Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Mời nghị sĩ Mỹ trực tiếp đến thôn Cồn Dầu

-Mời nghị sĩ Mỹ trực tiếp đến thôn Cồn Dầu

Chiều ngày 10.4, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã tiếp đoàn trợ lý nghị sĩ Mỹ do bà Cynthia Martin, Trưởng trợ lý của Hạ nghị sĩ John Conyers Jr. (thành viên cao cấp - lãnh đạo đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ), làm trưởng đoàn đến làm việc tại Đà Nẵng.

Trong các nội dung mà đoàn quan tâm có tình hình tái định cư của thôn Cồn Dầu, thuộc xã Hòa Xuân mà báo chí và dư luận nước ngoài đang quan tâm...
Ông Thanh cho rằng: khu vực thôn Cồn Dầu và những thôn lân cận như Cẩm Chánh, Trung Lương... là vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập lụt khi mùa mưa đến, vì vậy, chính quyền thành phố đã xây dựng dự án di dời 4 thôn tại vùng ngập lụt đến vùng đất mới cao ráo, khô thoáng hơn nhằm đem lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân cũng như giáo dân vùng này.
Dự án có tổng cộng 1.500 hộ di dời, trong đó thôn Cồn Dầu có gần 400 hộ. Đa phần người dân ủng hộ và chấp hành chủ trương này của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, có một số ít hộ dân cực đoan, kiên quyết chống lại chủ trương của thành phố và dùng nhiều cách lôi kéo, đe dọa những hộ dân khác, dù chính quyền thành phố đã nhiều lần đến tận thôn, vào từng nhà trao đổi, thuyết phục...
Bí thư Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Sự việc tại thôn Cồn Dầu không phải là vấn đề tôn giáo, đây là vấn đề dân sinh...”. Thông qua các vị trợ lý, ông Nguyễn Bá Thanh bày tỏ mong muốn mời các vị nghị sĩ Mỹ đến Đà Nẵng, trực tiếp đến thôn Cồn Dầu tìm hiểu, trực tiếp nghe các chức sắc tôn giáo tại đây trình bày để hiểu rõ hơn sự thật.


-Tiếp Tục Lên Tiếng Cho Cồn DầuMạch Sống, ngày 04/04/2012 - Trước sự đàn áp trở lại của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào xứ đạo Cồn Dầu, BPSOS đang phối hợp cùng với thân nhân của họ ở Hoa Kỳ để vận động sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.
Ngày 6 tháng 3, khi tập thể người Việt ở Hoa Kỳ đang tổng vận động tại Quốc Hội thì công an ở Việt Nam ra lệnh cưỡng chế một số căn hộ ở Cồn Dầu. Họ còn áp lực cha sở ký giấy thoả thuận việc phá bỏ Thánh Giá và bàn thờ của nhà nguyện lộ thiên trong nghĩa địa Cồn Dầu. Không thấy ai tuân lệnh cưỡng chế, công an đến từng gia đình để ép dân phải ký giấy giải toả và di dời. Công an hăm doạ sẽ thi hành lệnh cưỡng chế sau 15 ngày nếu chủ hộ bất tuân lệnh.

Hoà Thượng Thích Huyền Việt từ Houston đến thăm các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan, ngày 19/3/2012. (ảnh BPSOS)



