Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Đô thị hoá và bần cùng hoá nông thôn – Bài 1: Bi kịch làng đô thị

- Đô thị hoá và bần cùng hoá nông thôn – Bài 1: Bi kịch làng đô thị (SGTT).
LTS: Theo lẽ thường, đô thị hoá phải là quá trình chuyển những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực của đô thị tới những vùng nông thôn, để “tam nông” được bảo tồn ở mức độ cao nhờ có “văn minh đô thị” chuyển về. Người dân được sống tốt trong những thị trấn làng. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, đô thị hoá đang làm chuyện ngược lại: chuyển cái rụp từ người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông nghiệp sang thành phố với tốc độ chóng mặt “mỗi tháng một đô thị mới xuất hiện”. Bao nhiêu bi kịch đang ập đến với người dân khi cơn lốc đô thị đi qua.

Bài 1: Bi kịch làng đô thị
SGTT.VN - Lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối năm 2010, huyện Nhơn Trạch có khoảng 74 dự án nhà ở, khu dân cư đang triển khai xây dựng. Trong đó, khoảng 20 dự án treo, chậm triển khai. Chính quyền huyện biết nhưng không thể thu hồi vì không có thẩm quyền. Nghịch lý là đất vẫn chình ình ra đó, trong khi người dân lại không thể canh tác.
Bấp bênh ở vùng đất hứa
Tính đến cuối năm 2010, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có khoảng 74 dự án nhà ở, khu dân cư, trong đó, khoảng 20 dự án treo, đất đai bỏ hoang trong khi người dân thì lo đói khổ. Ảnh: Thanh Nhã
Một ngày mới bắt đầu với ông Đ. ở khu tái định cư Hiệp Phước là dậy sớm, bày biện lỉnh kỉnh những dụng cụ như máy bơm, mỏ lết, kìm, thau nước… Người nông dân này đang đợi những người khách đầu tiên đến vá xe. Nhiều năm nay, cả gia đình ông ở chung trong một căn hộ tái định cư rộng 125m2, đất canh tác đã không còn.
Ông Đ. kể, trước đây, ông có đất rẫy để trồng rau và nuôi heo. Công việc mang tính thuần nông này, tuy không khá giả nhưng cái ăn thì không phải lo với một gia đình năm người. Ngoài ra, mảnh đất rẫy ấy còn là nơi sinh nhai, cho các con xây nhà khi chúng đến tuổi yên bề gia thất. Từ ngày phải giao đất cho dự án, công việc vá xe của ông chỉ đủ đắp đổi, mua gạo sống qua ngày. “Hiện nay, cả nhà không còn đất rộng nên không biết làm gì”, ông Đ. nói.
Cách nhà ông Đ. không xa là nhà bà Nguyễn Thị Phương Dung ở xã Vĩnh Thanh. Năm đứa con cùng người chồng bệnh tật đè nặng lên đôi vai người phụ nữ tảo tần. Trước năm 2003, gia đình bà Dung là hộ nghèo. Dù vậy, khoảnh ruộng với mấy công đất cũng đủ làm ra lúa gạo cho cả nhà ăn.
Thế rồi đất nhà bà bị thu hồi để làm dự án, bà Dung dùng số tiền ấy xây lại căn nhà để ở thì chính quyền thu lại sổ hộ nghèo với lý do bà đã có nhà cấp bốn thì không còn nghèo nữa. Bà Dung tâm sự: “Thực chất chúng tôi còn nghèo hơn xưa vì bây giờ không còn ruộng để canh tác. Cả nhà sống dựa vào quán bánh cuốn nhỏ xíu, mỗi ngày kiếm khoảng 50.000 đồng mua gạo. Mấy đứa con nhỏ đi học không có tiền, tôi phải đi vay 30 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng. Ai mướn gì tôi cũng phải làm thêm cũng chỉ để kiếm tiền mua gạo”.
Ông Dương Kiều Tân ở khu tái định cư Phước Khánh kể thêm, ông cũng có năm người con, trước kia có đất sản xuất dù không làm giàu, nhưng mảnh đất của gia đình cũng đắp đổi lo cho các con ăn học thành đạt. Ông bảo nếu còn đất thì chia cho các con để ổn định cuộc sống.
