Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Mật Vân Bất Vũ (Nguyễn Xuân Nghĩa)

-Mật Vân Bất Vũ
Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston - 20110411  

Một Vòng Chân Trời Bất An   
Năm 2011 vừa khởi đầu là năm đánh dấu thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Thập niên này coi bộ cũng loạn như thập niên đầu tiên! Trong khi thời sự hàng ngày cứ rối mù với nhiều biến động dồn dập,  Ngày Nay yêu cầu bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa làm một bản sơ kết về tình hình để may ra chúng ta hiểu được chuyện gì đang xảy ra ở đâu, và tại sao....

Thế kỷ 21 mở đầu vào năm 2001 với ba tai họa lớn là 1) vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, 2) cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ khởi xướng mà 3) tài trợ bằng chánh sách tiền rẻ nhờ lãi suất hạ. Kết quả là một khủng hoảng tài chánh bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm kinh tế Mỹ khiến cả thế giới bị Tổng suy trầm, Global Recession 2008-2009.

Vì vậy, qua hai kỳ bầu cử 2006 và 2008, dân chúng Hoa Kỳ bầu lên một tầng lớp lãnh đạo mới bên đảng Dân Chủ để giải quyết hồ sơ chiến tranh và kích thích kinh tế. Bước qua thập niên thứ hai của thế kỷ 21, vào năm 2011, tình hình không có vẻ khá hơn mà còn suy đồi thêm!

Khi năm 2011 mở ra, không ai đoán ra một chấn động lớn trong thế giới Á Rập Hồi giáo tại Bắc Phi và Trung Đông (gọi tắt là MENA, Middle East North Africa) nhồi trong một vụ thiên tai mang kích thước lịch sử tại khu vực Đông Bắc của Nhật Bản. Chấn động chính trị MENA và cơn địa chấn kèm theo sóng thần và tai nạn nguyên tử tại Nhật Bản sẽ còn gây hậu quả lâu dài cho toàn thế giới.

Nhẹ nhất và dễ thấy nhất là dầu thô lại lên giá, đã mấy lần vượt 110 đồng trên thị trường Hoa Kỳ, nên sẽ kéo theo giá cả thương phẩm nguyên nhiên vật liệu và nông sản trên toàn thế giới.

Sau nạn Tổng suy trầm, hy vọng hồi phục kinh tế toàn cầu bị đe dọa, kèm theo mối nguy khác là lạm phát tại một số quốc gia đã lỡ dại kích cầu bằng tăng chi và tín dụng! Trung Quốc và Việt Nam đang đứng trước điểm lật đó.

Nhìn trên toàn cảnh, tình hình khu vực MENA vẫn chưa êm, mới chỉ tạm êm tại Tunisie và sẽ còn động tại Ai Cập trong khi giao tranh vẫn bùng nổ tại nhiều nơi khác. Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc chỉ khiến Liên quân Quốc tế can dự vào nội chiến tại Libya với kết quả không dứt khoát nên sẽ lại đàm hơn đánh và lãnh tụ Moammar Gaddafi còn ôm hy vọng tồn tại. Tại các nơi khác, như Yemen, Syria, Bahrain hay Saudi Arabia thì bất ổn sẽ là quy luật phổ biến, giấc mơ dân chủ trong thế giới Hồi giáo vẫn hoàn là giấc mơ.

Một hậu quả bất lường là xứ Iran của tộc Ba Tư và hệ phái Shia đã chiếm lợi thế trong toàn khu vực, có thể khuynh đảo và thách đố các chính quyền Á Rập theo hệ phái Sunni nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở tại đây. Một hậu quả kế tiếp là Hoa Kỳ sẽ không triệt thoái khỏi Iraq trong năm nay như Chính quyền Obama đã dự tính (chuyện "rút mà không ra" người viết có nhắc tới nhiều lần). Nghĩa là nước Mỹ vẫn ôm trong tay hai quả bom nghi ngút khói là A Phú Hãn và Iraq. Trong khi một hậu quả thứ ba là xứ Israel bị khiêu khích, giao tranh bùng nổ trên Dải Gaza và thùng thuốc súng MENA sẽ có thêm một ngòi nổ.

