Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.
Bài 4
Phạm Nguyên Trường dịch
Như vậy nghĩa là, nhiệm vụ vĩ đại nhất của xã hội thị trường là củng cố đạo đức và văn hóa, là trở về với cội nguồn tinh thần mà cha ông ta gọi là “Sự Thức Tỉnh Vĩ Đại”.
Khi nước Mĩ mới giành được độc lập, phần lớn các nước được tổ chức trên cơ sở quí tộc điền chủ hay là giới quân nhân đầy sức mạnh. Những người lập quốc của chúng ta đã bác bỏ cả hai mô hình này và khẳng định dứt khoát rằng xã hội mới - được xây dựng trên nền tảng thương mại tự do - sẽ tạo ra không chỉ những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn mà còn tạo ra những bảo đảm vững chắc hơn cho chế độ pháp quyền. Xã hội đó sẽ không dành toàn tâm toàn ý cho việc theo đuổi quyền lực mà là tạo ra sự giàu có về mặt vật chất. Như Alexander Hamilton viết trên tờ Federalist #12: “Hiện nay tất cả các chính khách đã được khai minh đều hiểu và công nhận rằng sự thịnh vượng trong lĩnh vực thương mại là hữu ích nhất, đồng thời là lực lượng sản xuất có năng xuất cao nhất của sự giàu có của xã hội và vì vậy mà trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu trong chính sách của họ”. Thương mại đưa con người thoát ra khỏi những nguồn gốc của sự chia rẽ và bất hòa. Lòng nhiệt tình của họ sẽ chuyển từ lĩnh vực chính trị sang hoạt động kinh tế, và tinh thần hợp tác cần thiết cho thị trường tự do sẽ dần dần nâng cao lòng trung thành của họ với nước cộng hòa.
Ngoài ra, xã hội thương mại sẽ tốt, tốt hơn rất nhiều đối với người nghèo và sẽ có tác động tốt đối với đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân. Nhờ nghiên cứu kĩ lưỡng lịch sử, những lập quốc Mĩ đã nhận thức được rằng xã hội dựa vào sức mạnh quân sự có xu hướng dễ nổi giận và khó dự đoán – sẵn sàng đánh nhau khi lòng tự hào bị tổn thương – trong khi những khoản chi phí to lớn và thường xuyên như thế lại đổ lên đầu lên cổ người nghèo. Cảnh nghèo đói hầu như không giảm suốt từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, David Hume, nhà triết học người Scotland khẳng định như thế. Những cuôc chiến vì danh dự, báo thù và tranh cãi giữa các vị hoàng đế, các ông vua và các vị nam tước, đã xóa sạch, hết lần này đến lần khác, những bước tiến nhỏ nhoi do người nghèo tạo ra.
Nói về các quí tộc điền chủ thì cuộc sống của họ chỉ là những ngày lễ hội, giải trí, tiêu khiển và những trò nhảm nhí khác. Mặc dù nhiều nam tước, bá tước có tinh thần hiệp sĩ và đã từng là những chiến binh dũng cảm, tự rèn luyện lấy những đội thân binh của mình, nhưng nói chung họ đều có cuộc sống vô tích sự. Họ sống xa hoa như thế là do thu nhập từ những điền trang rộng lớn và lao động của người nông dân. Họ nuôi quân đội là để sử dụng cho hết số lương thực dư thừa mà những con đường thô sơ và tình trạng vô luật pháp (bên ngoài các thành phố lớn) cản trở không thể biến thành sản phẩm thương mại được.
Xây dựng xã hội mới trên nền tảng của chế độ quí tộc hoặc quân phiệt sẽ gây nguy hiểm cho nền cộng hòa, các nhà lập quốc Mĩ kết luận như thế. Nước cộng hòa cần những con người tự chủ, tự lực tự cường, sáng kiến, sáng tạo và không sợ lao động, tự hào vì đã trở thành những người lao động hăng say, có sáng kiến và quyết tâm tìm ra những cách làm tốt hơn (thường là ít vất vả hơn). Tự chủ và sáng kiến đưa đến việc cải tiến một cách thường xuyên hàng hóa xã hội, sẽ trở thành thành quả của xã hội thị trường – ít nhất là đối với nước cộng hòa non trẻ như Hợp Chủng Quốc Hoa Kì.
Hơn thế nữa, các nhà lập quốc của chúng ta cho rằng xã hội được xây dựng trên cơ sở thương mại sẽ phải đòi hỏi trách nhiệm của từng người trước pháp luật. Xã hội không chấp hành pháp luật, tòa án không buộc được người ta thực hiện hợp đồng thì làm sao những người tham gia buôn bán có thể chấp nhận những rủi ro lớn trước khi họ nhận được toàn bộ tiền công được trả cho những cố gắng của mình? Tàu bè đi từ New England đến châu Á mua trà sẽ phải được trả tiền trước khi họ quay về và bán hết hàng hóa. Phải chiến đấu chống lại bọn cướp biển không chỉ bằng luật thành văn mà còn bằng hỏa lực trên biển (vì vậy mà Jefferson đã đưa quân đi đánh bọn cướp biển ở Barbary). Không cò gì ngạc nhiên khi khẩu hiệu của Amsterdam – lúc đó là một trong những trung tâm thương mại chủ yếu của thế giới và được các nhà lập quốc của chúng ta ngưỡng mộ - là Commercium et Pax: Thương mại củng cố hòa bình. Thương mại chính là sự trao đổi một cách hòa bình giữa những người láng giềng với nhau chứ không phải là cướp đoạt bằng vũ lực.
