-Chu Ân Lai nói chuyện với Hồ Chí Minh
Cold War International History Project” – CWIHP
Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh. Ảnh On the Net 01-03-1965
Mô tả: Chu Ân Lai thảo luận về lãnh đạo đảng mới của Liên Xô, một tuyên bố chung hỗ trợ Việt Nam từ các nước Xã hội Chủ nghĩa và quan sát chặt chẽ các hoạt động quân sự của Liên Xô.
Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh (1)
Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 1965
Chu Ân Lai: Khi Khrushchev bước xuống (thực ra Khrushchev bị các đồng chí của mình hạ bệ: ND) và lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Liên Xô lên nắm quyền [giữa tháng 10 năm 1964], chúng tôi nghĩ rằng chính sách của họ sẽ thay đổi phần nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị tất cả chúng ta nên đến Moscow để ăn mừng, cùng lúc quan sát tình hình ở đó. Nhưng kết quả đã làm cho chúng tôi vô cùng thất vọng.
Về phần các lãnh đạo mới của Liên Xô, chúng tôi tin rằng chỉ quan sát một lần sẽ không đủ, chúng ta nên quan sát thêm nhiều lần nữa. Bây giờ thì đã rõ. Lãnh đạo mới của Đảng CS Liên Xô không thực thi điều gì khác, ngoại trừ chủ nghĩa Khrushchev. Họ hoàn toàn không thể thay đổi.
…
Kosygin cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa nên có một tuyên bố chung để hỗ trợ Vietnam (2). Tôi bảo ông ấy rằng, mỗi nước có lập trường và quan điểm riêng của mình, cho nên sẽ tốt nếu mỗi nước có tuyên bố riêng. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam, họ (những người Liên Xô) có thể có một tuyên bố chung [với Việt Nam].
….
Vì vậy, trong quá trình cách mạng, và trong cuộc đấu tranh của chúng ta chống lại Hoa Kỳ, những vấn đề bí mật hàng đầu không nên tiết lộ cho họ. Dĩ nhiên, chúng ta có thể đề cập đến các nguyên tắc, mà chúng tôi cũng muốn công bố công khai. Chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự của [Liên Xô], bao gồm việc gửi hàng tiểu đoàn sử dụng tên lửa và 2 máy bay MiG-21, cũng như đề nghị thiết lập một cầu không vận, sử dụng 45 máy bay để vận chuyển vũ khí.
Chúng ta cũng phải cảnh giác với các giảng viên quân sự. Các chuyên gia Liên Xô đã rút, vậy thì mục đích của họ là gì [khi họ] muốn quay trở lại? Chúng tôi có kinh nghiệm trong quá khứ khi có những hoạt động lật đổ ở Trung Quốc, Triều tiên, và Cuba. Do đó, chúng tôi để mắt tới các hoạt động của họ, cụ thể là việc vận chuyển vũ khí và huấn luyện quân sự của họ. Nếu không, quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể chuyển từ tốt sang xấu, ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai nước.
——————————————–
Ghi chú:
1. Phía Trung Quốc có những người tham dự buổi họp: Chu Ân Lai, Bành Chân (Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng và Thị trưởng Bắc Kinh), Yang Chengwu (Phó Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc, quyền Tổng Tham mưu cho đến khi bị thanh trừng hồi tháng 3 năm 1968), Wu Lengxi (Giám đốc Tân Hoa Xã và Tổng biên tập của báo Renmin ribao – Nhân dân Nhật báo); phía Việt Nam gồm có: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Phạm Hùng.
2. Từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1965, Thủ tướng Liên Xô Aleksei Kosygin viếng thăm Bắc Kinh và Hà Nội và tổ chức hàng loạt cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam, gồm năm cuộc họp với Chu Ân Lai và một cuộc họp với Mao Trạch Đông.
Nguồn: www.wilsoncenter.org
© Ngọc Thu (Bản tiếng Việt)