Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 110311
Hoa Kỳ bị dụ vào Libya? Mà ai dụ?...
Năm xưa, "vùng cấm bay" tại Iraq.
Ngày 24 tháng trước, Dainamax Magazine đã nêu câu hỏi: "Liệu "quốc tế" (Mỹ) có LẠI phải vào Libya?"
Bây giờ, câu hỏi trên là thời sự nóng trong chính trường Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thương viện do đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát là Nghị sĩ John Kerry đã nói thẳng và hôm Thứ Sáu 11 còn viết trên tờ Washingtonh Post là quốc tế phải ban hành lệnh cấm bay trên lãnh thổ Libya. Nhiều chính khách bên đảng Cộng Hoà cũng cổ võ cho việc ấy.
Nếu thế thì nguy!
Người Mỹ đáng yêu vì ưa xúc động về mọi chuyện thương tâm của thế giới. Khi tay chân lãnh tụ Moammar Gaddafi cho Không quân pháo kích vào thường dân, một số lãnh tụ và bình luận gia bên đảng Dân Chủ đòi nước Mỹ phải làm gì đó. Có khi lại tìm về truyền thống của đảng là thích nhảy vào khai chiến vì mục tiêu lý tưởng ban đầu. Sau đó bị kẹt.
Nhìn ra ngoài nước Mỹ, trong khi dư luận Mỹ phân vân, Âu Châu còn nâng mức xúc động lên một cấp: "Thế giới phải làm gì đi chứ!" Các nước Á Rập cũng thế, đã lên tiếng yêu cầu can thiệp. Vì vậy, Chính quyền Barack Obama bị sức ép. Cho đến nay, ông nói nước đôi, rằng thế giới cần can thiệp, và rằng Hoa Kỳ không loại bỏ giải pháp quân sự.
***
Trước hết, hãy nghĩ tới mục tiêu của các nước Âu Châu ở bên kia Địa trung hải.
Họ đang nhìn về Libya với nhiều nỗi lo. Nguồn cung cấp dầu khí từ xứ này là một, dù có Saudi Arabia hay nước khác thay thế thì cũng vẫn là vấn đề vì thay không dễ - dầu thô Libya thuộc loại ngọt", có độ sulfure rất thấp. Nhưng, nguy ngập hơn vậy là nếu Libya lâm vào nội chiến kéo dài, một làn sóng thuyền nhân tỵ nạn có thể dạt vào Âu Châu. Nếu bên trong đám thuyền nhân lại có đặc công hay khủng bố Hồi giáo từ Bắc Phi, thì Âu Châu gặp cả hai bài toán nhân đạo và an ninh.
Vì vậy, họ muốn "quốc tế" can thiệp vào Libya.
Quốc tế nhất là Liên hiệp quốc thì vô thẩm quyền: Liên bang Nga và Trung Quốc mẫn cán thủ vai kỳ đà cản mũi với lá phiếu phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Tuần qua, Tổng thống Dmitri Medvedev của Nga nói ra điều ấy. Một nghị quyết của Liên hiệp quốc chỉ có hy vọng thành hình nếu có đủ "hệ số vu vơ", những cáo giác vô hại và biện pháp vô hiệu.
Sau nỗ lực vận động Liên hiệp quốc thì giải pháp quốc tế thứ hai là dùng Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO.
Năm 1999, sau nhiều năm trì hoãn, để thay thế giải pháp bất khả là Liên hiệp quốcÂu Châu dùng cơ chế NATO cho việc cấp cứu Kosovo trong Cộng hòa Serbia. Mà NATO chính là Hoa Kỳ và Chính quyền Bill Clinton đã chấp hành! Không hẳn chỉ vì những tai tiếng với cô Monica Lewinsky mà thôi.
Lần này cũng thế, nếu tìm ra một giải pháp đồng thuận quốc tế - để có chính nghĩa - Hoa Kỳ sẽ lại phải dẫn đầu lực lượng liên quân NATO can thiệp vào Libya. Tuần tới, 28 thành viên NATO sẽ cân nhắc việc này.
***
Chúng ta nhớ lại là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, NATO đã qua ba đợt tái xác định mục tiêu, vào các năm 1991, 1999 và năm ngoái. Tại hội nghị Lisbone vào tháng 11 năm ngoái, NATO loay hoay lúng túng khi với "Khái niệm Chiến lược" mới vì trong thực tế lá chắn này bị chia làm ba mảnh.
