàn phá một phần lớn Indonesia, hải quân Mỹ đã viện trợ rất đáng kể những thứ rất cần thiết. Mặc dù quan hệ Mỹ – Indonesia không đặc biệt ấm áp trước khi có sóng thần, song nỗ lực cứu hộ chung đã giúp hai nước từng bước cải thiện quan hệ, đến mức chỉ sau vài năm, Indonesia đã trở thành một trong những liên minh Hồi giáo thân cận với Mỹ nhất trên thế giới.
Tất nhiên, cả Mỹ và Indonesia đều có một số lý do xác đáng khiến họ muốn hữu nghị với nhau; và khó mà nói là Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ đặc biệt chú tâm đến việc thay đổi chất lượng mối quan hệ giữa họ. Nhưng suốt một năm qua, tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” giữa Nhật và Trung Quốc đã không đặc biệt sinh lợi cho bên nào, mặc dù đó là một mối lợi về chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Một môi trường hợp tác nhiều hơn trên Biển Đông và Biển Nhật Bản sẽ khiến Nhật và Hàn Quốc không còn phải quá khao khát – thậm chí dung nạp – một lực lượng hải quân Mỹ hùng mạnh hiện diện trong khu vực. Nhưng điều ấy cũng làm giảm nguy cơ những va chạm nhỏ, như vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc, leo thang thành xung đột lớn. Không thể dự đoán hợp tác sâu rộng hơn giữa hải quân Trung Quốc và Nhật Bản sẽ diễn ra như thế nào và ai sẽ được lợi nhất. Khi người dân Nhật còn đang mong mỏi thoát khỏi những lò phản ứng hạt nhân rò rỉ, những bệnh viện quá tải, và bất kỳ hậu quả gì tiếp theo của sóng thần, họ chắc chắn sẽ đón nhận sự trợ giúp của bất cứ ai, kể cả hải quân của bất cứ nước nào có thể. Nếu Trung Quốc can thiệp, không ai đặt vấn đề liệu viện trợ nhân đạo nhiều hơn có phải chỉ có khía cạnh tích cực thôi không. Việc làm của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng gì tới thế cân bằng về an ninh vốn đã rất mong manh của khu vực, là điều mọi người đều còn phải đoán xem.
Ảnh: Một người lính Trung Hoa đứng gác gần tàu chiến khu trục Nhật Bản Sazanami, trước đông đảo người theo dõi, tại cảng hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, ngày 27/6/2008. Tàu chiến Nhật này vào cảng Trung Quốc từ ngày 24/6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Nhật Bản đến Trung Quốc kể từ sau Thế chiến II, trong một cuộc trao đổi về quân sự nhằm đưa mối quan hệ giữa hai cựu thù lên một vị thế vững chắc hơn. Ảnh của Alvin Chan/Reuters.

Người dịch: Thủy Trúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011


-Động đất ở Nhật và ảnh hưởng kinh tế Những thành tựu này là nhân chứng cho tinh thần bất khuất của con người, nhưng đặc biệt là nhân chứng cho tinh thần bất khuất và khả năng của người Nhật - không những khả năng phi thường của họ khi đối diện với nghịch cảnh tai ương mà còn về vốn con người, kỹ năng và kiến thức tổ chức họ có được khi đối phó với nó bằng mức độ khổng lồ và với hiệu quả lớn lao.
Nguồn: Peter Drysdale, East Asia Forum
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
14.03.2011
Những hậu chấn kinh tế của cơn động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào hôm thứ Sáu thì dễ để đo lường hơn so với tầm mức của thảm hoạ về nhân mạng và vật chất.
