Dòng sông Ba kỳ vỹ, nối liền từ sườn Tây sang sườn Đông Trường Sơn đang từng ngày bị tận diệt bởi bàn tay con người. Cứ với đà này thì không lâu nữa, dòng sông này sẽ chính thức được “khai tử”.
KỲ VỸ MỘT DÒNG SÔNG
Chảy qua nhiều địa phương thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, sông Ba kỳ vỹ đã hào phóng ban tặng cho cư dân sống hai bên bờ tất cả những sản vật vô giá trời ban; những tiềm năng lớn về thuỷ lợi, thuỷ năng; những giá trị văn hoá độc đáo không thua kém bất cứ một dòng sông nào trong cả nước.
Bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plong (tỉnh Kon Tum) với độ cao 1.549m, dòng sông Ba vươn đôi cánh tay dài 374 km, chảy theo hướng Bắc - Nam từ Kon Tum về các huyện thuộc tỉnh Gia Lai như Kbang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, sau đó xuôi về Phú Yên và đổ ra biển Đông qua cửa biển Đà Rằng.
Những cánh đồng lúa nước xanh tốt, những bản làng người dân tộc thiểu số bên dòng sông Ba |
Sông Ba giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của các cư dân bản địa nơi nó chảy qua. Đã từ ngàn đời nay, người dân bản địa sống dọc sông Ba uống nước trên dòng sông này, ăn cá trên dòng sông này. Bằng những sản vật trời ban cho mình, sông Ba đã hào phóng dâng tặng lại tất cả cho con người.
Theo một nghiên cứu mới đây thì sông Ba hiện có 182 loài cá thuộc 11 giống, 55 họ, 15 bộ khác nhau, trong đó có 11 loài di nhập, 171 loài có tại hệ thống sông Ba. Trong đó, riêng bộ cá chép chiếm ưu thế lớn nhất với 59 loài, tiếp đến là bộ cá vược có 54 loài. Khu hệ cá sông Ba có 11 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, đó là các loài: Cá trốc, cá chình mun, cá chình hoa, cá chình nhọn, cá mòi cờ hoa, cá mòi cờ chấm, cá mòi mõm tròn, cá duồng, cá măng sữa, cá cháo biển, cá cháo lớn.
Thành phần loài cá sông Ba cá 38 loài chung với khu hệ cá nước ngọt miền Bắc, 63 loài chung với khu hệ cá nước ngọt miền Nam và 82 loài chung với khu hệ cá ở vùng trung - hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra, trong thành phần khu hệ cá sông Ba còn có nhiều loài phân bố ở phân vùng Bắc Việt Nam - Hoa Nam và phân vùng Ấn Độ - Mã Lai…
Bên cạnh nguồn lợi thuỷ sản dồi dào, sông Ba còn giữ vai trò điều tiết nước tưới cho toàn bộ lưu vực nơi dòng sông chảy qua. Hàng năm, sông Ba luôn bồi đắp một khối lượng phù sa vô tận để từ đó, hình thành nên những bãi ngô, ruộng đậu quanh năm tươi tốt; những ruộng lúa trĩu bông vàng; những cánh đồng thuốc lá bát ngát…
Thuỷ lợi Ayun Hạ là một ví dụ điển hình bởi từ khi chính thức đi vào hoạt động, công trình này đã cung cấp nước tưới cho gần 10 ngàn ha cây trồng các loại cho vùng trọng điểm nông nghiệp nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai là Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Từ khi có thuỷ lợi Ayun Hạ, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay rõ rệt bởi nước đi đến đâu, diện tích cây trồng được mở mang đến đó.
Theo đó là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây mỗi ngày một khấm khá thêm, phương thức sản xuất thay đổi theo chiều hướng tiến bộ từ phát đốt chọc trỉa, làm lúa rẫy một vụ bấp bênh đến canh tác lúa nước ổn định hai vụ, cho năng suất cao. Nhiều hộ dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm…
Xuôi về Phú Yên, sông Ba mang một tên mới: Sông Đà Rằng. Sông Đà Rằng có hệ thống lưu vực rộng 13.900 km2 (bao gồm cả phần Đông Bắc của tỉnh Đăk Lăk). Tại đây, dòng sông đã cung cấp nước tưới cho hơn 20 ngàn ha lúa ở đồng bằng Tuy Hoà - cánh đồng lớn nhất và là vựa lúa lớn nhất miền Trung.
