Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Giới đầu tư chờ đợi hứa hẹn lâu dài của Việt Nam

Giới đầu tư chờ đợi hứa hẹn lâu dài của Việt Nam anhbasam
The Economic Times-Ngày 24-4-2011
Hà Nội – Bất chấp những khó khăn dai dẳng về kinh tế của Việt Nam, tháng này, một thỏa thuận đáng nhớ đã cho thấy giới đầu tư nước ngoài vẫn bị thị trường mới nổi này quyến rũ nhờ có dân số trẻ và đang tăng lên cùng với thu nhập quốc dân khả dụng.
Việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần tư nhân lớn nhất từ trước tới giờ ở đất nước cộng sản này, tại thời điểm mà lạm phát đang tăng vọt và đồng nội tệ nghiêng ngả, đã cho thấy rõ niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng của Việt Nam trong dài hạn, vượt khỏi những bất ổn vĩ mô hiện thời.
Công ty đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR), trụ sở ở Mỹ, sẽ trả 159 triệu USD để nhận 10% cổ phần của tập đoàn tiêu dùng Masan, nhà sản xuát nước mắm hàng đầu ở Việt Nam. KKR vừa tuyên bố như vậy hôm 13/4.
“Cổ phiếu KKR có chiều hướng lên giá ở Việt Nam” – phát ngôn viên của KKR, Ming Lu, nói. “Trong thập niên qua, nước này đã có tiến bộ đáng kể về kinh tế, cải cách cơ cấu, cũng như gia tăng mức sống một cách đáng chú ý”.

Theo ông Adam Sitkoff, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, với tốc độ tăng GDP trung bình 7,1% hàng năm từ năm 1990 đến 2009, 87 triệu người dân của nước Việt Nam, trong đó một nửa dưới 30 tuổi, giờ đây đang là một lực lượng tiêu dùng “háu đói”.
“Bây giờ tôi đi đường, trông thấy một đứa trẻ Việt Nam chừng 10 tuổi cầm iPod và đội mũ Gucci, tôi vẫn còn sốc” – ông nói với AFP và giải thích rằng nhiều thập kỷ bị hạn chế lựa chọn, hàng hóa chất lượng thấp mà giá cả lại cao, đã sinh ra một thứ nhu cầu bị dồn nén.
Cửa hàng thời trang, điện thoại thông minh BlackBerry và xe BMW gần như đã thành phổ biến chẳng kém gì những băng rôn đỏ, đồng phục bộ đội và loa phường đặc thù của đường phố thủ đô Hà Nội – các biểu tượng của chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục lấn át khung cảnh chính trị nơi đây.
Nhưng sự mở rộng nhanh chóng kể từ đầu thập niên 90 – sau khi đất nước bắt đầu chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường – đã đến với Việt Nam cùng cái giá của nó. Có một dạo Việt Nam được ngợi khen là “con hổ châu Á” mới.
Cũng tương tự như các thành viên khác của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore hay Malaysia, Việt Nam đã phải vật lộn để theo kịp đà mở rộng của chính mình. Marc Mealy, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nhận xét như vậy.
Ông nói: “Trong trường hợp Việt Nam, tốc độ tự do hóa để nhận vốn (tư bản) toàn cầu, ở chừng mực nào đó, đã vượt tốc độ phát triển của thể chế và các nguồn lực con người để có thể điều hành nền kinh tế vĩ mô”.
Những vật cản vẫn rất dữ dội và dai dẳng: Lạm phát gần 14%/năm vào tháng ba, thâm hụt thương mại ước tính 12,4 tỷ USD năm ngoái, nội tệ suy yếu, sụt giảm giá bốn lần kể từ cuối năm 2009.
Tham nhũng, quan liêu, lãng phí cũng làm tổn  hại uy tín về tài chính của Việt Nam trên toàn cầu, với điểm tín nhiệm của các doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục bị đe dọa bởi vụ suýt-phá-sản của hãng đóng tàu Vinashin.
Ổn định kinh tế, thay vì tăng trưởng, do đó đã trở thành ưu tiên chính của chính phủ, với việc Đảng Cộng sản, tại Đại hội đảng 5 năm một lần hồi tháng 1 vừa rồi, tuyên bố điều chỉnh toàn bộ mô hình phát triển kinh doanh.
Trong khi các nhà phân tích hoan nghênh động thái này, thì Moody, công ty đánh giá tín dụng toàn cầu, vẫn giữ cái nhìn bi quan về Việt Nam trong một báo cáo ra hôm thứ tư vừa rồi.
Báo cáo “phản ánh mối lo ngại về tính bền vững của cán cân thanh toán quốc gia, bất chấp các biện pháp ổn định vĩ mô gần đây của chính phủ”.
Nhà phân tích Christian de Guzman của hãng Moody cho rằng Việt Nam “đầy rủi ro” đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn xem xét việc mua cổ phiếu hay trái phiếu của đất nước này, và lời lãi thì đã “cạn kiệt”.
Nhưng ông cho rằng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong dài hạn “vẫn rất dồi dào và tiếp tục tăng với một tốc độ ổn định”
Số liệu của chính phủ cho thấy FDI đăng ký ở Việt Nam đạt tổng cộng 2,54 tỷ USD trong quý đầu năm 2011, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư dài hạn đó “tin vào nội lực mạnh mẽ của Việt Nam và tin rằng các yếu tố (bất ổn) kinh tế vĩ mô hiện tại chỉ là nhất thời” – nhà kinh tế Dariusz Kowalczyk thuộc tổ chức Credit Agricole CIB nói.
Sức hấp dẫn chủ yếu của Việt Nam là tiền công lao động rẻ, khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc sử dụng Việt Nam trong chiến lược “Trung Hoa cộng một”, tức là bổ sung thêm một cơ sở sản xuất nữa bên cạnh người khổng lồ châu Á.
“Việt Nam có nội lực tăng trưởng rất mạnh nhờ ở tinh thần kinh doanh của dân chúng” –  Kowalczyk nói. “Người dân có vẻ thật sự bị thúc đẩy phải cải thiện cuộc sống của họ”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các nhà đầu tư bỏ tiền vào một đất nước độc đảng như Việt Nam sẽ vẫn cần bằng chứng cho thấy Việt Nam có thể noi gương Trung Quốc trong việc quản lý có hiệu quả việc hoạch định chính sách và nhờ đó duy trì ổn định xã hội.
“Trong một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, có rủi ro lớn rằng chính phủ sẽ phạm sai lầm và làm cho lợi nhuận thu được từ đầu tư bị suy giảm” – ông Kowalczyk nói.
Trong lúc tinh thần lạc quan đang xẹp xuống, một số người tin rằng việc KKR bỏ phiếu tín nhiệm có thể kích thích sự quan tâm, chú ý tới Việt Nam hơn.
Ông Dan Hallett – giám đốc quản lý tài sản ở Tập đoàn Tài chính High View, một công ty quản lý đầu tư Canada – nhận định: “Hợp đồng của KKR chắc chắn sẽ khiến một số nhà đầu tư phải nhìn lại”.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

- Giới đầu tư quốc tế vẫn « đặt cược » vào triển vọng lâu dài của Việt Nam   —  (RFI).
- Hệ số tín nhiệm không ảnh hưởng nhiều tới FDI vào VN (VEF).

Tổng số lượt xem trang