Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Kinh khủng dân nhậu Việt : Việt Nam đứng đầu ASEAN về tăng trưởng rượu bia

-Việt Nam đứng đầu ASEAN về tăng trưởng rượu bia

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 8 về kinh tế nhưng đứng đầu về tăng trưởng ngành rượu bia.

Đó là thông tin được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết tại hội thảo cập nhật thông tin về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam diễn ra ngày 2/4.

 Theo bà Hạnh, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng 3 tỷ USD/năm chi cho bia và khoảng 16.000 tỷ đồng/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy. 

Kể từ 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. 

Bà Vũ Thị Minh Hạnh cho biết lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm vừa qua, khoảng 6,2 lít/người/năm (quy ra rượu), trong khi Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng do năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8 lít. 

 Giai đoạn hiện nay lượng bia rượu sử dụng đang tiếp tục tăng và dự báo đến 2025 ở mức 7 lít/người/năm. Riêng lượng rượu tự nấu nhiều chục triệu lít/năm chưa đánh giá được con số chính xác. Bà Hạnh cho biết lần đầu tiên Việt Nam sẽ thực hiện nghiên cứu này trong quý 3 tới và dự kiến sẽ công bố vào quý I/2016. 

Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, rượu bia đang liên quan trực tiếp đến 3 loại ung thư và gián tiếp với 7 loại ung thư khác. 

Về gánh nặng bệnh tật thì rượu bia gây số người bệnh tật và tử vong xếp thứ 4, bên cạnh các nguyên nhân như tai nạn giao thông, với bệnh rất thường gặp là loạn thần do rượu. 

Bà Trang cho biết trong Luật phòng chống tác hại bia rượu đang được xây dựng, dự kiến sẽ áp dụng hạn chế giờ bán bia rượu ở một số khu vực thí điểm (dự thảo trước dự định cấm bán bia rượu từ 22g đêm), hạn chế tuổi được mua bia rượu...
Bài viết: http://news.zing.vn/Viet-Nam-dung-dau-ASEAN-ve-tang-truong-ruou-bia-post526789.html

Nguồn Zing News

Tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng trưởng theo chiều “thẳng đứng”
-

-Kinh khủng dân nhậu Việt 

(Kienthuc.net.vn) - Cư dân mạng hoảng hốt khi biết thêm, Việt Nam dù nghèo nhưng tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới


Theo công bố mới đây nhất từ Kirin Holdings, Việt Nam đứng trong Top 25 quốc gia hàng đầu về lượng tiêu thụ bia. Đứng đầu là Nigeria (tăng 17,2%), Ấn Độ (tăng 17%), Brazil (tăng 16%) và Việt Nam với mức tăng 15%).

Thông tin này khiến nhiều người phát hoảng bởi tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang tỷ lệ nghịch với tốc độ tiêu thụ bia rượu.

Tuy nhiên, thời gian qua trên Facebook còn có những người thành lập ra các Fanpage để quy tụ những người thích uống, bia, rượu lại với nhau.

Hành động này nhiều người phê phán rằng "như cổ động cho việc uống bia rượu, nhậu nhẹt".

Thành viên Hoang Hieu bày tỏ sự thất vọng của mình trước thực trạng trên: "Nghe VN nhất về rượu bia mà ngao ngán cho ta - đất nước nghèo mà chơi sang, tưởng nhất cái gì, toàn nhất tệ nạn".

"Việt Nam đi đâu cũng thấy các quán ăn nhậu, từ quán hàng rong đến các nhà hàng,… Không hiểu sao mà người dân mình hễ rãnh rỗi là ăn nhậu? Thiếu tác phong công nghiệp! Nhà nước cũng nên có quy định về việc buôn bán rượu bia này", Nghiem Hai bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.

Một thực tế (mà khi thành viên Vuong Thanh Tuyen đề cập) được rất nhiều thành viên tán thành là: "Có lẽ tỉ lệ này cũng đồng hành cùng tai nạn giao thông, hầu hết những người uống bia, rượu xong thì đều ra đường và điều khiển xe".

"Nếu Nhà nước không chấn chỉnh bằng cách tăng thuế bia rượu lên 100% thì không khéo Việt Nam sẽ trở thành "cường quốc ăn nhậu" trong tương lai", Vuong Thanh Tuyen chia sẻ thêm

"Việc Việt Nam là một quốc gia còn nghèo mà "được" vào tốp đầu các nước tiêu thụ bia trên thế giới là một nỗi buồn. Ngẫm nghĩ mà xem, tiệc tùng, nhậu nhẹt, bia ôm, karake ôm... bao nhiêu thứ để "giúp" cho một nước nghèo lọt vào tốp đầu bia bọt", nột thành viên chia sẻ.

Các thành viên ủng hộ cho quan điểm ăn, chơi, nhậu nhẹt thì đương nhiên ra sức bao biện cho việc uống bia, rượu của mình: "Các ông, các bà nói gì thì nói, phân biệt nhậu nhẹt và uống bia rượu nhé! Chúng tôi uống thì uống nhưng không nghiện ngập, không phá của ai là được...", Hai Cao phản bác.

