Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

“Đạo Vàng Chứ” và những hệ lụy… buồn

-Đạo Vàng Chứ” và những hệ lụy… buồn QĐND -Hiện tại đã có 16/24 xã biên giới có “đạo Vàng Chứ” và có tới 17.793 người theo đạo này. Điều đáng lo ngại, cùng với hoạt động đạo và di cư tự do là tình trạng bỏ sản xuất, phá rừng, đốt nương, cô lập những người không theo đạo. Thậm chí, những đối tượng theo đạo còn sử dụng vũ khí nóng đối với những người không theo đạo. Tình hình trên không chỉ làm cho các hộ người Mông nghèo càng thêm nghèo mà kéo theo các tệ nạn xã hội...(QĐND đã rút bài này, sao vậy nhỉ) ở đây : “Đạo Vàng Chứ” và những hệ lụy… buồn -kỳ 1  (07/05 18:02)

 -Mấy năm gần đây, cái gọi là “đạo Vàng Chứ” phát triển rất nhanh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên. Đi kèm với truyền “đạo Vàng Chứ” là “vấn nạn” di cư tự do của đồng bào Mông. Hiện tại đã có 16/24 xã biên giới có “đạo Vàng Chứ” và có tới 17.793 người theo đạo này. Điều đáng lo ngại, cùng với hoạt động đạo và di cư tự do là tình trạng bỏ sản xuất, phá rừng, đốt nương, cô lập những người không theo đạo. Thậm chí, những đối tượng theo đạo còn sử dụng vũ khí nóng đối với những người không theo đạo. Tình hình trên không chỉ làm cho các hộ người Mông nghèo càng thêm nghèo mà kéo theo các tệ nạn xã hội như: buôn bán, vận chuyển ma túy, nghiện hút, trộm cắp được “đất” phát triển. Các địa bàn có truyền “đạo Vàng Chứ” luôn là điểm nóng trên tuyến biên giới Điện Biên.
Một góc bản Cà Là Pá.
Năm 2010, trên địa bàn biên giới của tỉnh Điện Biên có 24 xã với 255 hộ/1.412 khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông di cư từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu... đến. Kèm theo di cư tự do là những hoạt động truyền đạo trái phép. Tình trạng trên không chỉ làm gia tăng hộ đói nghèo luôn ở mức “kỷ lục” từ 60% đến trên 70% mà còn làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có chiều hướng phức tạp. Mặc dù đói, khổ, nghèo nhưng người dân vẫn bỏ lao động sản xuất vào các ngày thứ 5, thứ 7 và chủ nhật để cầu nguyện. Bởi “Vàng Chứ” nói với họ rằng, nếu ai theo “Vàng Chứ”, chịu khó cầu nguyện thì sẽ được no ấm?
Cái gọi là “đạo Vàng Chứ”
Để tìm hiểu về “đạo Vàng Chứ”, chúng tôi đã đến các bản người Mông trên tuyến biên giới. Qua tìm hiểu, một số người dân tộc Mông ở Điện Biên cho biết: Vàng Chứ là người trần mắt thịt, ở xa, rất xa. Nhưng khi được hỏi, ở xa là ở đâu thì gần như chỉ nhận được câu “Chư pâu” (Không biết). Vàng Chứ có giàu không? Lại chư pâu. Thế Vàng Chứ đã cho dân gì chưa? Vẫn lại câu nói cửa miệng: Chư pâu. Cũng có một số người chỉ tay lên trời. Ý nói, đó là nơi Vàng Chứ ở. Cũng có một số người Mông khác lại cho biết. Vàng Chứ là ông vua của người Mông được trời cử xuống. Ai theo Vàng Chứ thì sống, ai không theo Vàng Chứ thì chết. Hỏi một số người dân tộc Mông đang theo “đạo Vàng Chứ”: Vì sao không theo Vàng Chứ thì chết? Không ngần ngại, tất cả mọi người đều nói một ý rất giống nhau. Sắp tới sẽ có lũ lụt, sạt núi. Ai không theo sẽ bị mưa lũ cuốn đi. Ai theo thì được Vàng Chứ cứu giúp, tránh được thiên tai lũ lụt. Mọi người còn cho biết thêm. Ai có tiền hay vàng bạc cho Vàng Chứ vay, sau này Vàng Chứ sẽ trả gấp mười. Cứ theo đồng bào dân tộc Mông thì Vàng Chứ quả là người có sức mạnh siêu nhiên. Cái gì Vàng Chứ cũng biết, điều gì Vàng Chứ cũng làm được. Vàng Chứ có thể đoán định được cả sự thay đổi của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đi theo Vàng Chứ, gửi gắm niềm tin vào Vàng Chứ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Hay nói một cách khác, Vàng Chứ là chúa của người Mông, một nhân vật siêu nhiên sẽ mang đến cho người Mông thoát đói nghèo, vất vả.
