Cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp khi mới xuất bản năm 1977 đã gây khá nhiều chấn động cho cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn dân chúng vì không ai ngờ những chuyện như thế đã xẩy ra.
Frank Snepp sinh ngày 3.5.1943 tại Kinston, North Carolina và tốt nghiệp tại Columbia University về ngành quốc tế sự vụ vào năm 1968. Trước hết, ông làm việc cho NATO ở Âu Châu rồi đến làm trưởng phân tích viên về chiến lược của Bắc Việt cho CIA tại Sài Gòn từ năm 1969 đến 29.4.1975. Với vai trò của mình, ông biết khá nhiều về các biến cố đã xẩy ra trong những ngày cuối cùng của VNCH. Dĩ nhiên, ông không thể nắm vững tất cả những chuyện đã xẩy ra, nhất là về phía VNCH, nên có nhiều chi tiết ông ghi lại không đúng. Đặc biệt, ông không biết chuyện Hoa Kỳ đã giao miền Nam cho Trung Quốc từ năm 1972, chuyện Đại Sứ Martin của Mỹ và Đại Sứ Mérillon của Pháp đã hợp mưu đánh lừa Tướng Dương Văn Minh lên cầm quyền, nói là để thương lượng với Hà Nội, nhưng thật sự là để đầu hàng. Với bản chất là “THAM-NGU-HÈN”, Tướng Minh đã cắn câu và trở thành hàng tướng, v.v.
Vì tiết lộ nhiều bí mật về tình báo, CIA đã kiện ông vi phạm hợp đồng về việc phải giữ bí mật nghề nghiệp khi làm việc với CIA. Ông nhờ nhóm luật sư của American Civil Liberties Union bênh vực, Tối Cao Pháp Viện đã không tuyên phạt ông về những chuyện đã được ông tiết lộ, nhưng ra lệnh cho ông không được nói gì nữa về những bí mật khác nếu không được CIA cho phép.
Rất nhiều người Việt nghe nói đến cuốn “Decent Interval”, nhưng ít ai đọc cuốn sách dày 590 trang này. Nhân kỷ niệm ngày mất miền Nam, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây một số đoạn nói về một số biến cố được nhiều người Việt quan tâm như vụ tướng Nguyễn Cao Kỳ âm mưu đảo chánh ông Thiệu, vụ tài sản của ông Thiệu, vụ 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia, vụ số vàng của Hàng Không Việt Nam biến mất, vụ tổng xuất Tổng Thống Thiệu, v.v.
Ngày nay, nhờ các tài liệu được giải mã và lời khai của các nhân chứng, chúng ta biết được nhiều chi tiết chính xác hơn về biến cố 30.4.1975, nhưng những tài liệu do Frank Snepp công bố cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc làm sáng tỏ lịch sử.
NGUYỄN CAO KỲ ÂM MƯU ĐẢO CHÁNH
Frank Snepp đã kể lại về chuyện Hoa Kỳ thương lượng để Tướng Nguyễn Cao Kỳ đừng làm đảo chánh lật đổ ông Thiệu như sau:
Đêm trước, do một nguồn tin Nam Việt Nam, tướng Chales Timmes được biết Nguyễn Cao Kỳ định làm đảo chính. Nghe thấy chuyện đó, Martin quyết định thuyết phục Kỳ. Ông cùng tướng Timmes đến gặp Kỳ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Họ thảo luận với nhau trong hai giờ. Martin và Timmes cố nói cho Kỳ rõ: ông ta và chiến hữu có một vị trí trong ván bài đang chơi. Thực tế, Martin nghĩ khác: Việc Kỳ tham gia chính phủ sẽ tiêu tan mọi hy vọng thương lượng. Nhưng ông đại sứ cho rằng cách duy nhất để bảo đảm cho việc thay đổi chính phủ theo hiến pháp là gây cho Kỳ và những cái đầu nóng khác cảm tưởng rằng họ có phần trong đó. Martin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối buổi họp, Kỳ chấp nhận để Thiệu yên vị miễn và thực quyền được trao cho một người khác, như ông ta chẳng hạn. Tiếc thay, đối với những nhà viết sử, cuộc trao đổi giữa Martin và Kỳ chưa bao giờ được dựng lại đây đủ. Tối hôm đó, lúc Timmes ngồi viết lại tường thuật buổi nói chuyện thì ông thấy máy thu thanh giấu trong cặp đã bị hỏng. Suốt đêm, ông ngồi cố nhớ lại nhưng cũng chỉ ghi đúng được một phần cuộc thảo luận. Sau đó, ông đại sứ đã phê bình ông.