Thành viên Nam Nhat cũng có lý khi giải thích: "Nhiều khi do tính chất công việc cần đến những cuộc giao lưu như vậy nên có muốn tránh cũng khó".

Tuy vậy, để giải thích cho lí do, vì sao Việt Nam lại là một trong số những nước có tốc độ tiêu thụ bia rượu nhanh hàng đầu thế giới thì không ai làm rõ được.




-"Đột nhập" vào "khu ổ chuột” giữa lòng Thủ đô
(GDVN) - Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội và được mệnh danh là “khu ổ chuột”, “Khu tập thể đài phát thanh Mễ Trì”, hay còn gọi là Đồng Đằng Ngải (Từ Liêm - Hà Nội) gồm những túp lều xập xệ, cũ nát. Đây là nơi những người lao động nghèo tá túc và sinh sống ngày qua ngày.
Cả “khu ổ chuột” này có khoảng hơn chục hộ gia đình đến từ khắp các tỉnh thành khác nhau như Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định… Do cuộc sống ở quê khó khăn, họ lên Hà Nội mưu sinh và chấp nhận cảnh sống trong muôn vàn khó khăn này để tiết kiệm các chi phí sinh hoạt.
Mỗi người một nghề, người thì thu mua đồng nát, người chạy xe ôm, người bán xôi, người làm đậu phụ, người làm công nhân…

Khu nhà trọ tổng cộng có hơn chục phòng, tất cả các phòng đều sử dụng chung một nhà vệ sinh duy nhất chật chội đến mức tối thiểu.

Phòng trọ 20m2 có giá 1 triệu đồng, phòng 12m2 có giá từ 500.000- 600.000, còn phòng bé hơn tầm 8m vuông thì có giá là 300.000, chi phí điện nước ở đây tương đối cao.

Ba thế hệ gia đình ông Vĩnh cùng sống dưới một mái nhà lụp xụp trong “khu ổ chuột” này, ông chia sẻ: “Cả gia đình sống bằng nghề làm đậu phụ nên cần phải thuê phòng rộng để đủ chỗ ở cho con cháu và chỗ để làm. Tôi thuê phòng này diện tích hơn 20m2 giá 1triệu/1tháng tiền nhà, điện 5nghìn/1số, nước dùng chính là nước giếng khoan, nước máy chỉ dám dùng để ăn thôi chứ 20nghìn/1m3 thì không có tiền mà trả, bọn trẻ con còn đi học nữa…”

Không chỉ sống trong cảnh ô nhiễm bẩn thỉu, thiếu nước sạch mà người dân nơi đây còn phải đối mặt với cả những mối nguy hiểm đe doạ đến tính mạng vì những con rắn.

Cô Lùng kể lại: “Nhà cái Lê ngay bên cạnh ngày trước có con rắn to trên mái nhà rơi xuống làm cả xóm hoảng sợ, lúc đầu thì cứ tưởng là chuột nó chạy trên mái nhà thôi vì chuột ở khu này thì nhiều vô kể, không ngờ lại là con rắn rơi vào nhà nên cũng sợ lắm, nhỡ rắn độc thì chết. Nhà bác Mai bên kia thì hôm cũng bị rắn bò xung quanh nhà khiếp lắm.”

Được biết khu ổ chuột này thuộc khu “Dự án Thể thao và vui chơi giải trí của thành phố Hà Nội”. Hiện tại thì đã giải quyết xong việc bồi thường đất đai và đến  ngày 18/11/2013 là hết hạn di dời, tuy nhiên hạn di dời chỉ thông báo trước một tuần nên người dân ở đây vẫn chưa tìm được chỗ ở mới.
Khung cảnh xập xệ, cũ nát của “khu ổ chuột” cùng với bể giếng khoan - nơi tắm rửa, ăn uống, vệ sinh của tất cả mọi người.

Túp lều với diện tích 12m2 có giá thuê là 500.000- 600.000 đồng/tháng
Các phòng được ghép bằng những miếng ván và fibro xi măng cũ rích, bên ngoài bọc các bạt nylon rách nát, xập xệ
Bên trong nhà ông Vĩnh nơi gia đình làm đậu phụ chật trội và bẩn thỉu, đồ đạc chất đầy nhà và ẩm ướt
Do diện tích quá bé nên mọi ngóc ngách trong nhà đều bị đồ đạc lấp kín, phòng thường không đủ ánh sáng ngay cả lúc ban ngày
Tường nhà được ghép bằng các miếng fibro xi măng tạm bợ, không chắc chắn và thiếu an toàn
Bể nước sinh hoạt ngay cạnh chuồng lợn, bên ngoài rêu xanh và váng nước vàng khè
Lối vào “khu ổ chuột” đầy những xô đựng rác rất ôi nhiễm
Nhà được bọc bởi các tấm bạt cũ rách rưới nên rắn rết thương xuyên bò vào nhà gây nguy hiểm đến cuộc sống của người dân
Cửa nhà được ghép bởi các tấm gỗ cũ, mục nát, không chắc chắn 
Khóa cửa tạm bợ cùng với an ninh không tốt nên “khu ổ chuột” thường xuyên xảy ra mất cắp
Người dân hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ chuồng lợn của chủ nhà, lợn được thả rông ra ngoài nên rất mất vệ sinh
Khung cảnh hoang tàn và tiêu điều nơi xóm nghèo
Lối vào....
“Khu ổ chuột” là nơi tá túc và sinh sống qua ngày của những người lao động nghèo
-Số đo dân trí
(Dân trí) - Một con số kỷ lục của VN nhưng không đáng tự hào chút nào, đó là dân mình uống bia mỗi năm hàng tỉ lít. Chỉ riêng các loại bia thương hiệu Sài Gòn, năm 2010 đã sản xuất và tiêu thụ hết 1,088 tỉ lít, năm nay dự kiến sẽ đạt 1,3 tỉ lít..
Riêng loại bia Heineken nổi tiếng, người Việt Nam uống say sưa, được xếp thứ ba  trên tổng số 170 thị trường của loại bia này trên khắp thế giới, chỉ xếp sau Mỹ và Pháp. Năm nay dân mình sẽ uống vượt lên ngang với Pháp cho thiên hạ nể mặt. Ngoài ra, còn hàng chục loại bia trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài, dân mình uống sạch. Uống bia như vậy thế giới phải “ngưỡng mộ”.