Sự kiện vĩ đại này lớn hơn cơn động đất lớn Hanshin từng tàn phá Kobe vào năm 1995. Nhưng hưởng về kinh tế có thể lại thấp hơn. Cơn động đất năm 1995 được xếp vào một trong những thiệt hại kinh tế lớn nhất trong những thảm hoạ động đất đương đại. Với chỉ số 6,5 độ, nó chỉa thẳng vào một khu vực thành thị hiện đại, giết chết hơn 6.500 người, tàn phá hệ thống viễn thông, đường cao tốc, đường sắt, nguồn nước và những cơ sở hạ tầng quan yếu khác, phá huỷ hơn 150 nghìn ngôi nhà và làm hư hại 180 nghìn ngôi nhà khác với hơn 600 nghìn người vô gia cư. Về khía cạnh thiệt hại nhân mạng, từng có nhiều thảm hoạ khác ở Trung Quốc, Nga và Nam Á. Nhưng thiệt hại về tài sản vật chất ở Kobe là 114 tỉ đô la, chiếm 2,3% Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) của Nhật và khoảng 0,8 tổng tài sản vật chất của Nhật lúc ấy - gấp ba lần thiệt hại của bất kỳ thảm hoạ nào trong lịch sử.
Đa số những nhà quan sát lúc ấy cho rằng sẽ cần ít nhất là 10 năm để đưa Kobe trở lại hoạt động. Ảnh hưởng kinh tế được ước tính khác nhau ở khoảng cao nhất la 10% GDP của Nhật. Không đến 18 tháng sau, trên thực tế, sản lượng sản xuất trong khu vực Kobe đã đạt đến 98% mức độ trước động đất. Chỉ một năm sau, xuất khẩu đã đạt đến 85% tổng lượng trước động đất. Hai năm sau vụ động đất, tất cả các đống đổ nát đã được dọn sạch - một thành quả vĩ đại - và tất cả các cơ sở hạ tầng đều được phục hồi. Thị trường chứng khoáng đã tuột dốc (giảm 7,5% trong những ngày sau động đất Kobe; chỉ số chứng khoáng tương lai giảm 2% sau động đất Sendai) nhưng GDP chỉ chậm lại một tí và hai năm sau đó đã lên lại, một phần là nhờ quá trình xây dựng lại Kobe và đầu tư vào việc hiện đại hoá.
Tính toán khủng khiếp về thiệt hại vốn con người cũng như vốn vật chất, mất mát về tài sản vật chất trong vụ động đất Kobe thì được tính đến 127 tỉ đô la hoặc chỉ là con số nhỏ nhoi 0,08% tổng tài sản vật chất của Nhật vào thời điểm ấy.
Kobe sau động đất rất khác với Kobe trước đấy. Thành phố đã được tái thiết kế, tạo ra cơ sở hạ tầng đô thị hoàn hảo và một vùng đệm tốt hơn cho những động đất tương lai. Những bài học rút ra từ Kobe về hiểm hoạ của việc thiết kế cơ sở hạ tầng yếu kém (đường cao tốc, nguồn nước, cống rãnh, giao thông và viễn thông) đã liên tục được áp dụng vào các thành phố khác của Nhật. Khách viếng thăm Tokyo sẽ lưu ý đến những gia cố kỹ lưỡng được lắp đặt trong hệ thống đường cao tốc trong 15 năm qua - một lý do mà nó đã đứng vững rất tốt trước cơn rúng động mạnh mẽ hôm thứ Sáu.
Những thành tựu này là nhân chứng cho tinh thần bất khuất của con người, nhưng đặc biệt là nhân chứng cho tinh thần bất khuất và khả năng của người Nhật - không những khả năng phi thường của họ khi đối diện với nghịch cảnh tai ương mà còn về vốn con người, kỹ năng và kiến thức tổ chức họ có được khi đối phó với nó bằng mức độ khổng lồ và với hiệu quả lớn lao.
Giờ đây, tính cách quốc gia này đang được thể hiện đầy đủ.
Với độ địa chấn ở mức 8,9, cơn động đất Sendai còn lớn gấp 178 lần so với Kobe. Cơn sóng thần cao 10 mét đã trút đổ sự giận dữ và mạnh mẽ của mình. Xe lửa, xe tải, ô tô, thuyền, nhà cửa và cơ sở hạ tầng đều bị cuốn trôi. Sẽ là một điều thần kỳ nếu số người thiệt mạng lại ít hơn so với Kobe. Nhưng đây không phải là cú động đất lớn của Tokyo. Tokyo cũng đã chịu đựng một rúng động mạnh nhưng đã hoạt động lại bình thường.
