Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.
Bài 3
John C. Bogle : Phụ thuộc vào nhiều thứ
Phạm Nguyên Trường dịch
Chủ nghĩa tư bản “bị trói chân trói tay” như thế đúng là có làm băng hoại các giá trị đạo đức của chúng ta vì lợi ích thì cá nhân hưởng, còn rủi ro thì xã hội chịu (dưới hình thức trợ giúp của nhà nước). Cả hai hiện tượng đó đều là sự phản bội những nguyên tắc của thị trường tự do.
Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta đang nói đến loại thị trường nào và chúng ta coi “đức hạnh” là gì. Hiện nay thị trường “tự do” như mọi người vẫn hiểu đúng ra lại có thể được mô tả một cách chính xác hơn là thị trường “bị trói chân trói tay”. Chế độ tài chính và hoạt động của các công ty khác hẳn với tiêu chuẩn của thị trường tự do cổ điển: cơ cấu lí tưởng, cạnh tranh lí tưởng và môi trường thông tin lí tưởng.
Trong lần xuất bản đầu tiên cuốn: Economics: An Introductory Analysis, cuốn sách giáo khoa mà tôi đọc trong năm học thứ hai ở Princeton vào năm 1948, Paul Samuelson, người được giải Nobel về kinh tế, đã tóm tắt vấn đề một cách chính xác như sau: “Cạnh tranh lí tưởng cũng có vấn đề mà George Bernard Shaw đã có lần nói về Thiên chúa giáo: ‘chỉ có một vấn đề là chưa bao giờ có ai thử làm như thế cả’”.
Một người được giải Nobel nữa là Joseph E. Stiglitz còn nặng lời hơn về những đỗ vỡ gần đây của thị trường tự do. Vốn là kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, Stiglitz nhận xét rằng những vụ bê bối của các công ty trong mấy năm gần đây “có dính líu đến hầu như tất cả các công ty kiểm toán, hầu hết các ngân hàng lớn, nhiều quĩ tương hỗ và một tỷ lệ khá lớn các công ty hàng đầu của chúng ta”. Ông kết luận: “Thị trường không tạo ra kết quả hữu hiệu, chưa nói đến các kết quả phù hợp với nguyên tắc công bằng”.
Tôi có thể khẳng định rằng người ta đang nói tới hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không phải là do tính chất cơ bản của thị trường hay là bản chất của con người mà là những thay đổi mang tính cơ cấu của các định chế tài chính và đầu tư diễn ra trong thời gian gần đây. Hơn nửa thế kỉ trước một chút chúng ta đã từng sống trong “xã hội của những sở hữu chủ”, trong đó phần lớn cổ phần của các công ty là do những nhà đầu tư tư nhân nắm. Trong xã hội như thế, “bàn tay vô hình” mà Adam Smith từng mô tả trong thế kỉ XVIII vẫn còn là tác nhân quan trọng. Các nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đó; trong khi theo đuổi lợi ích cá nhân, những người này không chỉ thúc đẩy lợi ích của xã hội mà còn thể hiện những phẩm chất tích cực như sự thận trọng, sáng kiến và tinh thần tự lực cánh sinh nữa.
Nhưng trong mấy thập niên gần đây chúng ta đã trở thành xã hội đại lí, trong đó những người quản lí không có nhiều cổ phần lại giữ quyền kiểm soát những doanh nghiệp khổng lồ của chúng ta. Có thể gọi đấy là chủ nghĩa tư bản của các ông bầu. Tương tự như thế, phần lớn những nhà đầu tư tư nhân hiện nay cũng có các đại lí, tức là những môi giới tài chính nắm đa số phiếu trong các công ty của Mĩ. Hồi đầu những năm 1950, các nhà đầu tư tư nhân nắm 92% cổ phần của tất cả các công ty Mĩ, các định chế chỉ nắm có 8% mà thôi. Trong khi đó, hiện nay các nhà đầu tư tư nhân chỉ nắm trực tiếp có 25%, còn các định chế, chủ yếu là quĩ hưu bổng và quĩ tương hỗ, nắm đến 75%.
Nhưng những người môi giới này lại không hành động như những người đại diện thực sự. Các công ty, những người quản lí quĩ hưu bổng và quản lí quĩ hỗ tương thường lại đặt quyền lợi tài chính của họ lên trên quyền lợi của thân chủ mà họ có trách nhiệm đại diện – đấy là một trăm triệu gia đình, sở hữu chủ của các quĩ hỗ tương và được thụ hưởng tiền hưu bổng. Chuyện đó có đáng ngạc nhiên hay không! Adam Smith từng nhận xét một cách rất sắc sảo như sau: “Những người quản lí tiền của người khác ít khi theo dõi nó một cách sốt sắng … như theo dõi đồng tiền của chính mình… Họ rất dễ dàng tự cho phép mình bỏ qua. Cẩu thả và hoang phí là những hiện tượng chắc chắn sẽ diễn ra thường xuyên”.