Có nhiều loại bia thương hiệu mạnh từ Đức, Bỉ, Hà Lan, nhập về giá cao gấp mấy lần các loại bia trong nước, nhưng các đệ tử “lưu linh” sẵn sàng bỏ tiền ra uống. Năm 2010, bia nhập qua cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I tăng 50% so với năm 2009, với đà này thì sẽ còn tăng trong những  năm tới.

Ngoài bia, còn một thứ khác cũng tiêu thụ rất mạnh là rượu. Các loại rượu sản xuất trong nước chưa đủ phục vụ nhu cầu của giới bia rượu, các nhà nhập khẩu phải nhập thêm nhiều loại rượu sang trọng, đắt tiền. Khắp nơi từ phố phường đến góc chợ, đường quê, đâu đâu cũng có quán nhậu.  Cơ quan nhà nước liên hoan, tiếp khách cũng bia rượu. Hội nghị, hội thảo xong cũng tiệc tùng bia rượu. Người ta vừa uống vừa gào khản cổ “zô, zô” rất sung sướng, tự hào. Con số nhập siêu của quốc gia ngày một tăng, trong đó, các loại bia rượu chiếm tỉ trọng không nhỏ. Đất nước nghèo nhưng ý thức tiết kiệm, chống lãng phí không cao. Tiêu thụ bia rượu cũng là một số đo về dân trí.

Bia rượu không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn kéo theo nhiều hậu quả khác. Với hàng tỉ lít bia và hàng triệu lít  rượu tiêu thụ một năm, dân Việt Nam sẽ có thêm nhiều bệnh nhân mắc các bệnh từ bia rượu, tạo ra gánh nặng cho người bệnh, gia đình họ và cho xã hội. Việt Nam là quốc gia có dân số vàng, nguồn lao động trẻ, nhưng số lao động đó dành quá nhiều thời gian cho bia rượu và mắc nhiều bệnh tật thì liệu có còn là “vàng” nữa không?
Rượu bia làm cho nhiều gia đình tan nát, nhiều người phải tù tội vì say rượu gây án, xã hội mất trật tự an toàn. Bia rượu còn là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Mỗi năm của nước có trên 10.000 người chết và hàng chục ngàn người bị thương vì  tai nạn giao thông, trong đó không ít người gây tai nạn vì say xỉn.

Có những vị trí nhất nhì thế giới rất mong đạt tới để hãnh diện, tự hào nhưng mãi không được. Còn những con số xếp hạng cao mình có được lại thấy hổ thẹn. Số tỉ lít bia là một loại như vậy.

