Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam


Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam
(kỳ 8)

Nhiều việc làm trái pháp luật của một bộ phân cán bộ ở xã được ví là giàu nhất ở nước ta này vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn khiến người dân bức xúc
Cán bộ xã chia chác 126 triệu tiền dự án

Ông Nguyễn Thế Chánh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: Năm 2003, triển khai dự án hồ Cao Sơn tại HTX Đại Sơn, có một khoản tiền đền bù hơn 126 triệu đồng. Đây là khoản tiền đền bù cho việc chặt cây cối tại khu đất làm dự án, ngoài các khoản tiền đã đền bù cho dân (tổng số tiền đền bù 750 triệu đồng).

Khi có tiền về, đích thân ông Nguyễn Khắc Dương, Phó Bí thư Đảng uỷ xã đi lấy tiền. Sau đó, vào cuối năm 2005, ông Dương gọi ông Chánh (Phó Chủ tịch UBND xã), ông Hoàng Minh Triết (Bí thư đảng uỷ), Lê Văn Thanh (Chủ tịch UBND xã), và ông Trần Đại Tý (kế toán ngân sách) vào “hội ý”. Ông Dương nói đại ý đây là khoản tiền nằm ngoài các khoản đền bù cho dân, nên xử lý theo cách cho HTX Đại Sơn vài chục triệu, còn nữa anh em cán bộ xã chia nhau gọi là “đền bù công khó nhọc”.


Văn bản “Giấy báo chi phí xin được thanh toán một số khoản tồn đọng từ năm 2000 – 2003” của ông Lê Văn Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Cương Gián: “Chi phí giao dịch làm hồ sơ xây dựng trường: 18.100.000 đồng; Chi phí giao dịch lập dự án cầu Thương: 5.500.000 đồng; Chi phí giao dịch khác: 6.800.000 đồng”.


Ông Nguyễn Thế Chánh phản đối, khuyên các cán bộ không nên làm việc trái quy định, trái pháp luật, rồi bỏ về phòng. Ông Chánh tưởng thế là thôi, nhưng không ngờ sau đó các cán bộ xã đã chia chác số tiền nói trên.

Khi đoàn kiểm tra của huyện Nghi Xuân về làm việc, không hiểu sao cũng không phát hiện ra khoản tiền này. Sau khi dân kiến nghị, Đoàn phúc tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Nghi Xuân thu hồi số tiền nói trên.

Được UBND huyện Nghi Xuân “bật đèn xanh”, xã Cương Gián đã “chữa cháy” bằng cách: ông Lê Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Cương Gián lấy tiền ngân sách xã nộp lên huyện 126 triệu, rồi, huyện lại cấp cho xã 126 triệu, coi như xí xoá số tiền mà các cán bộ đã biển thủ. Còn số tiền các cán bộ đã bỏ túi vẫn không bị xử lý.

Dùng tiền ngân sách chạy “bôi trơn” dự án, vẫn được huyện chấp nhận

Năm 2006, đoàn kiểm tra huyện Nghi Xuân về phát hiện ngân sách xã thâm hụt hàng trăm triệu đồng. Bị truy vấn, thủ quỹ khai một số cán bộ xã ứng tiền nhiều năm nhưng không có hồ sơ thanh toán. Các cán bộ này buộc phải giải trình số tiền ứng đã chi tiêu như thế nào.

Ngày 28/6/2006, tại kì họp HĐND xã Cương Gián khoá XVIII họp lần thứ 6 có sự tham dự của đoàn kiểm tra huyện Nghi Xuân do bà Hoàng Thị Hải làm trưởng đoàn, ông Trần Đại Tý, kế toán ngân sách xã kê khai đã ứng 7,8 triệu, ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã ứng 30,4 triệu, Nguyễn Khắc Dương, Phó Bí thư đảng uỷ ứng 10,67 triệu, Nguyễn Văn Liên, cán bộ uỷ nhiệm chi ứng 5,3 triệu. 


