Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Hải quân Trung Quốc sẽ vươn tới đâu?

Hải quân Trung Quốc sẽ vươn tới đâu?
Dr Graham Ong-Webb 
 Sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc không hẳn là một cách biểu hiện sự hiếu chiến, mà là một nỗ lực nhằm rũ bỏ mọi “gông cùm” từ lâu hạn chế phạm vi chiến lược của họ. Tuy nhiên, vẫn có lý do để lo ngại: bất cứ cuộc xung đột quân sự nào liên quan đến Trung Quốc hầu hết sẽ bắt đầu và diễn tiến trên biển.
Cũng được nhắc đến như sự nổi lên về kinh tế, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự không có gì mới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vấn đề đặc biệt này mới được bàn luận, phê bình sôi nổi. Riêng năm ngoái đã có một loạt các bài báo và cuộc thảo luận về chủ đề này. Một bài xã luận trên tờ New York Times nhấn mạnh đến cái mà họ gọi là ý định của Trung Quốc thách thức vai trò bá chủ của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, việc Trung Quốc hung hăng đòi chủ quyền đối với các đảo đang tranh chấp ở ngoài khơi biển Hoa Đông và biển Đông, và "Washington phải đáp trả thận trọng và cương quyết" như thế nào.

Chúng ta có nên thực sự lo lắng đến như vậy không? Câu trả lời ngắn gọn là . Không phải bởi vì Trung Quốc đang tìm cách trở thành một cường quốc hiếu chiến. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thể hiện kiểu tham vọng bá chủ toàn cầu mà những nhân vật diều hâu và cực hữu trong chính trường Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thường miêu tả. Nhưng sức mạnh hải quân của Trung Quốc đáng để lo ngại bởi biển có thể là "địa hạt" rộng lớn nhất mà một cuộc xung đột quân sự liên quan đến Trung Quốc có thể bùng phát và diễn tiến. Vì nhiều lý do.
Bảo vệ mục tiêu kinh tế và địa chính trị
Lý do thứ nhất liên quan đến mức tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc. Lịch sử nói với chúng ta rằng sức mạnh hải quân của một nước có xu hướng liên quan trực tiếp tới sức mạnh kinh tế của nước đó, và Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
Đúng là Trung Quốc đã chậm chạp trong việc thay đổi cách nghĩ liên quan đến lục địa của mình. Thực tế là 14 quốc gia trong đất liền có chung đường biên giới với Trung Quốc, trong khi chỉ 6 quốc gia biển ở xung quanh bờ biển nước này. Tuy nhiên, giờ đây khi Trung Quốc đã giải quyết xong 12 trên tổng số 14 cuộc tranh chấp biên giới trên bộ với các nước láng giềng, thì biển là đường biên giới cuối cùng mà Bắc Kinh cảm thấy buộc phải bảo vệ.
Mục tiêu này, xét ở một góc độ nào đó, mang tính khẩn cấp. Sự bùng nổ của thương mại toàn cầu chỉ có thể diễn ra thông qua vận chuyển hàng hóa trên biển. Bắc Kinh cảm thấy phải bảo vệ các tuyến đường biển, vốn vừa là nơi vận chuyển hàng hóa (khoảng 90% lượng hàng xuất - nhập khẩu của nước này) và cũng là nơi vận chuyển các nguyên liệu và năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài mà nếu không có chúng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị đình trệ. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cảm thấy phải bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền lãnh hải của mình. Với nhiệm vụ "phòng thủ bờ biển", Hải quân Trung Quốc quyết bảo vệ 18.000 km đường bờ biển của mình.
Hiện Hải quân Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ khu vực nước này đòi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách 200 hải lý từ thềm lục địa của mình. Tính hợp pháp của khu vực này đang bị tranh cãi với Nhật Bản, và trong quá khứ các tàu hải quân của Mỹ đã từng dạo qua các vùng nước nơi đây.
Giới chức Trung Quốc cũng sẽ đòi chủ quyền đối với 3 triệu trong tổng số gần 5 triệu km2 "bất động sản trên biển" tại biển Hoa Đông, biển Đông và Hoàng Hải, nơi có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên biển. Bắc Kinh cũng đang cố gắng tăng cường khả năng tuần tra của hải quân tại các khu vực này nhiều hơn các nước láng giềng trong khu vực, đẩy Hải quân Trung Quốc hướng tới khái niệm "phòng thủ biển xa" - điều có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trên biển.
