Sống và làm việc ở nước ngoài, xa quê tôi rất nhớ, rất hay về thăm quê cũng như luôn tìm kiếm những cơ hội để có thể về quê hương làm ăn, sinh sống, phục vụ đất nước.
Tôi rất thích uống cà phê. Ở Sài Gòn rất nhiều quán ăn trưa, cà phê rất ngon, không gian rất đẹp và phục vụ cũng rất lịch sự. Qua đó tôi thấy rằng đất nước tôi đang ngày một tiến bộ rõ rệt về kinh tế và văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh.
Về nước lần này tôi ghé một quán cà phê ở Quận Phú Nhuận, rất phong cách, không gian, âm nhạc phù hợp với doanh nhân, nhân viên công sở. Đồ ăn thức uống ở đây rất ngon, nhân viên phục vụ rất lịch sự. Tôi cảm thấy hài lòng và thoải mái khi thưởng thức cà phê ở đây cùng bạn bè.
Nhưng có một sự việc làm tôi rất ngạc nhiên bởi vì tôi không nghĩ ở một nơi văn hóa cao như thế này vẫn tồn tại: Hóa đơn thanh toán của tôi hết 219.000 VND, tôi đưa cho nhân viên 220.000 VND, tôi đợi hoài vẫn không thấy nhân viên thối lại cho tôi 1.000 VND. Ở Nhật Bản, dù một yên (khoảng 250 VND) người bán cũng thối và người mua cũng nhận. Tôi ra về với bao nhiêu suy nghĩ lo lắng. Tôi muốn đưa ra một lý giải và hệ quả của vấn đề này.
Thứ nhất, hành động đó rõ ràng là không tôn trọng tài sản của khách hàng. Hậu quả của việc này chắc các bạn cũng hiểu.
Thứ hai, tôi muốn nói một điều quan trọng hơn, việc anh nhân viên không thối cho tôi một ngàn đồng như một mặc định có lẽ anh ta cho rằng giá trị của 1.000 VND quá bé.
Ở Việt Nam lần này, tôi bắt gặp khá nhiều lần tờ 500VND lăn lóc ở góc đường, góc nhà mà hình như không ai thèm lượm. Vâng, nếu thế thì đúng là tờ 500 VND không ai thèm nhặt cũng phải. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi các hệ lụy mà tôi sẽ trình bày sau đây:
- Lạm phát: Thời gian rất nhanh thôi, tôi thấy tờ 100 VND đã chết, rồi đến tờ 200 VND.
Lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng chính hành vi sử dụng đồng tiền, hành vi xem nhẹ đồng tiền của người dân cũng gây nên trượt giá và lạm phát.
Ở Nhật Bản đồng xu một yên vẫn tồn tại mấy chục năm nay và chưa có dấu hiệu nó sẽ mất đi. Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta vẫn còn hành vi thiếu tôn trọng đồng tiên, rất nhanh thôi tờ 500 VND sẽ chui xuống gầm bàn, gầm ghế, bãi rác.
- Trượt giá: Chúng ta xem nhẹ giá trị 500VND, thế thì hôm nay các bạn mua bó rau mười ngàn đồng, ngày mai mua bó rau mười ngàn năm trăm đồng cũng được, vậy bó rau đó rất nhanh chóng nhảy lên mười một ngàn mà chúng ta "vẫn chấp nhận được". Đấy, chính chúng ta gây nên tình trạng trượt giá.
- In tiền: Khi lượng tiền mất đi, Chính phủ phải chi phí để in thêm tiền, in tiền mệnh giá cao hơn. Thực sự những chi phí của chính phủ cuối cùng cũng chính chúng ta phải gánh chịu. Bởi vì nếu không chi phí, số tiền đó của chính phủ sẽ đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng, cho phúc lợi xã hội phục vụ chúng ta.
Thứ ba, thái độ khách hàng (như tôi) cũng quá dễ dãi, tôi xin biện minh cho mình một chút là tôi ở nước ngoài nên tình huống bất ngờ làm tôi hơi lúng túng. Nếu dễ dãi có thể sinh ra văn hóa "cố tình tính nhầm hóa đơn" không chừng.
Một lần nữa tôi muốn nhắc lại: "Ở Nhật Bản, dù một yên ( 260 VND) người bán cũng thối lại và người mua cũng nhận, mấy chục năm qua đồng một yên vẫn tồn tại và tôi chưa thấy dấu hiệu nó sẽ bị chết đi!"
Thân,
Thân,
Hoàng Đại Nghĩa