Để tìm hiểu thêm về Vàng Chứ, chúng tôi có tham khảo thêm một số tài liệu khác về “đạo Vàng Chứ”. Trong trang http://www.vi.wikipedia.org thì được biết, “đạo Vàng Chứ” là một thứ đạo do Vàng Pao, một tướng phỉ sau khi bị thất trận chạy sang Mỹ dựng lên nhằm mục đích chống cộng trên cơ sở đạo Tin lành. Sau khi tổ chức phỉ của Vàng Pao bị lực lượng cách mạng Lào tiêu diệt, Vàng Pao chạy sang Mỹ và ở đó, Vàng Pao đã dựng lên cái gọi là “đạo Vàng Chứ” để mê hoặc, lôi kéo những người Mông với dụng ý tập hợp lực lượng.
Cũng theo một nguồn thông tin khác, chúng tôi có được. Vàng Chứ xuất phát từ nguyên gốc có tên nghĩa trong tiếng Mông là Vương Chủ. Nghĩa là vua của người Mông. Vào năm 1978, đài phát thanh Châu Á tự do, có đặt trung tâm phát sóng ở nước ngoài bắt đầu xuất hiện chương trình phát sóng tuyên truyền về “đạo Vàng Chứ”. Trong chương trình phát sóng, có đề cập đến việc ra đời của Vàng Chứ. Theo đài này, Vàng Chứ là con của đức chúa trời với người con gái Mông. Vì trái đất sắp đến ngày tận thế, xảy ra trận đại hồng thủy nên chúa trời đưa Vàng Chứ xuống trần gian để cứu giúp người Mông. Khi nào, trái đất xảy ra đại hồng thủy sẽ được Vàng Chứ cho đôi cánh bay lên trời thoát nạn. Đã có một thời gian, các bản người Mông theo “đạo Vàng Chứ” làm những “chiếc cánh” như cánh diều rồi “tập bay” là như thế.
Những tài liệu của “đạo Vàng Chứ”.
Những tài liệu của Vàng Chứ
Khi chúng tôi vào xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, Điện Biên có được 3 tài liệu mà theo đồng bào Mông thì đó là “kinh thánh” của “đạo Vàng Chứ”. Gồm: Quyển 1 là “Những lời nói của Vàng Chứ để cứu người”, in khổ 13x19cm, bìa ni-lông màu nâu, dày 1.470 trang. Quyển 2 là “Nghe bài hát của chúa Giê-su”, in khổ 10x14,5cm, quyển này phô tô, dày 164 trang. Và quyển thứ 3 là “Những người lắng nghe chúa Giê-su hát thánh ca” cũng in khổ 10x14,5cm, dày 345 trang. Trong số các quyển sách chúng tôi có được, có quyển 2, quyển “Những bài hát của chúa Giê su” được phô tô là có ghi nguồn gốc từ La Mirada, CA. 90637, được in ở Hàn Quốc từ năm 1996. Còn các cuốn khác đều không có nơi in, không nơi xuất bản, không năm phát hành và không có ai chịu trách nhiệm về việc in ấn các tài liệu này. Có hỏi cũng chỉ được biết, do một số người theo “đạo Vàng Chứ” tự phong là “trưởng đạo” xuống Hà Nội mang về. Ngoài quyển phô tô, chất lượng giấy không được tốt, còn các quyển khác, chất lượng giấy và chất lượng in rất tốt. Dẫu là quyển phô tô hay quyển in từ nước ngoài, tất cả các cuốn sách này đều in theo tiếng Mông hệ chữ la tinh mà nhiều người quen gọi là chữ Mông la tinh.
Để đọc được các cuốn sách này, hầu hết những người các dân tộc khác không thể đọc được. Ngay một số người dân tộc Mông theo “đạo Vàng Chứ” cũng không biết đọc. Số người đọc được hầu hết là thanh niên. Họ học từ bao giờ cũng không ai biết chỉ đoán họ được học qua các buổi truyền đạo và học truyền nhau mà thôi. Có một số người chữ viết phổ thông không biết, nếu có biết thì phát âm và đánh vần, đọc cũng rất chậm nhưng có thể đọc gần như “thuộc làu” những quyển sách trên. Tất nhiên, ý nghĩa của những vấn đề viết và in trong đó, chỉ có người Mông hiểu, còn nếu dịch ra nghĩa tiếng phổ thông thì hầu như là “vô cùng khó khăn”, chỉ là hiểu ý của nó mà thôi. Ngay Thiếu tá Lầu A Tú, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Nà Hỳ, là người dân tộc Mông nhưng cũng không đọc được các tài liệu trên. Thiếu tá Lầu A Tú cho rằng, những chữ in trên tài liệu này là do phiên âm tiếng Mông sang chữ viết la tinh nên rất ít người biết được.