Từ bên ngoài - mà sát cạnh khu vực MENA này - một xứ Hồi giáo của tộc Thổ là nước Turkey cũng thắng lớn khi thủ vai độc lập khá cứng đầu với Hoa Kỳ và Âu Châu trong cơ chế phòng thủ của Minh ước NATO mà còn có thể đứng ra hoà giải hai vụ xung đột, tại Libya và Israel.

Trước đối thủ là Iran hay đồng minh là Turkey, Hoa Kỳ phải tính sao?

Trong khi ấy vẫn chưa xử trí được với một đồng minh kiêm đối thủ là xứ Pakistan về hồ sơ A Phú Hãn và về việc hoà giải với một số lãnh tụ Taliban. Chính quyền Obama không chỉ nhức đầu với chuyện ngân sách ở nhà mà còn bị kẹt trong hoàn cảnh mây đen vần vũ và có thể nổ thành giông bão từ Trung Đông đến Trung Á.

May cho nước Mỹ là một cường quốc đối thủ là Liên bang Nga cũng có vấn đề riêng mà không tận hưởng kết quả của khủng hoảng MENA.

Khi Hoa Kỳ vướng chân vào Libya, Liên bang Nga không can hay cản mà bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Được tiếng hiếu hòa mà lại được tiền! Vì tình hình càng rối bời thì dầu thô càng lên giá, nước Nga càng có lợi. Các nước khát dầu như Nhật Bản hay Ý Đại Lợi của Âu Châu sẽ càng muốn nói chuyện tử tế với Nga.

Nhưng là nói chuyện với ai? Tổng thống Dmitri Medvedev hay lãnh tụ thật là Thủ tướng Vladimir Putin?

Trong vụ biến động toàn cầu, Chính quyền Nga khéo ăn nói nước đôi. Không can ngăn khi thấy Hoa Kỳ đổ dốc vào Libya mà lại nhỏ nhẹ thương thảo với Âu Châu và Nhật Bản về chuyện năng lượng. Nhưng ngay bên trong hệ thống lãnh đạo, trò phân thân nước đôi ấy cũng gây vấn đề.

Trước hết là mâu thuẫn quyền lực trong điện Cẩm Linh giữa các đại gia tài phiệt và những người cầm đầu hệ thống an ninh. Kế tiếp là việc ai sẽ lãnh đạo nước Nga, khi dân Nga đi bầu vào cuối năm nay và chọn tổng thống vào năm tới. Medvedev hay Putin sẽ là ứng cử viên?

Song song, dư chấn MENA cũng có dội vào vùng Trung Á với bất ổn đã lan vào Kazahkstan và manh nha bùng nổ tại Kyrgyzstan và Tajikistan. Đây cũng là một khu vực có năng lượng như Trung Đông mà nằm tại sân sau của nước Nga. Chính là trong hoàn cảnh kỳ lạ này người ta mới càng chú ý đến vị trí địa dư và vai trò chính trị của xứ Turkey....

Trong vụ biến động Libya, có ba nước Âu Châu đã ráo riết kéo Tổng thống Mỹ vào cuộc.

Theo cường độ phát thanh và phát nổ thì đó là Pháp, Anh, Ý. Lý do là kinh tế, chính trị nội bộ và thế giá ngoại giao. Cộng hoà Liên bang Đức thì can chẳng được đành bỏ phiếu trắng và giám trận ở ngoài cho vẹn tình thành viên của NATO. Cuộc phiêu lưu ấy - "Hành Trình" như "The Odyssey" của Homer - kéo dài gần một tháng thì đi vào vùng mờ ảo bất định.

Âu Châu trở về với thực lực hay thực tế của đồng Euro.

Đồng bạc thống nhất của 17 nước Âu châu vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng. Các nước trong Liên hiệp Âu châu còn khả năng cấp cứu mấy xứ lâm nạn như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí nước Bỉ, nhưng gánh nặng cấp cứu sẽ càng thêm nặng vì giá dầu tăng do vụ MENA.

Chế độ "cấm bay" tại Libya chẳng giúp gì cho việc cấp cứu ở nhà.