Cha ông chúng ta tin rằng thị trường sẽ dạy tất cả các thành viên của xã hội lòng nhiệt tình lao động, tính nhất quán và sáng tạo. Nó cũng sẽ dạy cho người Mĩ tinh thần dũng cảm, dám mạo hiểm (như các vị thuyền trưởng ở New England), khiêm nhường trong những kì vọng về lời lãi và tiết kiệm trong những khoản tái đầu tư nhằm thu lợi trong tương lai. Đấy là những hoạt động sẽ thay thế cho sự tiêu dùng hoang phí của giới quí tộc điền chủ. Xã hội trên cơ sở thị trường khuyến khích tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, đức hi sinh và hướng tới tương lai trong các công dân của nó. Đấy là những người công dân đặc biệt cần nếu ta muốn tạo ra một nước cộng hòa thượng tôn pháp luật và thịnh vượng.
Vì cội rễ của xã hội thị trường - thói quen sáng kiến và sáng tạo, tôn vinh tình yêu lao động, hướng tới tương lai - là đòi hỏi của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, các nhà lập quốc của chúng ta đã nhanh chóng nhận thức được vai trò của tôn giáo và đạo đức trong việc kiềm chế các bản năng thương mại, trong việc giữ chúng trong những giới hạn nhất định và hướng những bản năng này theo hướng xây dựng chứ không phải là phá hoại. “Nhiều việc người Mĩ không giám làm là do tôn giáo chứ không phải do luật pháp”, Tocqueville đã nhận xét như thế.
Mặt khác, sau một thời gian, thành công của xã hội thị trường cũng sản sinh ra một loạt ảnh hưởng tiêu cực làm băng hoại sức mạnh đạo đức của xã hội. Thế hệ trẻ coi sự thịnh vượng giành được do sự hi sinh của cha ông họ như là điều đương nhiên. Một số người không muốn tuân thủ các nguyên tắc của nước cộng hòa được xây dựng trên cơ sở thương mại, một số người khác lại coi thường sự tiết giảm của cha ông mình. Những thế hệ quen lao động cần cù và biết giữ kỉ luật có thể sinh ra những thế hệ thích phản kháng và nổi loạn, thích hưởng thụ chứ không muốn làm những công việc khó nhọc. Thế hệ tiết kiệm cho ngày mai được thay thế bằng thế hệ chỉ muốn sống được ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy là, chính thành công của nước cộng hòa thương mại lại làm suy yếu sức đề kháng trong lĩnh vực đạo đức của thế hệ trẻ. Nhà xã hội học Daniel Bell gọi vòng quay của bánh xe này là “những mâu thuẫn trong lĩnh vực văn hóa của chủ nghĩa tư bản”. Nói cách khác: tiêu chuẩn đạo đức cao sau một thời gian lại trở thành phi đạo đức.
Chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi những tác nhân làm cho đạo đức suy đồi ngày càng nhanh hơn. Nhưng suy đồi đạo đức chỉ là một trong những khả năng, đấy không phải là kết quả tất yếu. Sau khi được cảnh báo, chúng ta có thể thực hiện cố gắng nhằm vượt qua sức hấp dẫn của nó. Như vậy nghĩa là, nhiệm vụ vĩ đại nhất của xã hội thị trường là củng cố đạo đức và văn hóa, là trở về với cội nguồn tinh thần mà cha ông ta gọi là “Sự Thức Tỉnh Vĩ Đại”.
Theo ý kiến của Robert Fogel - giải thưởng Nobel về kinh tế học - thì Hợp Chủng Quốc Hoa Kì hiện đang từ từ chuyển sang “Sự Thức Tỉnh Vĩ Đại Thứ Tư”. Quá trình này được thể hiện thông qua việc quay trở lại với nền tảng, nhấn mạnh vào quan hệ gia đình, kêu gọi giới trẻ tự hình thành những thói quen sử dụng ý chí và trí tuệ, vốn là những bảo đảm tốt nhất cho một tính cách mạnh mẽ. Thế hệ trẻ là hi vọng tuyệt vời nhất cho sức sống trong tương lai của quyền tự do và hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thương mại của chúng ta.
Michael Novak là cộng tác viên khoa học của Viện kinh doanh Mĩ (American Enterprise Institute). Ông đã xuất bản hơn 25 cuốn sách, trong đó có The Spirit of Democratic Capitalism và gần đây nhất là cuốn No One Sees God.