Lê Chân Nhân

-
-Hiện tượng “nhậu” xét như một vấn đề của xã hội (TBKTSG 23-5-11)
(TBKTSG) - LTS: Có cả ngàn lý do để người ta nhậu, kể ra không hết. Tuy nhiên điều có thể khẳng định là hiện tượng nhậu ngày càng tràn lan như hiện nay đã trở thành một vấn nạn xã hội. Xin giới thiệu bài phân tích dưới đây của nhà nghiên cứu xã hội học TRẦN HỮU QUANG với bạn đọc để khép lại diễn đàn về nhậu đã được khởi đăng trên TBKTSG từ số báo 18 (29-4-2011).
Trong vòng hai thập niên qua, tức kể từ đầu thời kỳ đổi mới đến nay, người Việt Nam uống bia và rượu ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê cho thấy tốc độ gia tăng rất nhanh của ngành sản xuất rượu bia trên cả nước. Năm 1990, sản lượng rượu các loại mới chỉ đạt 80 triệu lít và bia các loại 100 triệu lít, nhưng đến năm 2010, sản lượng rượu đã lên tới 387 triệu lít (tăng gấp 4,8 lần) và bia 2.377 triệu lít (tăng gấp 24 lần trong 20 năm).
Tính riêng bia năm 2010, nếu chia đều cho dân số từ 15 tuổi trở lên thì bình quân cả nam lẫn nữ mỗi người được 37 lít bia, tức gần năm két bia một năm (tính mỗi két 24 lon 330 ml). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm là những con số trên chưa tính tới số rượu bia sản xuất không đăng ký, nhất là rượu đế ở nông thôn mà có người ước lượng có thể chiếm tới 70% tổng sản lượng rượu cả nước.
Sự chuyển hóa của ngôn từ
Thực ra, chữ “nhậu” xuất hiện đã lâu ở Nam bộ, ít ra từ khoảng thế kỷ 18, và hồi đó nhậu chỉ đơn giản có nghĩa là uống, thí dụ nhậu nước là uống nước, nhậu rượu là uống rượu, ăn nhậu là ăn uống(1). Sau đó, vào thập niên 1960, chữ nhậu dần dà chuyển hẳn sang ý nghĩa uống rượu (2).
Mức độ tiêu thụ rượu bia
Cuộc điều tra năm 2005 của WHO cho biết bình quân một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 3,77 lít cồn nguyên chất/năm (trong đó, 1,07 lít rượu bia có đăng ký, và 2,7 lít rượu bia không đăng ký). Nếu chỉ tính riêng những người có uống rượu và bia thì mức tiêu thụ là 16,1 lít cồn nguyên chất/năm nơi nam giới, và 11,6 lít nơi nữ giới (*).Điều đáng nói là ở Việt Nam, cũng theo số liệu của WHO, mức tiêu thụ số rượu bia không đăng ký kinh doanh so với số rượu bia có đăng ký bằng 252% tức gấp 2,5 lần, cao nhất vùng Đông Nam Á và Đông Á, cao hơn cả Campuchia. Con số này ở Campuchia là 169%, Lào 17%, Thái Lan 11%, Philippines 46%, Trung Quốc 40%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 2%. Điều này cho thấy tình hình nấu rượu đế thủ công và sản xuất chui các loại “bia lên cơn” ở nước ta, nhất là khu vực nông thôn, quả thực hết sức đáng báo động!
___________
(*) Rượu bia “có đăng ký” là sản phẩm của những công ty có đăng ký kinh doanh, và ngược lại, số “không đăng ký” là những sản phẩm không đăng ký kinh doanh. Xem WHO, Global Status Report on Alcohol and Health 2011, Geneva, WHO Press, 2011, tr. 273-277.
Nhưng chữ nhậu theo cách hiểu bây giờ có lẽ không chỉ có nghĩa là uống rượu, mà là vừa uống rượu vừa ăn lai rai món gì đó (thí dụ: “nhậu một bữa thật say”, “mua đồ nhậu”(3)), và đáng chú ý hơn, chữ nhậu còn bao hàm cả ý nghĩa là ăn và uống rượu cùng với người khác, vì như cổ nhân nói, “trà tam rượu tứ” (thí dụ: “đãi một chầu nhậu”, “rủ nhau đi nhậu”; ai mà nói “đi nhậu một mình” thì bạn bè sẽ ngờ rằng người này đang có vấn đề !). Bản thân chữ nhậu không có nghĩa xấu, còn khi nói “nhậu nhẹt” hay “bợm nhậu” thì mới hàm ý chê bai.