Theo ông Tân, các khu tái định cư tại các xã Đại Phước, Phước Khánh, Hiệp Phước đã tạm ổn định, nhưng cái chuyện nghèo khó vẫn còn đó, chăn nuôi, sản xuất thì không có đất, trong khi những dự án vẫn còn treo như công ty địa ốc Sài Gòn 55 hecta ở xã Phước Thiền, công ty Tín Nghĩa ở Phước Khánh cả trăm hecta đất bỏ trống mấy năm nay, dân thì xót xa mong có được miếng đất sản xuất chăn nuôi, thêm tái định cư cho con mà không có. Người dân chấp hành theo chủ trương để Nhơn Trạch phát triển, nhưng ba năm nay nhiều dự án vẫn ì ạch.
Chính quyền cũng khổ
Trong mười năm trở lại đây, Nhơn Trạch có nhiều sự thay đổi nhờ có các khu công nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Đến nay, Nhơn Trạch có 328 dự án đã và đang hoạt động, giải quyết cho gần 60.000 lao động từ các nơi khác trong cả nước đến làm việc, từ đó kéo theo sự phát triển của thương mại, dịch vụ, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp để nhường chỗ cho công nghiệp phát triển.
Cấp xã là cấp nhìn thấy, nghe thấy những bất cập ấy nhưng cũng chỉ biết kiến nghị còn cấp trên có nghe hay không lại là một chuyện khác. Dự án khu đô thị Long Thọ – Phước An to thế, đẹp thế, thu hồi nhiều đất của dân đến thế, nhưng hầu như chẳng có người dân địa phương nào vào đó để ở được.
Tại dự án nhà cao tầng chung cư Long Thọ – Phước An, căn nhà sừng sững mọc giữa hàng ngàn hecta đất vẫn còn trống cũng thiếu vắng người ở. Đất đai còn nhiều lắm nhưng người dân chỉ đứng nhìn bởi các dự án “nằm đó” thật “lãng phí”. Điều đáng nói là Nhơn Trạch chưa phải là thành phố mà đã có hầm ngầm dưới vòng xoay khu trung tâm huyện đã thi công nhiều năm nay, tốn kém hàng bao tỉ đồng vô ích. “Dân giàu, nước mạnh” còn đang chờ ở vùng đất “hứa”.
Song song với bộ mặt Nhơn Trạch được đổi mới là những nông dân chuyên sống với nghề ruộng rẫy lại không có việc làm, do đất đai bị thu hồi. Áp lực phát triển và tái nghèo là bài toán khó với chính quyền địa phương.
Cuối năm 2010, trong một lần chúng tôi đến tìm hiểu về tình hình các dự án đầu tư tại xã Phú Hội, thì được ông Châu Thanh Phong, chủ tịch xã Phú Hội tiếp, ông cũng từng là nạn nhân của quy hoạch treo. Số là ông Phong mua miếng đất 8 x 10m để làm nhà ở, chưa kịp xây dựng thì “dính” quy hoạch trong dự án địa ốc Chợ Lớn. Mức giá đền bù “áp” cho nhà chủ tịch xã cũng như dân thường 160.000 đồng/m2. Ông cũng không đồng tình…
Điều khiến lãnh đạo UBND xã Phú Hội bức xúc nhất là, dù các dự án như trên nằm kéo dài, không triển khai gì hết nhưng nhiều năm nay, năm nào xã cũng kiến nghị huyện, huyện kiến nghị tỉnh thu hồi dự án… đến nay dự án vẫn như cũ. Trong khi ấy, vì đất vướng quy hoạch nên không cấp được chủ quyền. Mà không có chủ quyền thì không thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, không chuyển nhượng được, mọi vấn đề liên quan đều bế tắc. “Đời sống của người dân liên quan đến dự án rất bấp bênh, dự án treo, tiền mất giá, gửi đơn lên xã phản ánh nhưng xã cũng chịu, không giải quyết được. Năm nào cũng vậy, xã có tờ trình về tình hình dự án này, rồi tôi biết huyện cũng trình lên tỉnh, nhưng rồi cứ bặt vô âm tín như vậy! Chủ đầu tư mất tích biền biệt mà dự án lại vẫn tồn tại, trong khi quy định không triển khai là bị thu hồi rất rõ ràng”, ông Phong cho biết.