Trước tình hình ấy, BPSOS đã gia tăng cuộc vận động nhằm đẩy lùi áp lực của công an.
Ngày 11 tháng 3 Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, nêu vấn đề đàn áp Cồn Dầu với Ông David Shear, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, tại buổi tiếp xúc của ông ta với cộng đồng người Việt ở Bắc Virginia. Ts. Thắng cũng trao tận tay Đại Sứ Shear lá thư của Ông Trần Thanh Tùng, trưởng nhóm Cồn Dầu ở Hoa Kỳ.
Ngày 23 tháng 3, Ts. Thắng tiếp xúc Ông Daniel Baer, Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, tại Bộ Ngoại Giao để nêu lên vấn đề Cồn Dầu. Ts. Thắng nhấn mạnh rằng một số đất đai ở Cồn Dầu thuộc chủ quyền của công dân Hoa Kỳ và yêu cầu Bộ Ngoại Giao quan tâm đến việc chính quyền Việt Nam đang rắp tâm cưỡng chế tài sản của công dân Hoa Kỳ. Ông Baer vừa ở Việt Nam trở về. Ông đã lên đường đi Việt Nam tuần lễ sau buổi tiếp xúc giữa một phái đoàn người Việt và Toà Bạch Ốc vào ngày 5 tháng 3.
Đồng thời, BPSOS đã hướng dẫn các thân nhân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ đồng loạt kêu gọi các vị dân biểu và thượng nghị sĩ của họ lên tiếng với Bộ Ngoại Giao. Dân Biểu David Price (Dân Chủ, NC) đã nhanh chóng liên lạc để yêu cầu Ông Baer tường trình về chuyến đi Việt Nam, đặc biệt về tình hình tại Cồn Dầu. Theo nguồn tin riêng, BPSOS được biết rằng Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã chỉ định một nhân viên để theo dõi các diễn tiến ở Cồn Dầu và báo cáo về cho Bộ Ngoại Giao.
Trong khi đó ở Việt Nam, LM Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đã làm một cuộc thăm viếng xứ đạo Cồn Dầu chớp nhoáng và bất ngờ. Bài viết của LM Nam Phong cho thấy nhiều điều khuất tất và vi luật trong chính sách cưỡng chế đất đai của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào xứ đạo Cồn Dầu. Đồng thời, Giám Mục Kontum Trần Thanh Chung, nay đã về hưu, viết thư kêu gọi Giám Mục Châu Ngọc Tri bảo vệ giáo dân trước hành vi "bất chính, bất nhân, hoàn toàn đi ngược với tinh thần vì dân, do dân và với dân" của chính quyền Đà Nẵng. Giám Mục Chung là người gốc Cồn Dầu.
Hiện nay, BPSOS đang sắp xếp một cuộc tiếp xúc giữa đại diện của giáo dân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ với các giới chức Hành Pháp và Lập Pháp vào cuối tháng này. Một số người trong số họ đã tham dự buổi tiếp xúc ở Toà Bạch Ốc ngày 5 tháng 3 và ở Quốc Hội ngày 6 tháng 3 vừa qua.
"Đây là một trường hợp điển hình về cách thức vận động nhịp nhàng, có hiệu quả", Ts. Thắng giải thích.
Ngay từ năm 2010, BPSOS đã hướng dẫn nhóm thân nhân Cồn Dầu vận động Quốc Hội qua thỉnh nguyện thư, các buổi tiếp xúc với Dân Biểu, và cuộc điều trần tại Quốc Hội. Ts. Thắng cũng đã gặp Phụ Tá Ngoại Trưởng Mike Posner hai lần để nêu vấn đề Cồn Dầu trong bối cảnh vi phạm nhân quyền nói chung ở Việt Nam.
Qua cuộc tiếp xúc tại Toà Bạch Ốc và cuộc vận động rầm rộ ở Quốc Hội, các thân nhân của người dân Cồn Dầu đã biết nương sức mạnh tổng hợp của 150 ngàn chữ ký thỉnh nguyện thư để kêu gọi thêm nhiều vị dân biểu lên tiếng và vận động thêm các giới chức Bộ Ngoại Giao.
Ngay sau các cuộc tiếp xúc ngày 6 tháng 3, họ đã nhanh chóng liên lạc với các vị dân biểu và thượng nghị sĩ để nhắc nhở và đôn đốc việc lên tiếng với Bộ Ngoại Giao.
"Dù số thân nhân Cồn Dầu tổng cộng chỉ vài chục người ở rải rác khắp Hoa Kỳ, họ đã vận động khá hiệu quả trong thời gian hai năm qua", Ts. Thắng nhận định.
Theo Ông, chinh công cuộc vận động dài hơi này đã góp phần đẩy lùi áp lực từ chính quyền Đà Nẵng vốn đè nặng lên thân nhân của họ ở Việt Nam. Ông hy vọng là cuộc vận động sẽ được tiếp sức đáng kể khi những người Cồn Dầu đang tị nạn ở Thái Lan bắt đầu lên đường đến Hoa Kỳ trong thời gian tới đây.
Qua sự can thiệp của Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS ở Thái Lan, 49 người Cồn Dầu đã được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thừa nhận quy chế tị nạn. Phần lớn đã được phỏng vấn định cư bởi chính phủ Hoa Kỳ.
Giữa tháng 3 vừa qua, luật sư của BPSOS ở Thái Lan đã hướng dẫn Hoà Thượng Thích Huyền Việt từ Houston đến thăm các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn để uỷ lạo và trấn an họ.