Các nước phía Bắc như Anh, Đan Mạch và Hoà Lan, thì ủng hộ chiến lược Bắc đại tây dương nguyên thủy - của Hoa Kỳ: NATO có mục tiêu "toàn phương vị", mở rộng sự can thiệp vào bất cứ nơi nào đe dọa an ninh và quyền lợi của 28 thành viên. mảnh thứ hai là các nước cột trụ của Tây Âu, như Đức, Pháp, Ý, thì nhấn mạnh đến mục tiêu nguyên thủy: phòng ngừa Liên Xô tấn công. Ngày nay, Nga hết là mối nguy mà còn là nguồn cung cấp năng lượng, nên nhóm Tây Âu cho rằng NATO cần hợp tác với Liên bang Nga và nên phòng ngừa một đợt tấn công từ xa hơn, từ một xứ Hồi giáo tại Trung Đông. Khối thứ ba là các nước Đông/Trung Âu, xưa kia từng là nạn nhân của cả Nga lẫn Đức, ngày nay vẫn coi sức ép của Liên bang Nga là mối nguy đáng sợ nhất. Họ cần tới sự cam kết bảo vệ của Hoa Kỳ trước trào lưu thỏa hiệp của các nước Tây Âu.
Giữa ba ngả, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn có sáng kiến thứ tư: xây dựng thế hợp tác quân sự trong khu vực Địa Trung Hải, giữa các nước Âu châu với các nước Bắc Phi và Trung Đông. Tất nhiên là Pháp sẽ lãnh đạo cơ chế đó! Nhưng sáng kiến này vẫn chưa thành hình.
Một nỗi niềm chung trong mấy ngả riêng tư đó là ngần ấy thành viên NATO tại Âu Châu đều trông cậy vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, quốc gia nhiều phương tiện và đóng góp nhiều nhất cho NATO, nếu so sánh chi phí quốc phòng với lợi tức trung bình một đầu người.
Nhưng bây giờ, nhân danh cái gì mà NATO nhảy vào Libya: nhân đạo hay bảo vệ hòa bình? Khi vấn đề được nêu lên, Ba Lan lập tức bày tỏ sự nghi ngờ về việc can thiệp.
Cho nên, vì giải pháp lý tưởng là Liên hiệp quốc đã khó thành, các nước vẫn phải nghĩ đến tấm khiên NATO. Nếu có thêm lời kêu gọi của Liên minh Á Rập thì vẹn đôi bề. Giới hữu trách NATO đang nghiên cứu khía cạnh pháp lý và ngoại giao và tuần tới sẽ quyết định về việc ấy.
Sau khi vượt qua trở ngại đó thì "cộng đồng quốc tế" (Mỹ) sẽ ban bố tình trạng "cấm bay" trên không phận Libya, ít nhất là trên các khu vực mà không quân của Gaddafi có thế tấn công phe nổi dậy - hay tàn sát thường dân. Chúng ta đi vào chuyện "cấm bay" nhiều người đang đề nghị.
Đấy là cái bẫy trơn trượt!
***
Ngoại trưởng Hillary Clinton sáng suốt nhìn ra nên lập tức "lại quả" cho Âu Châu: Hoa Kỳ sẽ không nên lãnh đạo việc thi hành lệnh cấm bay đó. Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates còn dè dặt hơn với giải pháp quân sự. Trong cuộc họp báo sáng Thứ Sáu 11, Tổng thống Obama phải phóng ra một tín hiệu rất mạnh với chế độ Gaddafi, nhưng cũng không nói rõ về những chọn lựa quân sự cụ thể - cấm bay hay không.
Có phải ăn cỗ đâu mà đòi đi trước!
Người ta cần ngẫm lại và tự hỏi xem cái gì sẽ cấm phi cơ Libya của Gaddafi cất cánh? - Dĩ nhiên là phi cơ quốc tế dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ. Âu Châu hàm ý là Mỹ sẽ lãnh nhiệm vụ tiên phong và Ngoại trưởng Clinton hay Tổng trưởng Gates không mơ hồ dại dột vì cái gì sẽ chặn các phi đoàn của quốc tế?
Đó là hệ thống phòng không của Gaddafi.
Nhờ các cường quốc Âu Châu bán cho Libya để mua dầu, hệ thống đó không chỉ là cao xạ hay đại liên mà còn có hỏa tiễn địa-không khá tối tân với khả năng di động cao. Vì vậy, liên quân quốc tế - vẫn lại là Mỹ - chỉ có thể thi hành lệnh cấm bay sau khi mở chiến dịch tiêu diệt hệ thống phòng không của địch. Rất hợp lý mà hơi rủi ro: có bay vào thì mới biết hư thực ra sao.
Muốn biết thì phải có tin tức tình báo, vốn đang là món hàng rẻ, mà... thiếu phẩm chất. Tin tình báo không đáng tin vì các nhóm nổi dậy đều muốn quốc tế nhảy vào nên chỉ chỏ lung tung. Trong khi phe Gaddafi lại có khả năng di động và ngụy trang. Chưa kể là một số lực lượng sắc tộc còn cướp được đại liên và bắn loạn khi thấy bất cứ cái gì bay trên trời: quân mình bắn quân ta!
