lời cựu Tổng thống Vaclav Havel nhắn nhủ nhân dân Việt Nam
-PARIS, ngày 21.12.2011 (PTTPGQT) - “Phải thét to lên, ngay cả lúc chúng ta cảm thấy chẳng còn chút hy vọng gì !” là lời cựu Tổng thống Vaclav Havel nhắn nhủ nhân dân Việt Nam trong cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Võ Văn Ái tại thủ đô Praha, Cộng hòa Tiệp, ngày 10.4.2003.
Tưởng mộ Nhà Nhân bản Vaclav Havel nhân ngày ông qua đời, chúng tôi xin ghi lại đôi nét về linh hồn của cuộc Cách Mạnh Nhung không đổ một giọt máu vào tháng 11 năm 1989, và nhắc lại cuộc gặp gỡ nói trên.
Nhà văn, nhà viết kịch, nhà tranh đấu cho dân chủ, cựu Tổng thống Vaclav Havel qua đời sáng ngày 18/12 vừa qua tại ngôi biệt thự cách thủ đô Praha chừng 100 cây số.
Dựa trên tinh thần nhân bản và bằng phương pháp bất bạo động được David Thoreau, Gandhi, Martin Luther King... khởi xướng, ông Vaclav Havel là linh hồn của cuộc Cách Mạng Nhung tại Tiệp Khắc cuối thập kỷ 80.
Vũ khí ông là ngòi bút và ý chí can cường, ngay cả những năm bị nhốt tù cũng như những năm bị đánh bật ra ngoài lề xã hội Cộng sản, không được theo học đại học, phải lái xe taxi sinh sống.
Là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77. Tư tưởng dân chủ và đạo đức của Vaclav Havel làm nên tiến trình dân chủ hóa Đông Âu.
Không một tiếng súng, ông Vaclav Havel đã thành công giải thể chế độ Cộng sản vào tháng 11 năm 1989. Khởi sự với cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh dấy lên ngày 17.11.1989, và bị Công an Tiệp thẳng tay đàn áp. Hai hôm sau, ngày 19.11, hai trăm nghìn người xuống đường phản đối. Sau đó một ngày, hôm 20.11, năm trăm nghìn người biểu tình đòi giải thể chế độ Cộng sản. Tiếp theo là những cuộc đình công của thợ thuyền. Và dưới áp lực mạnh mẽ của toàn dân, ngày 27.11 năm ấy, 1989, đảng Cộng sản Tiệp tuyên bố rút lui khỏi chính trường.
Bằng tổ chức chính trị “Diễn đàn Dân sự” (Civic Forum), Vaclav Havel đã mang lại thắng lợi vẻ vang cho cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ. Khi Tiệp khắc phân đôi thành Czech và Slovac, ông lại được bầu làm tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Tiệp.
Hai ngày sau khi đắc cử tổng thống, ông Vaclav Havel mời Đức Dalai Lama sang viếng thăm chính thức. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên mời Đức Dalai Lama chân tình và không hậu ý. Không như một số cường quốc Âu Mỹ chịu áp lực Bắc Kinh để không dám tiếp, hoặc chỉ gặp gỡ không chính thức Đức Dalai Lama.
Nhân dịp Liên hoan Phim Nhân quyền Thế giới tổ chức tại thủ đô Praha, Cộng hòa Tiệp, từ ngày 8 đến 16.4.2003, Sáng hội Cứu Người Lâm Nạn (People in Need Foundation) trao Giải Nhân quyền “Người Cho Người” (Homo Homini) cho ba nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam : Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý, là những người đã can cường trong cuộc đối kháng ôn hòa chống chế độ Cộng sản Việt Nam trong ba mươi năm qua. Sáng hội Cứu Người Lâm Nạn muốn biểu tỏ lòng kính trọng và sự hỗ trợ đối với các Nhà đối kháng cho Dân chủ tại Việt Nam đang kiên trì bằng con đường bất bạo động nhằm chuyển hóa dân chủ trên đất nước Việt Nam.
Giải Nhân quyền “Người Cho Người” (Homo Homini) được đặt dưới sự bảo trợ của cựu Tổng thống Vaclav Havel, Đô trưởng Praha và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Tiệp.