Ông T. (muốn được giấu tên) là lãnh đạo xã Long Thọ đánh giá về đời sống người dân của xã mình như sau, khi mới nhận tiền đền bù thì tốt lắm, xây nhà, mua xe đều đều. Tuy nhiên sau này khi hết tiền, trình độ dân trí thấp, đất sản xuất mất nên đời sống lại lâm vào cảnh khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi.
Theo ông T., trong nhiều năm gần đây lãnh đạo xã cũng đã cố gắng tìm mô hình kinh tế, đào tạo nghề cho dân nhưng vận động mãi người dân cũng chẳng mặn mà tham gia. Trong các chính sách thu hồi đất, đào tạo việc làm cho người dân hiện nay còn rất nhiều vấn đề. “Cấp xã là cấp nhìn thấy, nghe thấy những bất cập ấy nhưng cũng chỉ biết kiến nghị, còn cấp trên có nghe hay không lại là một chuyện khác. Dự án khu đô thị Long Thọ – Phước An to thế, đẹp thế, thu hồi nhiều đất của dân đến thế, nhưng hầu như chẳng có người dân địa phương nào vào đó để ở được. Khu dân cư làm xong rồi bỏ cho cỏ mọc, dân mình thì mất đất sản xuất, nhìn thấy xót lắm nhưng cũng đành bó tay”, ông T. than thở.
Thanh Nhã – Tùng Quang
(còn tiếp)
- Gượng sống ở “thung lũng chết” (Lao động)
Hàng ngàn người dân 2 thôn Phước Thuận và Phước Hậu (xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) đã lâm cảnh chết dở bởi phải sống mà không hít thở được bình thường, ăn ở không được bình yên, sinh hoạt bị xáo trộn, sản xuất đình trệ... gần 10 năm nay.
Cả trăm hộ dân ở thung lũng này không chỉ bị mắc kẹt dưới 2 đường dây điện siêu cao áp 500kV, 220kV, mà còn bị bao vây bởi 8 mỏ đá, 2 lò nung gạch, 1 trạm trộn bêtông, 1 nhà máy than và cả chục mỏ khai thác đất... Quanh năm mìn nổ, đá nghiền, lò nung, xe hung thần rình rập, ô nhiễm ngập cả một vùng trời.
Sống giữa “vùng chiến sự”
Tôi đang lần theo con mương nước đen để truy tìm nguồn cơn gây ra ô nhiễm, bồi lấp ruộng đồng ở Phước Hậu thì bỗng nghe tiếng còi hụ vang dội, kéo dài. Cả chục xe tải chạy thục mạng, dồn núp vào vách núi bên cạnh kho than Hoà Nhơn. Dưới đồng, nông dân hớt hải trèo lên bờ ruộng, chạy dáo dác. Ai đó í ới thúc giục lùa mấy con bò chạy loạn...
Nhà máy than, mỏ đá, đất, lò nung gạch... vây kín “thung lũng chết”.  Ảnh: Thanh Hải
Nhà máy than, mỏ đá, đất, lò nung gạch... vây kín “thung lũng chết”. Ảnh: Thanh Hải
Bị “dư chấn” tinh thần về các vụ động đất, sóng thần vừa liên tiếp xảy ra khắp nơi, lại không biết mô tê gì nên tôi đâm hoảng, cắm đầu chạy theo. Đến khi gặp mấy công nhân trang phục vàng choé từ mũ áo cho đến quần giày, tay cầm máy bộ đàm, khua tay chặn đường, hướng dẫn cho dân chạy, tôi mới vỡ oà rằng sắp nổ mìn, phá đá ở các mỏ quanh làng Phước Hậu này. Trên QL1A - đoạn tránh TP.Đà Nẵng - còi hụ rít vang hối hả. Hàng trăm phương tiện bị chặn lại, nối đuôi nhau kéo dài.
Chừng hơn 5 phút sau, trời đất như rúng động bởi hàng loạt tiếng nổ rền trời. Tiếng đá bay ào ào trên núi, khói bụi cuộn đỏ thành cột khổng lồ, dựng đứng, rồi theo gió ập xuống thung lũng, phủ lan khắp hàng trăm mái nhà dân ở Phước Hậu và Phước Thuận. Khách lạ như tôi bị một phen kinh hồn, nhưng người dân nơi này lại dửng dưng. “Sống ở đây như giữa lòng chiến trường. Quen rồi chú ạ” - cựu Thôn trưởng Phước Hậu - ông Lê Mẫn - chua chát nói với tôi.