Như vậy, từ chỗ ngày xưa chỉ có nghĩa là uống, nội hàm của từ nhậu bây giờ đã chuyển thành một loại hình sinh hoạt đặc trưng không chỉ ở vùng Nam bộ mà còn trên cả nước, và có lẽ rất khó mà dịch được ra tiếng nước ngoài. Sự chuyển hóa của ngôn từ này chắc hẳn không diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà chủ yếu xuất phát từ sự phổ cập của hiện tượng “nhậu” trong những năm qua.
Nhậu là một hành vi xã hội
Nhìn dưới góc độ xã hội, nhậu hiển nhiên không phải là một hành vi ăn uống đơn thuần. Nếu nhậu luôn luôn là nhậu với ai đó, thì chắc hẳn cần nhìn nhận đây là một hành vi xã hội, tức là một hành vi hướng đến người khác, bao hàm những mối tương giao xã hội với người khác trong bữa nhậu, trong đó quan trọng nhất là các hành vi truyền thông và giao tiếp với nhau (trao đổi, kể chuyện, tâm sự, tranh luận...).
Người ta có thể tổ chức một bữa tiệc để mời bạn bè lâu ngày hội ngộ đến nhậu chơi, để làm đám giỗ, đám cưới, để mừng sinh nhật, mừng thi đậu, tạ ơn ân nhân, để chia vui hoặc giải sầu với bạn bè, để mừng trúng số hoặc trúng mánh, để bàn chuyện làm ăn, hay thậm chí để mua chuộc hay chạy chọt... Có cả ngàn lý do để nhậu kể ra không hết, dù vậy tựu trung bữa nhậu bao giờ cũng là cơ hội để gặp gỡ, tức là để hiện thực hóa các mối quan hệ xã hội.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao bây giờ người ta lại nhậu nhiều hơn so với trước? Phải chăng do thu nhập bây giờ khá hơn (do dư giả, do phú quí sinh lễ nghĩa, nhưng ngược lại cũng có những người càng nghèo lại càng nhậu!), do các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng hơn, hay do những nguyên nhân tâm lý xã hội xuất phát từ những điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù nào đó?
Để trả lời được những câu hỏi trên, hẳn nhiên cần tiến hành những cuộc khảo sát và nghiên cứu về chủ đề này nơi các giới, các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội, nơi nông thôn và đô thị... với các lối tiếp cận xã hội học, tâm lý học xã hội và nhân học.
Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là hiện tượng nhậu ngày càng tràn lan đã thực sự trở thành một vấn đề xã hội. Ở đây, chúng tôi chỉ thử nêu lên một vài ý tưởng mang tính chất giả thuyết về vấn đề này.
Hiện tượng nhậu xét như một vấn đề xã hội
Trên báo chí và các diễn đàn khác nhau, người ta thường đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng nhậu và các hậu quả có thể có của nó, nhưng tựu trung đáng chú ý nhất có hai luận điểm: (a) nhậu là nguyên nhân của sự suy thoái, thậm chí của hành vi tội phạm; (b) nhậu không phải là nguyên nhân, mà là do suy thoái cá nhân nên dẫn đến chuyện nhậu thường xuyên. Chúng tôi cho rằng cả hai luận điểm này đều chưa ổn thỏa vì quá giản lược và chỉ đúng một phần.
Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng chữ nhậu không bao hàm một thực thể duy nhất đồng dạng, bởi lẽ có nhiều dạng và nhiều mức độ nhậu khác nhau. Do vậy, sự phê phán không thể bỏ hết mọi thứ vào trong một cái rọ, mà cần phân biệt từng loại hình cụ thể.
“Nhậu” và “xỉn”
Cao Tự Thanh, nhà nghiên cứu văn học Hán-Nôm, đã đưa ra một cách giải thích về nguồn gốc của chữ nhậu như sau: “Từ nhẩm chẩu (ẩm tửu, uống rượu) có lẽ vì được nói lè nhè với giọng say rượu nên đã bị chập và biến âm thành nhậu, đưa lại cho hành vi sinh hoạt này của người Nam bộ một dáng cách và ý vị riêng” (a).
Thường đi kèm với chữ nhậu là chữ xỉn. Cũng theo Cao Tự Thanh, xỉn là một từ có gốc tiếng Hoa, đọc theo âm Hán-Việt là trình (có nghĩa là: bệnh vì rượu, say ba ngày mới tỉnh), phát âm theo giọng của người Hoa Quảng Đông ở Nam bộ là xỉn (b).
___________________________
(a) Cao Tự Thanh, “Những yếu tố Hoa trong phương ngữ Nam bộ”, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2000. (b) Xem bài của Trần Thanh Giao, “‘Xỉn”từ đâu ra ?”, http://tranthanhgiao.com.
Mặt khác, việc nhậu nói chung hay rượu bia nói riêng tự chúng chẳng có gì xấu hay đáng lên án. Rượu thường được xem là có tác dụng gây hưng phấn, cũng như việc bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau đi nhậu tự nó là một sinh hoạt bình thường và lành mạnh.
Lẽ tất nhiên, uống quá chén thì đâm ra say xỉn, và nếu uống đều đều hàng ngày đến mức nhậu nhẹt bí tỉ, nhậu quắc cần câu, nhậu tới bến, thì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về bệnh tật, tai nạn giao thông, và thậm chí có thể đi đến những trục trặc trong quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Xét về mặt thể lý, có thể nói rượu có tác dụng phần nào tương tự như ma túy, tức là đã nghiện rồi thì khó lòng từ bỏ, từ cảm giác lâng lâng ban đầu dễ dẫn đến những ảo giác khi quá chén, mụ đầu óc, và có thể khiến mất tự chủ bản thân.
