Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Nhà hỗ trợ người nghèo: Dân không dám ở (09/04)


 Nhà của ông A Hiền ở xã Phước Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) được nhà thầu xây theo chương trình hỗ trợ người nghèo nhưng mới mấy tháng đã xuống cấp, gia đình phải đi nơi khác ở - Ảnh: Đ.Nam
Nhà hỗ trợ người nghèo: Dân không dám ở (09/04)
TT - Sau gần hai năm triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo quyết định 167 của Chính phủ, ở một số địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề không đơn giản, thậm chí có dấu hiệu ăn chặn của dân.

Hàng trăm căn nhà thuộc diện Nhà nước hỗ trợ theo quyết định 167 ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam sau khi xây dựng xong đã nhanh chóng xuống cấp. Vẫn thuộc chương trình này, ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng có nhiều điều đáng ngờ trong việc khai thác gỗ phục vụ các hộ dân làm nhà theo quyết định 167.
Rút ruột dự án
Phước Sơn là một trong ba huyện nghèo miền núi của tỉnh Quảng Nam. Từ khi có quyết định 167, chính quyền huyện giao cho các nhà thầu xây dựng 462 căn nhà cho các hộ nghèo, hiện phần lớn đã bàn giao cho dân.
Thế nhưng mới nhận nhà chưa đầy sáu tháng mà nhà của bà Hồ Thị Điên (người M’Nông) ở thôn 1, xã Phước Đức đã trống hoác và bục nước, bà phải chuyển con cái về ở tạm nhà mẹ ruột. Bên trong căn nhà của bà Điên, bốn bức tường đều xỉn màu, nhiều vết nứt bắt đầu lộ rõ. Một người hàng xóm dùng tay ấn nhẹ vào bức tường, ngay lập tức từng mảng tường vôi lần lượt rơi xuống đất. Bên dưới, nền ximăng được láng kín nhưng chỉ cần giậm mạnh mũi giày lập tức lớp nền bung lên, để lại những lỗ thủng. “Khổ nhất là mùa mưa, nước mưa cứ theo các khe rãnh chảy xuống sàn nhà” - một người hàng xóm ở cạnh nhà bà Điên kể.
Theo quyết định 167 của Chính phủ ban hành, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được thực thi theo phương thức huy động các tổ chức, đoàn thể cộng đồng tại địa phương giúp đỡ nhằm giảm giá thành. Ngoài phần tiền và gỗ do Nhà nước hỗ trợ, các hộ nghèo được địa phương xét duyệt cũng phải góp một phần tiền làm nhà bằng cách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương. Cũng theo quyết định 167, gỗ khai thác từ rừng chỉ được sử dụng có mục đích làm nhà ở tại chỗ của các hộ nghèo. Không được trao đổi, mua bán dưới mọi hình thức. Khối lượng khai thác tối đa cho mỗi hộ làm nhà ở không quá 10m3 gỗ tròn.
Tại xã Phước Mỹ, hàng loạt căn nhà mới được xây theo quyết định 167 nằm san sát trên một triền đồi, trong số đó không ít căn đã trở thành “phế tích”. Ông Hồ Văn Bê - phó chủ tịch UBND xã Phước Mỹ - than thở: “Toàn xã có 63 căn nhà cho hộ nghèo nhưng nhiều người phải bỏ nhà vì sợ không đảm bảo...”.
Thực tế cho thấy theo mẫu nhà thiết kế được duyệt thì khối lượng gỗ của mỗi căn hộ là 0,79-1m3 gỗ xẻ. Tuy nhiên, chỉ qua đánh giá bằng mắt thường cũng đủ thấy mỗi căn nhà sử dụng chưa đến 0,5m3 gỗ. Ông Phan Văn Diên (thôn 5, xã Phước Đức) nói: “Nếu cộng tất cả cũng không đến vài tấc gỗ. Đã vậy họ còn dùng cả gỗ bìa để làm cửa”.