Không chỉ các lợi ích kinh tế, mà các lợi ích địa chính trị cũng đang khiến Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân, đặc biệt ở Eo biển Đài Loan - điểm nóng nhất trên biển. Mục tiêu thống nhất đảo Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu cần, giờ không còn được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng mà bởi địa chính trị. Như một báo cáo của Chính phủ Mỹ năm 2008 đã nêu, Đài Loan được xem là tiêu điểm mà từ đó Trung Quốc có thể "thoát" khỏi thế bị răn đe hàng thế kỷ qua ở dọc bờ biển Thái Bình Dương và đảm bảo môi trường an ninh của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  "Đường răn đe" này cũng được biết đến như "chuỗi đảo đầu tiên" chạy từ quần đảo của Nhật Bản tới Philippines, vốn ngăn cản Đại lục tiếp cận tự do với đại dương rộng lớn. Việc sở hữu Đài Loan sẽ luôn giúp phá vỡ những tai họa về địa lý đối với Trung Quốc. Kết quả là Eo biển Đài Loan - cũng như biển Đông và Hoàng Hải - đã trở thành những ưu tiên địa lý định hướng cho các kế hoạch quân sự và gia tăng mua sắm vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Khả năng hải quân - chỉ là một đầu của con rắn nhiều đầu
Hơn nữa, phải nói rằng "sức mạnh hải quân" ngày càng gia tăng của Trung Quốc không chỉ là sự mở rộng hạm đội tàu nổi và tàu ngầm. Toàn bộ lực lượng vũ trang đều được cải tiến hướng tới sự tinh vi hơn nhằm phối hợp các khả năng tác chiến trên biển, trên không, trên bộ và trong không gian để tăng cường khả năng sát thương tổng thể và tính hiệu quả. Hải quân Trung Quốc chỉ là một cái đầu của con rắn quân sự nhiều đầu của nước này. Theo nghĩa rộng hơn, Hải quân Trung Quốc nên được xem là một người chỉ huy tạm thời các khả năng quân sự liên quan đến biển, trên không, trên bộ và trong không gian mà Trung Quốc sẽ sử dụng để chống lại một đối thủ khi xảy ra xung đột trên biển.
Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc đang chế tạo và có thể huy động một số sức mạnh trên không, trên bộ và trong không gian, có thể ảnh hưởng tới khả năng Đài Loan ngăn cản hải quân đại lục tiến sát bờ hòn đảo này và ảnh hưởng tới khả năng Hải quân Mỹ sử dụng lực lượng quân sự tại eo biển này. Hiện Trung Quốc đang chế tạo một tàu sân bay, nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm, máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa chống vệ tinh.
Hồi tháng 1/2011, truyền thông Trung Quốc đã phát tán một cuốn băng video về hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được hạ thủy thử nghiệm. Mục đích việc hạ thủy chiếc tàu sân bay này có thể như sự khẳng định mình trước sự hiện diện của nhóm gồm 11 tàu sân bay của Mỹ trên các đại dương.
Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, một phiên bản được nâng cấp từ một tàu đang chế tạo dở, mua của Ukraine năm 1998, là thế hệ sau công nghệ tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc trưng bày một tàu sân bay từ những năm 1990 không phải là để chạy đua vũ trang với Mỹ. Đơn giản, nó nhằm xác nhận một nhu cầu thực dụng của việc sử dụng công nghệ tàu sân bay để bảo vệ tốt hơn hạm đội tàu nổi của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc tính toán rằng một tàu sân bay với 40 máy bay trên đó có thể tiến hành một cuộc chiến đấu hiệu quả với sự hỗ trợ của khoảng 200 - 800 máy bay từ các căn cứ trên mặt đất. Một tàu sân bay Trung Quốc, được hỗ trợ bởi một hạm đội tàu ngầm tấn công, có thể cho phép lực lượng Hải quân nước này bảo vệ khu vực vượt ra ngoài "chuỗi đảo thứ hai", kéo dài từ Aleutians đến Papua New Guinea.
Khả năng tên lửa chống hạm còn mới toe của Trung Quốc có thể đe dọa các hàng không mẫu hạm Mỹ. Đầu tháng Một vừa qua, Giám đốc tình báo Mỹ thừa nhận tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc đã đạt được khả năng tác chiến mong muốn, có thể tấn công tới các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Trước đó, các quan sát viên Mỹ còn hoài nghi rằng các kỹ sư Trung Quốc khó có thể làm chủ môn khoa học tinh vi như việc điều khiển một hàng không mẫu hạm.