Tuy nhiên, dù vậy, theo thiển ý chúng tôi, vẫn không ổn khi cho rằng men rượu tự nó là thủ phạm gây ra tệ nạn hay tội ác. Thông thường những hành vi loại này thực ra không chờ đến khi có rượu bia mới phát sinh mà thường đã có mầm mống từ trước, bắt nguồn từ những hoàn cảnh xã hội, những mối quan hệ xã hội, cũng như từ một số đặc trưng nhất định trong tiểu sử cá nhân, và rượu bia lúc này chỉ là một thứ chất xúc tác trực tiếp cuối cùng mà thôi. Hẳn do vậy mà có một số người hay “mượn rượu” để có cớ chửi bới hoặc la lối... Vả lại, cho dù Nhà nước có cấm hẳn rượu bia thì cũng khó lòng mà hình dung xã hội sẽ không còn tệ nạn và tội phạm.
Chúng tôi nghĩ rằng không đúng khi lên án nhậu là một căn bệnh, và cũng không phải do suy thoái cá nhân nên người ta đâm ra nhậu nhẹt say sưa, bởi lẽ suy cho cùng, hiện tượng nhậu nhẹt có lẽ chỉ là triệu chứng của một số căn bệnh nào đó trong bản thân xã hội, tức là bắt nguồn từ sự suy thoái của xã hội chứ không phải từ sự suy thoái của cá nhân.
Dĩ nhiên, vì những hậu quả thể lý lẫn hậu quả xã hội có thể có của chất cồn nếu uống thái quá, nên cần phải có những biện pháp nhằm hạn chế việc tiêu thụ rượu bia trong tình hình hiện nay. Nhưng vì nhậu cũng là một hành vi xã hội và hiện tượng nhậu đã trở thành một vấn đề xã hội, nên chúng ta còn cần phải đi tìm những căn nguyên sâu xa của vấn đề này trong các mối quan hệ xã hội và không gian xã hội, chứ không phải chỉ đơn giản quy tội cho chất men hay bản thân bàn nhậu.
Lai rai với chuyện nhậu
Ngày trước, nhậu chỉ có ở giới bình dân, ít tiền, hoặc lính tráng thắng trận, thua trận. Công chức, giáo chức, bác sĩ gần như không có nhậu mà chỉ có tiệc, chủ yếu tại nhà, uống ít nhưng phải là rượu ngon... Đáng nói hơn là tuyệt đối không có chuyện dùng tiền công (thuế của nhân dân) để nhậu, không có cảnh ngành tỉnh này tiếp ngành tỉnh kia, hết sân nhà tới sân khách.
Ngày nay giới nào cũng nhậu, cũng la lối om sòm trong tiệc. Người nhậu đa phần là công chức. Người lãnh lương thấp cũng nhậu. Vì sao người ta nhậu nhiều, vừa tốn nhiều thì giờ vừa hao tổn sức khỏe.
Vì sao ít người dành thời gian ấy để nghiên cứu, học tập, rèn luyện thể lực, thụ cảm nghệ thuật. Phải chăng không cần những thứ đó, họ vẫn có nhiều tiền, vẫn thăng quan tiến chức?
Trần Chí Kông
Một bữa nhậu có thể có tác dụng giải tỏa những ức chế mà người ta thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, khiến người ta dễ giãi bày tâm sự để chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp (nhưng phải nói thêm là cũng có những trường hợp muốn “giải sầu” nhưng “rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm!”).
Đối với một số tầng lớp nào đó, cuộc nhậu cũng có thể chỉ là một thứ giết thời giờ vì không biết làm gì khác, về nhà thì không có gì để làm, cũng chẳng thích đọc sách, dạy con học thì dạy không nổi... thực chất là nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt hay đúng hơn là sự trống rỗng trong đời sống tinh thần, không biết đầu tư thời gian vào cái gì, và cũng chẳng có sự nghiệp gì để dồn công sức vào.
Nhưng nếu bây giờ hiện tượng nhậu ngày càng tràn lan thì phải chăng đó là do những dạng tâm trạng ức chế khác nhau đã lan ra phổ biến trong các tầng lớp xã hội, và chuyện đi nhậu trở thành như một thứ lối thoát tiêu cực, một sự chạy trốn hay che mắt khỏi thực tại? Phải chăng đây là biểu hiện của một tình trạng vong thân hay tha hóa, hiểu theo nghĩa triết học chứ không phải theo nghĩa đạo đức, khi mà người ta thấy bất an và mất đi sự tự tin, không cảm thấy phát triển được và tự khẳng định được trong không gian lao động và không gian xã hội vốn còn nhiều nghịch lý và bất trắc, mà ngược lại chỉ nhận ra bản thân mình khi ăn nhậu bù khú với bạn bè?
Nếu quả đúng như vậy thì hiện tượng nhậu ngày nay không còn chỉ là một vấn đề xã hội mà đúng hơn đã trở thành một vấn đề của xã hội.
___________________________________________________________
(1) Xem Tự vị Annam-Latinh năm 1772-1773 của Pigneaux de Béhaine, do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tr.341; Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quấc âm tự vị, tập II, Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol&Cie, 1896, tr. 127.
(2) Cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức xuất bản năm 1931 vẫn còn giải thích chữ nhậu là uống, như nhậu rượu, nhậu nước (tr. 409). Nhưng đến cuốn Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị ấn hành năm 1958 thì bắt đầu định nghĩa chữ nhậu là “uống, thường là uống rượu” (tr. 967). Và đến cuốn Việt Nam tân từ điển minh họa cũng của Thanh Nghị in năm 1967 thì chữ nhậu chỉ còn lại một nghĩa là “uống rượu”, thí dụ: rủ nhau đi nhậu (tr. 1.010).
(3) Xem Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên), Viện Ngôn ngữ học, tr. 715.

