Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Xung đột về nguồn nước? Trung Quốc đói khát năng lượng đang khuấy lên nỗi sợ hãi

Có tránh được lời nguyền tài nguyên? (SGTT 17-4-11) -- Có lẽ muốn nói "lời trù tài nguyên" (resource curse)?
-Xung đột về nguồn nước? Trung Quốc đói khát năng lượng đang khuấy lên nỗi sợ hãi anhbasam
World Wires---Denis D. Gray, Hãng tin Associated Press (AP)
(Với sự đóng góp của hai phóng viên hãng AP tại Bắc Kinh là Tini Tran và David Wivell)
Ngày 17 tháng 4 năm 2011
BAHIR JONAI, Ấn Độ – bức tường nước đổ xuống thành dòng nước lũ chảy dọc theo những hẻm núi hẹp trên dãy Himalaya ở vùng đông bắc Ấn Độ,  dòng chảy mỗi lúc một mạnh trước khi quét qua những dải đất hai bên bờ sông có cây cối cao chót vót và những tảng đá lớn. Dân làng sống ở cù lao trên sông  Brahmaputra nhớ lại rằng dòng nước lũ chỉ trong chốc lát đã xóa sạch nhà cửa, của cải và gia súc của họ.
Chẳng ai kịp biết cụ thể thảm họa đã xảy ra như thế nào nhưng tất cả đều biết phải đổ lỗi cho ai, kể cả người láng giềng Trung Quốc.
“Chúng tôi không tin người Trung Quốc,” ngư dân Akshay Sarkar hiện đang sống tại khu tái định cư kể từ sau trận lũ năm 2000 đã nói như vậy. “Họ không hề có sự cảnh báo gì cho chúng tôi. Họ có thể lặp lại điều này lần nữa.”

Cách đó khoảng 800 km (500 dặm) về phía đông ở miền bắc Thái Lan,  Chamlong Saengphet đứng dưới dòng sông Mê Công, nước ngập chỉ đến ổng quyển. Cô đang vớt một thứ rong có thể ăn được từ khúc sông dòng chảy đang bị hẹp lại và cạn nước. Một hàng xóm của cô kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá bằng lưới nhưng giờ đây anh ta chỉ đánh được những mẻ cá thảm hại nghèo nàn.
Văng những từ ngữ gần như là nguyền rủa, hai người chỉ tay về phía thượng lưu, tức về phía Trung Quốc.
Cái kiểu đổ lỗi như thế này mà người ta có thể nghe thấy ở những thị trấn ven sông dễ bị tổn thương và các quốc gia châu Á từ Pakistan cho tới Việt Nam có nguyên nhân ở nỗi lo sợ rằng việc Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình xây dựng các đập thủy điện trên tất cả các dòng sông lớn bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng sẽ gây ra những thảm họa thiên nhiên, làm thoái hóa các môi trường sinh thái, làm biến đổi nguồn kiếm sống của người dân.
Một vài nhà phân tích và nhà hoạt động môi trường thậm chí còn đề cập nguồn nước như là một nguyên nhân làm nổ ra chiến tranh hoặc sự căng thẳng về quân sự trong tương lai, mặc dù số khác thì hoàn toàn không tin rằng tình hình có thể đi đến nông nỗi như vậy. Tuy nhiên, sự thay đổi dòng chảy của sông ở cái khu vực đông dân nhất và “khát nước” nhất thế giới đang diễn ra trên quy mô cực lớn và có thể dẫn đến những hệ lụy có tính chiến lược.
Chỉ tính riêng tám con sông lớn bắt nguồn từ Tây Tạng thì tới nay đã có gần 20 đập thủy điện được xây dựng hoặc đang trong quá trình được xây dựng trong khi đó khoảng 40 đập khác đã được đưa vào kế hoạch xây dựng hoặc đang được đề xuất
Trung Quốc hầu như không phải là nước duy nhất đang làm gián đoạn dòng chảy của các con sông. Các nước khác cũng đang gây ra điều tương tự với hậu quả thậm chí có thể còn  tồi tệ hơn. Nhưng việc Trung Quốc đang khao khát quyền lực và “khát nước” đến mức vô độ, việc nước này đang kiểm soát những điểm đầu nguồn của các dòng sông và việc nước này đang ngày càng dùng chuyện này vào mục đích chính trị đang khiến cho chỉ một mình Trung Quốc là mục tiêu của sự chỉ trích và ngờ vực.