CHUYỂN TÀI SẢN RA NGOẠI QUỐC
Ngoài những người định lật đổ và Bắc Việt, Thiệu còn vấp phải một vấn đề nữa: đó là tiền. Ngay đầu tháng, từ 1 đến 2.4.1975, ông ta đã gửi bằng tàu thủy đi Đài Loan và Canada hầu hết tài sản riêng của cá nhân ông ta và các vật dụng trong nhà (most of his own personal fortune and household effects). Nhưng còn tài sản quốc gia gồm 16 tấn vàng đáng giá 120 triệu đôla chiếm gần hết dự trữ của nhà nước vẫn chưa được gửi đi. Trước đó, Thiệu định giữ kín và gửi đi Paris cho ngân hàng quốc tế, ở đấy đã giữ một phần vàng của Nam Việt Nam đáng giá năm triệu đôla. Như ông ta nói với những người hợp tác với ông, 16 tấn vàng này dùng để mua vũ khí, đạn dược cho quân đội. Nhưng mấy ngày trước khi gửi đi, một người báo tin cho sứ quán biết. Một công tác viên của Martin cho là không thể tin được Thiệu, nên đã tố cáo với giới báo chí. Kết quả: các hãng hàng không Thiệu điều đình để chở số vàng ấy đi, không nhận nữa. Kế hoạch của Thiệu bị vỡ.
Martin cũng can thiệp kịp thời. Để đánh tan mọi điều nghi ngờ, ông khuyên Thiệu gửi vàng sang ngân hàng New York, việc đó rất hợp pháp. Thiệu chấp nhận. Ngày 16 tháng 4, sứ quán điện cho Hoa Thịnh Đốn xin một chuyến máy bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đi New York. Nhưng không quân và ngân hàng New York không sẵn sàng bảo hiểm một tài sản lớn như thế gửi từ một nước đang có chiến tranh. Công việc kéo dài một hai ngày, 18 sư đoàn Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn bằng mọi hướng. Vàng vẫn nằm nguyên trong kho ngân hàng quốc gia...” (tr. 379)
Chiều hôm đó, Pat bay đi Bangkok trên một máy bay đặc biệt, chỉ có mấy hành khách. Ban Giám đốc hãng Hàng Không Việt Nam tổ chức chuyến bay này để chở vốn của hãng đi: 20 triệu đôla bằng vàng. Pat ngồi giữa đống bao tải bằng vải xám đầy kim loại óng ánh không có gì nguy hiểm. Sau khi thất thủ Sài Gòn, những bao tải ấy biến mất. Chắc chúng đã trốn vào tủ sắt một người nào đó. Ở Bangkok, Pat đi chơi tối với bạn, khiêu vũ suốt tới sáng. Cuộc vui lạ lùng và giả tạo do căng thẳng đẻ ra... (tr. 406)
Đến đây chúng tôi có một vài nhận xét:
Ngoài những tài sản mà ông Thiệu đã cho chuyển đi Đài Loan và Canada như Frank Snepp đã nói, một nguồn tin từ những người phụ trách cho biết, vào tháng 3 năm 1975, ông Thiệu đã cho hai người đưa đô la và kim cuơng qua Philippines, có một người thân của bà Thiệu đi theo để giám sát. Nhờ vậy, ba người này đã không bị kẹt vào ngày 30.4.1975 và hiện đang ở Mỹ.
