Đoàn Thanh Liêm
Trong năm 2010, tình hình sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế khe khắt do chính sách cố hữu của nhà cầm quyền cộng sản là “ngăn chặn sự phát triển của các tôn giáo” và tìm mọi phương cách để “lũng đoạn, phân hóa hàng ngũ của các tổ chức tôn giáo”. Các bộ phận như “Ban Dân vận Trung ương” của đảng cộng sản, “Ban Tôn giáo của chánh phủ”, “ Công an Tôn giáo” và “Mặt trận Tổ quốc” vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau để thường xuyên kiềm chế, theo dõi mọi sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo. Trong nhiều trường hợp, cơ quan an ninh của nhà nước còn sử dụng cả đến bạo hành đối với các tu sĩ và tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào.
Nhìn bề ngoài, khi thấy các tín đồ tấp nập đến tham dự những buổi cầu nguyện, thánh lễ ở các chùa, các nhà thờ, người ta dễ có cảm tưởng là bây giờ đã có sự cởi mở tự do về tôn giáo rồi. Nhưng thực chất, thì đây chỉ là thứ tự do về thờ phượng (freedom of worship) mà thôi; chứ đó chưa phải đích thực là tự do tôn giáo. Thật vậy, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn còn áp dụng những biện pháp kiềm chế ngặt nghèo đối với các tu sĩ và tín đồ các tôn giáo, không hề có sự dễ dãi với bất kỳ một đạo nào. Nói chung, thì chánh quyền cộng sản Việt Nam vẫn còn theo đuổi đường lối thù nghịch đối với tôn giáo, y hệt như họ đã học được của đàn anh Liên Xô và Trung Quốc từ trên 50 năm về trước. Họ vẫn coi tôn giáo như là một “thế lực thù địch” cần phải loại trừ, hay cần phải được “vô hiệu hóa”, bằng mọi phương thức đại loại như sau đây :
1 – Phân hóa trong hàng ngũ nội bộ của mỗi tôn giáo.
Từ nhiều năm nay, đảng cộng sản đã thành lập trong mỗi tôn giáo một bộ phận được dân gian gọi là “Phật giáo quốc doanh, Công giáo quốc doanh”… nhằm khống chế hàng ngũ tu sĩ và tín đồ của tôn giáo. Nhất cử nhất động của giới lãnh đạo tôn giáo đều bị theo dõi rất chặt chẽ, và tại nhiều nơi, nhất là tại khu vực cao nguyên, miền núi, họ còn cấm đoán hay ngăn trở việc hành đạo và giảng đạo nữa. Và người cộng sản cũng luôn tìm cách gây ra sự phân hóa chia rẽ ngay trong giới quần chúng của mỗi một tôn giáo, khiến cho mọi ý thức phản kháng chống đối bị tê liệt ngay từ trong giai đoạn trứng nước.
2 – Kiểm soát nghiêm ngặt việc đào tạo và bổ nhiệm các tu sĩ.
Việc đào tạo tu sĩ trong các chủng viện, các viện Phật học đều bị kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ quan an ninh. Mà cả đến việc bố trí cho tu sĩ đi phụ trách hướng dẫn cộng đoàn tín đồ, thì cũng phải có sự chấp thuận của cơ quan đặc trách về tôn giáo của nhà nước hay của Mặt trận Tổ quốc là cơ sở ngoại vi của đảng cộng sản. Họ cũng tìm cách mua chuộc, lung lạc một số chức sắc tôn giáo bằng nhiều hình thức tinh vi thâm độc, kể cả dùng mồi nhử vật chất, tạo những dễ dãi cho các chức sắc được đi ra nước ngoài, hay dùng mỹ nhân kế để khống chế những tu sĩ bị sa vào cạm bẫy do họ bày đặt ra.
Ngoài ra họ còn đào tạo riêng những cán bộ công an đội lốt “tu sĩ” đặc biệt là tu sĩ Phật giáo, để cài vào các chùa, các tự viện ở trong nước, cũng như tại hải ngoại với mục đích lũng đoạn hàng ngũ tín đồ tôn giáo.
3 - Cản trở không cho tôn giáo hoạt động cả về y tế - giáo dục.
Cho đến nay, tu sĩ các tôn giáo vẫn chưa được phép mở trường học hay bệnh viện. Chỉ trừ một số nhỏ nữ tu được tổ chức một số nhà giữ trẻ hay hướng dẫn học sinh cấp tiểu học mà thôi. Các trường học, cơ sở y tế xã hội bị nhà nước tịch thu từ lâu, thì vẫn chưa được trả lại cho các tôn giáo. Vì thế mà tình trạng căng thẳng do chuyện tài sản này gây ra giữa nhà nước với các tôn giáo vẫn chưa có chiều hướng giảm bớt chút nào. Điển hình như vụ các nhà dòng của giới nữ tu công giáo bị chiếm đoạt bừa bãi tại nhiều địa phương vẫn chưa được trao trả lại, và sự khiếu nại đòi lại tài sản này, cũng như của hàng nhiều vạn dân oan khác từ khắp nơi đã kéo dài triền miên trong nhiều năm qua, mà không hề được chánh quyền các cấp lưu tâm tìm cách giải quyết đền bù thỏa đáng.
4 – Ngăn cản không cho tôn giáo phản ánh “tiếng nói lương tâm” của dân tộc.
Đây là một chủ trương rất thâm độc của chánh quyền nhằm vô hiệu hóa vai trò cốt lõi của tôn giáo là biểu hiện của sự thiện hảo trong nếp sống của con người trong xã hội. Giới lãnh đạo cộng sản luôn răn đe cảnh cáo các tu sĩ và tín đồ “không được tiếp tay với thế lực thù địch” để phá hoại chánh quyền cách mạng, mặc dầu tôn giáo đích thực thì chỉ nhằm ngăn chặn những bất công xã hội, những tham nhũng sa đọa, những dối trá lường gạt do cán bộ nhà nước thường xuyên gây ra khiến làm cho đời sống xã hội mỗi ngày một thêm u tối, xuống cấp thảm hại.
Người cộng sản chỉ muốn cho tôn giáo đóng vai trò “là thứ trang trí, quảng cáo cho chế độ độc tài toàn trị của mình”, chứ không được là “hiện thân của lương tâm trong sáng của dân tộc” trước tình trạng sa sút trầm trọng về đạo đức nhân nghĩa hiện nay của xã hội.
Chánh quyền Hà Nội luôn chủ trương không để cho một tổ chức văn hóa xã hội, cũng như bất kỳ tôn giáo nào có thể đóng vai trò làm “đối trọng tinh thần’ (moral counterbalance) đối với đảng cộng sản vốn nắm giữ độc quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế cũng như văn hóa xã hội.
Tình trạng đàn áp và kiềm chế tôn giáo ở Việt nam đã được nhiều tổ chức quốc tế về Nhân quyền, điển hình như Human Rights Watch (HRW) thường xuyên cảnh giác và tố cáo trong các năm gần đây. Và trước sự ngoan cố đàn áp tôn giáo trầm trọng như vậy, nên Ủy Ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF vào đầu năm 2011 đã phải lên tiếng kêu gọi chánh phủ Mỹ phải đem Việt Nam trở lại danh sách CPC tức là “các quốc gia cần phải được quan tâm”, như đã xảy ra vào năm 2004.
California, Tháng Ba 2011
Đoàn Thanh Liêm