“Dù Trung Quốc có ý định dùng các con sông làm vũ khí chính trị hay không, nhưng nước này đang tìm thấy một thứ vũ khí ấy là họ có thể “tắt vòi nước” nếu họ muốn – một thứ vũ khí đòn bẩy họ có thể dùng để bắt tất cả các nước láng giềng có sông chảy qua phải ngoan ngoãn,” đó là lời của Brahma Chellaney, một nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi và là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “Nước: chiến trường mới của châu Á.”
Nhà phân tích Neil Padukone gọi “nước” là “điểm có tiềm năng gây bất đồng lớn nhất giữa hai quốc gia lớn ở châu Á,” Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng giờ đây sự đe dọa còn lớn hơn nhiều bởi tám con sông bắt nguồn từ Tây Tạng đang cung cấp nước cho 1,8 tỉ dân sống trong một vòng cung rộng lớn từ tây sang đông kéo dài từ Pakistan tới vùng châu thổ sông Mê Công ở Việt Nam.
Những mối ngờ vực được làm tăng thêm do chỗ Bắc Kinh tỏ ra thiếu minh bạch và họ từ chối chia sẻ hầu hết những số liệu về thủy văn và những loại số liệu khác. Chỉ có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối ký một hiệp ước quan trọng của Liên Hiệp Quốc về những dòng sông xuyên quốc gia.
Bắc Kinh chẳng hề đưa ra thông báo gì hết khi họ bắt đầu khởi công ba đập thủy điện lớn trên sông Mê Công – đập thứ nhất đã được hoàn thành vào năm 1993 hoặc đập thủy điện tốn 1,2 tỉ đôla ở Zangmu, đập thủy điện đầu tiên trên dòng chảy chính dài 2.800 km (1790 dặm) của sông  Brahmaputra này đã được khởi công vào tháng 11 năm ngoái và được phương tiện thông tin đại chúng nhà nước của Trung Quốc ca ngợi như là một “dự án có tính chất bước ngoặt phải được ưu tiên.”
Trận lụt năm 2000 tàn phá ngôi làng của Sarkar được nhiều người tin là có nguyên nhân từ việc một bức tường đất của một con đập  trên một chi lưu của sông Brahmaputra bị vỡ. Nhưng Trung Quốc vẫn giữ im lặng.
“Cho tới tận hôm nay, chính phủ Ấn Độ vẫn không nhận được bất kỳ thông tin nào để họ có thể lần ra nguyên nhân của điều đã xảy ra,” Ravindranath, giám đốc Trung tâm Thiện nguyện Nông thôn đã nói như vậy.
Lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng,  Dalai Lama, cũng cảnh báo về những nguy cơ đang được thấy rõ là bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng.
“Đây là một điều gì đó rất, rất thiết yếu. Bởi vì hàng triệu người Ấn Độ đang sử dụng nước đến từ các dòng sông băng trên dãy  Himalaya … cho nên tôi nghĩ Ấn Độ nên nói ra cho rõ hơn nữa mối quan ngại của mình. Chuyện này chẳng liên quan gì đến chính trị cả, đơn giản nó chỉ là vì lợi ích của tất cả mọi người, trong đó có cả người Trung Quốc,” ông đã nói như vậy tại New Delhi vào tháng trước.
Bắc Kinh thường phản đối lại sự chỉ trích như vậy bằng cách chỉ ra rằng lượng nước chảy từ các con sông bắt nguồn từ Tây Tạng là bắt nguồn từ những nhánh sông ở dưới hạ lưu, chỉ có 13-16 phần trăm bắt nguồn từ đất Trung Quốc.
Các quan chức của nước này còn nói rằng các đập thủy điện của họ có thể đem lại lợi ích cho các nước láng giềng, làm giảm nguy cơ hạn hán và lũ lụt nhờ việc điều chỉnh dòng chảy và rằng thủy điện làm giảm tổng lượng lượng khí thải carbon của Trung Quốc [carbon footprint].
Trung Quốc “sẽ cân nhắc những tác động tới các nước ở vùng hạ lưu,” người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi [Jiang Yu] mới đây đã nói với hãng thông tấn AP như vậy. “Chúng tôi đã nhiều lần làm rõ rằng đập thủy điện đang được xây trên sông Brahmaputra có sức chứa nhỏ. Nó sẽ không gây tác động lớn tới dòng chảy hoặc môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu.”
Đối với một số nước láng giềng của Trung Quốc thì điều rắc rối là chính họ cũng đang xây dựng những đập thủy điện gây tranh cãi và họ có thể bị xem là đạo đức giả nếu lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhiều quá.
Ủy ban sông Mê Công gồm 4 nước đã bày tỏ những mối lo ngại không chỉ về các đập thủy điện của Trung Quốc mà còn về một loạt những đập thủy điện khác được xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng ở các quốc gia ở hạ lưu con sông này.