-Người Houston giúp người Cồn Dầu tị nạn RFA -2011-06-20
Người Việt khắp nơi trên thế giới đang hướng về biển Đông và Hà Nội-Sài Gòn để theo dõi hành vi của Trung quốc cùng phàn ứng của người dân Việt. Và người Việt hải ngoại cũng không quên những giáo dân Cồn Dầu lánh nạn tại Thái Lan.

Ảnh website nuvuomgcongly
Công an chống bạo động chặn đứng đám tang cụ Hồ Nhu ở Cồn Dầu - Ảnh nuvuongcongly.

Cuộc sống khó khăn

Vào cuối tuần qua, trên một ngàn người tham dự  buổi tiệc gây quĩ do Cộng đoàn Công Giáo Galveston-Houston tổ chức. Đây là buổi tiệc gây quĩ lần thứ tư của người Việt tại Texas để giúp nạn nhân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan.

Ông Trịnh Tiến Tinh, trưởng ban tổ chức chia sẻ lý do có buổi gây quĩ:"Những người Cồn Dầu đang bị bức bách, đang là những người tị nạn chạy trốn sự đàn áp của chính quyền Việt Nam, và họ đang rất cần sự giúp đỡ"

Hiện diện trong buổi gây quĩ, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc BPSOS cho biết hiện đang có 55 người Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan. Lý do những người này phải rời nơi chôn nhau cắt rốn để trốn đi Thái là vì họ bị truy lùng gắt gao sau cuộc đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng 5 năm 2010 của nhà nước Việt Nam trong ngày tang lễ của cụ bà Hồ Nhu - Đặng thị Tân. Một số người đã bị bắt giam và một người đã bị công an đánh chết.  Ông Thắng nói:

"Trước khi nhắm mắt lìa đời thì cụ bà chỉ muốn được chôn cạnh người chồng quá cố thành ra thân nhân nhất định thực hiện lời ước nguyện của Bà nhưng rồi công an nhất định không cho vào. Họ phong tỏa cái nghĩa trang với mục đích là giải thể toàn bộ, xóa trắng xứ đạo Cồn Dầu với lịch sử 135 năm." 
cảnh sát của Thái Lan có thể bắt bất cứ lúc nào và vẫn có quyền giam họ lại, vẫn có quyền trục xuất
TS Nguyễn Đình Thắng-BPSOS
Công an dàn quân chặn đám tang cụ Hồ Nhu- Ảnh nuvuongcongly.com
Công an dàn quân chặn đám tang cụ Hồ Nhu- Ảnh nuvuongcongly.com

Trong số 55 người này thì 49 người đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Bangkok thừa nhận tư cách tị nạn. Dù vậy cuộc sống của họ tại Thái Lan vẫn rất khó khăn trong khi đang chờ được đi định cư tại một quốc gia thứ ba, như lời tiến sĩ Nguyễn đình Thắng:

"Tất cả những người đó, dù có qui chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc hay không thì họ vẫn là cư ngụ bất hợp pháp trên đất nước Thái Lan và cảnh sát của Thái Lan có thể bắt bất cứ lúc nào và vẫn có quyền giam họ lại, vẫn có quyền trục xuất. Họ phải sống trốn tránh, ẩn náu, không dám ra ngoài. Đi chợ thì phải canh lúc tờ mờ sáng sớm, hoặc là thật khuya, khi không có nhiều người theo dõi nhưng tội nhất là trẻ em vì trẻ em bên đó hoàn toàn thất học, đâu có dám đi ra ngoài..."