Khu vực Sendai thì ít quan trọng hơn về kinh tế và công nghiệp so với Kobe, toàn bộ vùng này chiếm ít hơn 2% GDP của Nhật. Một phức tạp quan trọng cũng như mối bất an đang biến chuyển có thể sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh năng lượng là cơn động đất đã làm rung chuyển ba nhà máy điện hạt nhân, với nhà máy Fukushima cũ kỹ thuộc TEPCO đã bị tàn phá mạnh đến nỗi phải đưa ra báo động Cấp 4 (vụ rò rỉ Three Mile Island ở Hoa Kỳ từng ở mức báo động Cấp 5).
Chính phủ quốc gia và Lực lượng Phòng vệ đã nhảy vào cuộc nhanh chóng hơn so với ở Kobe (chính từ sự kiện Kobe đã làm nảy ra tranh cãi về hiến pháp rằng liệu Lực lượng Phòng vệ có thể được triển khai cho mục đích bảo vệ dân sự hay không, từ đó đã dẫn đến việc thay đổi giúp củng cố khả năng của ngành hành pháp Nhật Bản trong việc đối phó với tình trạng khẩn cấp một cách nhanh chóng hơn). Các dịch vụ dân sự và cấp cứu đã cho thấy tính hiệu quả xuất sắc của mình trong việc thích ứng với những thảm hoạ như thế này. Hỗ trợ quốc tế đã được sẵn sàng ra và cũng được đón nhận nhanh chóng.
Phản ứng nhanh chóng của Thủ tướng Kan và các cơ quan quốc gia đối với cơn khủng hoảng đã giúp chuyển hướng chú ý của công luận vào sự suy sụp chính trị trong chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản, vào có thể giúp tái lập một mức độ tin tưởng vào chính quyền mà quốc gia đang rất cần hiện nay.

 -Trận động đất kinh hoàng không ảnh hưởng đến tính hoàn hảo của nền văn hóa Nhật Bản
Trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử của Nhật Bản để lại hàng loạt tòa nhà cháy rực ngập tràn khắp các khu làng xóm ven biển, những lòng đường đổ nát và các nhà máy điện hạt nhân có khả năng bất ổn. Nhưng tất cả hầu như không gây nên một vết trầy xước nhỏ nào trên đặc điểm hoàn hảo qua sự biểu lộ mối quan tâm của người Nhật đến tha nhân ngay cả trong một trường hợp tồi tệ nhất.

Nguồn: King Laura, Los Angeles Times
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
13.03.2011
Một người phụ nữ bị thương kẹt cứng dưới những đồ đạc trong nhà xin lỗi vì đã gây nên phiền phức chỉ là một trong những bằng chứng về sự biểu lộ môi quan tâm đến tha nhân của đất nước này ngay cả trong một trường hợp tồi tệ nhất.
Tường thuật từ Tokyo - Hiroko Yamashita là người một phụ nữ cao niên và đơn chiếc, bị thương tích và đau đớn. Khi trận động đất kinh hoàng xảy ra, một giá sách nặng đổ ập lên đè ngã và làm dập mắt cá chân bà.
Cuối cùng, khi những người cứu thương đến cứu bà, dù phải chịu đau đớn nhiều giờ sau đó, Yamashita đã nói lên một điều mà bất cứ người "bình thường" nào cũng đều làm như thế - người con rể bà kể lại: Bà xin lỗi vì đã làm phiền họ và hỏi phải chăng không có ai khác cần phải cứu trước bà hay không.
Trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử của Nhật Bản để lại hàng loạt tòa nhà cháy rực ngập tràn khắp các khu làng xóm ven biển, những lòng đường đổ nát và các nhà máy điện hạt nhân có khả năng bất ổn. Nhưng tất cả hầu như không gây nên một vết trầy xước nhỏ nào trên đặc điểm hoàn hảo qua sự biểu lộ mối quan tâm của người Nhật đến tha nhân ngay cả trong một trường hợp tồi tệ nhất.