Một phong trào rộng khắp ở vùng đông bắc Ấn Độ đang phản đối việc chính phủ có kế hoạch xây hơn 160 đập thủy điện ở vùng này và Lào và Căm Pu Chia đã đề xuất kế hoạch cho 11 đập thủy điện trên sông Mê Công đang làm nổ ra sự phản đối liên quan đến môi trường. 
Chính phủ Ấn Độ và chính phủ các nước khác đang cố tình đánh giá thấp mọi mối đe dọa bắt nguồn từ hai quốc gia lớn nhất ở châu Á. “Tôi được cam đoan rằng (đập thủy điện  Zangmu) không phải là một dự án với ý đồ làm thay đổi con sông và tác động tới sự thịnh vượng và lượng nước cung cấp cho các quốc gia ở vùng hạ lưu con sông,” Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Nirupama Rao đã nói như vậy sau khi có cuộc gặp gỡ với người đồng nhiệm của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Nhưng người dân thường và những nhà hoạt động môi trường hoặc thậm chí một số nhà chuyên môn trong bộ máy chính phủ đang ngày càng sẵn sàng bày tỏ sự chỉ trích.
“Tất cả mọi người đều biết Trung Quốc đang làm gì, nhưng không nói ra. Hiện nay Trung Quốc đang nắm sức mạnh thực sự. Hễ họ nói điều gì là tất cả đều phải làm theo,” Somkiat Khuengchiangsa, một nhà hoạt động môi trường người Thái đã nói như vậy.
Cả chính phủ Ấn Độ lẫn chính phủ Trung Quốc đều không trả lời những câu hỏi cụ thể của hãng thông tấn AP về những đập thủy điện, song Bắc Kinh đang có dấu hiệu họ sẽ tái khởi động các siêu dự án sau một giai đoạn ngừng xây dựng trong vài năm để đáp ứng nhu cầu tăng vọt về năng lượng và nước, giảm sự phụ thuộc vào than và đưa 300 triệu người dân của họ thoát nghèo.
Các phương tiện thông tin nhà nước mới đây đã nói rằng Trung Quốc đã sẵn sàng xây các đập thủy điện trên dòng sông đến nay vẫn còn hoang sơ là Nộ Giang [Nu River], ở vùng hạ lưu nó còn có tên là sông Salween. Cách đây bảy năm  kế hoạch xây dựng 13 đập thủy điện đã được chuẩn bị song thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh ngừng.
Lệnh ngừng này được xem là thắng lợi đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử phong trào “xanh” mới ra đời ở Trung Quốc.
“Các nước ở vùng thượng lưu khai thác nguồn nước không đúng sẽ gây ra những rủi ro môi trường, xã hội và địa chất,” Yu Xiaogang, giám đốc của tổ chức Lưu vực Xanh của Vân Nam [Yunnan Green Watershed], đã nói với phóng viên của AP như vậy. “Các nước ở dọc các con sông đã hình thành những cách sử dụng tài nguyên nước theo cách riêng của họ. Thiếu nước có thể dễ dàng châm ngòi cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa cực đoan và có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh trong vùng.”
Nhưng tới nay thì các nhà hoạt động môi trường vẫn ít có cơ hội chiến thắng.
“Trước mắt không có giải pháp lựa chọn nào khác ở Trung Quốc,” Ed Grumbine, một tác giả người Mỹ viết về các đập thủy điện của Trung Quốc đã nói. Grumbine hiện đang làm việc tại Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc ở Vân Nam đã lưu ý rằng trong kế hoạch 5 năm lần trước Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu về thủy điện và nay họ đang cố gắng bắt kịp mục tiêu đó trong kế hoạch 2011-2015 khi họ cố gắng đáp ứng 15 phần trăm nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng không phải là hóa thạch, chủ yếu là thủy điện và điện hạt nhân.
Nhìn vào con số thì cũng thấy rõ là Trung Quốc cần phải xây thêm đập thủy điện: Trung Quốc sẽ cần thêm 140 gigawatt thủy điện thì mới đáp ứng được mục tiêu nói trên. Ngay cả sau khi tất cả các đập thủy điện trên Nộ Giang được hoàn thành thì chúng mới chỉ cung cấp 21 gigawatt.
Nhu cầu về nước của toàn bộ vùng cũng sẽ ngày càng tăng, điều này có lẽ đang gây ra những lo lắng lớn nhất, ấy là Trung Quốc sẽ lấy đi lượng nước rất lớn từ cao nguyên Tây Tạng để dùng cho mục đích của riêng nước họ.