Chúng tôi nhờ Binh nhất Hờ A Nếnh, người dân tộc Mông ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, hiện là chiến sĩ của đồn BP Nà Hỳ đọc và dịch một số đoạn trong cuốn sách mà theo Nếnh, đó là cuốn “Những người lắng nghe chúa Giê su hát thánh ca”. Bản thân Hờ A Nếnh cũng có một số từ đọc được song không hiểu nghĩa mà phải nhờ Thiếu tá Lầu A Tú, Chính trị viên phó của đồn dịch hộ. Có một số câu, số từ, cả Thiếu tá Lầu A Tú và Binh nhất Hờ A Nếnh phải trao đổi với nhau bằng tiếng Mông mới tìm ra được ý của câu đó, từ đó và đoạn đó. Theo lời đọc và dịch từ cuốn sách đó, chúng tôi ghi lại đại ý như sau: “Vàng Chứ là ngôi sao trên trời. Mặt trời, mặt trăng cho Vàng Chứ thức ăn. Chúa Giê su trên cao tất cả... Cả thế giới là của chúa Giê su. Chúa Giê su đi khắp nơi để chia sẻ với những nỗi khổ của người dân nghèo. Mọi lỗi lầm, sai trái sẽ được chúa Giê su bỏ qua. Rồi chúa Giê su lại đi cùng biển, cùng trời, cùng đất. Đến hẹn chúa Giê su lại về. Chúa gặp linh hồn của mọi người trên trời cao. Chúa Giê su sẽ cho mọi người có được ba bữa cơm gạo...”.
Sau khi Hờ A Nếnh đã đọc và dịch hộ một số tài liệu trên, chúng tôi tranh thủ hỏi Binh nhất Hờ A Nếnh về việc tại sao lại đọc được các chữ trên? Hờ A Nếnh đã học được từ đâu? Một chút ngần ngại rồi Hờ A Nếnh cười, bẽn lẽn bảo: Học ngày trước, khi ở quê. Theo chúng bạn đi xem cầu nguyện nên biết. Và có những câu, nghe mãi nên thuộc, kiểu như người ta học hát ấy. Không biết chữ nhưng vẫn có thể hát được.
Khi chúng tôi hỏi những người theo đạo về 28 tín điều căn bản trong giáo lý của đạo Tin lành như: Thượng đế ba ngôi; Hội thánh; Nghi lễ Báp têm; Lễ tiệc thánh; Ngày Sa bát... Hầu như 100% số người được hỏi đều không biết. Với họ, tất cả đều từ người rao giảng tự tạo ra. Và họ cũng không biết đó là gì và có cái gì phải tuân theo, làm theo.   
Như vậy, “đạo Vàng Chứ” là không có thật, chỉ là một thứ giáo lý mà những thế lực thù địch dựng lên để lôi kéo và tập hợp nhân dân. Lợi dụng vào sự hiểu biết, nhận thức hạn chế và đời sống vật chất còn khó khăn của đồng bào Mông để lừa phỉnh, mê hoặc. “Đạo Vàng Chứ” thực ra là sự “cải biến”, “xuyên tạc” đạo Tin lành, lợi dụng vào đạo Tin lành “làm ra” thứ đạo của riêng mình.
(Kỳ 2: Nhà nguyện và những giáo lý).
 Lù Pò Khương




Có một thực tế, đa số những người theo “đạo Vàng Chứ” là những người Mông di cư từ nơi khác đến. Và hình như, khi người Mông di cư từ nơi khác đến thì “mang theo” đạo Vàng Chứ đi cùng. Còn những người chưa biết đến “đạo Vàng Chứ” thì khi di cư đến, “đạo Vàng Chứ” lại “đến” và xâm nhập. Hiện tại, trên 16 xã biên giới của Điện Biên, có tới 17.793 người theo đạo. Số người theo đạo được phân làm 4 nhánh khác nhau. Dù chia ra nhiều nhánh khác nhau như thế song giáo lý mà mọi người cầu nguyện vẫn chỉ là các tài liệu mà theo mọi người cho biết đó là “kinh thánh” của Vàng Chứ?