Con đường làng bị băm nát bởi vết nghiến xe tải nặng, ngoằn ngoèo qua cánh đồng khô cháy vì khói bụi, chuối hai bên đường héo hon tàu lá bởi khói từ 2 lò nung gạch. Lác đác hàng chục ngôi nhà bị đập nham nhở hoặc bỏ hoang vì phải di dời tránh xung động điện cao áp. Hướng bắc, núi đá dựng đứng chống lưng làng cùng 8 mỏ đá vây chặt. Ba mặt còn lại, có hàng chục quả đồi bị bóc trọc, đào đất để phục vụ san lấp các khu đô thị mới Đà Nẵng hơn 10 năm nay.
Nếu QL14B - cửa ô tây nam thành phố - mỗi ngày phải chịu trận từ 400 đến 500 lượt xe tải hung thần, thì có đến 300 lượt xe này càn qua thung lũng khói bụi Phước Thuận, Phước Hậu mỗi ngày. Ruộng đồng bồi lấp, hoang hoá, nguồn nước ô nhiễm, cả thung lũng chìm trong khói bụi, tiếng ồn... Cuộc sống của người dân tan tác như giữa “vùng chiến sự”.
Mất dần đất sản xuất
Già Lưu Thanh ở Phước Hậu dẫn chúng tôi lòng vòng trên xóm, dưới đồng. Câu chuyện của ông không ngoài than thở vì vấn đề ô nhiễm. Nhà nào cũng phải mua lưới ruồi vây xếp lớp quanh nhà mới mong ăn được miếng cơm không bụi. “Thung lũng này quanh năm khét nghẹt vì khói, mờ ảo vì bụi. Áo quần không thể phơi phóng, ra đường nơm nớp lo tai nạn... Nhưng tất cả sự khốn khó ấy người dân có thể nín nhịn để sống qua ngày, song mất đất sản xuất mới là vấn đề khổ nhất ở đây”. Bà Nguyễn Thị Cước ở đội 7 cho biết: “Nhà tôi có 5 sào ruộng, bây giờ chỉ còn 2.
Mìn nổ bên làng Phước Hậu.
Mìn nổ bên làng Phước Hậu.
Hết nhà máy than xả nước đen sì, đến mỏ đá, lò gạch thải trôi đất bùn bồi lấp dần hết ruộng. Lại thêm khói bụi phủ dày, lúa vừa trổ xong chết đứng, lép hạt. Sáu đứa con, 8 miệng ăn khiến nhà tôi điêu đứng. Thế nhưng, sự bồi thường của các đơn vị gây ra hậu quả mất đất sản xuất lại chỉ mang tính chiếu lệ. Dưới áp lực của chính quyền, vụ đầu, họ đền mỗi sào 800.000 đồng gọi là hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón, công cày... Vụ thứ hai lúa chết, đất bồi dày cả nửa mét, họ chỉ bồi thường 500.000 đồng mỗi sào cho dân tự “vỡ hoang” lại ruộng.
Nhưng bùn đá như đóng bêtông, nguồn nước tắt ở các hẻm núi, lại còn ô nhiễm nặng thì ruộng chỉ còn nước bỏ hoang. Trưởng thôn Phước Hậu - ông Lưu Sự - cho hay, cả thôn chỉ hơn 60 hộ, sống bằng nghề nông. Đất rừng đã bị bán sạch cho các công trình khai thác đất, đá. Diện tích canh tác còn lại chủ yếu là ruộng lúa. Nhưng cánh đồng 15ha giờ chỉ còn 8. Thanh niên nam, nữ tứ tán kiếm đất lành, nhưng người già phải bám trụ lại. Trước đây, dân 2 làng Phước Thuận và Phước Hậu còn thường xuyên mang chướng ngại vật ra chặn đường, cấm xe tải gây ô nhiễm, rồi kéo nhau đi thưa kiện khắp nơi...
Không những chẳng mang lại kết quả gì mà lại thêm tốn công, rước bực dọc vào người. Bởi vậy, bây giờ người dân ở đây câm lặng, gượng sống, chịu đựng đến bất thường.