Sông Ba cũng là dòng sông có tiềm năng lớn về việc phát triển thuỷ điện, được xếp thứ 6 trên 9 hệ thống sông chính của cả nước về tiềm năng thuỷ điện với công suất lắp máy 669 KW, điện lượng trung bình hàng năm đạt 2.600 triệu KWh. Cùng với sông Sê San - “dòng sông năng lượng” thì sông Ba đã và đang góp phần toả sáng cho Tây Nguyên bởi các công trình thuỷ điện như: Thuỷ điện An Khê- Ka Năk, Krông H’Năng, Sông Hinh, Sông Ba Hạ.
Từ sự giàu có và hào phóng của sông Ba, các nhà khoa học đã từng kiến nghị xây dựng dòng sông này thành khu bảo tồn thuỷ sản vùng nước nội địa quốc gia, xây dựng các đường dẫn cá trên các đập thuỷ điện, thuỷ lợi trên hệ thống sông Ba; khảo sát các hoạt động nông nghiệp - công nghiệp gây ô nhiễm trong hệ thống sông, đẩy mạnh việc giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học đối với cộng đồng ngư dân đánh bắt, khai thác trên dòng sông này. |
Ngoài những giá trị về kinh tế, sông Ba còn có một giá trị văn hoá- du lịch đặc biệt quan trọng trong toàn vùng Tây Nguyên. Từ những con thác hùng vỹ nơi thượng nguồn đến những khúc quanh, những dòng chảy êm đềm xuôi về hạ du đều mang một dấu ấn đậm nét về văn hoá của cư dân sinh sống nơi đây: Đó là những bản trường ca bất tử; đó là những chương sử thi hùng tráng và lãng mạn; đó là những câu chuyện tình đẹp của các chàng trai, cô gái Bah Nar, J’rai, Ê- Đê, Dẻ Triêng…
Đó còn là những làng mạc thanh bình hai bên bờ mà trong nó là một di sản văn hoá độc đáo và khổng lồ với vút cao mái nhà rông, với trầm mặc những bức tượng nhà mồ, với âm vang cồng chiêng, với la đà ché rượu, với lơi lả vòng xoang…
Người ta ví sông Ba như một chàng lực sỹ hiên ngang đứng giữa giang sơn, vươn đôi cánh tay dài từ Tây sang Đông Trường Sơn bởi đây là con sông lớn nhất Nam Trung bộ, và lớn thứ ba trong hệ thống sông toàn miền Trung. Sông Ba kỳ vỹ không thua kém bất cứ một con sông lớn nào trong vùng.
-Sống trên... dòng sông chết
Kỳ vỹ là vậy, tiềm năng là vậy, nhưng sông Ba đang hấp hối từng ngày bởi sự bức tử của con người. Ô nhiễm, cạn kiệt là những gì còn lại trên dòng sông này.
THƯỢNG NGUỒN Ô NHIỄM
Cái sự kỳ vỹ của sông Ba bắt đầu đi vào… huyền thoại khi mà thời gian gần đây, để khai thác tiềm năng thuỷ điện, dòng sông này đã bị “chặt” ra từng đoạn. Tiếp đó là hàng chục nhà máy các loại thi nhau mọc lên từ thượng nguồn đến hạ du như: Hệ thống các Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy Đường An Khê, Cty TNHH VEYU, Cty Ván sợi ép (MDF), Nhà máy Tuyển quặng Kbang…
Công bằng mà nói thì các Nhà máy dọc bờ sông Ba như thế này đã xả nước thải ra sông từ cách đây cả chục năm. Tuy nhiên những năm trước, nước sông Ba còn nhiều nên phần nào pha loãng được cái gọi là “thiếu sót” của các Nhà máy; xác động vật chết hoặc chất thải tự nhiên từ thượng nguồn cũng được dòng nước đưa ra biển. Mấy tháng trở lại đây (cùng với điệp khúc “tích nước mùa khô, xả nước mùa lũ” của các Nhà máy thuỷ điện), Thuỷ điện An Khê- KaNăk bắt đầu tích nước nên nhiều đoạn của sông Ba chỉ còn… trơ lại đá.