Hội trường Lucerna tại thủ đô Praha, Cộng hòa Tiệp, là nơi trao giải, đông nghẹt người đêm mồng 9 tháng 4. Cuốn phim về cuộc biểu tình của 40.000 Phật tử Huế ngày 24.5.1993 được chiếu trên phông ảnh lớn. Sau đấy, Ban điều hành Sáng hội Cứu Người Lâm Nạn, gồm có các ông Igor Blazevic, Tomas Pojar, bà Kristina Taberyová lên máy vi âm vinh danh ba nhà được giải.
Thay mặt ba vị hiện bị quản chế hay sống trong nhà tù Việt Nam, ông Võ Văn Ái nhận giải và đáp từ cảm tạ. Sau khi giới thiệu tiểu sử và công đức của ba nhân vật Việt Nam, ông Ái phát biểu :
“(...) Giải Nhân quyền mà các bạn trao cho ba nhà bất đồng chính kiến, không những bảo vệ cá nhân họ trước cuộc đàn áp, mà còn bảo vệ và khuyến khích cuộc đấu tranh bất bạo động và những phong trào mà ba nhà ly khai đại diện đang vận động cho nhân quyền và dân chủ, để cho con người được sống giữa loài người, thay vì sống giữa loài lang sói.
“(...) Chúng ta có nên tuyệt vọng trước chế độ độc tài toàn trị này chăng ? Chúng ta có còn hy vọng vào cuộc đổi thay nữa hay không ?
“Tôi tin là có. Mười lăm năm trước, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam của chúng tôi tung chiến dịch quốc tế đòi hủy bỏ hai điều trên Hiến pháp Việt Nam : điều 2 quy định chuyên chính vô sản và điều 4 quy định sự độc tôn chính trị, văn hóa, tư tưởng của đảng Cộng sản. Nhờ công luận quốc tế hỗ trợ, điều 2 đã bị hủy. Chúng tôi tiếp tục vận động triệt tiêu điều 4.
“Tôi giữ lòng hy vọng. Tôi hy vọng là vì nhân dân Tiệp đón tiếp chúng tôi hôm nay đã thành công quét sạch nạn độc tài độc đảng hơn mười năm trước. Tôi tràn đầy hy vọng khi thấy các bạn mang lại cho chúng tôi sự hậu thuẫn vô giá cho một nước Việt Nam Tự do. Nhân danh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhân danh tất cả những người Việt Nam ưu tư cho dân chủ và nhân quyền, tôi tri ân các bạn”.
Ngày hôm sau, 10.4.2003, cựu Tổng thống Vaclav Havel tiếp ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, để trao đổi tình hình đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Bản tin Pháp tấn xã AFP đánh đi từ Praha cùng ngày nói lên nội dung cuộc gặp gỡ quan trọng cùng thông điệp mà cựu Tổng thống Vaclav Havel gửi đến nhân dân Việt Nam. Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã dùng một phần cuốn băng thu âm cuộc gặp gỡ ấy làm phóng sự, và Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong chương trình 21 giờ tối 15.4.2003.
Xin giới thiệu tài liệu quý này đến Bạn đọc Quê Mẹ như một lời tưởng mộ nhân ngày cựu Tổng thống Vaclav Havel qua đời hôm 18.12 vừa qua.
Trong cuộc gặp gỡ này, ông Võ Văn Ái đã trao đổi tình hình đấu tranh cho dân chủ trên thế giới và tại Việt Nam. Cựu Tổng thống Vaclav Havel hỏi han nhiều đến hiện tình các phong trào Việt Nam đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo. Ông Ái không quên cảm ơn cựu Tổng thống đã vinh danh ba nhân vật Việt Nam qua Giải Nhân quyền “Người Cho Người”. Ông Ái cũng báo động về một hình thái chiến tranh mới mà nhà cầm quyền cộng sản đang tiếp diễn chống nhân dân Việt Nam, che đậy qua lập luận mở cửa kinh tế, nhưng không chấp nhận cải cách chính trị.
