Khủng hoảng lương thực đang đe dọa Trung Quốc
VIT - Theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CSS) so với cùng kỳ năm ngoái, trong tháng 1/2011 giá thực phẩm ở nước này tăng 10,3%, trong đó giá lương thực tăng 15,1%, riêng giá rau quả tươi tăng gần 35%.
Ngành nông nghiệp bất ổn
Kể từ cuối tháng 10/2010, các khu vực sản xuất lương thực lớn ở miền bắc Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, trong đó trận hạn lớn nhất trong 60 năm qua ở Hà Nam và Sơn Đông được coi là nghiêm trọng nhất. Sản lượng ngũ cốc sụt giảm ở trong nước cùng cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên thế giới đang đẩy Trung Quốc vào tình cảnh rất khó khăn. Bảy tỉnh bị hạn hán đều là khu vực sản xuất lúa mì, chiếm 80% tổng sản lượng lúa mì của Trung Quốc. Ngày 8/2, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, khi nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới là Trung Quốc đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến thị trường ngũ cốc thế giới.
Kể từ tháng 1/2011, ở Trung Quốc liên tiếp diễn ra tình trạng thời tiết "Nam lạnh Bắc hạn", khiến giá các loại trái cây và rau quả tăng vọt. Theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CSS), giá thực phẩm ở nước này trong tháng 1/2011 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá lương thực tăng 15,1%, riêng giá rau quả tươi tăng gần 35%. Biến động giá cả trong nước đã trở thành cơn ác mộng đối với chính phủ Trung Quốc, bởi giá cả leo thang dễ dẫn tới bất ổn xã hội.
Tờ "Nhật báo phố Uôn" (Mỹ) cho biết, năm 2010, nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 triệu tấn ngô, gấp 19 lần năm 2009; 1,2 triệu tấn lúa mì, tăng hơn 36% so với năm 2009. Bộ trưởng Lương thực Trung Quốc Nhiếp Chấn Bang cho rằng, sản lượng lương thực và mức tiêu thụ lương thực của Trung Quốc đều chiếm khoảng 20% của thế giới, trong khi lượng giao dịch lương thực toàn cầu trong một năm chỉ bằng khoảng 40% lượng tiêu thụ lương thực một năm của Trung Quốc. Ngoài ra, do nước xuất khẩu lúa mì truyền thống là Nga gặp hạn hán lớn trong năm 2010 và một nước xuất khẩu tiểu mạch khác là Ôxtrâylia bị lũ lụt hồi đầu năm nay khiến cho giá lúa mì quốc tế tăng 45%. Do đó nếu dựa vào nhập khẩu lương thực thì vĩnh viễn không giải quyết được vấn đề lương thực của Trung Quốc, "tự lực cánh sinh" vẫn là con đường căn bản để giải quyết "cái ăn" cho 1,3 tỷ dân Trung Quốc.
Tương lai ảm đạm của ngành nông nghiệp Trung Quốc.
Tập đoàn nông nghiệp xuyên quốc gia khổng lồ Monsanto của Mỹ. Monsanto đã thành công trong việc bán rất nhiều giống ngô biến đổi gien (GM) cho Trung Quốc. Xét đơn thuần về mặt kỹ thuật sinh học, sự ra đời của giống ngô này thực sự là một bước nhảy vọt mang tính cách mạng; nó có khả năng kháng sâu bệnh, từ đó giúp tiết kiệm thuốc trừ sâu và cho năng suất cao nên rất được nông dân hoan nghênh. Tuy nhiên, hạt giống ngô của Monsanto được bán cho nông dân chỉ có thể trồng một vụ, không thể nhân giống. Vụ mùa mới, nông dân lại phải mua hạt giống ngô biến đổi gien có khả năng phát triển bình thường của Monsanto. Mặt khác, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ của Monsanto chỉ tác dụng duy nhất với giống ngô GM của tập đoàn này; các hạt giống nhãn khác sẽ bị thuốc diệt cỏ của Monsanto coi là cỏ tạp cần tiêu diệt.
Thông qua tích hợp hạt giống, thuốc trừ sâu và thuốc diệt, Monsanto dần dần khống chế chặt chẽ phần lớn ngành sản xuất ngô của Trung Quốc. Hiện Monsanto đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát sản xuất các cây lương thực chủ yếu của Trung Quốc (lúa mì, lúa gạo). Nếu Monsanto dùng công nghệ biến đổi gen lúa mì và lúa gạo để khống chế hoạt động sản xuất cây lương thực chính ở Trung Quốc, địa vị "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới" của Trung Quốc sẽ chỉ còn là hư danh.
Dầu đậu tương là nguyên liệu chính của dầu thực phẩm ở Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cơ bản đè bẹp được ngành gia công đậu tương trong nước khi kiểm soát tới 85% sản lượng dầu ăn ở nước này. Các thương hiệu dầu ăn nổi tiếng của Trung Quốc như Kim Long Ngư, Lỗ Hoa, Phúc Lâm Môn đều nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thị trường dầu ăn Trung Quốc về cơ bản nằm trong tay bốn đại gia Archer Daniel Midland (Mỹ), Bunge (Hà Lan), Cargill (Mỹ) và Louis Dreyfus (Pháp).
Với thịt lợn, loại thịt quan trọng nhất đối với người dân Trung Quốc, ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ Goldman Sachs đã đầu tư 200-300 triệu USD mua lại toàn bộ hơn 10 trang trại lợn chuyên nghiệp, tập trung chăn nuôi lợn ở khu vực Hồ Nam, Phúc Kiến. Hiện Goldman Sachs đang tiếp tục tiến vào ngành công nghiệp chế biến thịt lợn với mục tiêu kiểm soát ngành chăn nuôi lợn và giá thịt lợn tại Trung Quốc.
Trong ngành may mặc, mà yếu tố ảnh hưởng chính là giá bông, Trung Quốc đã trồng lượng lớn bông có nguồn gốc biến đổi gen 33B của Monsanto. Monsato kiểm soát 33B từ giống, phân bón đến quyền sáng chế. Như vậy, nước Mỹ cũng gián tiếp kiểm soát ngành may mặc của Trung Quốc.
Thực phẩm và quần áo chiếm tới 43% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, khi nước này và Mỹ hoặc các nước phương Tây xảy ra xung đột nghiêm trọng, thậm chí chiến tranh, các “gã khổng lồ” thực phẩm xuyên quốc gia phương Tây sẵn sàng gây ra những tác động tiêu cực lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu Monsanto ngừng cung cấp hoàn toàn hạt giống, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, hoạt động sản xuất ngô của Trung Quốc sẽ hỗn loạn.
Người dân Trung Quốc chỉ biết rằng, Monsanto là nhà cung cấp tới 90% giống cây và kỹ thuật biến đổi gien trên thế giới, nhưng rất ít người biết rằng Monsanto là một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới thế kỷ XX, sản xuất lượng lớn các sản phẩm hóa học dùng trong các ngành công nghiệp khác, trong đó có cả "chất độc da cam" (chất khai quang của quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam), saccharin, hoóc môn tăng trưởng bò đã được chứng minh là các sản phẩm hóa chất không lành mạnh hoặc có hại. Một số sản phẩm của Monsanto đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia.
Phan Thành Dương(P/v TTXVN tại Hồng Công)