- Tôi muốn bắt đầu bài viết có chủ đề rất vĩ mô này bằng một câu chuyện rất vi mô. Đó là khoảng 2 năm trở lại đây, tôi có thói quen hay ngồi ở một hàng trà đá bên Bờ Hồ vào các buổi tối để ngắm người đi đường – ngắm cái “dòng chảy thiên hạ” với muôn hình vạn trạng những biểu hiện khác nhau.
Các bạn trẻ tham gia vẽ hình cổ động. Nguồn ảnh:vnanet |
Anh hùng thời đại – những sản phẩm ngẫu nhiên
Những lúc ngồi ngắm nghía như thế, tôi thấy ghét cay ghét đắng mấy tên choai choai, cứ đi qua đoạn đền Ngọc Sơn là lại rú ga ầm ĩ và phóng xe như bay trên đường.
Nhưng nếu cứ thấy chúng là lại ghét thì tổn hao thần kinh một cách phí phạm, thế là có lần tôi chợt đùa giỡn với cái ý nghĩ: Hay cố tìm điểm tích cực nào đó của chúng, để cố đồng cảm xem sao?
Ý nghĩ đó xui trí não tôi nảy ra một ý nghĩ khác: Những tên choai choai ấy, rõ ràng là những con người rất can đảm. Chứ cứ như tôi đây – có ai ném cả một cục tiền vào mặt rồi bảo: “Này, hãy phóng xe, lạng lách trên đường nhé!” thì chắc tôi cũng cũng sợ đến rúm người.
Đến chỗ này thì mạch suy nghĩ của tôi lại phát triển thêm một nấc nữa: Giả như bây giờ không phải là thời bình, mà là thời chiến (chỉ là “giả như” thôi nhé) – cái thời tôn vinh sự can trường, dũng cảm thì cơ hội trở thành “người hùng” của những tên choai choai kia, có lẽ lớn hơn nhiều so với một kẻ thư sinh, yếu đuối như tôi. Thế thì bi kịch của những tên choai choai ấy, xét cho cùng là “bi kịch sinh nhầm thời”, chứ không phải là bi kịch của sự can trường được phát tiết một cách tiêu cực?
Đọc tới đoạn này, có lẽ bạn sẽ tức anh ách mà vặn ngược vấn đề: đồng ý mỗi thời đại có một tiêu chuẩn khác nhau về hình tượng người anh hùng, nhưng nếu cứ đổ tại cho “bi kịch sinh nhầm thời”, mà không chịu nhận biết sự đòi hỏi của thời đại, và cũng không có khả năng làm thỏa mãn sự đòi hỏi đó thì phải trách cá nhân mình trước đã.
Nếu quả nhiên là bạn đang suy nghĩ như vậy, xin khẳng định ngay: bạn nghĩ không sai, nhưng cũng chưa thấu hết vấn đề. Bởi, hiểu được sự đòi hỏi của thời đại và đáp ứng sự nó mới chỉ là một lẽ, cái lẽ quan trọng hơn là sự đáp ứng kia đạt tới cấp độ nào?
Chẳng hạn trong thời chiến, khi đòi hòi của thời đại là phẩm chất can trường, nhưng bạn vốn là kẻ yếu đuối thì cái sự “cố trở nên can trường” chỉ có thể giúp bạn trở thành một tín đồ của thời đại, chứ khó có thể thể giúp bạn trở thành người anh hùng thời đại như những con người vốn mang tính cách can trường.
Ngược lại, ở thời bình, khi đòi hỏi của thời đại là tri thức, nhưng bạn vốn là người chỉ giỏi vận động chân tay, chứ không giỏi vận động đầu óc – yếu tố được quyết định chủ yếu bởi gen di truyền thì cái sự “cố gắng vận động đầu óc” cũng chỉ có thể giúp bạn chảy chung với dòng chảy của thời đại, chứ không thể đưa bạn trở thành người anh hùng thời đại như những người có sẵn gen thông minh - bất chấp việc những người đó có thể yếu đuối, thậm chí là hèn nhát hơn bạn rất nhiều.
Như thế, người anh hùng của một thời đại trong nhiều trường hợp là người có tính cách bản thể trùng với sự đòi hỏi nhức nhối của thời đại, chứ không hẳn đã là người biết cách giáo dưỡng mình theo những quy chuẩn mà thời đại đặt ra. Vậy thì chúng ta rất không nên đưa ra một công thức – một giáo lý chung trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng thời đại.