Ngôn ngữ Nhật Bản đầy ắp những nghi thức xin lỗi, thốt lên nhiều đến độ đã trở nên gần như vô nghĩa: Xin thứ lỗi cho tôi, tôi sắp gây nên một điều phiền toái của bản thân Một số câu như thế này chỉ là một sự thể có tính hình thức đơn thuần. Nhưng tại một thời điểm khủng hoảng như thế này, sự lịch thiệp ấy có thể là chất keo gắn kết đất nước lại với nhau.
Ngay cả trận động đất đến 8.9 độ địa chấn vào hôm thứ sáu đã gây sốc và bối rối, ít ai đã để nỗi lo lắng của mình gây nặng lòng đến người khác.
Trên một chuyến bay dài tới Tokyo, giữa hoàn cảnh bấp bênh của việc đến tận phút cuối cũng không biết liệu máy bay có được phép hạ cánh xuống sân bay của thủ đô hay không, một doanh nhân độ năm mươi tuổi cứ tỉ mỉ hỏi han một người ngồi chung hàng ghế về các những dự định và kế hoạch dự phòng: Ông sẽ ở đâu? Tại sao lại ở đấy ? Vâng, thưa ông khu phố cạnh đấy tốt đẹp hơn. Có ai đến đón và lo lắng cho ông không?
Chỉ đến gần phút cuối của một chuyến bay dài chín tiến đồng hồ ông mới tâm sự, gần như với một sự bối rối đi kèm là mình có một người thân bị mất tích, rằng ông sẽ cố tìm đường đi về phía bắc, khu vực có ngập lụt, sóng thần để xem số phận của người thân mình ra sao. Ông loay hoay với dây an toàn của mình cho qua thì giờ, mắt nhìn quanh lạc hồn và như thể muốn rũ bỏ mối nghi ngờ của mình để tin rằng ông sẽ tìm thấy người thân thuộc ấy còn sống.
Một số người phật ý về sự ưng chịu ngột ngạt như thế này có thể ảnh hưởng đến tập tục xã hội. Ngay cả Nhật Bản trong thời hiện đại, nói lên suy nghĩ của một ai hoặc thực hiện một đòi hỏi sống sượng có thể dẫn đến việc bị tẩy chay xa lánh. Đặc biệt, giới trẻ, đôi khi cảm thấy bị trói buộc bởi những thông lệ cứng nhắc của hạnh kiểm, có lẽ cũng bí hiểm phức tạp như một loại bi kịch Kabuki.
Nhưng ở một đất nước mà những người bị sổ mũi thường đeo khẩu trang ở chốn công cộng để tránh lây nhiễm cho người khác, dường như mọi người quyết tâm không để lộ những lo lắng của mình. Đặc biệt là đối với những người phục vụ khách hàng.
"Tôi hết sức cố gắng không để cho mọi người nhìn thấy mình sợ hãi đến thế nào", ông Masaki Tajima, một nhân viên khách sạn ở Utsunomiya, phía bắc Tokyo cho biết.
Gần các vùng bị động đất, đã có những lời bông đùa trong sự lịch sự có chủ ý. Tại một trạm xăng ở Koriyama, khoảng 130 dặm về phía bắc Tokyo, khi một số tiếp viên thông báo, một số khách hàng trở nên lo âu và kích động khi bị thiếu nhiên liệu. Kenji Sato, một tiếp viên có 12 năm kinh nghiệm đã đọc lời xin lỗi, cố gắng xoa dịu mọi người. "Xin lỗi, không còn xăng nữa, rất lấy làm tiếc" ông nhấn giọng.
Tuy nhiên, ở những nơi khác, bản năng ngăn nắp và bình tĩnh từng ăn sâu trong thói quen vẫn thể hiện ngay cả giữa những thời khắc khó khăn. Tại Tokyo và các vùng ngoại ô, trận động đất đánh sập gần hết các hệ thống vận chuyển công cộng tin cậy, hết sức đúng giờ. Tuy nhiên, sau cùng khi những chuyến tàu đã xuất hiện được trên một vài tuyến đường quan trọng, hàng người thứ tự chờ đợi vẫn trật tự như mọi ngày đi về bình thường.