Với khả năng huy động DF-21D, Hải quân Trung Quốc sẽ đe dọa Hạm đội Bảy của Mỹ khi tới gần Eo biển Đài Loan. Mục tiêu chính sẽ là USS George Washington, chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tham gia hạm đội này với nhiệm vụ mang máy bay chiến đấu tốt nhất của Hải quân Mỹ có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, trên không và trên bộ của Trung Quốc, và phá hủy các hệ thống radar quan trọng của nước này. Những chiếc máy bay trên chiếc George Washington này có tầm bay dưới 1.000 km. Vì vậy DF-21D của Trung Quốc, với tầm bay tương tự, có thể ngăn các máy bay của Mỹ ra khỏi tầm gây sát thương.
Các máy bay cảnh báo sớm trên không của Mỹ và Đài Loan hỗ trợ lực lượng hải quân của họ cũng không tránh khỏi nguy cơ bị tấn công. Báo cáo hồi đầu tháng Một cho thấy quân đội Trung Quốc đã bay thử thành công loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 tự chế tạo với cái tên "Đại bàng đen" J-20, được thiết kế để phá hủy những máy bay có thể cung cấp thông tin tình báo và giám sát tức thời về một cuộc tấn công trên biển của Trung Quốc. Trước đó, giới quân sự Mỹ cho rằng J-20 sẽ chỉ có thể được đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2020.
Cuối cùng, quân đội Trung Quốc đang tiến rất gần tới việc cho ra đời loại tên lửa chống vệ tinh có thể phá vỡ mạng lưới vệ tinh mà quân đội Mỹ dựa vào để lên kế hoạch và phối hợp hiệu quả các lực lượng hải quân, không quân và bộ binh của mình. Tháng 1/2007, Bắc Kinh đã phá hủy thành công một trong những vệ tinh thời tiết của mình bằng một tên lửa chống vệ tinh trực tiếp, dựa vào một khung máy bay từng sử dụng cho DF-21D, vì vậy có thể phá tan các vệ tinh của Mỹ ở quỹ đạo thấp.
Theo các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc, vệ tinh quân sự và các mạng lưới thông tin của Mỹ vừa mạnh nhất, vừa yếu nhất. Chúng giúp quân đội Mỹ hoạt động hiệu quả hơn, nhưng khả năng chiến đấu này sẽ trở thành "mù, điếc, câm" nếu không có chúng.
Các kế hoạch chế tạo trên thúc đẩy niềm tin của quân đội Trung Quốc trong việc hoàn thiện cái mà họ xem là khẩn cấp an ninh quốc gia. Chưa biết Trung Quốc có đạt tiến bộ trong các tham vọng bá chủ của mình hay không, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh đang dỡ bỏ những "gông cùm" hạn chế phạm vi chiến lược của họ.
Một báo cáo mới đây của Cơ quan tình báo hải quân Mỹ nhận định Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu phá vỡ các giới hạn địa lý trong cách nghĩ về "phòng thủ biển xa". Họ dường như đã được giao nhiệm vụ mạo hiểm "xa chừng nào các khả năng quân sự cho phép huy động các lực lượng đặc nhiệm ngoài khơi trong điều kiện một loạt sự trợ giúp và an ninh". Việc huy động một tàu hộ tống hải quân Trung Quốc tới vịnh Aden để bảo vệ tàu thuyền của nước này trước hải tặc Somalia hồi đầu tháng Một là một bằng chứng rõ nét.

Câu hỏi cần đặt ra lúc này là an ninh hàng hải như thế nào là đủ với Bắc Kinh. Câu trả lời sẽ quyết định việc Bắc Kinh muốn lực lượng hải quân của mình đi xa tới đâu.
Quốc Thái dịch theo isn.ethz.ch
--


 Một nhà phân tích chiến lược hàng đầu của Mỹ cảnh báo, tiến bộ quân sự của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Guam sẽ mất vị trí như một “bến cảng an toàn” cho lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương.
'Tiến bộ nhanh chóng'
"Chúng ta không còn nằm ngoài tầm với”, Thomas Mahnken, giáo sư tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ ở Rhode Island nói trong một cuộc phỏng vấn. Trong trường hợp đặc biệt, ông cho rằng, các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có thể dội xuống sân bay và những căn cứ khác của Mỹ trên đảo này. “Họ dùng rất nhiều tài nguyên vào các chương trình tên lửa”, Mahnken nhấn mạnh.
Theo ông, trong khi Mỹ vướng bận cả một thập niên qua tại Afghanistan và Trung Đông thì Trung Quốc có tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ quân sự. "Họ tận dụng việc này”, ông khẳng định.