Nhiều người cứ tấn công vào vụ 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia, họ cho rằng ông Thiệu đã lấy. Nhưng đúng như Frank Snepp đã nói, mặc dầu có sự can thiệp của Mỹ, số vàng đó vẫn còn ở văn khố quốc gia, vì ông Trần Văn Hương ngăn chận lại không cho chuyển đi, ông bảo phải đợi chính phủ mới được thành lập (tr. 423).
Số vàng đáng phải sưu tầm nhưng lại được ít ai để ý đến, đó là số vàng trị giá 20 triệu USD được hãng Hàng Không Việt Nam chở đi, có sự chứng kiến của bà Pat Johnson, một nhân viên cao cấp của CIA rời Sài Gòn đi BangKok trong cùng một chuyến bay. Số vàng đó hiện nay về tay ai? Trong chuyến bay đó có vàng của ông Thiệu hay không?
Ai cũng biềt ông Nguyễn Tấn Trung là xui gia của Tổng Thống Thiệu, được cử làm Tổng Giám Đốc Hàng Không Việt Nam. Chắc chắn trong những ngày chót, ông cũng có nhiệm vụ đưa tài sản Hàng Không Việt Nam và của ông bà Thiệu đi. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, nhưng ông Trung vẫn “ngậm miệng ăn vàng”.
Khi bị tống xuất, theo Frank Snepp cho biềt, ông Thiệu còn đem theo mấy vali nặng “có tiếng kim loại va vào nhau” (xin xem ở sau).
THUÊ MỘT TRIỆU LÀM HÀNG TƯỚNG!
Trước trưa ngày 21 tháng 4, Thiệu triệu tập Khiêm và Hương đến, báo cho hai người biết ông sắp từ chức và sẽ báo tin ngay tối nay.
Máy ghi âm do CIA đặt trong phòng làm việc của Thiệu truyền đi từng lời ông ta nói.
Không để mất thì giờ, Polgar (trưởng trạm CIA tại Sài Gòn lúc đó) báo tin cho người Pháp về việc Thiệu sắp rút lui, rồi đến chiều, cử tướng Timmes đến gặp Minh. Timmes đi ngay. Minh có bằng lòng nắm quyền và thương lượng hòa bình trước khi loại được Hương không? Minh gật đầu. Ông ta nói có thể làm yên lòng kẻ thù và sẽ cử ngay đại diện đi Paris để mở cuộc thảo luận. Timmes rút trong cặp ra một nắm giấy bạc mới, một triệu đôla để làm phí tổn (chưa bao giờ Minh sử dụng món tiền ấy và ông ta cũng không hề trả lại).
Trong lúc đó, một viên chức khác của CIA bàn chiến thuật với một người thân cận Minh. Viên chức CIA nói: Tiện hơn cả là Minh nhận làm thủ tướng của Hương, như thế thuận lợi cho việc chuyển giao chính quyền. Người nghe lắc đầu: Không, không bao giờ Minh tham gia chính phủ của Hương. Minh phải nắm chính quyền như đã thỏa thuận. Những điều đó cho thấy việc chuyển giao chính quyền sẽ không được thực hiện như kế hoạch của sứ quán.
19 giờ rưỡi, giờ Sài Gòn, Thiệu nói chuyện với quốc dân đồng bào... Thiệu nói: Vì nửa đất nước đã mất nên ông ta hy sinh vì quyền lợi quốc dân. Tướng Viên đọc một tuyên bố ngắn. Ông nói quân đội tiếp tục chiến đấu để bảo vệ tổ quốc chống bọn xâm lược nước ngoài. Tối 21 tháng 4, lại thiết quân luật từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng để ngăn chặn những cuộc biểu tình, nhưng tôi nghĩ người ta đã quá mệt mỏi, không còn muốn nhảy ngoài đường phố nữa.