Sau đây là một số vấn đề cựu Tổng thống Vaclav Havel nêu ra trong cuộc gặp gỡ, đặc biệt và hữu ích cho những ai quan tâm đến việc chung :
Ỷ Lan : Thưa Tổng thống Vaclav Havel, chắc Tổng thống thừa biết là tại Việt Nam ngày nay không có báo chí tự do, không có cơ quan truyền thông tự do. Các đài phát thanh ngoại quốc là nguồn cung cấp tin tức trung thực độc nhất, làm cho quần chúng đông đảo ngày đêm theo dõi, mặc dù Nhà nước cộng sản cấm đoán nghe đài. Do đó, chúng tôi mong mỏi đưa những lời Tổng thống phát biểu trong cuộc gặp gỡ đến hằng triệu người ưu tư cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Vì vậy xin phép Tổng thống được ghi âm các điều trao đổi hôm nay giữa Tổng thống và ông Võ Văn Ái. Trước tiên, xin Tổng thống cho biết vì sao Việt Nam được chú ý, vì sao Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý, là những người chỉ biết có nhà tù trên 20 năm ròng, lại được ban tổ chức chọn trao Giải Nhân quyền “Người Cho Người” ?
Vaclav Havel : Tôi rất vui mừng việc ba nhân vật Việt Nam lãnh giải, tôi xin được chuyển lời chúc mừng trang trọng đến ba vị. Sáng hội Cứu Người Lâm Nạn (People in Need Foundation) chủ xướng việc trao giải này. Từ nhiều năm qua, tôi mến phục cung cách làm việc của tổ chức. Họ rất lưu tâm đến nhân quyền cũng như cứu trợ nhân đạo trong nhiều quốc gia. Nhờ những công tác ấy, tôi nghĩ rằng Giải Nhân quyền “Người Cho Người” (Homo Homini) có một giá trị riêng biệt.
Tôi cảm thông sâu sắc với cuộc đấu tranh của ba nhân vật được giải, vì chính bản thân chúng tôi từng trải qua một hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi cũng đã phải đối đầu với một thể chế độc tài khắt khe, nhưng có thể là hoàn cảnh chúng tôi ít khó khăn hơn so với ba vị.
Thuở đó người ta gọi chúng tôi là những nhà ly khai, danh từ này không do chúng tôi đặt ra. Thuở đó, quần chúng và nhiều bạn hữu đánh giá cuộc đấu tranh của chúng tôi chẳng mang lại lợi ích gì. Họ bảo là chúng tôi chẳng bao lăm người, làm sao đối diện với một lực lượng vô biên hùng mạnh, mà lực lượng này lại nắm trong tay mọi công cụ quyền bính. Nhưng chúng tôi đã trả lời với họ : điều quan trọng là đấu tranh cho cái thiện, chứ không phải là quan tâm tới thành công hay hy vọng sẽ thành công. Phải có một quan điểm như thế thì sự thành công mới xuất hiện. Tại đất nước chúng tôi, cuộc toàn thắng đã hiện ra theo quan điểm đấu tranh mà tôi vừa trình bày. Nhưng đây là trường hợp đã xẩy ra cho chúng tôi, tôi không dám nói ở đâu cũng như thế. Nhưng dù sao đi nữa, thì cũng đáng cho chúng ta bõ công đấu tranh cho những điều tối thiện.
Khi những hiện tượng khủng hoảng lên tới tầm mức nào đó, thì chế độ sụp đổ. Có nhiều nguyên nhân giải thích sự sụp đổ, nhưng điều quan trọng là chế độ ấy sụp đổ. Quan trọng hơn nữa là những gì xẩy ra sau cuộc sụp đổ. Người ta bám vào cái gì đây để xây dựng ? Câu trả lời xuất phát từ truyền thống của chính cuộc đối kháng ấy, nghĩa là chiến lược nhắm tới khi đối kháng cái dã man, tàn bạo. Thật khó gầy dựng một xã hội tự do, khi chẳng có ai khẳng định quyền tự do, khi chưa có một truyền thống về tự do qua nhiều nguồn ngôn luận.
Ỷ Lan : Một trong ba nhà được giải là Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hòa thượng đòi hỏi được xuất bản một tờ báo độc lập, được tự thân đi cứu trợ nạn nhân bị lũ lụt, và cuối cùng, Hòa thượng tung “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam”, một chương trình 8 điểm. Tổng thống từng kinh qua kinh nghiệm đấu tranh dưới chế độ Cộng sản, Tổng thống có nghĩ rằng phương cách đòi hỏi của Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ đưa tới một cuộc đổi thay chính thể tại Việt Nam không ?