Mà nếu liên quân pháo lộn thì quân mình bắn dân ta.
Vốn dĩ coi dân như phân bón, Gaddafi sẽ yểm võ khí trong khu đông dân để lấy dân đỡ đạn. Nếu thường dân chết oan vì bị oanh tạc lầm, chính nghĩa quốc tế bị mất giá. Giải pháp quân sự gây vấn đề ngoại giao, như Hoa Kỳ và NATO đã từng gặp tại A Phú Hãn. Và Hoa Kỳ sẽ lại lãnh búa rìu dư luận Hồi giáo và các nước chống Mỹ lẫn các tổ chức nhân quyền.
Mà cấm bay đến cỡ nào và bao giờ thì đủ?
***
Xưa kia, Liên hiệp quốc từng ban hành chế độ cấm bay trên lãnh thổ Iraq của Chính quyền Saddam Hussein để bảo vệ cư dân trên khu vực sinh hoạt của người Kurd tại miền Bắc và Shia ở miền Nam. Chính quyền Bill Clinton thi hành nghị quyết đó trong nhiều năm - dưới lá cờ chính nghĩa của Liên hiệp quốc - mà không làm Saddam thay đổi chủ trương hung đồ hoặc chấm dứt chà đạp nhân quyền.
Sau 12 năm cù cưa, Saddam chỉ bị lật khi Mỹ đổ quân vào năm 2003! Gaddafi cũng có thể tính vậy...
Nghĩa là giải pháp mà quốc tế đang kêu gọi và Chính quyền Obama đang cân nhắc có thể gây rủi ro tổn thất cho Hoa Kỳ về quân sự tới nhân đạo và ngoại giao. Mà chưa chắc đã đạt mục tiêu. Rồi vì đã lao vào cuộc mà không có kết quả, nhiều người sẽ thấy rằng chỉ còn giải pháp dứt điểm chế độ Gaddafi. Đổ quân vào lãnh thổ Libya!
Người ta lại nhớ đến nhiều trường hợp can thiệp như vậy. Việc Thủy quân Lục chiến Mỹ vào Đà Nẵng hồi tháng Ba năm 1965 là một thành tích khó quên của một Chính quyền Dân Chủ!
Mà thả quân vào Libya để làm gì?
***
Sau 12 năm cấm bay tại Iraq mà không nên chuyện, Chính quyền George W. Bush đổ quân vào Iraq với mục tiêu là làm thay đổi chế độ tại Baghdad. Lật đổ Saddam Hussein thì dễ, xây dựng chế độ khác là chuyện triền miên! Bây giờ, muốn lật đổ Gaddafi và tay chân trên một quốc gia rộng lớn và phức tạp như Libya - một triệu 770 ngàn cây số vuông với nhiều sắc tộc khác nhau - Hoa Kỳ phải có đủ quân thì mới gây được động lượng và có kết quả. Lấy quân ở đâu?
Sau đó là hậu quả xây dựng dân chủ và tái thiết quốc gia, còn đắt đỏ hơn giải pháp quân sự ban đầu.
Mà để làm gì? Câu hỏi đó vẫn chưa có giải đáp. Vì lý do nhân quyền hay xăng dầu? Vì bảo vệ sự ổn định hay phát huy dân chủ tại Trung Đông? Hay là vì nếu Libya tanh bành thì sẽ thành hậu cứ của khủng bố nối dài qua Algérie, xuống tới Yemen VÀ trải rộng xuống 14 nước Phi châu thân chủ của Gaddafi? Trong chuỗi vấn đề rắc rối này, và có khác biệt giữa vị trí của Bắc Phi với vị trí của Trung Đông, quyền lợi Hoa Kỳ nằm ở đâu?
Không lạnh lùng xác định mục tiêu mà nhảy vào Libya thì sẽ thấy ngần ấy lực lượng đang có đầy võ khí sẽ nhân dịp chống Mỹ cứu nước để tranh thủ dư luận quần chúng của họ!
Ở nhà, loại mục tiêu di động và mù mờ đó sẽ gây tranh luận trong chính trường Mỹ, và ở ngoài, Hoa Kỳ lại bị chính các đồng minh kết án là hung hăng can thiệp vào xứ khác! Lại bài học của Bush....
Ngoại trưởng Clinton và Tổng trưởng Gates tỏ vẻ không muốn nhảy vào cõi cấm bay. Nhưng ở trên, Tổng thống Barack Obama lại muốn bay bổng vào chuyện khác, có khi lại bùi tai chơi dại! Chuyện rất đáng theo dõi...