Một khi đã lên được con tàu, mọi người ngồi im lặng nhìn chằm chằm vào điện thoại di động của mình trong niềm hy vọng về một tín hiệu mong manh.
"Xô đẩy chen lấn là kém văn minh và nói cho cùng, có được lợi ích gì ?" Kojo Saeseki vừa nói vừa giúp vợ mình lên một đoàn tàu đông đúc ở ngoại ô thành phố.
Ngay trong thành phố, những người lên được một xe điện ngầm gần như trống rỗng, khi được hỏi điều gì đã xảy ra với họ ngày hôm trước đều nhìn ngạc nhiên và bối rối, nhưng nếu nài nỉ quá, họ sẽ kể lại những câu chuyện của họ: bị kẹt trong thang máy nhiều giờ đồng hồ, nấp dưới một cái bàn trong một tòa nhà cao tầng khi nó đong đưa như một con tàu trên biển hoặc nhìn thấy một cửa sổ an toàn bằng kính dầy thình lình rạn vỡ, nứt như mạng nhện.
Một số vẫn đang kể lại những chuyện của mình, ngập ngừng, khi đoàn tàu ghé vào một trạm dừng nơi có một khoảng nứt nhỏ nằm lồ lộ chính giữa cửa ra và sân ga. Mọi người trên tàu vội với gọi một hành khách sắp bước xuống: Kiotsukete! - Hãy cẩn thận đấy !

Nguyễn Đình Đăng: Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại 11.03.2011
3:40 chiều hôm qua (Thứ Bảy, 12/3/2011) đã xảy ra một vụ nổ trong một toà nhà gần lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Nhà máy điện nguyên tử Fukushima có hai tổ hợp: Fukushima Daiichi (Fukushima 1) và Fukushima Daini (Fukushima 2), gồm tất cả 6 lò phản ứng, và là một trong 25 nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhà mà được thiết kế chịu được động đất 7.9 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng giáng xuống Nhật Bản một ngày trước đó có sức mạnh tại tâm động đất (cách bờ 126 km) 9 độ Richter, vượt hơn 30 lần sức chịu đựng theo thiết kế nhà máy. Vào đến bờ, sức mạnh của động đất còn khoảng 6.5 – 7 độ Richter. Vụ nổ đã làm toàn bộ phần tường bao bọc phía trên toà nhà đó vỡ tung, chỉ còn trơ ra cái khung sắt. Nhưng lò phản ứng số 1 không bị hư hại và phóng xạ thoát ra không lớn. Thực tế ngay sau vụ nổ người ta đo thấy các nguyên tố phóng xạ giảm đi so với trước vụ nổ, và mật độ phóng xạ không tăng lên. Hiện thời mức độ phơi nhiễm phóng xạ lên một người trong một ngày bên ngoài nhà máy bằng mức độ phơi nhiễm cực đại mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ một người có thể chịu trong một năm. Khoảng 200,000 người dân được sơ tán ra ngoài vùng bán kính 20 km quanh Fukushima 1 và Fukushima 2.
Tuy lõi các lò phản ứng không (chưa) chảy (hoặc có thể mới chỉ bị chảy một phần) nhưng người ta chưa làm nguội được chúng nên tất cả vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người ta đã bơm nước biển rồi nước ngọt vào để làm nguội lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm cứu lõi lò khỏi bị nóng chảy. Đó là biện pháp cuối cùng và có lẽ sẽ làm hai lò này ngừng hoạt động vĩnh viễn, miễn là thảm hoạ hạt nhân đừng xảy ra. Nước Nhật đã ban bố tình trạng hạt nhân khẩn cấp. Từ ngày mai, 14/3/2011, điện sẽ bị cắt luân phiên trên toàn quốc.
Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.
Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.
Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.

Tổng số lượt xem trang