Nên lưu ý rằng các dòng sông băng trên dãy Himalaya là nơi cung cấp nước cho các con sông thì nay chúng đang tan chảy do khí hậu ấm lên toàn cầu, Tổ chức Dự báo chiến lược của Ấn Độ năm ngoái ước đã tính rằng trong 20 năm tới Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal và Bangladesh sẽ bị mất đi vào khoảng 275 tỉ mét khối nước mỗi năm mà lẽ ra có thể thu hồi lại được.
Padukone cho rằng Trung Quốc sẽ phải lấy nước từ Tây Tạng cho các tỉnh ở miền đông bị hạn hán của họ.  Một cuốn sách xuất bản năm 2005 của một người nguyên là sĩ quan quân đội Trung Quốc, Li Ling, có phác thảo một kế hoạch đã được chính thức phê chuẩn nhằm làm thay đổi dòng chảy của sông Brahmaputra. Đầu đề của cuốn sách đó là: “Những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng sẽ cứu Trung Quốc.”
Nhà phân tích Chellaney tin rằng “vấn đề không phải là Trung Quốc sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Brahmaputra, mà là khi nào.” Ông dẫn lời của các nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc nói rằng sau năm 2014 Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành việc rút bớt nước từ các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy tới các nước láng giềng của họ. Ông nói rằng một động thái như vậy sẽ chẳng khác gì một sự tuyên bố chiến tranh với Ấn Độ.
Số khác tỏ ra hoài nghi. Tashi Tsering, một nhà hoạt động môi trường người Tây Tạng tại Đại học British Columbia, nhưng ông cũng là người thường xuyên chỉ trích các chính sách của Trung Quốc, đã gọi ý định làm thay đổi dòng chảy của sông  Brahmaputra là “một giấc mơ viển vông của một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.”
Grumbine chia sẻ sự hoài nghi này. “Tình huống sẽ là thảm khốc đối với Trung Quốc nếu họ “tắt các vòi nước” bởi vì hậu quả sẽ là vô cùng lớn,” ông nói. “Trung Quốc sẽ làm cho tất cả các nước láng giềng xa lánh họ và người Trung Quốc trong lịch sử đã từng rất nhạy cảm với việc duy trì biên giới được bảo vệ an toàn.”
Dù bất cứ chuyện gì khác có thể xảy ra thì cư dân sống dọc theo dòng sông Mê Công và sông Brahmaputra đều đang nói rằng ngay lúc này họ đang có cảm giác hoang mang lo sợ rồi.
Một người đánh cá còn trẻ, Boonrian Chinnarat, nói rằng loài cá trê rất to [catfish], loài cá nước ngọt to nhất trên thế giới, đã hầu như biến mất ở vùng phụ cận làng Had Krai ở Thái Lan, có những loài cá trước đây có rất nhiều thì nay đã dần biến mất cho nên người thanh niên này và những người bạn chài lưới khác đã bán dụng cụ đánh cá của họ đi rồi. Người thanh niên này đổ lỗi cho các đập thủy điện của Trung Quốc.
Phumee Boontom, trưởng thôn Pak Ing ở gần đấy cảnh báo rằng “Nếu người Trung Quốc tích trữ  nước và tiếp tục xây thêm các đập thủy điện thì cuộc sống dọc theo sông Mê Công chắc chắn sẽ thay đổi vĩnh viễn.” Ông nói rằng ngay từ bây giờ ông đã nhận thấy những biến đổi nghiêm trọng về mực nước sau khi các đập thủy điện được xây, “mực nước bây giờ chẳng khác gì thủy triều ở biển – lên xuống trong ngày.”
Jeremy Bird hiện đang là chủ tịch ủy ban sông Mê Công, một tổ chức liên chính phủ gồm Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan và Việt Nam, thừa nhận xu hướng đổ lỗi cho Trung Quốc về những vấn đề rắc rối liên quan đến nước ngay cả khi những vấn đề đó chỉ hoàn toàn là hậu quả của thiên nhiên. Ông nói rằng con đường ngoại giao là cần thiết và ông cho rằng “Quan hệ với Trung Quốc đang dần dần trở nên ăn ý hơn.”
Grumbine đồng ý với ý kiến này. “Do nhu cầu rất lớn về nước ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, nên nếu chúng ta cứ duy trì thái độ về nhà nước chủ quyền thì chúng ta sẽ lạc lối,” ông nói. “Tình trạng khan hiếm sẽ xảy ra khi người này được thì người kia mất [zero-sum situation] có thể dẫn đến xung đột song nó cũng có thể thúc giục các nước phải có thái độ mang tính hợp tác hơn. Bức tranh nom thật ảm đạm, nhưng tôi không hết hi vọng.”
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang