Thời loạn, người ta thường nhắc đến câu danh ngôn được gán cho Nathan Meyer Rothchild vào đầu thế kỷ 19, rằng "khi máu chảy đầy đường là lúc nên mua cổ phiếu!" Câu nói ấy hàm chứa một quy luật lạ: tai họa của sự hốt hoảng khiến những người bình tĩnh có thể kiếm lợi được! Nếu lại biết trục lợi nhờ sự hốt hoảng thì con buôn có thể làm chính khách. Chuyện ấy dẫn tới việc tảm mạn tuần này.
***
Trong lãnh vực truyền thông, thời loạn là giai đoạn lý tưởng!
Nếu cả ngàn chuyến bay hàng ngày đều cất cánh và hạ cánh an toàn, nhà báo rất dễ thất nghiệp! Nhưng họ sẽ rất bận rộn nếu thế giới bị tai ương dồn dập. Chỉ mong là khi đó, chính chúng ta không rơi vào phản ứng hốt hoảng và gián tiếp gây thêm tai họa cho người khác.
Vì sao như vậy?
Chẳng là, ngay giữa cuộc khủng hoảng của toàn cõi Bắc Phi và Trung Đông (MENA), chiều Thứ Sáu 11, vào lúc 14:46 giờ, Nhật Bản lại bị dồn dập hai tai họa liên hệ đến nhau: động đất và sóng thần từ ven bờ miền Đông.
Trận động đất với cường độ xác định lại là 9,0 - thậm chí 9,1 - trên địa chấn kế Richter thật ra mạnh gấp đôi những gì người ta được biết ban đầu, là 8,9: trên thang điểm algorithmic của hệ thống Richter, cứ nhích lên một số là mạnh gấp đôi! Y như trong vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ, thiên tai lại dập hai lần. Động đất ngoài biển, cách bờ khoảng 130 cây số lập tức đẩy sóng lên cao, từ 10 đến 20 thước, và đập ngay vào bờ miền Đông của Nhật đến độ sâu cả chục cây số trong đất liền...
Thuần về kinh tế - chủ đề của cột báo định kỳ này - người ta thấy rằng chiều hôm đó, thị trường chứng khoán Nhật sụt giá, chỉ số Nikkei mất 1,7%. Điều này, ai cũng có thể hiểu được. Khó hiểu hơn chính là sự kiện đồng Yen lại lên giá. Kinh tế Nhật Bản vừa bị tai họa ngay giữa một chu kỳ suy trầm, khi xứ này mắc nợ quá nặng, vì sao đồng nội tệ của họ lại lên giá?
Khi tường thuật, truyền thông phải giải thích, nếu có khả năng.
Rớt như cục gạch: Chỉ số Nikkei 225 ngày 15 Tháng Ba 2011
Đồ biểu của Bloomberg
Tháng Giêng năm 1995, Nhật Bản bị trận động đất gần hải cảng Kobe khiến hơn sáu ngàn người thiệt mạng. Nhu cầu tái thiết khiến giới đầu tư Nhật phải rút vốn từ các nơi về nhà. Họ đầu tư ra ngoài theo kiểu "carry trade" - nôm na là vay tiền nơi lãi suất thấp ở tại Nhật để đầu tư vào nơi có lãi suất cao hơn hầu kiếm lời nhờ sự sai biệt. Trận động đất khiến họ ào ạt hồi hương tư bản, và phải mua đồng Yen. Biến cố ấy khiến đồng Yen lên giá.
Lần này, họ cũng suy tính như vậy. Đấy là lý do khiến tiền Nhật lập tức lên giá ngay sau cơn địa chấn. Và nhiều người bị phỏng tay, lỗ nặng, trong khi người khác lại có lời do luật bù trừ, quy luật "hơn bù kém" - zero sum game: tổng số lời lỗ bằng nhau, có người ăn thì có người nhả!
