Cần Thơ: Bê bối đất đai, thâm hụt tài chính lớn ở một DNNN (25/4/2011)
Trong khuôn viên Thành ủy Cần Thơ đã xây nhà hàng tiệc cưới đến sảnh thứ 5. ảnh Ngọc Huyền-Quốc Khánh. |
Trong khi Đảng và Nhà nước đang thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí, kiềm chế lạm phát, chăm lo an sinh xã hội thì tại Cần Thơ, có Công ty TNHH Một thành viên nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (Cataco) – một doanh nghiệp kinh tế Đảng trực thuộc Thành ủy Cần Thơ với chức năng kinh doanh trên các lĩnh vực: chế biến thủy sản xuất khẩu; nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thương mại, nhà hàng khách sạn; xây dựng, kinh doanh địa ốc. Cataco được giao nhiều khối tài sản lớn có giá trị hàng trăm tỉ đồng nhưng lại quản lý hết sức lỏng lẻo, kinh doanh liên tục thua lỗ từ năm 2008 đến nay với số tiền hơn 30 tỉ đồng, đang nợ các Ngân hàng thương mại số tiền lên đến gần 300 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán, đang đề nghị được bán dần tài sản gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Thăm dò một số cơ quan chức năng như: Sở kế hoạch và đầu tư, Sở tài chính, Cục thuế Cần Thơ, những người lãnh đạo ở các cơ quan này đều không nắm gì về hoạt động sản xuất kinh doanh của Cataco và cho rằng đây là “vùng cấm” không được đụng đến!
Trước tình hình dư luận ở Cần Thơ đang ồn ào về chuyện làm ăn thua lỗ, nợ nần của Cataco, Thường trực Thành ủy Cần Thơ có ý kiến chỉ đạo Cataco phải báo cáo tình hình làm ăn và số nợ với Thường trực Thành ủy 15-12-2010. Thế nhưng đã qúa hạn, Cataco vẫn không báo cáo được và có nhiều ẩn số xung quanh chuyện kinh doanh, làm ăn thua lỗ kéo dài. Thường trực Thành ủy Cần Thơ đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra qúa trình kinh doanh của Cty Cataco cử một phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Thành ủy làm trưởng đoàn kiểm tra.
Những cán bộ lão thành cách mạng và đông đảo cán bộ đương chức ở thành phố Cần Thơ hết sức bức xúc về việc khuôn viên nghiêm trang của Thành ủy Cần Thơ đang bị băm nát do Công ty Cataco mở rộng khuôn viên nhà hàng khách sạn Cửu Long. Hàng loạt nhà hàng Cửu Long 1 (CL), nhà hàng CL 2, nhà hàng CL 3, nhà hàng CL 4 được xây dựng lên phá nát khung cảnh nghiêm trang của Thành ủy Cần Thơ, biến Khu Thành ủy Cần Thơ trở thành nhà hàng tiệc cưới ngày ngày đêm đêm ì xèo khách.
Ngoài ra, bức xúc hơn là Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo lấy kinh phí ngân sách Đảng hàng tỉ đồng để Cataco xây dựng nhà hàng trong khi Cataco là một doanh nghiệp kinh tế Đảng phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nếu Cataco có nhu cầu mở rộng kinh doanh thì phải tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư chứ có đâu Thành ủy lại “hà hơi, tiếp sức” như thế? Vậy, ai đã chủ trương “hà hơi tiếp sức” này?
Nhà hàng 38 Hòa Bình bán không thể hiện nộp ngân sách
Một tài sản khác là Nhà hàng khách sạn số 5 đường Hòa Bình giá trị hàng chục tỉ đồng nằm ở vị trí đắc địa trên địa bàn quận Ninh Kiều nhưng nhiều năm qua, Cataco báo cáo kinh doanh không hiệu qủa, bị lỗ nên đem cho thuê với giá 6 tỉ đồng/năm. Được biết số tiền cho thuê Nhà hàng khách sạn số 5 Hòa Bình không thể hiện trong việc nộp ngân sách. Nhà nước bỗng dưng thiệt kép vì cùng một lúc mất đi khoản thuế từ việc đóng thuế của Nhà hàng khách sạn số 5 Hòa Bình và mất luôn cả tiền cho thuê mặt bằng.
