Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?

-Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?
Bài 9
Hà Thanh-liên: Không
Phạm Nguyên Trường dịch

Ai đã để cho quá trình phát triển của Trung Quốc trở thành vô đạo như thế - thị trường tự do hay là nhà nước và nhóm tinh hoa cầm quyền của nó đã thất bại? Ở đâu thì những người thiết lập và thi hành luật chơi cũng có vai trò quyết định. Điều này lại càng đúng đối với Trung Quốc, nơi mà các quan chức của chính phủ và Đảng làm ra luật và giám sát các hoạt động kinh tế, nhưng chính họ lại tìm cách kiếm lời.



Trong mấy thế kỉ vừa qua cả thế giới đếu thấy thị trường tự do năng động đã khích lệ sự tiến bộ về mặt xã hội và vật chất, đồng thời nó còn củng cố cả đức hạnh nữa. Ngược lại, những người sống dưới chế độ đóng vai trò người cạnh tranh chủ yếu với hệ thống thị trường tự do đương đại - tức là sống dưới chế độ chủ nghĩa xã hội nhà nước với nền kinh tế kế hoạch hóa – thì phải chịu cảnh thiếu thốn vì kinh tế trì trệ, xã hội dân sự tàn lụi và đạo đức suy đồi. Trong mấy chục năm gần đây, khi nền kinh tế kế hoạch hóa tự sụp đổ vì những mâu thuẫn nội tại của chính nó thì người ta mới nhận thức được rằng cuộc thí nghiệm không tưởng này là một thất bại mang tính hệ thống. Những người đã từng sống nhiều năm trong cơn ác mộng cả về chính trị, kinh tế lẫn đạo đức đều muốn thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt.

