Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Hoa Kỳ huấn luyện các nhà hoạt động nhân quyền trên mạng

Tín hiệu báo động (panic button), một trong các kỹ thuật mới được phát triển để hỗ trợ những người hoạt động nhân quyền trên mạng (DR)
Tín hiệu báo động (panic button), một trong các kỹ thuật mới được phát triển để hỗ trợ những người hoạt động nhân quyền trên mạng (DR)
Hôm nay 8/4/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới. Trong bản báo cáo này, chủ đề về các quyền tự do trên mạng sẽ được đề cập nhiều hơn những năm trước.

Tuy thú thật là bản thân bà không hiểu gì về các mạng xã hội, nhưng Ngoại trưởng Clinton cũng đã nhận thấy là vai trò của Facebook, Twitter và You Tube trong các phong trào biểu tình vừa qua ở Ai Cập hay Iran phản ánh « sức mạnh của những công nghệ kết nối mọi người với nhau, như là nhân tố thúc đẩy thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội ».
Chính vì nhận thấy tác động to lớn của Internet như vậy cho nên từ hai năm nay, chính phủ Mỹ đã dành ra 50 triệu đôla để phát triển các công nghệ, nhằm bảo vệ những nhà hoạt động dân chủ khỏi nguy cơ bị chính phủ nước họ bắt giữ và truy tố. Hoa Kỳ cũng đã tổ chức các khóa huấn luyện cho khoảng 5.000 nhà hoạt động từ nhiều nước trên thế giới.
Cách đây sáu tuần, các nhà hoạt động nhân quyền từ Tunisia, Ai Cập, Syria và Liban đã tham gia một trong những khóa huấn luyện của Mỹ và họ đã hứa, khi trở về nước sẽ truyền bá lại những kiến thức đó cho những người khác.
Theo giải thích của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những công nghệ đang được phát triển, được đặt tên là « tín hiệu báo động », giúp cho các nhà hoạt động, trong trường hợp bị bắt giữ, có thể xóa ngay khỏi điện thoại di động danh sách tên tuổi địa chỉ những người có liên hệ. Như vậy, cơ quan an ninh sẽ không thể truy bắt luôn những người khác.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã tài trợ cho các công ty tư nhân, đa số là công ty Mỹ, để phát triển hàng chục công cụ nhằm vượt qua màng lưới kiểm duyệt do một số chính phủ lập ra. Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những công cụ này đã tỏ ra rất hữu ích tại Iran và đã trở nên phổ biến khắp vùng Trung Đông, nhưng ông từ chối tiết lộ tên của các công cụ đó, để không gây nguy hiểm cho những người có liên hệ.
Nói chung, Hoa Kỳ trang bị cho các nhà hoạt động nhân quyền những công nghệ giúp họ vượt qua những bức tường lửa trên mạng, bảo mật những tin nhắn qua điện thoại di động và chống lại những vụ tấn công tin học vào những trang web, trang blog của họ.
Theo lời thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách nhân quyền, Michael Posner, « đây cũng giống như trò đuổi bắt, các chính phủ liên tục sử dụng những công nghệ mới để bịt miệng những nhà bất đồng chính kiến. Chúng tôi thì cố đi trước một bước bằng cách hỗ trợ về mặt công nghệ, đào tạo và ngoại giao để người dân những nước đó được tự do bày tỏ quan điểm của mình. »


Mỹ giúp các nhà tranh đấu phương tiện kỹ thuật tối tân
WASHINGTON (Reuters) - Trong thời gian không xa, khi các nhà tranh đấu cho dân chủ bị công an cảnh sát tịch thu điện thoại di động, họ chỉ cần bấm một nút “báo động” là sẽ xóa sạch các số điện thoại ghi lại trong máy và gửi ra tín hiệu báo động khẩn cấp đến các nhà tranh đấu khác.
Luật Sư Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 11 tháng 5, 2007. Cô là một trong những nhà đấu tranh dân chủ thường xuyên bị an ninh Việt Nam theo dõi. (Hình: Frank Zellar/AFP/Getty Images)
Nút báo động này là một trong những kỹ thuật mới mà Bộ Ngoại Giao Mỹ đang tìm cách phổ biến cho các nhà tranh đấu dân chủ trên thế giới từ Trung Ðông sang đến Trung Quốc để chống lại các chế độ độc tài.
“Chúng tôi không muốn tiết lộ quá nhiều về việc này, vì nhiều người chúng tôi đang liên hệ sống trong những môi trường rất nhạy cảm,” theo lời ông Michael Posner, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền và lao động.
Nỗ lực cung cấp các khả năng kỹ thuật cao là một phần trong kế hoạch của Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton nhằm mở rộng sự tự do internet, qua vai trò quan trọng mà các phương tiện liên lạc trên mạng như Twitter và Facebook đóng góp vào các cuộc nổi dậy ở Iran, Ai Cập, Tunisia và các nơi khác.
Chính phủ Mỹ từ năm 2008 đến nay đã dành ra khoảng $50 triệu để cung cấp các khả năng kỹ thuật cao cho các nhà tranh đấu, cả về việc tránh né các “tường lửa” cũng như phương cách bảo vệ nguồn thông tin liên lạc của họ tránh sự xâm nhập của chính quyền.
“Chúng tôi đang làm việc với một nhóm cung cấp khả năng kỹ thuật, cho họ các món trợ cấp nhỏ,” theo ông Posner.
“Chúng tôi làm việc như các nhà đầu tư kỹ thuật. Chúng tôi kiếm những người có sáng kiến để ứng dụng các phát kiến của họ cho cộng đồng mà chúng tôi muốn bảo vệ.”
Chính phủ Mỹ khởi sự công khai vận dụng khả năng kỹ thuật internet khi vào năm 2009 yêu cầu Twitter tạm ngưng kế hoạch bảo trì vốn sẽ cản trở nỗ lực kêu gọi biểu tình của người tranh đấu tại Iran.
Hoa Kỳ đã trợ giúp tài chánh để giúp huấn luyện khoảng 5,000 nhà tranh đấu trên toàn thế giới về cách sử dụng kỹ thuật mới để đối phó với chính quyền tại quốc gia họ.
Tuy nhiên, ông Posner cũng công nhận rằng nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển các kỹ thuật này cũng có rủi ro.
Các phương tiện nhằm bảo đảm bí mật trên mạng cho giới tranh đấu cũng có thể được dùng bởi thành phần ma túy hay khủng bố, gây ra các khó khăn mới cho giới an ninh ở ngay tại Mỹ. (V.Giang)

Tổng số lượt xem trang