Y như Hoa Kỳ sau ảo vọng cải tạo xã hội của ông Obama, nhiều nước Âu Châu đang bị đẩy tới thực tại u ám là phải giảm chi, chấm dứt tình trạng ban phát phúc lợi nhiều quá khả năng. Vì vậy, như tại Anh quốc, dân chúng sẽ biểu tình phản đối và nhiều chính quyền có thể sẽ đổ như Chính quyền Bồ Đào Nha đã đổ. Nhưng, chính quyền mà đổ thì còn có chính quyền mới, chứ hệ thống ngân hàng mà sụp thì rất khó tìm ra chủ nợ mới. Là chuyện sẽ thấy nay mai. Mà khủng hoảng không chỉ thu hẹp vào xứ Ireland hay các nước miền Nam Âu Châu vì sẽ còn lan ra vùng ngoại vi, các nước trong khu vực Balkans.

Trong một chuỗi biến động tài chánh ấy, nước Đức là cái neo vững chãi nhất với những đòi hỏi cải cách khắt khe nhất khiến nhiều đại gia Âu Châu khác thấy e ngại và khó chịu, kể cả và nhất là nước Pháp. Nhưng người phải trả giá nặng nhất cho cả thảm kịch này là Thủ tướng Angela Merkel và đảng CDU của bà trong liên minh cầm quyền.

Dân Đức hết kiên nhẫn nổi với việc tung tiền chuộc nợ cho thiên hạ nên trong ngần ấy cuộc bầu cử từ năm ngoái đến năm nay tại các tiểu bang, đảng của bà Merkel đã thất cử đều và sẽ còn thất cử nữa. Thiên tai tại Nhật còn khiến một đảng nhỏ là đảng Xanh, với chủ trương bảo vệ môi sinh và chống năng lượng nguyên tử, đã thắng lớn.

Liên minh cầm quyền rất bấp bênh của bà Merkel có thể thất cử và cái neo của Âu Châu bị bứt. Trước đó, Toà Bảo hiến Đức cũng có thể ra lệnh khai tử việc chuộc nợ cho Âu Châu nếu ra phán quyết rằng quy chế chuộc nợ đó vi hiến! Còn kinh hoàng hơn vụ tranh luận nhỏ nhít của tiểu bang Wisconsin bên Hoa Kỳ.

Kết hợp hai vụ Libya và Euro, chúng ta nên chờ đợi một cuộc tranh luận còn lớn lao hơn nữa:

Minh ước NATO là cái gì? Có những mục tiêu gì? Lá chắn chống Liên bang Nga, chống mọi nguy cơ tấn công các thành viên xuất phát từ bất cứ nơi nào? Hay một võ khí cho Liên hiệp quốc thi hành nghị quyết vô quyền của mình, với vai trò trưởng chi mà "không lãnh đạo" của Hoa Kỳ?

Sau cùng, nếu đã phải điềm qua một vòng chân trời bất an, xin hãy nhìn về Đông Á.

Sau thiên tai và tổn thất quá nặng về năng lượng hạch tâm, Nhật Bản sẽ càng lệ thuộc hơn vào dầu khí. Từ hai chục năm nay, dân Nhật cúi đầu hứng chịu sáu đợt suy trầm và trông cậy vào lò nguyên tử để tự túc được chừng một phần ba số yêu cầu về năng lượng vì không thể vươn tới Trung Đông và bảo đảm nguồn cung cấp qua eo biển Hormuz. Bây giờ, họ phải tính cách khác và thế giới nên lạnh mình nếu người Nhật im lìm tính toán rồi bất thần vung gươm.

Chuyện ấy có thể còn xa....

Gần hơn chính là mối lo của Trung Quốc về nguy cơ lạm phát. Lần trước, khi Nhật Bản sắp bị điêu đứng vì bể bóng đầu tư và hai chục năm suy sụp thì Trung Quốc đã gặp loạn vì mối lo lạm phát, nguyên nhân khởi đầu của vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989. Lần này, lãnh đạo Bắc Kinh vừa chuyển chiến lược kinh tế và chuẩn bị Đại hội đảng để thay đổi lãnh đạo vào năm tới thì lạm phát lại tái phát.

Ngay giữa thời điểm nhạy cảm như vậy lại còn có chuyện hoa nhài tỏa hương cách mạng từ Trung Đông! Ngải Vị Vị hay những thiên tài thế giới gì thì cũng bắt hết!

Đây là lý do người viết nói tới những vầng mây đen đang uất kết, chưa biết khi nào thì sấm nổ, ở nơi đâu, để cuồng phong sẽ ầm ầm nổi dậy....

Tổng số lượt xem trang