Bi kịch xoá quy hoạch
Năm 2009, tin mừng sẽ giải toả di dời dân loan nhanh khắp thung lũng khói bụi Phước Thuận, Phước Hậu. UBND huyện rồi đến xã nhiều lần họp dân, thông báo việc họ sắp được ra đi để nhường đất cho khu công nghiệp công nghệ cao của thành phố. Giải toả, di dời sẽ xáo trộn đời sống, sinh hoạt... là nỗi lo lớn nhất của đa số người dân. Hàng loạt quy định nghiêm ngặt được đặt ra. Đất không được chia thửa, phân lô dù xây nhà cho con cưới vợ. Hộ nợ nần cũng không được cầm cố, thế chấp, cho biếu.
Nhà xập xệ, hư hỏng không được tự ý sửa chữa, cơi nới... Dẫu vậy với người dân “thung lũng chết” này lại chào đón sự kiện giải toả trong sự hứng khởi. Với họ, được tạo điều kiện ra đi khỏi thung lũng chết là niềm vui lớn. Nhưng rồi lòng tham nhen nhóm, người ta rỉ tai nhau, xây nhà “chạy” bồi thường. Lúc đầu chỉ lác đác, rồi dần rộ lên việc lén lút đổ vật liệu, xây thêm tường rào cổng ngõ. Xóm làng nghèo bỗng tất bật thâu đêm.
Nhà nhà cơi nới, xây thêm tường, mở thêm phòng. Bạo liệt hơn, có nhiều hộ còn đổ thêm sàn bêtông, nâng lầu để thành nhà cấp 1, cấp 2 trong khi chẳng có móng, cột hay bất cứ trụ sắt nào. Thôn trưởng Phước Thuận - ông Nguyễn Văn Lô - kể lại, khi thấy nhà của một cán bộ trong thôn “tiên phong” xây thêm nhà “chạy” giải toả, người dân ào ạt “noi” theo. Có mấy đồng vốn dắt lưng, người ta cũng đem ra mua vật liệu. Nhiều nhà chạy vạy không ra tiền thì đi vay ngân hàng để có 20-40 triệu đồng cho việc cơi nới.
Thế rồi 1 năm, 2 năm trôi qua, bản vẽ quy hoạch treo đầu làng đã hoen gỉ mà việc kê khai, áp giá đền bù chẳng thấy đâu. Trong khi tường dỏm đã xiêu vẹo, nhà tầng rởm chờ chực sập, tiền lãi vay dần thành núi nợ..., thì UBND TP.Đà Nẵng chính thức thông báo gỡ quy hoạch treo. Khu công nghiệp công nghệ cao đã di dời về địa điểm mới ở xã Hoà Liên. Bi kịch ập đến từng nhà. Bà Trần Thị Thuý - 85 tuổi, ở thôn Phước Thuận - giờ sống trong ngôi nhà tầng mà thấy gió mưa phải chạy núp sang hàng xóm vì sợ sập.
Người con trai độc thân sống cùng bà đã chạy vạy vay 40 triệu đồng xây tầng nhà không móng, không trụ sắt này để rồi nợ giờ lên gấp bội. Bà chạy đôn đáo tìm người mua, xẻ 400m2 đất vườn bán mong trả bớt nợ. Nhưng chính quyền vẫn chưa cho tách thửa, sang nhượng vì vẫn còn nằm trong quy hoạch vạch khu đô thị, công nghiệp Nam Hải Vân. Cả thôn Phước Thuận này có đến 50 hộ rơi vào bi kịch tương tự bà Thuý và giờ chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời.
Chưa thoát ra khỏi thung lũng chết, đã phải đối đầu ngay với hàng trăm xe tải nặng chở đất, đá, than, bêtông... nối đuôi nhau, cuộn mịt mù bụi đất ở đầu làng Phước Thuận; tôi cũng buột miệng kêu trời. Làm sao người dân có thể gượng sống thêm được trong nguy khốn này. Hơn 10 năm chỉnh trang, mở rộng, hơn 90.000 hộ dân Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng bởi di dời, giải toả, nhưng rồi mọi bất ổn đi qua, đời sống ở phố thị đã dần khấm khá. Song đối với hơn 100 hộ dân ở thung lũng ngoại ô này phải oằn lưng gánh chịu mọi bi kịch, mặt trái của quá trình đô thị hoá.
Thanh Hải

Tổng số lượt xem trang