Trong khi tin Thiệu từ chức bay về Hoa Thịnh Đốn thì Kissinger gửi một điện chia buồn cho Martin, bày tỏ sự kính trọng không suy xuyển của ông đối với người lãnh đạo Nam Việt Nam, ông đề nghị được giúp đỡ Thiệu rời khỏi nước này. Ông nhấn mạnh: Chính phủ Mỹ không hề hợp tác với người Pháp để chống Thiệu. Và ông nói thêm đến nay cũng chưa nhận được tin tức gì của Liên Xô.
Không một người nào tán thành sự kiện diễn ra sau đó. Những người đứng về phe ngừng bắn tỏ lòng tin tưởng, họ cho rằng có thể thương lượng bình đẳng với cộng sản. Minh lớn là một người trong số đó, ông bình tĩnh chuẩn bị nói chuyện ngã ngũ với phía bên kia, trong khi đó, người phát ngôn của ông ta ở Paris công khai yêu cầu ngừng bắn, nối lại cuộc đàm phán và thành lập một chính phủ thật sự tiêu biểu.
Chiều thứ ba, Polgar nói với Timmes đến thăm Kỳ. Cuộc gặp mặt như dầu đổ vào lửa. Nhưng sau đó Kỳ công nhận, ông nghĩ rằng nhân viên CIA đến gặp Kỳ như gặp một người thay Hương. Và chỉ một câu hỏi vụng về của Timmes về sự nguy hiểm của một cuộc đảo chính chống Minh lớn là Kỳ biết ngay ai là người được Hoa Kỳ chọn làm tổng thống. Kỳ quyết định thu xếp ngay vị trí của mình. Sự vụng về của Timmes đã làm cho những người ôn hòa khó hoạt động và phái hữu báo động.
Trong khi đó, người Pháp tiếp tục xen vào, Pierre Brochand ở cạnh Minh suốt ngày, khuyến khích và bảo vệ Minh chống mọi kẻ cạnh tranh.
TỐNG XUẤT TÔNG TÔNG
Công việc tống xuất Tổng Thống Thiệu ra khỏi miền Nam đã được Tòa Đại Sứ Mỹ giao cho Thomas Polgar, trưởng trạm CIA tại Sài Gòn lúc đó. Chúng ta hãy nghe Frank Snepp kể lại chuyện này:
Từ ngày từ chức (ngày 21 tháng 4), Thiệu để thì giờ đi bách bộ trong nhà của ông ta ở bờ sông. Ông ta nghiền ngẫm một cuộc trả thù và mơ tưởng đến việc giành lại địa vị trước kia. Vợ ông ta, quá sợ hãi, không còn chịu được cảnh thất thế này. Sáng thứ năm, bà ta đi Bangkok trên một chuyến bay thương mại. Em họ của Thiệu. Đại sứ của Sài Gòn từ Đài Loan trở về nước khuyên anh sớm ra đi. Nhưng Thiệu chưa nghe. Ông ta nghĩ rằng ông ta còn giữ một vai trò gì đó ở đây. Ông ta nói với em họ là Hoàng Đức Nhã: "Nếu tôi phải ra đi, tôi sẽ đi với đoàn tùy tùng có trống giong cờ mở". Thiệu, vốn thường kín đáo, ít nói, nay có vẻ cảm động. Ông ta nói với Nhã: Em là người duy nhất còn lại ở bên anh, mặc dù anh đã làm hại em, cách chức và đuổi em đi.
Nhã tìm cách an ủi Thiệu. ông ta nói với Thiệu: "Anh cứ coi tôi như Cambroune, viên tướng trung thành với Napoléon ở ngoài đảo Elbe".
Hương, người kế vị Thiệu, không dám giục Thiệu ra đi, sợ bè phái Thiệu sẽ trả thù. Hương nói với Martin làm việc đó. Đại sứ cũng không thích thú làm việc này. Cho đến nay, ông vẫn làm cho người ta tưởng rằng sứ quán không can thiệp vào việc Thiệu từ chức. Ông không muốn làm thay đổi nhận định ấy.
