Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Hiệu quả 3 ngành xuất khẩu chủ lực: Số O

Hiệu quả 3 ngành xuất khẩu chủ lực: Số O
Đó là phần kết luận, ngày 20/4, của nhóm chuyên gia CIEM sau quá trình nghiên cứu dài cả năm nay về ba ngành xuất khẩu chính là may mặc, thuỷ sản và điện tử.
Cả ba ngành này từ lâu đã trở thành những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được thế giới biết đến. Bên cạnh đó, cả ba ngành này đã được hỗ trợ không ít bởi các chính sách của Nhà nước.
Hàng điện tử xuất khẩu: 100% là FDI
Báo cáo của CIEM cho biết, tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp điện tử đạt gần 3,6 tỉ USD trong năm 2010 và 4 tỉ USD trong năm 2011.

Trong số đó, miếng bánh áp đảo thuộc về doanh nghiệp FDI, rồi đến doanh nghiệp tư nhân trong nước và cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất ở mức trung bình khoảng 17 – 18% mỗi năm.
Công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vô cùng thấp. Chẳng hạn, công ty Fujitsu Việt Nam nhập khẩu 100% linh kiện và nguyên vật liệu, trong khi công ty Panasonic Việt Nam và công ty Sanyo Việt Nam chỉ sử dụng sản phẩm trong nước là thùng carton và xốp.
Các doanh nghiệp trong ngành nhập khẩu tới 82% nguyên liệu để sản xuất trong nước.
XK cá philê VN lãi vỏn vẹn 30 cent (6.000 VND) so với ít nhất 3 EUR (90.000 VND) của doanh nghiệp Đức (IE)
Bà Nguyễn Minh Thảo, nghiên cứu viên của CIEM nói: “Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam lạc hậu 10 – 20 năm so với khu vực và thế giới”. Nhưng đối với ông Trần Quang Hùng, tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành, nhận xét này còn chưa sát với bức tranh xám của ngành.
Ông Hùng nói: “Làm sao có thể có giá trị gia tăng đạt mức 18% được, mà chỉ là 10% thôi. Tức là chúng ta luôn ở đáy trong paraball của chuỗi giá trị”. Ông Hùng cũng bày tỏ tâm đắc với nhận xét của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, rằng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là số không. Ông cho biết, có tới hơn 99% trị giá xuất khẩu của ngành 3,5 tỉ USD năm 2010 là thuộc về các doanh nghiệp FDI và kết luận: “Đúng là chúng ta chẳng có gì cả”.
Thuỷ sản: to nhưng vẫn yếu
Nghiên cứu của CIEM cho biết, ngành thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong 15 năm qua và trở thành hiện tượng của thế giới khi sản lượng nuôi trồng vươn lên đứng thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Lưu Minh Đức của CIEM cho biết, 1kg cá philê của doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán được 2,5 USD, rất nhỏ so với 9 EUR của doanh nghiệp Đức. Trong số đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn phần lớn số doanh thu này cho nguyên liệu đầu vào, và chỉ thu được tiền lãi vỏn vẹn 30 cent (6 ngàn VND), chẳng đáng kể so với ít nhất 3 EUR (90 ngàn VND) mà doanh nghiệp Đức thu được.
Bên cạnh đó, có tới 83% doanh nghiệp trong ngành cho biết rất cần hỗ trợ về vốn do họ thường xuyên phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Gần 83% cho biết, Nhà nước cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục thuế và hải quan, và 72% cần giải quyết về mặt bằng sản xuất.
May mặc: Câu chuyện với Trung Quốc
Theo nghiên cứu của CIEM, tất cả các doanh nghiệp liên quan đến may mặc xuất khẩu phải nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất, gần 60% ở các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất để xuất khẩu, và 70% ở các doanh nghiệp gia công.
Báo cáo của CIEM trích nguồn của UN Comtrade (tổ chức thống kê thương mại hàng hoá thế giới) cho biết một thực tại đáng lo ngại: các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu trung bình tới 50% mỗi năm từ Trung Quốc trong giai đoạn 2000 – 2008 để sản xuất. Hơn nữa, tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc lên tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành này.
Tuy vậy, Trung Quốc lại không có tên trong các thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm may mặc của Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu của CEM kết luận rằng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu của ba ngành này còn rất thấp. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực cả ba ngành đều có giá trị gia tăng thấp và được sản xuất ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế.
Đại diện cho CEM cũng nhận định chiến lược kinh doanh vừa qua của 3 ngành trên là sai do dựa vào giá rẻ đang mất dần lợi thế, mô hình gia công xuất khẩu đang trở thành trở ngại lớn, chi phí nhiên liệu tăng cao...
Những nhận xét đó liệu có bi quan, khi có tới gần 65% doanh nghiệp được khảo sát tin tưởng sẽ tăng trưởng dương và chỉ có 11% cho rằng doanh thu sẽ giảm sút trong ba năm tới?
Tư Giang (theo SGTT)
TIN LIÊN QUAN

Tổng số lượt xem trang