Một người trong ngành tài chính cho rằng: Nhà hàng khách sạn số 5 Hòa Bình dù thuộc Đảng hoặc chính quyền quản lý cũng thể hiện là tài sản công. Nếu không sử dụng nữa thì phải giao trả cho Nhà nước chứ có đâu lại đem cho thuê rồi không thấy thể hiện tiền của tài sản cho thuê? Hỏi các vị đại biểu HĐND thành phố cũng không ai biết gì chuyện cho thuê tài sản Nhà nước, không được đưa ra biểu quyết tại HĐND.
Ngoài ra, còn các khối tài sản có giá trị lớn khác như: Nhà hàng 38 Hòa Bình cũng đã được bán hơn 41 tỉ đồng. Được biết, UBND TP có yêu cầu nộp số tiền trên vào ngân sách nhưng đã nhiều năm qua, số tiền trên không được nộp vào ngân sách Nhà nước. Hỏi một vị phó chủ tịch UBND thành phố thì được biết Văn phòng trung ương Đảng có văn bản đồng ý cho Thành ủy được để lại (???)
Có đúng vậy không?
Chúng tôi hỏi tiếp về số tiền bán tài sản trên hiện đang ở đâu thì không ai trả lời được. Hỏi, ai chủ trương để ngoài ngân sách cũng không ai dám bàn sâu! Tiếp đến là Trụ sở Báo Cần Thơ (cũ) tại 62 đường Lý Tự Trọng cũng đã được bán cho Ngân hàng Liên Việt nhưng cũng không thể hiện nộp ngân sách. Ngoài ra còn việc đầu tư ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với số tiền hơn 40 tỉ đồng cũng đang có dư luận nhập nhèm về tài chính; Dự án 30.000 m2 liên doanh tại xã Thuận Qúy, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận khoảng 20 tỉ đồng cũng không được công khai trong ban chấp hành Thành ủy cũng như Hội đồng nhân dân. Văn phòng Thành ủy Cần Thơ sao mà kinh doanh, liên doanh đến đâu cũng bí mật và thua lỗ hết vậy?
Chúng tôi cũng đã tìm hỏi một số vị là ủy viên trong ban chấp hành Thành ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ mới 2010-2015 thì đều nhận được câu trả lời: Không biết. Vậy ai chủ trương đầu tư này? Thành ủy Cần Thơ lấy đâu ra nhiều tiền để đầu tư ở nhiều dự án tràn lan như thế?
Dù đã gây lỗ hàng chục tỉ đồng nhưng Cataco vẫn được ưu ái giao thêm cho khối tài sản mới ở vị trí đắc địa khác là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang tại số 78 đường Nguyễn Trãi diện tích gần 1 ha có vị trí trên bến, dưới thuyền hết sức thuận lợi cho phát triển kinh doanh, sản xuất. Hiện nay, Cataco đã cho hàng loạt đơn vị thuê mặt tiền đường Nguyễn Trãi thu lợi hàng tháng gần trăm triệu đồng. Sở tài chính cho biết số tiền này cũng không thể hiện báo cáo tài chính và nộp ngân sách.
Chính vì Cataco đang bị lỗ lã hơn 30 tỉ đồng, không khả năng trả nợ nên có nhiều người được bổ nhiệm vào các chức danh như kế toán trưởng, làm thành viên HĐQT Cataco nhưng họ đã xin từ chối. Trong khi đó, người dân và cán bộ vẫn chưa thể quên chuyện của Nông trường Sông Hậu (NTSH) tự tạo ra nguồn tiền từ sản xuất phụ nhưng lại quy tội “lập qũy trái phép” và bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc NTSH đã bị tuyên với mức án 8 năm tù. Bản án đó đang được điều tra lại.
Quốc Khánh (Còn tiếp)
Vụ bê bối đất đai ở Cần Thơ: Nhập nhèm gần 1.000 tỷ đồng (27/4/2011)