Lý do bị lỗ - tiền Nhật sẽ sụt giá sau này - là vì trong hai ngày cuối tuần Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nhật quyết định bơm tiền vào kinh tế để ngay trước mắt tài trợ việc cấp cứu. Sau này sẽ còn bơm nữa để kích thích sản xuất và tái thiết các khu vực hay ngành nghề bị tàn phá.
Vì vậy, khi thấy có sự chuyển động trên thị trường, ta nên tự hỏi là vì sao. Và nếu tò mò hơn - vì cũng có quyền lợi kinh tế trong đó chẳng hạn - thì nên hỏi tiếp là chuyển động trong bao lâu, và sau đó thì sao? Vàng, đô la và các ngoại tệ khác có thể lên giá và tiền Nhật sẽ rớt như cục gạch sau này!
Một thí dụ thứ hai cũng thấy ngay sau thiên tai tại Nhật là dầu thô đang lên giá trên thế giới bỗng lại sụt và giá dầu dưới mức trăm đồng một thùng khiến nhiều người khấp khởi mừng thầm.
Nhật Bản là một trung tâm chế biến của thế giới và phải nhập dầu để chế ra điện, ra xăng cung cấp cho một nền kinh tế đứng hạng ba thế giới, và còn xuất cảng ra ngoài một năm khoảng 740 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ. Khi thiên tai ụp xuống, ngần ấy nhà máy chế biến đều bị ảnh hưởng. Không bị tàn phá thì cũng phải tạm ngưng sản xuất để kiểm tra lại mức độ an toàn, ít ra mất vài ngày. Sau đó, có khi sản xuất sẽ còn giảm trong mấy tuần...
Vì vậy, nhất thời, các nhà máy lọc dầu của Nhật đều tạm ngưng và nhu cầu dầu thô tạm giảm.
Giữa cảnh căng thẳng cung cầu về dầu khí trên toàn thế giới thì lại bị khủng hoảng Trung Đông, nhu cầu dầu thô sút giảm có làm hạ số cầu và nới giá dầu trong ngắn hạn, cực kỳ ngắn hạn. Điều ấy mới khiến giá dầu giảm nhẹ sau trận động đất - trước khi tăng và sẽ còn tăng mạnh sau này.
Trong khi ấy, nếu tinh ý một chút thì mình cũng thấy ra một hậu quả khác: sản lượng quặng sắt sẽ giảm vì các nhà máy Nhật đều tạm đình chỉ khiến Trung Quốc phát điên. Và kỹ nghệ thép tại Hoa lục sẽ càng đẩy lạm phát lên cao hơn trong thời gian tới....
Chúng ta tiến vào chuyện trường đoản kỳ - dài hạn và ngắn hạn - trong kinh tế. Hoặc trở lại bài kinh tế vỡ lòng trên cột báo này trong số ra ngày 30 tháng 11 năm ngoái, về chuyện "được" và "mất". (Bài "Chuyện Được Mất", Dainamax Magazine đã yết ngày 15 tháng Giêng).
Sở dĩ như vậy vì ngay giữa chu kỳ suy trầm, kinh tế Nhật lại bị tổn thất nặng do thiên tai nên sẽ phải tung tiền tái thiết. Một số người bèn kết luận là Nhật Bản sẽ nhân dịp này tái thiết các cơ sở bị tàn phá, nhà máy, cầu đường hay hải cảng, v.v... theo kỹ thuật hiện đại hơn. Và ngân khoản kích thích kinh tế có thể kéo Nhật ra khỏi nạn suy trầm.... Người ta lạc quan nhìn vào cái "được" có hy vọng thấy sau này mà quên cái "mất" ở ngay trước mắt. Có khi đã chìm trong gạch vụn, hoặc trôi ra biển.
Cái mất khó thấy là những quyết định tăng chi, đi vay hay tăng thuế, v.v..., để cứu trợ và tái thiết sẽ lại hút mất một số tài nguyên đáng lẽ được dùng cho viêc khác nếu không có động đất và sóng thần. Nếu đơn giản cho rằng nhờ thiên tai mà nước Nhật sau này sẽ lại phú cường hơn, và bắt kịp khoảng cách với Trung Quốc chẳng hạn, thì vì sao lại không thay thế con Tạo mà lâu lâu đập phá một lần, rồi xây lại cho giàu đẹp hơn?
Không phải ngẫu nhiên mà những người thiên về xu hướng lạc quan và nói đến phần tích cực của việc tái thiết sau thiên tai hay chinh chiến cũng lại ưa lý luận thiên tả và bao cấp. Chỉ vì sau thảm kịch, nhà nước là cơ chế sẽ quyết định nên nhà nước đó thường đề cao vai trò cứu nguy của mình và không ưa những ai nêu câu hỏi về "được/mất", hoặc nhắc đến phí tổn của việc cứu nguy.
Truyền thông mà có khả năng thì phải trình bày được cả hai khía cạnh được/mất và trong một bối cảnh dài. Khi ấy còn có thể cứu được nhiều người nhờ đẩy lui được tinh thần hốt hoảng.
***
Nói đến sự hốt hoảng sau thiên tai Nhật Bản - vì xảy ra gần thị xã Sơn Đài nên cũng gọi là "vụ Sơn Đài 2011", như vụ Kobe hay Thần Hộ 1995 - chúng ta nghĩ đến các lò nguyên tử.
Nhật Bản là quốc gia không may vì có địa dư bất lợi về nhiều mặt. Ở mạn Bắc lạnh lẽo, trên một diện tích chật hẹp ít đất canh tác và thiếu tài nguyên khoáng sản, Nhật còn nằm giữa khu vực có nhiều núi lửa lại hay bị động đất. Và là một quốc gia quần đảo nên động đất thường dẫn tới sóng dữ. Chữ "sóng thần" Tsunami chính là một chữ Nhật Bản!
Vì thiếu tài nguyên khoáng sản, Nhật phải nhập cảng dầu khí cho nhu cầu năng lượng. Phần còn lại thì cố bù đắp bằng thủy điện và nguyên tử. Hơn 60% năng lượng tiêu thụ tại Nhật là do dầu khí nhập cảng, loại khoáng sản tùy thuộc vào quốc tế. Các nhà máy nguyên tử - atomic, hay đúng hơn nuclear, mà ta có thể dịch là hạt nhân, hạch nhân, hạch tâm, v.v... - cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu.
Vì vậy, Nhật Bản là quốc gia duy nhất bị bom nguyên tử cũng lại là một xứ tiên tiến về năng lượng nguyên tử. Một nghịch lý bi đát. Bây giờ, khu vực năng lượng ấy vừa bị một đòn tấn công "kẹp díp", bị động đất ở dưới và sóng thần ở trên. Và sẽ còn suy sụp nặng vì hiệu ứng hốt hoảng.
Khu vực bị thiên tai là nơi có nhiều nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạch tâm. Trên một lãnh thổ nhiều núi, và núi lửa, lại hay bị động đất, các nhà máy hạch tâm đó tất nhiên được thiết kế cho giả thuyết bi quan nhất, là bị địa chấn. Tiêu chuẩn về an toàn là nhà máy phải chịu đựng nổi một cơn địa chấn cấp 8,2. Vụ thiên tai Sơn Đài là một trận động đất nặng gấp tám lần giả thuyết bi quan (9,0 trừ 8,2 = 0,8). Vậy mà các nhà máy vẫn còn đó.
Trình độ kỹ thuật và khả năng thiết kế của kỹ sư Nhật đáng được thế giới khâm phục. Chuyện đó không có! Người ta ồn ào tranh luận về giá trị của năng lượng hạch tâm và các tổ chức bảo vệ môi sinh không lỡ cơ hội khai thác. Huống hồ tin tức dồn dập về lò số một hay số ba - vân vân - của nhà máy số một của trung tâm Fukushima có thể bị tiêu chảy, meltdown, khiến cả thế giới rúng động.
Số là khu vực bị nạn có năm nhà máy hạch tâm (Fukushima I và II, Onagawa, Tokai và cả Higashidori ở khá xa trên vùng Đông Bắc). Bị nặng nhất là Fukushima I (hay Daiichi - Phúc Đảo Đệ Nhất), một trong những trung tâm lớn của thế giới, thì có sáu lò hạch tâm, trong số này có ba lò bị thiệt hại. Mỗi lò gồm có bộ phận cốt lõi là chất uranium lồng trong bốn lớp kén bao quanh, ngoài cùng là kiến trúc bằng xi măng cốt sắt chúng ta thấy trên ảnh. Mỗi lớp "vỏ kén" lại có một công dụng trong quy trình sản xuất ra điện và một số chức năng hay khả năng cấp cứu khi bị nạn. Và mỗi lớp kén mà bị bong, hay bung, thì ta lại có một loạt hay một loại vấn đề. Nguy kịch nhất là khi cốt lõi uranium bên trong bị tiêu chảy - là chuyện chưa xảy ra khi bài này được viết.
Nhưng nhìn từ bên ngoài, ngần ấy lần bị bong kén lại là một lần báo động, với kết luận sau cùng là lò nguyên tử Nhật Bản bị tiêu chảy thành nước. Với phóng xạ sẽ đe dọa cả triệu người, v.v....
Chúng ta có đầy đủ chất liệu cho một kịch bản tận thế!
Không là chuyên gia về vật lý nguyên tử, người viết xin đề nghị quý độc giả tham khảo website của Brave New Climate (http://bravenewclimate.com) thì có thể hiểu kích thước của tai nạn. Và mối nguy của sự hốt hoảng!
Trở lại đề tài kinh tế của chúng ta, năng lượng nguyên tử - hay hạch tâm, hạt nhân, v,v... - bỗng dưng phá giá. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thiết bị cho kỹ nghệ này bị chấn động, cổ phiếu rớt như cục gạch, điển hình là G.E, cổ phiếu mất giá 2,6% trong ngày Thứ Hai 14! Chỉ vì tổ hợp này thiết kế cả sáu lò cho Phúc Đảo Đệ nhất...
Một nạn nhân ở xa cũng mang họa chính là Tổng thống Barack Obama. Vì nhu cầu bảo vệ môi sinh và giảm trừ sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào dầu khí, ông chủ trương cải cách chiến lược năng lượng và đề xướng việc khai thác hạt nhân như một nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Với nỗi lo từ tai nạn cho trung tâm nguyên tử Three Mile Island năm 1979 đã nguôi ngoai trong tâm lý dân Mỹ, giải pháp nguyên tử năng có hy vọng hồi sinh.
Bây giờ, vì "hiệu ứng Fukushima", chánh sách đó của ông lập tức bị phe bảo vệ môi sinh bên cánh tả đánh cho tơi tả! Ngược lại, cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí lại tăng giá, cùng giá dầu thô.
Chì vì trong khi chờ đợi thành quả của phương pháp quang năng hay phong năng (dùng ánh sáng mặt trời hay gió), vàng đen vẫn là vàng. Và với giá dầu thô còn bốc lên trời, lạm phát lại gieo tai họa cho nhiều xứ khác, dù chẳng dính dáng gì tới thiên tai Sơn Đài hay Phúc Đảo của Nhật.
Tổng kết ở đây, khi một biến cố nào đó xảy ra, chúng ta cần tìm hiểu về nguyên nhân, rồi sau đó suy đoán hậu quả trong một chuỗi lý luận khá dài và phức tạp, ngày càng mở rộng trong không gian và kéo dài trong thời gian. Nếu được như vậy thì may lắm ta có thể tránh được sự hốt hoảng. Và tránh được mưu kế của hai thành phần chuyên trị về khai thác tâm lý hốt hoảng: con buôn và chính khách.
Đôi khi, hai thành phần này cũng là một, vì kinh tế cũng là chính trị!