Tin tức về những nạn nhân Cồn Dầu tại Thái Lan đã được các cơ quan truyền thông đại chúng tại Texas loan truyền rộng rãi nên trong tháng trước một phái đoàn gồm 7 người từ Texas đã đi Thái Lan để tìm hiểu. Linh Mục Joseph Vũ Thành, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Tổng Giáo phận Galveston – Houston chia sẻ:

"Gần đây tình trạng của một số anh chị em tị nạn tại Thái Lan trở nên bi đát nên những cơ quan truyền thông đã loan báo cho người dân Houston biết. Sau đó có một phái đoàn đi qua tận Thái Lan và qua những phúc trình của họ thì chúng tôi thấy đó là một tình trạng khẩn trương. Thế nên Hội đồng Công giáo Việt Nam tại Houston họp nhau lại và thấy cần gây quĩ cho họ.  Trước hết đó là dấu chỉ mình chia sẻ với những lo âu để cho họ biết có người đang nghĩ đến họ chứ họ không bị bỏ rơi . Sau đó nữa thì lo cho họ chén cơm manh áo hàng ngày bởi vì họ đang trong tình trạng bất hợp pháp không thể đi ra ngoài, không thể đi lại dễ dàng được..." 

Một người trong phái đoàn đi Thái Lan về là Linh mục Bác sĩ Phạm hữu Tâm cho biết tình cảnh của nạn nhân Cồn Dầu hiện đang tị nạn tại Thái Lan làm ông vô cùng xúc động:
họ cũng sợ công an Cộng sản Việt Nam qua bắt dẫn độ về Việt Nam.
LM Phạm Hữu Tâm
"Điều xúc động thứ nhất là khi thấy những người này rất khao khát được niềm tin tôn giáo. Khi ở Việt Nam họ ở trong xứ đạo thuận thành, mỗi ngày được tham gia lễ nghi tôn giáo, mà khi qua Thái Lan thì trong suốt thời gian hơn một năm họ phải sống trốn tránh không được tham gia những nghi thức tôn giáo.

Điều thứ hai là họ cũng rất tội nghiệp; họ sống trong sự sợ hãi, trốn tránh. Họ sợ cảnh sát Thái Lan bắt họ vì họ là những người nhập cảnh bất hợp pháp. Nếu bị bắt thì họ bị tù và sau đó bị trục xuất về Việt Nam. Đồng thời họ cũng sợ công an Cộng sản Việt Nam qua bắt dẫn độ về Việt Nam. Đối với họ niềm ao nước để có thể được đi tị nạn ở một quốc gia khác, được thực thi quyền công dân, được sống trong cảnh tự do rất quan trọng"

Giới trẻ mở rộng tấm lòng 

Có rất nhiều người trẻ tham dự buổi gây quĩ để giúp nạn nhân Cồn Dầu nói riêng và những người Việt phải rời bỏ quê hương đi tị nạn tại Thái Lan, Cô Mary nói rằng cô và những người khác đến buổi gây quĩ để hỗ trợ những người Việt đang lánh nạn tại Thái Lan.

Dù chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt trên 36 năm, dù các trại tị nạn đã đóng cửa từ lâu, nhưng hiện vẫn có rất nhiều người Việt đang lánh nạn tại Thái Lan và những quốc gia khác và đang chờ để được đi định cư tại các nước tự do. Chúng tôi xin mượn lời của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng để chấm dứt bài phóng sự này:
Người tị nạn chính trị Nguyễn Ngọc Quang trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Bangkok- Photo thongtinberlin.de
Người tị nạn chính trị Nguyễn Ngọc Quang trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Bangkok- Photo thongtinberlin.de


"Hiện nay ngoài số giáo dân Cồn Dầu là 55 người là con số chính thức nhưng thực sự ra là nhiều hơn như vậỵ, không những ở Thái Lan mà còn ở nhiều quốc gia khác thì còn có khoảng 500 người. Mới chạy sang cũng rất nhiều do cuộc đàn áp trước khi có đại hội Đảng vừa rồi và sau khi xảy ra những biến động ở Trung Đông và Bắc Phi, là cách mạng Hoa Lài đó, thành ra sự đàn áp trong nước càng ngày càng gia tăng. Do đó những thành phần mà tranh đấu cho Tự do Tôn giáo, những thành phần dân oan, những thành phần trong Khối 8406, nhiều nhóm tranh đấu cho Dân chủ, Nhân quyền khác, thậm chí có những tổ chức chỉ thuần túy tương trợ cho nhau thôi, thí dụ như là nhóm cựu tù chính trị, cựu tù nhân tôn giáo hoặc là cựu thuyền nhân bị trả về nước hồi hương... họ đến với nhau để tương trợ thôi, cũng đã bị đàn áp rất nặng nề bởi vì bây giờ bất kỳ ai thì chính quyền Cộng sản cũng nghi ngờ. Thành ra gần đây rất nhiều người phải chạy sang Thái Lan để lánh nạn"