Hơn thế nữa, thị trường tự do đã bị mất uy tín vì những định chế làm công việc môi giới của chúng ta dường như không chỉ bỏ qua quyền lợi của các thân chủ mà còn quên cả các nguyên tắc đầu tư của chính họ nữa. Cuối thế kỉ XX chiến lược đầu tư của các định chế đã chuyển từ đầu tư dài hạn đầy khôn ngoan sang những vụ đầu cơ ngắn hạn ngu xuẩn.
Khi những người sở hữu cổ phiếu dài hạn trở thành những người ăn sổi ở thì trên thị trường chứng khoán và khi giá cổ phiếu quan trọng hơn là giá trị của chính công ty thì người ta sẽ không còn quân tâm đến quản trị doanh nghiệp nữa. Nhiệm vụ quan trong duy nhất của giám đốc công ty là bảo đảm rằng bộ máy quản lí tạo ra giá trị thặng dư cho cổ đông, nhưng đối với những nhà môi giới/đầu tư mới của chúng ta thì đây chỉ là mục tiêu phụ mà thôi.
Nhưng đức hạnh lại là giá trị tuyệt đối. Người ta có thể là người có đức hoặc không. Cho nên nếu trong xã hội chúng ta hiện nay đức hạnh đang bị băng hoại (tôi tin là thế) thì chỉ có nghĩa là số người thể hiện phẩm chất đạo đức kiên định ít hơn là số người không có những phẩm chất đó. Liệu việc chuyển từ thị trường tự do sang thị trường “bị trói chân trói tay” có góp phần thúc đẩy quá trình đó hay không? Chắc chắn là có. Tiêu chí đạo đức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngành tài chính của chúng ta đã bị méo mó. Cách đây mới vài chục năm vẫn còn tồn tại nguyên tắc là: “Có những việc mà trong bất kì hoàn cảnh nào người ta cũng không làm”. Xin gọi đấy chủ nghĩa tuyệt đối về đức hạnh. Còn hiện nay qui tắc chung là: “Nếu tất cả mọi người đều làm như thế thì tôi cũng có thề làm”. Chỉ có thể gọi quan điểm này là chủ nghĩa tương đối về đức hạnh.
Sự thay đổi như thế giúp giải thích một số rối loạn diễn ra trong thời gian gần đây trong thị trường tự do. Chúng ta đã chứng kiến những cố gắng nhằm quản lí giá cả những món hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta bán; chứng kiến sự gia tăng đến mức điên rồ tiền lương của các nhà quản trị doanh nghiệp (cách đây 30 năm lương trung bình của các giám đốc công ty chỉ cao hơn 40 lần lương công nhân, hiện nay cao hơn khoảng 500 lần); chứng kiến sự xuyên tạc số liệu tài chính trong báo cáo kiểm toán nhằm tạo ra ảo tưởng về sự gia tăng thu nhập một cách bền vững; chứng kiến những số tiền khổng lồ, gây bất bình cho dư luận, được trả cho những người vận động hành lang nhằm “điếu chỉnh” các bộ luật theo hướng có lợi cho những người giàu và có thế lực; chứng kiến những thương vụ đầy mạo hiểm và những sáng kiến rất tốn kém trong hệ thống ngân hàng của chúng ta.
Nhưng bây giờ cuộc khủng hoảng tài chính lại đổ lên đầu chúng ta, phần lớn gánh nặng không rơi vào một ít những người thiếu trách nhiệm, đã để xảy ra tình trạng như thế mà lại rơi vào nhiều người, những người đã trót đi ngược lại lời khuyên nhủ là phải tiết kiệm và thận trọng, những người đã bị lôi kéo vào quá trình gọi là đầu tư chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp được đánh giá quá cao và những người đi vay nợ, rất nhiều người trong số đó đã bị đuổi ra khỏi nhà. Chủ nghĩa tư bản “bị trói chân trói tay” như thế đúng là có làm băng hoại các giá trị đạo đức của chúng ta vì lợi ích thì cá nhân hưởng, còn rủi ro thì xã hội chịu (dưới hình thức trợ giúp của nhà nước). Cả hai hiện tượng đó đều là sự phản bội những nguyên tắc của thị trường tự do. Vì vậy xã hội phải đòi hỏi nâng cao các giá trị đạo đức trong một hệ thống thị trường tự do hơn.
John C. Bogle là người sáng lập và cựu giám đốc công ty Vanguard và chủ tịch trung tâm nghiên cứu thị trường Bogle (Bogle Financial Markets Research Center).