Đương nhiên là kinh tế thị trường không phải là một hệ thống hoàn hảo. Nhưng những khiếm khuyết của nó là do hành động và động cơ của những người tham gia chứ không phải là bản chất của nó. Kinh nghiệm dạy ta rằng thị trường tự do liên hệ mật thiết với xã hội tự do. Trong xã hội tự do con người có nhiều cơ hội hợp tác hơn nhằm cải thiện cuộc sống của họ. Xã hội tự do tạo điều kiện để người ta có thể làm cho hệ thống chính trị và xã hội của mình trở thành công chính hơn. Nói chung, những hoạt động này chỉ củng cố chứ không làm băng hoại đạo đức.
Từ quan điểm của lịch sử so sánh, chúng ta có thể định nghĩa thị trường là một hệ thống kinh tế xã hội bao trùm lên tất cả, trong đó có các định chế kinh tế, các quan hệ xã hội và văn hóa. Nhưng khi phân tích mối quan hệ giữ thị trường và đạo đức thì cần phải sử dụng định nghĩa hẹp hơn: thị trường là những qui tắc nhằm điều phối các hoạt động kinh tế.
Thị trường và đạo đức, đâu là nhân và đâu là quả? Chúng ta phải công nhận rằng phán xét về mặt đạo đức những hoạt động kinh tế xã hội cụ thể khác với phán xét về mặt đạo đức những qui tắc của thị trường. Giá trị và đạo đức kinh doanh hình thành nên hành vi của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Nếu hoạt động của họ dẫn đến những hậu quả không hay hoặc không dự đoán trước được thì trước hết chúng ta phải tìm lí do trong những định chế xã hội mà thị trường hoạt động chứ không phải là tìm trong các qui tắc của thị trường.
Những cuộc thảo luận bàn về “thuần hóa thị trường” – nghĩa là bàn về việc giảm nhẹ một số hậu quả của quá trình phát triển và sự bành trướng của thị trường trên toàn thế giới –thường tập trung chú ý vào những ưu tiên về mặt văn hóa-xã hội của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Muốn định hình được các qui tắc của thị trường và tạo ra được những cách hành xử đúng đắn hơn thì nhà nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức và phong trào công dân phải giúp thiết lập các giá trị và những nguyên tắc đạo đức mới.
Tất cả các hoạt động kinh tế đều nằm trong những hoàn cảnh văn hóa và xã hội nhất định. Cả ở Trung Quốc thế kỉ X lẫn ở châu Âu thế kỉ XXI, sản xuất và tiêu dùng đều phù hợp với những giá trị đạo đức đang giữ thế thượng phong vào lúc đó. Ngoài ra, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, đạo đức bao giờ cũng có liên hệ với niềm tin tôn giáo. Thí dụ, người ta cho rằng những người có đạo ở Đông Á thường là những người trung thực trong kinh doanh. Ngược lại, ở nước Trung Hoa đương đại, nơi mà tôn giáo có thời bị cấm đoán và hiện vẫn đang bị  nhà nước kiểm soát một cách gắt gao, hiện tượng thiếu đạo đức trong kinh doanh lập tức bùng nổ ngay khi kinh tế thị trường bắt đầu bén rễ.
Những tác nhân khác cũng có ảnh hưởng đối với đạo đức. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa trong mấy thập kỉ gần đây đã giúp các nước đang phát triển làm quen không chỉ với các định chế kinh tế mới mẻ mà còn khai tâm cho họ về những tiêu chuẩn và giá trị đang thay đổi của phương Tây. Tiêu thụ những sản phẩm thân thiện với môi trường và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện lao động, thí dụ như tiêu chuẩn Trách  nhiệm xã hội 8000, được thông qua cách đây một chục năm, là những xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây. Cả hai xu hướng đó đều là những thí dụ về sự thay đổi lề thói, nhưng xu hướng thứ hai có ảnh hưởng nhiều hơn đối với những nước tương tự như Trung Quốc, nó đã cải thiện đều kiện làm việc tại nhiều công xưởng vốn là những xí nghiệp có điều kiện làm việc rất tệ hại.
Trong các nền kinh tế chuyển tiếp hiện này – khi mà nền kinh tế kế hoạch hóa cách li với thế giới của họ chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường – các giá trị đạo đức đang có những điều chỉnh đầy kịch tính. Chắc chắn là di sản của các định chế của nhà nước và của giới tinh hoa có thể sẽ làm chậm lại hoặc ngăn cản sự điều chỉnh này. Ở châu Âu, quá trình hội nhập của các nước thuộc khối Xô Viết cũ vào hệ thống thương mại của châu lục có vẻ như không tạo ra nhiều hậu quả tiêu cực. Nhưng ở Trung Quốc người ta có thể dễ dàng tìm thấy bằng chứng về cả sự suy đồi nền tảng đạo đức lẫn đạo đức kinh doanh. Ảnh hưởng chính trị và chức vụ trong chính quyền được đem ra mua bán, hối lộ để không bị đi tù, những kẻ sử dụng lao động trẻ con ít khi bị trừng phạt, buôn bán máu và các bộ phận cơ thể đã trở thành hiện tượng bình thường.
Ở Trung Quốc, tất cả các hoạt động vừa nói đều là phi pháp hết, nhưng chính phủ đã làm ngơ. Rõ ràng là còn lâu Trung Quốc mới trở thành nhà nước pháp quyền. Trên thực tế, đất nước được cai trị bởi một nhóm người đứng trên pháp luật. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang đấu tranh với những hiện thượng đáng buồn này, nhưng hoạt động của họ lại bị kiểm soát một cách gắt gao và mỗi tổ chức đều bị một cơ quan chính phủ nào đó giám sát. Đáng lẽ phải có những hành động kiên quyết nhằm chặn đứng những hành động “phi pháp” thì chính phủ lại tìm mọi cách kiểm soát các bài tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và các buổi thảo luận trên internet về “những tin tức tiêu cực, có hại cho hình ảnh của chế độ”.
Ai đã để cho quá trình phát triển của Trung Quốc trở thành vô đạo như thế - thị trường tự do hay là nhà nước và nhóm tinh hoa cầm quyền của nó đã thất bại? Ở đâu thì những người thiết lập và thi hành luật chơi cũng có vai trò quyết định. Điều này lại càng đúng đối với Trung Quốc, nơi mà các quan chức của chính phủ và Đảng làm ra luật và giám sát các hoạt động kinh tế, nhưng chính họ lại tìm cách kiếm lời. Việc làm ngơ trước những hành động phi đạo đức của chính quyền chứ không phải là sự phát triển của thị trường tự do đã làm méo mó nền tảng đạo đức của xã hội Trung Quốc.
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo tôi, có thể cung cấp cho chúng ta ba bài học quan trọng. Thứ nhất, mặc dù được báo chí quốc tế ca ngợi, ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với thị trường không phải là hoàn toàn tích cực. Thứ hai, nền kinh tế thị trường chắc chắn và bền vững đòi hỏi chế độ chính trị dân chủ. Thứ ba, đối với Trung Quốc, phát triển về mặt đạo đức là nhiệm vụ quan trọng không kém so với phát triển kinh tế.
Hà Thanh-liên — Là nhà kinh tế học Trung Quốc, từng là biên tập viên lâu năm của tờ Thiên Tân Pháp luật Nhật Báo. Bà còn là tác giả các cuốn: The Pitfalls of Modernization: The Economic and Social Problems of Contemporary ChinaThe Fog of Censorship: Media Control in China.

Tổng số lượt xem trang