Dòng sông cạn kiệt, nước thải từ các nhà máy đổ ra sông không đựơc xử lý, cá chết hàng loạt nổi vật vờ trên sông khiến nước sông bị ô nhiễm nặng. Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường Gia Lai phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường cùng các ngành chức năng cho thấy: Tại Nhà máy Đường An Khê, mẫu nước thải lấy tại đầu ra hệ thống nước thải tập trung có chỉ tiêu Coliform vượt 1,7 lần cho phép. Mẫu nước thải rò rỉ từ hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải sinh hoạt của Cty TNHH VEYU (phường Tân An, thị xã An Khê) và nước thải từ khu dân cư lân cận (với lưu lượng khoảng từ 5- 10 m3/ngày) - chỉ tiêu về nhu cầu ôxy sinh hoá vượt 2,5 lần, nhu cậu ôxy hoá học vượt 1,8 lần, Coliform vượt 5,4 lần. Tại Nhà máy tuyển quặng Kbang cũng có nhiều chỉ tiêu về môi trường không đạt…
Hậu quả của sự bừa bãi do các nhà máy gây ra như trên, đã làm dòng sông Ba chết dần. Sông Ba bây giờ gần như đã cạn trơ đáy. Nhiều đoạn còn lại ít nước thì chỉ là… nước thối. Có những đoạn, người ta lùa bò ra giữa lòng sông (ngày trước) để gặm cỏ. Đi ngang qua cầu Sông Ba (trung tâm thị xã An Khê), không ai không phải bịt mũi và phóng nhanh bởi từ dưới cầu bốc lên mùi hôi thối không thể chịu nổi.
Tại hai phường An Bình và Tây Sơn (thị xã An Khê), trước đây có trên 60 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông Ba, bây giờ chỉ còn lại dưới 20 người theo nghề này, bởi họ không thể lên bờ làm nông hoặc làm thuê như những người khác. Tuy nhiên, cá mà họ bắt được cũng rất khó bán bởi đây là… cá sông Ba. Ngư dân Lê Văn Tựu (tổ 8, phường Tây Sơn) làm nghề này từ cha truyền. Nhà không có ruộng đất trên bờ nên mặc dù sông Ba ô nhiễm, ông vẫn phải theo nghề. Ông nói: “Ngày trước đánh bắt cá ở sông Ba nhiều lắm. Cá ở đây ngon nên chưa vào đến bờ đã có người đặt mua hết. Bây giờ cá chết nhiều do ô nhiễm, lên bờ cũng không ai muốn mua vì sợ ăn vào bị nhiễm độ”.
HẠ DU KHÔ KHÁT
Sông Ba đoạn chảy qua địa bàn xã Ia Kđăm (huyện Ia Pa, Gia Lai), lòng sông đã cạn kiệt. Ba trạm bơm trong vùng là: Ia Kđăm, Plei Toan và Kim Tân đã phải ngừng hoạt động vì không còn nước. Theo đó, hàng trăm héc - ta lúa Đông Xuân ở đây đang thời kỳ làm đòng, chớm trổ bông đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì không có nước tưới. Ông K’sor Bui - cán bộ HTXNN Ia Kđăm đưa chúng tôi xuống cánh đồng 50 ha lúa đang thời kỳ làm đòng. Cả cánh đồng hầu như đã héo rũ vì thiếu nước. Nông dân K’sor Ben có đám ruộng ngay bên cạnh mương dẫn nước nhưng cũng không thể thoát cảnh chết khô vì mương nước đã cạn khô. K’sor Khôi than thở: “Chưa năm nào như năm nay, đồng ruộng thiếu nước nên lúa không sống nổi. Nghe nói người ta chặn dòng nước ở thượng nguồn nên dưới này phải chịu cảnh khô khát”.
Anh Trần Minh Phương, cán bộ Phòng NN- PTNT huyện Ia Pa, cho biết: “Nước sông Ba xuống thấp quá, chưa đến miệng vòi hút của trạm bơm nên không có nước để bơm lên ruộng”. Vụ Đông Xuân 2010 - 2011, toàn xã Ia Kđăm gieo trồng được 230 ha cây trồng các loại, trong đó có 80 ha lúa nước thì toàn bộ đang dần khô héo. Chủ nhiệm HTXNN Ia Kđăm Siu Khiêm cho biết: “Nhiều cánh đồng khác của xã Ia Kđăm có diện tích lên đến cả ngàn ha vụ Đông Xuân này đành bỏ hoang vì không có nước sản xuất”.
Việc “Thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan” không chỉ xảy ra ở Ia Pa, mà hầu hết các huyện nằm phía hạ lưu sông Ba đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, hàng chục ngàn hộ nông dân vùng này đang hết sức lo lắng cho những vụ sản xuất những năm tiếp theo. |
Còn việc chặn dòng tích nước ở đầu nguồn vào mùa khô của các Nhà máy thuỷ điện, nếu không có giải pháp, kế hoạch hợp lý thì đầu hút trạm bơm có hạ đến… đâm vào lòng sông cũng không thể có nước đưa vào đồng. (Hết)