Nhưng có một yếu tố phải tính đến. Minh lớn cho rằng sự có mặt của Thiệu ở Sài Gòn vẫn là một trở ngại lớn cho hoạt động của ông ta. Minh đề nghị Timmes, cơ quan ClA giải quyết giúp việc này. Điều đó làm vừa lòng Martin.
17 giờ ngày 25 tháng 4, Polgar gọi tôi đến phòng làm việc. Ở đấy đã có Joe Kingsley, tướng Timmes và một nhân viên CIA nữa. Polgar nhỏ nhẹ hỏi chúng tôi: Ban đêm, các anh có dám ra ngoài phố không? Chúng tôi đều gật đầu. Riêng tôi, tôi không chắc có thuộc hết các ngõ ngách và những cái hẻm do người Pháp xây dựng không, nhưng dù sao... Polgar tiếp tục nói: thế thì tốt. Tôi đề nghị các anh tối nay, giúp tôi cho Thiệu và Khiêm đi Đài Loan. Đó là một ân huệ đối với các anh, đồng thời là một phần thưởng vì các anh đã làm việc rất tốt". Thật ra, Polgar mới chỉ biết "phần thưởng" này cách đây mấy giờ. Trước đó, Martin định giao cho phái bộ quân sự thu xếp mọi việc, kể từ việc tổ chức chuyến bay đặc biệt cất cánh từ cuối đường băng Tân Sơn Nhất. Đến phút cuối cùng ông giao lại cho CIA. Khoảng 20 giờ 30 phút, bốn người chúng tôi đi ba xe đến Bộ Tổng Tham Mưu Nam Việt Nam ở Tân Sơn Nhất, Khiêm ở trong khu vực này, Joe và tôi giấu vũ khí dưới chỗ ngồi. Chúng tôi không thể không tính đến việc diễn lại cuộc ám sát anh em Diệm trước đấy. Chúng tôi định kế hoạch như sau: “Sẽ có những sĩ quan trẻ ngăn chúng tôi lại trên đường đi, ra lệnh cho chúng tôi xuống xe và bắt chúng tôi. Tức thì chúng tôi nổ súng”.
Quá 21 giờ, Polgar đến nhà Khiêm, trong một xe riêng có tài xế lái xe. Ông đến uống rượu với Khiêm và Timmes. Chúng tôi đứng đợi ngoài sân. Kingsley và tôi, để giết thì giờ, hai đứa nói chuyện với những người lính gác Việt Nam. Mấy lính khác chơi bài. Phần đông tỏ ra không đế ý gì đến việc đi lại của bọn "mũ cao áo dài" này. Có tiếng súng nổ ở phía sân bay. Đài radio báo cho chúng tôi biết: Hai lính Nam Việt Nam cáu kỉnh đã bắn súng ở đây: "Không thiệt hại gì, nay tình hình yên tĩnh. Đúng lúc đó, một xe Mercedes xám đỗ trên đường. Một người tầm thước, tóc bạc, chải lật ra sau gáy, mặt bôi kem, quần áo xám chỉnh tề, bước xuống đất. Trong bóng tối, Nguyễn Văn Thiệu giống một người mặc quần áo mẫu quảng cáo trong một tạp chí hơn là một nguyên thủ quốc gia. Ông ta không thèm nhìn chúng tôi!
Mấy phút sau, mấy người lực lưỡng, mỗi người xách một va li nặng, đi đến chỗ chúng tôi, bảo chúng tôi mở cửa xe, để tự họ xếp va li vào. Khi họ để va li xuống, có tiếng kim loại va vào nhau. Tiếp đó Thiệu, Khiêm, Polgar và Timmes, theo sau có nhiều nhân vật cao cấp Nam Việt Nam, bước ra cửa, tiến nhanh vào xe hơi. Thiệu ngồi xe tôi, ở ghế đằng sau. Giữa Timmes và một người Việt Nam. Timmes khuyên ông ta: Tổng thống ngồi thấp xuống để được yên ổn.