Trong báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, ông Phan Tuấn - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - cho rằng: “Trong biên bản nghiệm thu nhà của chính quyền xã và huyện Phước Sơn không thể hiện khối lượng gỗ dùng cho một ngôi nhà là bao nhiêu, nên không xác định được khối lượng gỗ thực tế dùng cho một mẫu nhà”. Ông Nguyễn Quang Thiên - phó ban chỉ đạo trực chương trình 167 huyện Phước Sơn - cũng thừa nhận “không thể giám sát thường xuyên việc xây nhà cho dân nên để xảy ra tình trạng nhiều nhà kém chất lượng”. Ông Nguyễn Thanh Quang - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - nói thẳng: “Gỗ tốt thì doanh nghiệp đem đóng nhà biệt thự đâu đâu, còn gỗ bìa, phế phẩm thì làm nhà cho dân. Tôi đã làm báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh để làm rõ vụ việc”.
Khai thác gỗ để làm gì?
Nằm trên trục đường Lìa dẫn vào xã A Xing (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), căn nhà của ông Hồ Văn Bôi vừa dựng xong được vài tháng. Thuộc diện hộ nghèo, căn nhà của ông Bôi được hỗ trợ theo quyết định 167. Tuy nhiên, như lời ông Bôi nói: “Mình phải ứng tiền và tự kiếm gỗ làm nhà chứ đợi nhà công ty làm thì lâu lắm”. Theo xác nhận của chánh văn phòng xã
A Xing Hồ Văn Thuần, nhiều hộ dân trong xã cũng tự ứng tiền và vào rừng kiếm gỗ hoặc lấy các vật liệu khác để làm nhà trước rồi chờ hỗ trợ sau. Đến nay ở xã đã có 13/23 căn nhà hoàn tất.
Ở huyện Hướng Hóa có các xã Hướng Linh, A Túc đã hoàn tất việc xây dựng 17 nhà cho hộ nghèo theo hình thức người dân tự làm. Tại xã Hướng Lộc có 42 nhà hộ nghèo được duyệt theo quyết định 167, dân đã tự làm 19 căn. Trong khi rất nhiều hộ dân phải tự đi kiếm gỗ về dựng nhà thì nhiều doanh nghiệp ở Hướng Hóa lại có trong tay chỉ tiêu khai thác rừng với khối lượng lên đến hàng nghìn mét khối gỗ để phục vụ việc làm nhà theo quyết định 167.
Theo tìm hiểu, tháng 1-2011, huyện Hướng Hóa đã có quyết định bố trí địa điểm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Theo đó, 990m3 gỗ tròn sẽ được tập trung khai thác tại tiểu khu 668 của xã Hướng Linh và do doanh nghiệp tư nhân Phú Thăng (trú tại Hướng Hóa) đảm nhiệm khai thác. Toàn bộ số gỗ này sẽ phân bổ về năm xã, trong đó có A Dơi (166m3), A Túc (279m3), Hướng Linh (105m3) để làm nhà theo quyết định 167. Thực tế phần lớn hộ dân ở các xã đã làm xong nhà bằng nguồn gỗ trong dân. Trong khi đó, theo ông Hồ Văn Thắng - chủ tịch UBND xã Hướng Linh, doanh nghiệp Phú Thăng đã hoàn tất việc đo đạc và đánh dấu thân cây. Nếu không có gì trở ngại thì việc đốn hạ 990m3 gỗ rừng ở Hướng Linh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trước đó, tháng 11- 2010, UBND huyện Hướng Hóa cũng cho phép khai thác hơn 330m3 gỗ tròn ở tiểu khu 751 thuộc xã Hướng Lộc để lấy gỗ cấp cho các hộ nghèo hai xã Hướng Lộc và A Xing dựng nhà. Doanh nghiệp Thành Duy (Hướng Hóa) là đơn vị được phép khai thác số gỗ trên. Thế nhưng thực tế hơn một nửa số hộ tại hai xã này đã tự tìm nguồn gỗ về làm nhà, còn hàng trăm mét khối gỗ tròn được đốn hạ lại nằm “phơi thây”.
Theo ông Đặng Minh Khanh - phó chủ tịch kiêm trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nhà 167 huyện Hướng Hóa, “hơn một nửa số nhà thuộc chương trình 167 của huyện đã xây dựng xong bằng nguồn gỗ dân tự lo”. Nhà làm đã xong thì khai thác gỗ để làm gì? Đây là câu hỏi mà cơ quan chức năng cần phải làm rõ.
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

Tổng số lượt xem trang