Vaclav Havel : Hiển nhiên là trong các nền văn hóa khác nhau, trong những thế giới khác nhau, dân chủ có những biến thái khác nhau. Nhưng tôi tin có một số cứ liệu như nhau về quan niệm sống tự do, về nhân phẩm phổ quát cho toàn nhân loại. Hoặc người ta tôn trọng nguyên tắc này, hoặc người ta cưỡng bức những lý tính phổ quát ấy. Ở vào hoàn cảnh bị ức chế, thật cần thiết để có ai đó dám lên tiếng, dám vạch mặt chỉ tên, như Hòa thượng Thích Quảng Độ đang làm vậy. Đương nhiên là hậu thuẫn quốc tế vô cùng quan trọng, trong quá khứ chúng tôi từng trông đợi sự hậu thuẫn ấy. Bản thân tôi bị tù đày mất 5 năm, nếu không có hậu thuẫn quốc tế lên tiếng, thì chắc là 5 năm ấy kéo dài thành 20 năm.
Ỷ Lan : Cuộc đời của Tổng thống có thể nói là được chia làm hai giai đoạn. Một giai đoạn đấu tranh, chịu cảnh tù đày, gian khổ. Và một giai đoạn nắm quyền làm tổng thống, mà công tác là biến thành cụ thể cho hằng triệu công dân Tiệp, những ước mơ tranh đấu, những lý tưởng trước kia. Tổng thống có thể chia sẻ kinh nghiệm này và có những lời cố vấn gửi đến các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam không ?
Vaclav Havel : Tôi không dám khuyên nhân dân Việt Nam nên làm gì, ngoài những điều chúng ta cùng nhau trao đổi từ nãy đến giờ. Điều quan trọng không thể tránh, là phải cương quyết đối đầu chủ nghĩa độc tài toàn trị, dù niềm hy vọng thành công mong manh đến đâu. Ngày trước, nhân dân Tiệp chúng tôi cũng ở trong hoàn cảnh như các bạn ngày nay. Nhưng chúng tôi quyết tâm tranh đấu đến cùng. Phải thét to lên, ngay cả lúc chúng ta cảm thấy chẳng còn chút hy vọng gì, vì đó vẫn là điều đáng làm và phải làm. Thành quả và giá trị tương lai đến từ sự bất trắc hay sự hy sinh trong hiện tại. Kẻ nào không dám liều thân sẽ chẳng gặt hái được giá trị gì.
Ỷ Lan : Nhà cầm quyền Hà Nội đang cố tâm thuyết phục thế giới rằng nền kinh tế thị trường sẽ đem tới sự tự do cần thiết cho nhân dân. Tổng thống có nghĩ rằng nền kinh tế thị trường sẽ biến nước Việt Nam ngày nay thành một xã hội dân chủ đa nguyên không ?
Vaclav Havel : Điều đó không chắc đâu. Trước kia có lúc tôi từng nghĩ như thế. Tôi mường tượng rằng tự do mậu dịch, những nhà đầu tư, vốn liếng nước ngoài đưa vào sẽ giúp cho việc mở mang đời sống quốc gia. Nền kinh tế thị trường sẽ dẫn đến dân chủ đa nguyên. Nhưng ngày nay, tôi không còn tin như thế nữa. Phải mở cửa và thay đổi chính trị cùng lúc với việc phát triển kinh tế. Khi một quốc gia chịu mở cửa trên lĩnh vực này, ắt khó lòng đóng cửa trên lĩnh vực khác.
Bên cạnh cuộc mậu dịch, các nhà đầu tư cũng mang lại nếp sống riêng, văn hóa riêng của họ. Trên phương diện này, họ đem lại ảnh hưởng tích cực cho đời sống địa phương. Nhưng mặt khác, việc mở cửa kinh tế thường che giấu tính vô liêm sỉ của một số người cư ngụ trong các khách sạn sang trọng. Họ chỉ đến một xứ sở để bóc lột kinh tế quốc gia này, mà chẳng lưu tâm chút nào, nếu không nói là cóc cần tới hiện trạng của kẻ đang bị tra tấn ngay bên cạnh khách sạn họ cư ngụ.
Ỷ Lan : Người Việt rất kính phục nhân cách và con người tiến hành cuộc Cách Mạng Nhung cho nhân dân Tiệp, cũng như con người xây dựng dân chủ cho Cộng hòa Tiệp của Tổng thống. Vậy xin Tổng thống gửi đôi lời thông điệp đến những ai được nghe hay được đọc Tổng thống ?