 

-- 49 giáo dân Cồn Dầu được quy chế tị nạn Nguoi-Viet Online

BPSOS: 'Họ đang sống trong nguy hiểm'

BANGKOK (NV) - Bốn mươi chín trong tổng số 55 Giáo dân Cồn Dầu hiện đang lánh nạn tại Thái Lan vừa được cơ quan Liên Hiệp Quốc thừa nhận tư cách tị nạn vào ngày 26 tháng 4, 2011.




TS. Nguyễn Ðình Thắng và các giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan. (Hình: BPSOS)

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), xác nhận tin này với nhật báo Người Việt.
BPSOS có trụ sở tại Washington D.C. là tổ chức giúp đỡ trực tiếp các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan.
TS Nguyễn Ðình Thắng cho báo Người Việt biết: “Sáng 26 tháng 4 chỉ có 31 nạn nhân có mặt tại văn phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để nhận quyết định. Trong khi đó 18 người đang trên đường đến Bangkok từ một vùng xa xôi.”
“Cuối năm ngoái chúng tôi đã di chuyển số người này ra khỏi thủ đô Bangkok vì lý do an toàn,” TS. Nguyễn Ðình Thắng, giải thích.
“Họ phải mất nửa ngày đường để di chuyển đến Bangkok và sẽ vào trình diện Cao Ủy Tị Nạn LHQ sau để nhận kết quả. Sáu người chưa nhận được kết quả vì họ đến sau và chưa hoàn tất thủ tục phỏng vấn.”
Dù được cấp quy chế tị nạn nhưng theo lời TS. Nguyễn Ðình Thắng, các giáo dân này vẫn đang sống trong nguy hiểm vì có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt bất cứ lúc nào.
“Tình trạng an nguy của họ không thay đổi mặc dù nay đã được hưởng quy chế tị nạn,” TS Thắng nói.
Chính phủ Thái Lan không thừa nhận người tị nạn và đã từng trục xuất người tị nạn bất chấp sự phản đối của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Theo TS Thắng, các giáo dân Cồn Dầu cần tiếp tục đề cao cảnh giác. Ông cũng mong rằng người ở trong nước hiểu được rằng việc xin hưởng quy chế tị nạn ở Thái Lan hiện nay rất khó khăn và có thể trở thành khó khăn hơn nữa vì chính phủ Thái Lan muốn ngăn chặn làn sóng tị nạn.
Ðối với số người dân Cồn Dầu đã được xét là tị nạn thì bước kế tiếp là chờ Cao Ủy Tị Nạn LHQ giới thiệu đến một quốc gia định cư. Thủ tục này có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng.
Trong thời gian này, số giáo dân Cồn Dầu vẫn tiếp tục cần được giúp đỡ sinh sống trong khi chờ đợi xin định cư ở một quốc gia khác.
“Chúng tôi cũng cần gởi người sang Thái Lan để can thiệp cho số trường hợp còn lại và vận động việc định cư cho những người đã được xét là tị nạn,” TS Thắng nói.
Các giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu đã chạy sang Thái Lan lánh nạn sau vụ nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng trấn áp, và bắt bớ những giáo dân tham gia đám tang cụ bà Hồ Nhu đến khu nghĩa trang của giáo xứ hồi đầu tháng 5, 2010 và sau cái chết của anh Nguyễn Thành Năm.
Trong vụ này, 6 giáo dân bị bắt giam và đưa ra tòa án xét xử.
Vẫn theo lời TS Nguyễn Ðình Thắng, các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn tại Thái Lan đang rất cần sự giúp đỡ để tồn tại trên đất Thái Lan cho đến khi được đi tị nạn. Mọi đóng góp cho quỹ Cứu Cồn Dầu xin gửi về: BPSOS/Cồn Dầu, PO Box 8065, Falls Church, VA 22042 USA.


49 giáo dân Cồn Dầu được cấp qui chế tị nạn RFA

Tổng số lượt xem trang