Cũng hệt như vậy, rất không nên đưa ra một khuôn mẫu chung trong việc xây dựng và uốn nắn tình yêu tổ quốc của giới trẻ hiện nay. Cái “rất không nên” ấy lại càng có cơ sở khi mà thời đại hiện nay là thời đại của sự bùng nổ cá tính – nơi mà mỗi một con người, với những hệ tư tưởng khác nhau lại luôn tôn thờ những hình mẫu anh hùng khác nhau, qua đó luôn có thể yêu nước theo những cách khác nhau.
Học cách nói thật – mẫu số tương đối của lòng yêu nước
Biết rõ về những sự “khác nhau” như trên, nhưng nếu cứ vin vào nó để không thể tìm ra một mẫu số tương đối mà bất luận ai, dù chịu bất luận sự tác động nào cũng có thể tìm được sự thừa nhận thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại trong cái gọi là “giáo dục tình yêu nước”. Mà muốn tìm được mẫu số tương đối ấy, cần phải trả lời rành rọt một câu hỏi: Vấn đề bức thiết nào mà tổ quốc này đang thật sự đòi hỏi ở những công dân của mình?
Một lý tưởng sống cao đẹp, một khát vọng cống hiến vô bờ bến? Có thể! Nhưng những cái đó nghe lý thuyết và to tát quá. Mà thời nay, bất luận cái gì lý thuyết và to tát đều rất khó tiêu hóa. Một thể lực vững vàng, một trí tuệ mẫn cán chăng? Cũng có thể! Nhưng cái này chỉ đúng trong một bộ phận người, và sẽ là xa xỉ với một bộ phận đông đảo người còn lại.
Thiển nghĩ, hơn lúc nào hết, mỗi một con người ở mỗi một vị trí khác nhau hãy cùng thể hiện một lòng yêu nước giống nhau, đó là hãy tập nói thật với nhau. Bạn sốc lắm khi nghe đến chỗ này, bởi “nói thật” có gì mà khó khăn, có gì xứng đáng để gọi là “yêu nước”? Vậy thì xin thưa, ở góc độ lý luận, chẳng có ai qui định là lòng yêu nước chỉ có thể được biểu hiện qua những hành động khó khăn, kỳ vĩ. Còn ở góc độ thực tiễn – cái thực tiễn mà những lời nói dối đang bao trùm cuộc sống của chúng ta thì chắc gì “nói thật” đã là việc dễ dàng.
Ở đây, khi nhắc tới “những lời nói dối bao trùm cuộc sống”, tôi không chỉ nói đến những vụ nói dối vĩ mô, chẳng hạn như một tập đoàn đóng tàu tự dối trá nhau, dẫn đến việc làm thất thoát của nhà nước không biết bao nhiêu tỷ đồng, hay một doanh nghiệp cỡ bự đã dối trá nhân dân, dối trá cả các cấp chính quyền để suốt bao năm nay, cứ thế tuồn nước thải lên một dòng sông, rồi như những thầy cô khả kính đã dối trá đạo đức của mình bằng việc tham gia những đường dây làm “bằng giả”, những phi vụ “chạy điểm, chạy trường” siêu ngoạn mục…
Bên cạnh những sự dối trá kinh điển xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo mỗi ngày, chúng ta cũng đang đối diện với những vụ dối trá vi mô hơn nhiều, diễn ra ngay ở bên trái, bên phải, sau lưng, trước mặt và thậm chí là ngay trong bản thân chúng ta. Chẳng hạn như đôi lúc chúng ta phải tự dối mình để nói với sếp rằng “ý kiến của sếp thật tuyệt” dù biết chắc ý kiến ấy là sản phẩm của một sự hoang tưởng kinh niên. Ở một xã hội mà nhiều khi “tinh thần Thánh Gióng không được vượt quá trình độ của ông trưởng phòng” thì những chuyện như thế diễn ra vô hạn độ.
Lúc này đây, thay vì giương cao những điều to tát như “lý tưởng sống”, “tinh thần hy sinh”, chúng ta hãy thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách tập nói thật với nhau, và hơn thế nữa: dám đấu tranh cho những lời nói thật. Bởi một khi sự thật lên ngôi, và khi sự dối trá bị đè nén (chứ không thể bị tiêu hủy) thì các ngành nghề, các mặt trận của một đất nước sẽ có cơ hội phát triển rất nhiều.
Nói thật – đó chính là mẫu số chung tương đối cho “tình yêu nước” trong thời buổi hiện nay. Thế nên xin hãy học cách nói thật để thể hiện tình yêu đối với tổ quốc mình.
- Phan Đăng (nhà báo, sinh năm 1983, Hà Nội)