Vaclav Havel : Tôi muốn nói rằng, dù Việt Nam ở dưới một gầm trời nào, dù Việt Nam có nền văn hóa khác chúng tôi đến đâu, thì sự liên hệ hỗ tương giữa hai nước chúng ta rất đậm đà. Dưới thời cộng sản, có cuộc trao đổi lực lượng lao động. Sau này các khách lao động ấy trở về quê hương họ, và nhờ họ, mà Cộng hòa Tiệp được nhân dân Việt Nam biết đến. Tôi xin gửi lời chào nhân dân Việt Nam từ nước Tiệp, một quốc gia chẳng xa lạ gì với các bạn. Tôi muốn bảo đảm với nhân dân Việt Nam rằng, rất nhiều người ở nước tôi không dửng dưng trước số phận của người dân Việt, và rất có cảm tình với nhân dân Việt Nam trong những nỗ lực vận động đổi thay thảm trạng Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Tổng thống Vaclav Havel.
--Phấn đấu ký số 83 (Nhật ký mở-mở lần thứ 12)
-Ngày 24 tháng 12/2011
XIN THẮP HƯƠNG VÁI LẠY LINH HỒN MỘT VĂN NGHỆ SỸ -CHÍNH TRỊ GIA MỚI QUA ĐỜI
Phải chờ đến sáng nay (24 tháng 12/2011), sau khi lướt qua mọi tờ báo- công- cụ- tuyên- truyền, nghe hết các chương trình Ti vi suốt ba ngày qua thấy…im re mình mới quyết định :
Dù có sắp chết đến nơi cũng phải nói lên vài điều với lớp trẻ VN hôm nay rằng :
Trưa hôm qua thứ sáu , 23 tháng 12năm 2011 cả thế giới không cộng sản đều hướng về Praha , thủ đô nước Cộng Hòa Tcheque để tiễn đưa một con người nghệ sỹ-chính trị gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, tác giả của cuộc Cách Mạng Nhung lật đổ chủ nghĩa cộng sản độc tài không bằng bạo lực, bằng trả thù mà bằng TÌNH YÊU VÀ SỰ THẬT.
.Và ông đã chiến thắng HẬN THÙ VÀ DỐI TRÁ .
- Ông là VACLAV HAVEL , một nhà viết kịch….nhưng trước hiện tình của đất nước bị bọn độc tài toàn trị núp bóng xe tăng, đại bác Liên Xô dày xéo nước ông năm 1968 , đã đẩy ông vào con đường "Phải Làm Chính Trị ".
- Nhưng chính trị của ông cũng không giống ai thậm chí có kẻ còn cho ông là “chính trị ngây thơ” vì ông chủ trương dùng sự thật và chỉ có sự thật mới đánh đổ được dối trá..” Hiến chương 77 “ nổi tiếng mãi hôm nay và mai sau chính là nhằm cụ thể hóa đường lối đấu tranh của ông và bạn bè …:Làm chính trị không bằng..chính trị !.
- Cũng vì những chủ trương này mà ông cùng các bạn bè ông đã bị nhà cầm quyền tay sai của phát xít đỏ Liên Xô đã tống giam ông vào ngục với cái tội “kích động lật đổ”! Đáng chú ý nhất là người bạn đồng tác giả Hiến chương 77, nhà triết học Jan Patochka đã bị mất xác trong tù. Còn ông ,mắc bệnh phổi không được chạy chữa đã làm ông đau yếu suốt những năm cuối đời và đã giã từ “nhân loại tiến bộ ra đi ngày 18 tháng 12 /2011 ở tuổi 75.
- Vaclav Havel từ một nghệ-sỹ-tù- nhân- chính- trị được toàn dân Tiệp Khắc bầu làm tổng thống từ 1989 đến 1992, và sau khi đóng góp quyết định cho sự tách rời Tcheque và Slovakia ra làm hai mà không có bạo loạn không tranh chấp,"nồi da xáo thịt” như ở Nam Tư ! Cũng chính cái sự “ngây thơ chính trị” mà ông luôn theo đuổi :“ Tình yêu và Sự Thật sẽ chiến thắng dối trá và hận thù đó” mà sau này khi chỉ còn là tổng thống có một nước Tcheque (từ 1992 đến 2003), ông vẫn được nhân dân hai nước mới tách rời coi ông như người có công lớn trong Cuộc Cách Mạng Nhung , không một tiếng súng , không trả thù, không tính sổ nhau để cùng SỐNG TRONG TÌNH YÊU VÀ SỰ THẬT !