Chuyến đi chỉ có mấy phút nhưng tôi thấy rất dài. Timmes nói với Thiệu những chuyện không đâu, về quá khứ. Họ quen nhau năm 1961 trong một cuộc lửa trại ngoài Quân khu I. Trong những năm sau, Timmes thường cho Thiệu biết sự tiến triển của việc bình định: "thưa tổng thống, đó là một thành tựu lớn của chúng ta". Có một lúc Timmes giới thiệu tôi với Thiệu như một người nhận định tin có tài ở sứ quán, một người lái xe "có cỡ”! Mọi người bất đắc dĩ cười. Tiếp đó, Thiệu nói tiếng Anh pha giọng Pháp, cho rằng tất cả những người lái xe ở Sài Gòn đều có cỡ nhưng xấu nhất, hay xấu hơn cả những kẻ thù điên ở Bangkok.
Timmes hỏi: "Phu nhân và tiểu thư có khỏe không ạ? Thiệu trả lời: Nhà tôi và cháu đi Luân Đôn mua ít đồ cổ. Tôi nhìn rõ mặt cựu tổng thống qua tấm kính xe, mắt sáng dưới ánh đèn ngoài đường, mùi rượu Scoth thoáng bay trong xe có máy điều hòa không khí.
Đến gần cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất, đèn phụ xe hơi rọi thẳng một lúc vào bức tượng do người Việt Nam dựng để tưởng nhớ những người Mỹ chết trong chiến tranh. Trên bức tượng có dòng chữ: "Chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả những người lính đồng minh". Thiệu thở dài khá to và quay mặt đi. Một lần nữa Timmes nhắc Thiệu ngồi thấp xuống. Bình thường, cơ quan an ninh Việt Nam đứng gác ở sân bay không chú ý đến xe của sứ quán Mỹ.
Nhưng quá 21 giờ 30 rồi, quá giờ thiết quân luật hơn một tiếng. Những người gác có thể ngăn xe lại. Trời ơi, may quá, họ không làm gì cả. Đoàn người đi qua đường băng. Người lái xe trước tắt đèn. Tôi cũng làm theo. Trong một lúc tôi thấy dài ghê, tôi không trông thấy gì cả. Chiếc xe Chevrolet đồ sộ của tôi chạy một mình trong đêm tối. Sau tôi mới quen dần. Chợt tôi trông thấy Polgar chạy qua đường băng, cách tôi mấy mét. Tôi vội hãm thắng. Bánh xe kêu ken két. Xe dừng lại. Thiệu và người ngồi xe tôi bị xô vào ghế trước. Những xe sau vội quay ngang, quay dọc bao vây lấy xe tôi: một cảnh trong phim trinh thám. Polgar chạy đến vẫy tay và mở cửa xe cho Thiệu.
Một máy bay bốn động cơ C.118 của không quân Mỹ đậu gần đấy. Thủy quân lục chiến Mỹ mặc thường phục đứng gác và đi theo đại sứ Martin, dàn hàng ngang bên cạnh máy bay. Đại sứ chờ ở chân cầu thang. Khi Polgar mở cửa sau xe tôi. Thiệu cúi xuống vỗ vai tôi, nói giọng khàn khàn: cảm ơn! Ông ta chìa tay ra, giữ tay tôi một lúc ông ta cố nén không khóc. Tiếp đó ông ta rời xe, bước lên cầu thang máy bay. Khiêm và đoàn tùy tùng Thiệu đi sau, tay xách va li vai đeo máy ảnh, xắc...
Sau này, Martin thuật lại: "Tôi chỉ chào tạm biệt ông ta. Không có câu nói lịch sự nào. Chỉ một lời tạm biệt".
(trích từ tr. 533 – 537)
Ngày 12.4.2011
Lữ Giang
_____Ghi chú: ______________________________________
Mỗi tuần, nếu không tìm thấy bài gởi đến, xin vào website motgoctroi.com, mục "Mỗi Tuần Một Chuyện", (http://motgoctroi.com/mtmchuyen.htm) sẽ tìm thấy đầy đủ các bài trong đó.