GiadinhNet - Đoạn phim dài 4 phút với tên gọi "Lần đầu tiên làm "chuyện ấy" gây cảm xúc trái ngược trong người xem.
Đoạn phim ngắn của nhóm Hà Nội nhỏ, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, bắt đầu bằng cảnh cô gái nude trong phòng tắm. Góc quay bắt vào những khuôn hình gợi cảm, đưa người xem hướng đến hình ảnh một cô gái diện đồ đi “hẹn hò” với một chàng trai. Những hình ảnh trong clip được đẩy lên “cao trào” và đánh lừa người xem khi được nhóm tác giả tập trung góc quay vào chiếc giường, tiếng kêu, khuôn mặt cô gái…
Sự thật chỉ được hé lộ ở cuối phim khi cô gái vui vẻ bước ra từ phòng hiến máu với băng gạc tên tay cùng hình ảnh dấu “Chữ thập đỏ” và khẩu hiệu “Hãy hiến máu”, “Hiến máu là cứu người”.
Được tải lên mạng hồi tháng 9/2010 trên Youtube với hơn 220.000 lượt xem, đoạn clip đã và đang tiếp tục gây xôn xao người xem với nhiều bình luận trái chiều.
Về mặt ý tưởng truyền tải, nhiều người sau khi xem xong cho rằng đây là một clip phản cảm, gây tò mò, sử dụng “sex” như một yếu tố gây sốc.
Là một người đã từng trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo, Hoài Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra bức xúc: “Đây là một clip kiểu câu khách, giật gân chứ tuyên truyền gì. Tôi đã từng tham gia hiến máu nhân đạo và tôi hiểu chả có ai đi hiến máu mà lại ăn mặc sexy như vậy. Đã đành là phải hư cấu nhưng cách làm như trên chỉ khiến người ta thêm tò mò. Tôi thấy phản cảm lắm!”.
Nhóm bạn trẻ trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn đã tham gia hiến máu nhân đạo nói: Nếu đã từng tham gia hiến máu nhân đạo, chúng tôi nghĩ nhóm làm phim sẽ có nhiều những câu chuyện cảm động để truyền thông hơn là cách làm kiểu “giật gân” mà lại không hiệu quả này.
Nhóm sinh viên tình nguyện chúng tôi năm nào cũng đi hiến máu, có nhiều bác sĩ trẻ có số lần hiến máu còn nhiều hơn tuổi đời chúng tôi, có bạn nhát gan nhìn thấy máu đã ngất xỉu nhưng vẫn rất dũng cảm đăng ký xin được hiến máu… và còn rất nhiều câu chuyện khác mà các bạn có thể khai thác, hơn là cách làm kiểu gây sốc này.
Đánh giá thuần túy về mặt chuyên môn, ông Đào Nguyễn (bút danh) - Nguyên Giám đốc kênh Thời sự-Chính trị tổng hợp VOV1, hiện làm cố vấn cho Đài truyền hình Kĩ thuật số VTC, người am hiểu về điện ảnh chia sẻ: “Khán giả bình thường phải xem lần ít nhất 2 lần mới hiểu. Về mặt góc quay, cảnh quay của các bạn rất khá. Tuy nhiên đây là cách làm không gần báo chí truyền thông. Bình thường khi xem bạn sẽ nghĩ sang cái khác ngay. Đoạn phim này hơi mang tính sex, về tính mục đích tuyên truyền còn non, chưa đọng lại nội dung cần truyền tải”.
Còn nhớ cách đây không lâu, những hình ảnh nude của người mẫu Ngọc Quyên với mục đích ban đầu là kêu gọi bảo vệ môi trường, đã bị người xem phản đối dữ dội. Bản thân người mẫu Ngọc Quyên, từ một mục đích đẹp, đã trở thành nạn nhân của những vụ đàm tiếu và bị “đập” tơi bời chỉ bởi cách làm không “đến đích”, sự thiếu hiểu biết và hạn chế năng lực của những người thực hiện.
Thiết nghĩ để truyền tải một thông điệp dù dưới bất cứ hình thức nào thì thông điệp đó phải chạm vào trái tim người xem. Với một thông điệp cao cả “hiến máu cứu người” cần có cách tuyên truyền để người xem ít nhất không hiểu lệch lạc về chủ đề, cao hơn có thể làm họ “bật dậy” để biến thành hành động. Để làm được điều đó, mục đích của thông điệp phải được bắt nguồn từ chính trái tim và hiểu biết của những người thực hiện.
Phương Nghi