- Những điều “vĩ đại”hiếm thấy ở một người như Vaclav Havel được sách vở, báo chí thế giới nói tới nhiều bằng những lời hay ý đẹp tới mức có kể ra cả tháng cũng không hết. Chỉ xin dịch tạm mấy câu của các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà chính trị nói trong buổi tiễn biệt ông lần cuối tại cung điện Praha :
- “Ông là người Anh Hùng Cách Mạng Nhung Chống Chủ Nghĩa Cộng Sản thắng lợi”(Madeleine Albreigt).
- “Ông là nhà phiêu lưu mạo hiểm cho dân chủ , nhà nhân văn tiên tri cởi mở và sáng suốt nhất .”
- “Sự dũng cảm và cái nhìn tiên tri sáng suốt của con người này có thể làm lay chuyển cả núi đá” .
- “Luận điểm “quyền lực của sự không quyền lực “của ông đã tranh thủ được hàng triệu trái tim người, kể cả kẻ thù đã bắt bớ, giam cầm ,đầy đọa ông.
- -“Khi một con người có một niềm tin không thể lay chuyển và nguyện suốt đời đấu tranh cho cái niềm tin đó bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau thì Havel là một người anh hùng của cả hành tinh này vì ông đã chiến thắng trong cuộc Cách Mạng Nhung chưa từng có trong lịch sử đấu tranh của Nhân Loại.”…
- -Và cái khác người của Vaclav Havel đã làm cho mọi người cảm phục đó là : Dù đã rời chính trường, Havel vẫn tiếp tục làm một nhà “ly khai với sự dối trá” tiếp tục dấn thân đấu tranh ở ngay nước ông và khắp thế giới bằng ngòi bút! Ông luôn tin vào sự thật và tình yêu để vạch ra những cái bất cập do chính quyền mà ông và các bạn ông đã dựng nên , kể cả vạch ra những điều bất cập của bạn ông Vaclav Klaus, (đương kim tổng thống)và các người nối gót ông đang phạm phải!
- -Ông không quên lên tiếng lên án những bất công bạo lực xảy ra trong nước khi bọn “đầu trọc”lợi dụng tình hình đất nước chưa thật sự ổn định gây ra cho những tộc người “không Tiệp”, đặc biệt là ông quan tâm bảo vệ số Việt Kiều ở Tcheque, giúp đỡ họ ra được hai tờ báo đấu tranh cho tự do dân chủ.
- - Ông là người đầu tiên công khai ủng hộ khối 8406 của Việt Nam.
- -Cũng vì thế , trong suốt ba ngày tang lễ , bên cạnh những ngọn nến và bông hồng của hơn 50.000 người Tcheque từ khắp nơi đổ về Praha chào tiễn biệt ông , các nhà báo quốc tế đã ghi chép không ít những nén nhang được thắp lên từ bàn tay những Việt kiều đang sống và làm ăn tại Tcheque (Lạy trời những vị này không lọt vào ống kính những kẻ coi Havel là kẻ thù không đội trời chung…kẻo hết đường về thăm mồ mả tổ tiên, cha, mẹ)
-
- Chỉ riêng sự có mặt của Đức Giáo Hoàng Benoit XVI, các nguyên thủ quốc gia như : Sarkozy,J.Cameron , và các Nhà Ngoại Giao , nhà chính trị đủ mọi mầu sắc như Madeleine Albrigt, vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton, thậm chí cả những người đang đấu đá nhau trong nước , không thèm nhìn mặt nhau, không chịu đi chung nhau một chuyến chuyên cơ …cũng đều tề tựu đông đảo về Praha để chào tiễn biệt Vaclav lần cuối , nghe bài thánh lễ do Tổng Giám Mục Praha Dominique Dukas và Giám mục Vaclav Maly ,(đều cùng tù chung xà lim với Havel dưới chế độ cộng sản)…làm chủ tế!
- - ….Và cả nước Tcheque sẽ cùng một lúc nghe chuông đổ , nghe còi rúc , nghe 21 phát đại bác trong khi mọi người cúi đầu tưởng niệm một"Con Người Được Kính Trọng Nhất Hành Tinh suốt hai mươi năm qua” (bài phát biểu của bà Madeleine Albrigt, nguyên bộ trưởng Hoa Kỳ gốc Tcheque) ….