"Dịch"... ăn nhậu và hiểm họa của một xã hội tiêu dùng
Cần bao nhiêu thực phẩm cho một một bữa trưa đô thị? Khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này, trừ phi có kết quả của một test xã hội học. Tuy nhiên nếu được quyền phát biểu "tọa độ" thì có thể đa số sẽ nghiêng về phương án "nhiều" hoặc "rất nhiều".

Giản tiện hơn,  có thể làm một chuyến "kinh lý" dạo qua các chốn "ẩm thực" Hà Thành sẽ thấy giữa phán đoán và hiện thực khoảng cách sẽ chẳng là bao.  Có thể không nhất thiết phải đến phố ẩm thực, mà ở bất cứ nơi đâu trong đô thị gần bảy triệu dân này, đều có thể vấp phải hằng hà sa số những nhà hàng ẩm thực từ bình dân cho đến VIP. Những chốn này có thể khác nhau về rất nhiều thứ, từ biển hiệu tên gọi cho đến đồng phục nhân viên , bài trí kiến trúc, chất lượng phục vụ v.v...tuy nhiên, có một điểm tuyệt đối giống là chúng luôn tấp nập, đông đúc đến không ngờ.


Một lần theo chân anh bạn là một thương nhân, đến ăn trưa ở nhà hàng MT, một nhà hàng khá nổi tiếng thuộc khu vực quận Cầu Giấy. Trong lúc chờ gọi món, tôi tranh thủ lướt một vòng xung quanh và khá ngạc nhiên khi thấy cả khuôn viên vài trăm m2 hầu như không sót một chỗ trống. San sát các loại xe hơi, xe máy ken chặt đến từng xăng-ti. Suốt bốn tầng lầu, của cái nhà hàng "khủng" có diện tích mặt sàn có lẽ phải vài trăm m2 ấy đều tưng bừng rộn rã như nhà có đám.
Bất chấp các lời cảnh báo thống thiết của các chuyên gia y tế về một chế độ ẩm thực lành mạnh để phòng tránh bệnh Gút (Gout). Những thực khách béo tốt hồng hào vẫn nhiệt tình gắp, rót đánh nhắm. Những món sơn hào, hải vị liên tiếp được bưng ra, những thùng Bitburger, Calsberg, Heinekent.. nhanh chóng được nốc cạn sau các cú "dô" động trời. Sau tất cả quang cảnh đó tôi tự hỏi người ta đã phải chi bao nhiêu cho những bữa trưa như vậy. Chỉ cần liếc qua quyển thực đơn với đơn giá làm giật thột bất kỳ ai có thu nhập ở mức tròm trèm 5, 6 triệu một tháng. Và cũng như trên, câu trả lời cũng sẽ là "không ít" hoặc  "rất nhiều".
Sáng, trưa, chiều, tối. Bất kỳ lúc nào họ cũng có thể ăn nhậu . Bình dân nhậu kiểu bình dân. VIP nhậu kiểu VIP. Thực đơn, bảng giá, không gian, địa điểm...có thể khác nhưng độ hết mình "tới bến" thì hoàn toàn bình đẳng. Chỉ một nhóm khoảng 4, 5 người thôi, cũng sở hữu cả một mâm đầy đủ các món sơn hào, hải vị. Món này chưa hết đã tới  món kia. Rượu, bia nổ bôm bốp. Có người uống say rồi chạy vào toilet móc ra lại uống tiếp.
Khách VIP nhậu... Ảnh 24h
Hôm nay gặp mặt, ngày mai lại hội ngộ, ngày kia lại tái ngộ. Bất chấp thiên hạ có bão giá, khủng hoảng hay lạm phát, họ vẫn cứ nâng ly bởi sự ăn uống ở đây hình như đã vượt qua sự cầu no hay ngon, mà  thành một nhu cầu tâm lý, một niềm vui sống bất khả cưỡng thì phải.
Sáng điểm tâm bằng phở bò Kobe, tối  uống cà phê Window. Hôm nay ăn thịt rừng, ngày mai chén hải sản... "Bệnh tòng khẩu nhập" đương nhiên những tai họa cũng sẽ liền kề khi sự "thái quá" đã trở thành "bất cập". Không đơn giản là chứng "thực tích" (ăn không tiêu) hay các biểu hiện rối loạn hệ tiêu hóa thông thường, mà là những trọng bệnh-nan y hiểm ác nằm tận nơi gầm gan, cuống ruột; bởi những lườn ngan quay, gan ngỗng béo, tôm hùm, bào ngư hay những thùng bia, rượu ngoại nhập đẳng cấp  kia khi được nhồi vào quá cỡ, sẽ lập tức "trở giáo" biến thành chất độc hại. Nếu không hành cho tạng phủ phải mệt nhoài, dẫn đến suy gan, suy thận, thì cũng biến thành Axit Uric làm tấy khớp, sưng chân, khiến cho những nạn chân Gút không khỏi khóc dở, mếu dở.
Song điều đáng nói ở đây là, những thiệt hại ở phần ngoại biểu, phần có thể nhìn thấy, dường như lại chưa phải là duy nhất. Không phải đương nhiên mà Liên hợp quốc lại xếp "chủ nghĩa tiêu thụ" cùng với hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên là hai hiểm họa lớn nhất đe dọa cuộc sống con người.
Và cũng không phải đương nhiên, mà đạo Phật lại cho sự Tham lên hàng đầu trong ba sự độc hại tinh thần (tam độc: Tham, sân, si) khiến con người bị trầm luân mãi vào vòng luân hồi đau khổ. Trên một trang web tôn giáo khi kiến giải về vấn đề ăn chay,  một phật tử đã đưa ra các lí lẽ khá gần gũi với khoa học thực nghiệm, tác giả cho rằng: Bộ răng người không giống bộ răng các loài ăn thịt mà giống các loài ăn rau, cỏ, hoa, quả và củ.