Bên cạnh tên lửa đạn đạo thông thường, Trung Quốc còn tập trung phát triển lên lửa phóng từ các tàu trên biển (cả hạt nhân và thông thường), tàu ngầm hạt nhân và diesel, tên lửa hành trình, vũ khí đạn đạo xuyên lục địa, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, vũ khí chống vệ tinh… Ông Mahnken cho rằng, khả năng chiến tranh ảo cũng được chú ý.
Theo ông Mahnken, quân sự Mỹ rõ ràng vẫn chiếm ưu thế, “nhưng trong một số trường hợp, lợi thế của chúng ta đang giảm sút”. Đầu tháng này, Mahnken đã đưa ra cảnh báo tương tự với Ủy ban Vũ trang Hạ viện và đại biểu của Guam tại Hạ viện Mỹ Madeleine Bordallo.
Trung Quốc đang phát triển sức mạnh quân sự để phù hợp với vị thế một siêu cường kinh tế.
"Đây là vấn đề cấp bách kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên tiến sát tới một khả năng quân sự có thể từ chối sự tiếp cận của Mỹ và đồng minh với hầu hết vành đai tây Thái Bình Dương. Giả định rằng, các căn cứ Mỹ tại Guam, Nhật Bản và những nơi khác có thể an toàn trước một cuộc tấn công giờ đây trở thành vấn đề phải hoài nghi”, ông nói với Ủy ban.
Thay đổi cán cân quyền lực
Quân đội Trung Quốc đang phát triển hệ thống tên lửa hành trình và đạn đạo cùng một số khả năng khác được thiết kế để phá hủy hầu hết các cơ sở chủ chốt, Mahnken cảnh báo. Tuy nhiên, dù có tuyên bố của Mahnken, thì trong một bài phát biểu, bà Bordallo nói rằng: “Không có mối đe dọa đặc biệt nào từ Trung Quốc có thể chống lại các lợi ích Mỹ tại Guam. Việc sắp xếp lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương là để phản ứng tốt hơn với các mối đe dọa hoặc các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Hơn nữa, quân đội của chúng ta vẫn duy trì nhiều tài sản có thể đối phó với nhiều loại vũ khí mà bất cứ quốc gia nào có thể đưa ra”.
Bà Bordallo còn nhấn mạnh: "Dù tôi chia sẻ quan ngại về mức độ đầu tư của Trung Quốc cho quân sự, cũng như sự thiếu minh bạch trong mục tiêu phát triển, nhưng tôi cũng tin tưởng rằng, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục cải thiện thông qua sự tương tác lớn hơn giữa quan chức quân sự hai nước cũng như các cơ hội kinh tế lớn hơn giữa hai quốc gia”.
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ trông chờ vào một hệ thống căn cứ tiền phương để ngăn cản đối thủ và trấn an đồng minh. Mahnken cho rằng, trong hệ thống ấy, Guam thường được coi là “đầu ngọn giáo”. Ông nói với Ủy ban Vũ trang Hạ viện Mỹ: “Giả thuyết các tàu hải quân Mỹ có thể hoạt động tự do ở mọi phần của Tây Thái Bình Dương là đáng nghi ngờ”.
Câu hỏi chính là liệu Trung Quốc có coi Guam như một “vạch đỏ” mà họ không dám vượt qua vì nguy cơ đáp trả của Mỹ. Ông dự đoán, nếu xảy ra một cuộc xung đột quanh vấn đề Đài Loan, thì Guam có thể trở thành “sân chơi” với cả hai bên.
Mahnke nhấn mạnh, Trung Quốc làm việc cả ngày lẫn đêm để phát triển “một chương trình làm suy giảm hay phá hủy các khả năng chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc của Mỹ cũng như hệ thống tình báo, do thám, giám sát và hàng hải vốn rất quan trọng với hoạt động quân sự Mỹ”.
Lực lượng Mỹ sẽ khó khăn trong phòng thủ, ông nói, nhưng Trung Quốc rõ ràng đang phát triển sức mạnh quân sự để phù hợp với vị thế một siêu cường kinh tế. Tóm lại, ông tuyên bố trước các nghị sĩ: "Công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có nguy cơ làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á”.
Để đối phó, theo Mahnken, Mỹ nên tăng cường các mạng lưới tình báo, do thám và giám sát ở Thái Bình Dương; củng cố và đa đạng hóa các căn cứ trong khu vực này, đặc biệt là Guam, đồng thời hỗ trợ lực lượng tàu ngầm của đồng minh, phát triển tốt hơn sự liên kết giữa họ.

>> Sao phải hoảng hốt với đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc
Theo Vietnamnet
 

Tổng số lượt xem trang