- Và sau đó, Vaclav đã được đưa đi hỏa thiêu .Tro cốt đã được đưa về lăng mộ gia đình và sau Noel sẽ được chôn tại nghĩa trang Praha Vinohrady , gần ngay ngôi mộ của Frank Kapka.! Và…hết! Ngắn gọn, đơn giản và cực kỳ cảm động vì “còn gì để nói về con người này hơn những gì người đời đã nói suốt hơn hai mươi năm nay”!
- Nếu cần nói thêm thì: Ngay đêm thứ sáu đó có một cuộc hòa nhạc rock tưng bừng để tưởng niệm Ông vì ông là người, không những chỉ mê nhạc rock mà còn ra sức bảo vệ nhạc rock ở cái “bản chất phản kháng tự nhiên của nó” ngay từ thời chế độ cũ khi nó còn bị chụp mũ cho là…. tư sản, phản động!?!
Riêng với cá nhân mình, Vaclav Havel, dù ra đời sau mình đúng 10 năm, nhưng từ khi đọc được những gì ông viết cách đây cả 25 năm, (qua “Đài địch”và báo chí “phản động” đầy đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi….) nhìn thấy những hành động hy sinh, dũng cảm, những tuyên bố không sợ chết , không sợ tù đầy của ông mà mình tự bảo :" Đây là tấm gương cho văn nghệ sỹ nước Việt đây !” Và quyết tâm , dù chưa theo kịp ông 100, 1000 bước cũng phải đi theo ông dăm bảy bước trên con đường “Tình Yêu và Sự Thật” này !
Và mình đã cố gắng làm như vậy. Không ham gì những danh vọng hão , không tin gì những thiên đường mù nữa…
Tuy nhiên, cái sự thật mà mình luôn tâm nguyện sẽ nói ra cho đến hơi thở cuối cùng xem ra, đến đây cũng chẳng có mấy tác động chuyển lay được dối trá và bạo lực! Có thể mình còn kém Vaclav Havel đến mấy quả tim, mấy lá gan và mấy cái đầu…
Có thể bạo lực và dối trá đang bóp chết mọi sự manh nha của những “kỹ sư tâm hồn” muốn đứng về phía Tình Yêu Và Sự Thật. Nhốt họ trong cái lồng son của những con chim đang đua nhau hót cùng một bài “Tương Lai XHCN tươi đẹp muôn đời”, "Đảng là lẽ sống của tôi” vì họ tưởng Chết đi là hết chuyện !
Nhưng không! Lịch sử sẽ rất công bằng ! Những tên bạo chúa ,những đức thánh thần, những Thái thượng Hoàng, Thái Tử ....và những kẻ …“Vô sản Lộn Giòng” coi con người như nô lệ , sống phây phây , béo núc na , núc ních trên hàng triệu bộ xương khô của thần dân sẽ phải đền tội, dù chúng sống hay chết!
Trái lại, những người như Vaclav Havel sẽ sống đẹp mãi với sử xanh, dù một số ít nước “cùng tổ tiên Tây Mác-Lê” coi ông và những người có chung ý thức hệ với ông là “lực lượng Thù Địch ".
- Vì mình coi ông như bậc sư phụ dẫn đường,
- Vì mình mê cái chất "bất phục tùng và phản kháng”cho tận đến cuối đời trong con người nghệ sỹ đích thực của ông,
-Vì sợ các bạn trẻ ít thông tin về con người vĩ đại này, mình đã tìm xem video clip , đọc và ghi chép không dưới năm mươi bài đăng trên các trang báo nổi tiếng nhất thế giới ,(những trang báo mà bên cạnh nhũng bài ngợi ca V.Havel lại có bài“Sarkozy, tên siêu lừa”! mà không bị bỏ tù, thu hồi thẻ nhà báo!!) để viết nên những dòng này . Mong các trang web khác nên bổ xung càng nhiều càng tốt thay vì nói nhiều đến những cái "quái thai chính trị" mà cái chết dù có khóc lóc, xé áo, đập đầu cũng chỉ là chuyện hài hước rẻ tiền đến thảm hại mà ai cũng biết! ... Hôm qua, mình đã thắp một bó nhang quỳ lạy ông ngoài ban-công, và lẩm nhẩm khấn ông như sau “Mong ông sống khôn chết thiêng ,phù hộ cho đất nước Việt Nam này sớm được sống trong TÌNH YÊU VÀ SỰ THẬT” như ông hằng mong ước!
Liệu mình làm thế có tạ lỗi hộ cho những kẻ đã tảng lờ trước cái chết vinh quang hiếm thấy của ông?./.