Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không? -Michael Walzer: Tất nhiên là có

-Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?
Bài 10 Michael Walzer: Tất nhiên là có

Phạm Nguyên Trường dịch
Người ta có dễ dàng trở thành đức hạnh hơn khi tổng thống không còn là một kẻ bạo ngược đầy sức mạnh và những người yếu đuối đã không còn bị bắt nạt nữa hay không? Áp lực mang tính hủy hoại của những cuộc cạnh tranh vẫn còn. Chúng ta biết rằng con người dễ bị cám dỗ, vì vậy mà chúng ta đặt ra các hạn chế. Và nếu chúng ta thấy cần phải đặt ra những hạn chế đối với chính phủ thì chắc chắn là chúng ta cũng cần đặt ra những hạn chế đối với thương trường. 
Cạnh tranh trên thương trường tạo ra áp lực lớn, làm cho người ta dễ vi phạm những qui định thông thường về cách ứng xử đúng đắn giữa người với người và sau đó tìm cách biện hộ cho những hành động của mình. Những lời biện hộ như thế - thực ra là tự lừa mình, nhằm thủ lợi mà lương tâm lại không hề áy náy – sẽ  làm băng hoại đạo đức. Nhưng tự bản thân điều đó lại không phải là luận cứ chống lại thị trường tự do. Xin nhớ rằng nền chính trị dân chủ cũng làm băng hoại đạo đức. Cạnh tranh quyền lực cũng tạo áp lực lớn – phải hét to những điều dối trá trước các cuộc hội họp, phải hứa những điều không thực hiện được, phải nhận tài trợ từ những nhân vật đáng ngờ, phải thỏa hiệp những vấn đề không nên thỏa hiệp. Tất cả cũng đều cần được biện hộ, và đức hạnh trở thành nạn nhân – ít nhất đức hạnh cũng không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng những khiếm khuyết như thế cũng không phải là luận cứ chống lại nền dân chủ.

Chắc chắn là cạnh tranh về chính trị và kinh tế còn tạo ra những hình thức cộng tác khác nhau – hợp tác, công ty, đảng phái, công đoàn. Những tình cảm như sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau, tình bằng hữu và đoàn kết sẽ phát triển và được củng cố trong khuôn khổ những hình thức hợp tác đó. Người ta học được cách cho và nhận thông qua những cuộc thảo luận tập thể.  Người ta trình bày quan điểm, chấp nhận rủi ro và thành lập liên minh. Tất  cả những quá trình đó đều giúp giáo dục tính cách. Nhưng vì mối lợi quá lớn cho nên những người tham gia những hoạt động như thế còn học được cách theo dõi lẫn nhau, không tin nhau, che dấu kế hoạch của mình, phản bội bạn bè và – chúng ta biết rồi, từ Watergate cho đến Enron. Chúng trở thành “các nhân vật điển hình” trong những câu chuyện về nạn tham nhũng trong các công ty, những vụ bê bối chính trị, những cổ đông bị lừa gạt, những cử tri bị phản bội. Tóm lại, mọi người, cả người mua hàng lẫn cử tri đều phải thận trọng!
  