Loài ăn thịt đổ mồ hôi bằng lưỡi. Thế cho nên, trời nực ta thấy cọp hay chó thè lưỡi ra, mồ hôi. Rồi nồng độ acid trong bao tử loài ăn thịt mạnh gấp mười nồng độ acid trong bao tử loài ăn rau cỏ, vì thịt khó tiêu hơn rau cỏ. Nồng độ acid trong bao tử con người cho ta thấy con người thuộc loài ăn rau cỏ. Bởi vậy, khi ăn nhiều thịt cá, thường có cảm giác ấm ách nặng nề, nếu thái quá có thể bị bội thực; hoặc ruột loài ăn thịt chỉ dài gấp 3 lần chiều dài của nó (để mau tiêu hóa loại thực phẩm mau hư thối), nhưng ruột loài ăn rau thì phải gấp 10, đến 12 lần cơ thể, ruột con người dài trung bình đến 18m vì thế đó sẽ là bộ máy tiêu hóa phù hợp với các loại thực phẩm thực vật.
Nếu như cái sự ẩm thực của con người mà bất tuân theo sắp xếp tự nhiên, hợp lý của tạo hóa, mà quá lạm dụng các thực phẩm có nguồn động vật, thì không những nội tạng dễ bị hư tổn mà tâm tính cũng dễ sinh ra nóng nảy, hung dữ...
Khách bình dân cũng nhậu... Ảnh Dân Việt
Thực tế cho thấy, bất chấp những lời khai thị của các nhà đạo đức, tôn giáo hoặc các nhà khoa học. Để phục vụ sự khoái khẩu của mình, con người đang dần dà xơi tiệt những loài theo cách nhìn của đạo Phật là bình đẳng với chúng ta với tư cách "chúng sinh". Từ  "tôm, cua, ốc, ếch, lươn, trạch..." đến "rắn, rết, dế, giun, sâu chít, bọ măng..." đương nhiên, trên hành trình tìm-diệt các món thời thượng, danh mục này chưa phải đã kết thúc, mà còn đang được bổ sung hàng ngày.
Tất cả hiện thực đáng ngại này là đường dẫn đến một hiện thực kinh hãi đằng sau. Đó là chúng ta đang bị thống trị bởi chủ nghĩa hưởng thụ, mà ẩm thực chỉ là những chấm phá của một bức tranh toàn cảnh về một xã hội tiêu dùng.
Nếu thực sự quan tâm đến nó bạn có thể vào những trang cá nhân, như  Ladyclub; hanghieu.com....để tìm hiểu về thú mua sắm của các quí bà. Sự kinh ngạc sẽ là tất yếu, bởi bạn làm sao có thể lý giải được vì đâu người ta có thể trả bảy, tám chục triệu cho một  chiếc ví xách tay nhỏ xíu hiệu Chanel; hay sẵn sàng móc khỏi hầu bao một số tiền tương tự để trang bị cho mình một chiếc áo khoác hiệu Louis Vuitton, hoặc Gucci gì đó.
Nếu bạn thuộc nhóm người xa lạ với những người quan trọng -VIP  thì bạn càng kinh ngạc trước số tiền nhiều tỷ các đại gia bỏ ra để sắm một con xe hơi  Porche hay MayBach. 29 chiếc xe hiệu siêu sang Rolls-Roy đã có mặt tại Việt Nam, trong đó có chiếc đắt nhất có giá đến 29 triệu USD (khoảng trên 600 tỷ VND).
Đó là những con số do báo VTC News đưa ra, cùng với lời bình luận của một chuyên gia nước ngoài là "quá nhiều với một thị trường khiêm tốn như Việt Nam". Một nền kinh tế mà thu nhập bình quân đầu người vẫn đang nằm ở tốp sau của thế giới (1.200USD/người/năm số liệu năm 2010).
Điều nguy hại của chủ nghĩa hưởng thụ là, đằng sau những phồn hoa đô thị không những nó tạo ra cảm giác thịnh vượng ảo cho một nền kinh tế mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, về mặt xã hội, nó tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội.
Cách khác, nó còn dẫn đến tình trạng hoen gỉ tâm hồn của những cư dân đang biến mình thành tín đồ của chủ nghĩa đồ vật và cam phận làm nô lệ  cho những lạc thú bản năng.  Trên bình diện đạo đức, rõ ràng khó có thể trông đợi sự "hằng tâm" của những kẻ tôn thờ thần khoái lạc. Có lẽ chính vì thế, nên các nhà lãnh đạo tinh thần ở Vatican qui nó vào một trong những nguyên nhân chính làm xói mòn đức hạnh và niềm tin.
Trung Quốc cũng đã có luật cấm quảng cáo những đồ xa xỉ phẩm, cấm dùng những từ như sang trọng hoặc "đẳng cấp" đối với một số mặt hàng. Sở hữu ngôi nhà khang trang hoặc một chiếc xe đẹp  không phải là một cái gì đó đáng để phê phán. Song, nếu tận lực tham gia trò cút-bắt không tiền khoáng hậu với các gía trị vật chất vạn biến, thì có lẽ sẽ khó có thể có thời gian để vệ sinh tâm hồn và vì thế cái đích xây dựng một thế giới nhân bản và thân thiện sẽ mãi mãi vẫn còn ở phía trước.

Tổng số lượt xem trang