“Báo cáo phần chi giao dịch nhân ngày Tết Nguyên đán” của ông Nguyễn Văn Liên, báo chi hết 5,3 triệu đồng trong mùa Tết năm 2002 để làm quà cho các ban ngành huyện Nghi Xuân.

Tổng cộng các cán bộ nói trên đã ứng 54,17 triệu đồng, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2006. Điều đáng nói là các cán bộ xã đã dùng tiền vào những việc trái pháp luật.

Ngoài việc chi tiền để tiếp khách, tặng quà cán bộ về hưu, tặng quà xã bạn đón anh hùng…thì các vị cán bộ đã phóng tay dùng tiền để “bôi trơn” dự án, tặng quà tết cấp trên…

Ông Nguyễn Văn Liên, cán bộ uỷ nhiệm chi năm 2002 khai: Ngày 7/2/202, nhân dịp Tết, ông đã nhận 5,3 triệu đồng để làm quà Tết cho các cơ quan, ban ngành huyện Nghi Xuân.

Ông Trần Đại Tý khai: ngày 18/11/2002, ông Tý và ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch xã đi cùng các cán bộ Phòng Công thương Nghi Xuân vào “làm việc” ở Sở TNMT hết 5 triệu đồng. Ngày 27/10/2004, ông Tý cùng với một số cán bộ xã “làm việc” với BQL dự án Hà Tĩnh hết 2,5 triệu đồng.

Tương tự, ông Lê Văn Thanh (Chủ tịch UBND xã từ năm 1999 đến 2004, Chủ tịch H ĐND xã từ 2004 đến 2009), chỉ riêng khoản “chi phí giao dịch làm hồ sơ xây dựng trường” đã hết hơn 18 triệu đồng.

Các khoản chi quà tặng, tiếp khách, “tiêu cực phí” nói trên đều là do các cán bộ tự kê khai, không hề có giấy tờ, hồ sơ. Nhưng các vị vẫn xin được “thanh toán”.

Tại kì họp, đa số đại biểu H ĐND xã Cương Gián đều phản đối việc dùng tiền ngân sách để chi tiêu cá nhân trong nhiều năm, không chấp nhận thanh toán các khoản nói trên. Thế nhưng, bà Hoàng Thị Hải vẫn đồng ý hợp lí hoá tất cả những khoản tiền nói trên.

Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, nhưng vụ việc vẫn chưa giải quyết đến nơi đến chốn

Ngày 5/5/2010, ông Lê Văn Chất, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp 16 người đại diện cho các hộ dân ở Cương Gián để nghe phản ánh. Tại buổi gặp mặt hôm đó có ông Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Ông Lê Văn Chất đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hiền Lương xử lý dứt điểm, đúng pháp luật những vấn đề dân khiếu nại, tố cáo.


Ông Chu Văn An, thôn Bắc Sơn: “Ngày 5/5/2010, ông Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hứa với Chủ tịch tỉnh và với những người dân Cương Gián hôm đó nếu huyện Nghi Xuân giải quyết vụ việc không đúng với nguyện vọng của dân, ông sẽ trực tiếp về Nghi Xuân để chỉ đạo giải quyết.

Ông Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hứa với Chủ tịch tỉnh và với những người dân Cương Gián hôm đó nếu huyện Nghi Xuân giải quyết vụ việc không đúng với nguyện vọng của dân, ông sẽ trực tiếp về Nghi Xuân để chỉ đạo giải quyết.

Thế nhưng, thay vì xử lý dứt điểm vụ việc, UBND huyện Nghi Xuân lại có những biểu hiện “giơ cao đánh khẽ” đối với cán bộ sai phạm, và để sự việc tồn đọng, dây dưa.

(Còn tiếp)
                                                                                     Quang Đại – Hà Vy

Tổng số lượt xem trang