Có thể làm cho cạnh tranh về chính trị và kinh tế trở thành vô hại đối với đức hạnh được không? Chắc chắn là hoàn toàn vô hại thì không. Thị trường tự do và bầu cử tự do về bản chất là những hiện tượng đầy rủi ro đối với tất cả những người tham gia, đấy không chỉ vì những kẻ không ra gì, những món hàng hóa kém phẩm chất và chính sách sai lầm có thể thắng mà còn vì giá của chiến thắng có thể lá quá cao, đối với cả người tốt, sản phẩm và chính sách đúng đắn nữa. Nhưng chúng ta có cách hàng xử khác nhau trước những mối đe dọa của thị trường và bầu cử. Chúng ta cố gắng tạo ra giới hạn đối với cạnh tranh chính trị và mở rộng lĩnh vực chính trị cho cả người đức hạnh lẫn người ít đức hạnh hơn tham gia. Các chính khách hiện nay không được nhiều người coi là những tấm gương về mặt đạo đức nữa, một phần là vì họ thường xuyên bị các phương tiện truyền thông đại chúng xoi mói, tất cả khuyết, nhược điểm của họ đều được các phương tiện truyền thông đại chúng loan truyền trên khắp thế giới.
 Tuy nhiên, các nền dân chủ hiến định đã chặn đứng được những biểu hiện xấu xa nhất của sự mục nát về mặt chính trị. Chúng ta đã thoát khỏi những hành động độc đoán của những lãnh tụ độc tài, sự ngạo mạn của các nhà quí tộc, sự đàn áp và bắt bớ tùy tiện, sự kiểm duyệt, những bản án đã được định trước và những phiên tòa mang tính trình diễn – chưa chắc chắn đến mức không còn phải cảnh giác canh phòng những quyền tự do nữa, nhưng chúng ta đã được tự do đến mức có thể tổ chức được việc canh phòng. Các chính khách thường xuyên lừa dối hoặc không thực hiện lời hứa sẽ thất cử. Không, những biểu hiện xấu xa nhất trong đời sống xã hội không phải là từ chính trị mà là từ kinh tế và nguyên nhân là do trong lĩnh vực kinh tế chúng ta không có những hạn chế mang tính hiến định tương tự như những hạn chế trong lĩnh vực chính trị.
Thành tựu quan trọng nhất của các nển dân chủ hiến định là đã loại bỏ được cuộc đấu tranh theo kiểu “một mất một còn” ra khỏi đời sống chính trị. Mất quyền lực không có nghĩa là phải úp mặt vào tường. Những người ủng hộ phe chiến bại cũng không bị bắt làm nô lệ hay phải lưu đầy. Cái giá phải trả trong cuộc tranh giành quyền lực đã không còn cao như xưa nữa, và như vậy là đã giúp người ta có thể lựa chọn những cách hành xử có đạo đức hơn.  Người ta cho rằng trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước phúc lợi hiện đại cũng có thể làm những việc tương tự như thế: buộc thị trường phải tuân thủ các qui định bằng cách hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra trên thương trường. Nhưng trên thực tế - chí ít là ở Mĩ – chúng ta chưa làm được nhiều trong việc thiết lập “hiến pháp” cho thị trường. Đối với rất nhiều người, cạnh tranh trên thương trường vẫn gần như là cuộc đấu tranh “một mất một còn”. Cuộc sống của gia đình, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ con, sự học hành của chúng và an hưởng tuổi già bị đem ra đánh cược. Mà đứng trước những rủi ro lớn như thế thì không gian dành cho đức hạnh sẽ chẳng còn nhiều. Những người tử tế hành xử một cách tử tế, và khi điều kiện cho phép thì đa phần đều là những người tử tế cả. Nhưng cuộc đấu tranh vẫn là tác nhân làm băng hoại đạo đức của con người.
 Một thành tựu nữa của thể chế hiến định là hạn chế quyền lực của những người giữ chức vụ cao. Họ phải hoạt động bên cạnh những lực lượng đối trọng, các đảng phái và phong trào đối lập, các cuộc bầu cử định kì và nền báo chí tự do và đôi khi có thái độ phê phán đối với nhà cầm quyền. Mục tiêu quan trọng nhất của những ràng buộc này là làm giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại mà những nhân vật có quyền lực nhưng đã bị thoái hóa có thể gây ra. Nhưng trên thực tế, một số chính khách của chúng ta đã tự kiềm chế và đấy là điều có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách của chúng ta.
 Thể chế hiến định trên thương trường cũng sẽ tạo ra những hạn chế tương tự như thế đối với quyền lực kinh tế của những người giàu có nhất. Nhưng, như đã nói, chúng ta chưa là được nhiều trong việc thiết lập “hiến pháp” cho thị trường. Quyền lực kinh tế hầu như không bị bất cứ ràng buộc nào, lực lượng đối trọng là công đoàn lao động đã bị thu hẹp rất nhiều, hệ thống thuế khóa cũng lùi bước; lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, chính sách giá cả và quĩ hưu bổng hầu như không chịu bất kì sự điều tiết nào. Thái độ ngạo mạn của những kẻ giàu có trong mấy thập kỉ vừa qua làm người ta phải ngạc nhiên. Mà đấy là do họ biết rằng họ muốn làm gì cũng được. Kiểu quyền lực tuyệt đối như thế, như Lord Acton đã viết từ lâu, sẽ làm con người trở thành đồi bại hoàn toàn.
 Sự đồi bại lan sang cả lĩnh vực chính trị: ảnh hưởng của đồng tiến kiếm được trên thương trường không chịu bất kì hạn chế nào có thể đe dọa cả thể chế chính trị. Thí dụ bạn cần tiền cho một cuộc vận động chính trị (ủng hộ một ứng viên tốt hay một cương lĩnh tốt) và bên cạnh bạn lại có một người nào đó – một chủ ngân hàng, một đại công ty – có rất nhiều tiền và sẵn sàng chi cho chiến dịch, nhưng đổi lại, bạn phải thông qua chính sách hay bộ luật giúp củng cố địa vị của họ trên thương trường. Trong khi đó, những người cạnh tranh với bạn lại có thể cầm tiền của họ mà không hề cảm thấy áy náy gì. Ai có thể đứng vững trước sức cám dỗ như thế?
 Một số người có thể biện luận: chả lẽ đấy không phải là cách kiểm tra đức hạnh của người ta ư? Nếu chế độ hiến định trên thương trường hạn chế được quyền lực của tài sản và nhà nước phúc lợi có thể hạn chế được nỗi sợ đói nghèo thì trở thành đức hạnh là việc quá dễ dàng ư?. Dễ dàng hơn, nhưng không phải là quá dễ đâu. Xin xem xét sự tương đồng nữa trong lĩnh vực chính trị: Người ta có dễ dàng trở thành đức hạnh hơn khi tổng thống không còn là một kẻ bạo ngược đầy sức mạnh và những người yếu đuối đã không còn bị bắt nạt nữa hay không? Áp lực mang tính hủy hoại của những cuộc cạnh tranh vẫn còn. Chúng ta biết rằng con người dễ bị cám dỗ, vì vậy mà chúng ta đặt ra các hạn chế. Và nếu chúng ta thấy cần phải đặt ra những hạn chế đối với chính phủ thì chắc chắn là chúng ta cũng cần đặt ra những hạn chế đối với thương trường.
  
Michael Walzer là giáo sư danh dự khoa Xã hội học thuộc Viện nghiên cứu chuyên sâu (Institute for Advanced Study) ở Princeton, bang New Jersey. Ông là biên tập viên tờ New Republic, đồng biên tập tờ Dissent, và vừa cho xuất bản tác phẩm: Thinking Politically

Tổng số lượt xem trang