Đọc “kinh thánh” “đạo Vàng Chứ” ở “nhà nguyện”.
Nhà nguyện
Chọn ngày chủ nhật, chúng tôi vào bản Cà Là Pá, nơi tình hình truyền “đạo Vàng Chứ” đang nổi lên phức tạp. Chúng tôi gặp phải ngày trời mưa. Bây giờ tiết trời đang là cuối xuân. Quan sát hai bên đường, chúng tôi thấy, trên các sườn đồi thấp, có một số người Mông đang cuốc đất làm nương. Trên mảnh đất rộng chừng 2ha, có tới 175 hộ người Mông sinh sống. Trong số 175 hộ trên có tới 135 hộ di cư đến, chưa có hộ khẩu. Như vậy là tỷ lệ di cư tự do đến bản gấp hơn 4 lần dân số của bản.
Nhìn toàn cảnh bản Cà Là Pá, các mái nhà san sát nhau, trông không khác gì cảnh lều quán dựng tạm ở các chợ trung tâm để bán hàng. 100% các nhà bốn xung quanh đều được che chắn bằng phên nứa thưng, mái lợp bằng tấm bạt màu xanh. Nhìn lên 4 hướng núi, tịnh không một bóng người làm nương hay tra hạt, gieo trồng mặc dù trời đang lất phất mưa, rất thuận lợi cho việc tra hạt, làm đất. Tất cả dân bản đều tập trung vào nhà ông Giàng Séo Chẩn để cầu nguyện.
Ông Giàng Séo Chẩn cũng không phải là người nguyên gốc ở đây. Theo chính ông Chẩn cho biết. Ông sinh năm 1954. Trước đây gia đình ông ở bên xã Su Phìn, huyện Hoàng Su Phìn, Hà Giang. Ông Chẩn di cư từ Hà Giang sang bản này từ năm 2008. Ông cho biết, ông di cư từ Hà Giang sang cũng là do những người đi giảng “đạo Vàng Chứ” bảo gia đình ông sang đây. Họ bảo, ở đây đất tốt, làm ăn dễ lắm.
Ông Chẩn cho biết, ngôi nhà của ông có chiều dài 10m, chiều ngang 4m. Trong ngôi nhà bốn xung quanh vách là nứa đan, mái lợp bằng các phên nứa được phủ lớp bạt màu xanh. Ngôi nhà được chia làm ba ngăn. Hai đầu nhà, một để ngủ, một để nấu ăn rộng chừng 4m2 một ngăn. Ngăn giữa là rộng nhất.
Phía đầu nhà nấu ăn, chỗ chúng tôi ngồi, soong, nồi, bát, đũa còn vứt lỏng chỏng. Chiếc kiềng sắt ba chân đen sì sì vẫn ở trên chỗ đất nền vũm xuống như lòng chiếc khay cùng dăm ba thanh củi cháy dở. Phía đầu nhà gia đình để ngủ, áp với vách ngăn giữa 2 gian làm bằng phên nứa được treo tấm phông vải xanh, có kê một chiếc bục cao chừng 1,2m, rộng khoảng 0,35m.
Từ dưới chân bục có một dây hoa bằng nhựa, loại hoa nhựa của Trung Quốc sản xuất bán rất nhiều ở các chợ đường biên. Phía trên mấy cây tre đan chéo làm xà nhà có gác mỗi bên 2 cái loa thùng, cỡ 30x30cm đã cũ. Tôi quan sát thấy các mép loa vải bọc đã sờn. Không biết do công suất hay do người ta cố ý để chỉ đủ nghe mà âm lượng chỉ như hai người nói chuyện.
Tranh thủ được vào cùng ngồi nghe giảng đạo, chúng tôi người thì ghi chép các số liệu, người tranh thủ chụp ảnh. Khi chúng tôi đưa máy ảnh định chụp người giảng đạo mới hay, chái nhà chiếu ánh sáng xuống nên không thể chụp được vì ngược sáng. Đứng lên cũng rất khó chụp được rõ nét người giảng vì phía sau là tấm phông màu xanh thẫm, lại bị cành hoa nhựa che khuất gần 1/2 khuôn mặt nên rất tối. Nhìn bằng mắt thường cũng rất khó nhận diện được người đang giảng đạo. Để chụp được ảnh người giảng đạo, chúng tôi đã phải sử dụng loại máy chuyên nghiệp nhưng vẫn không rõ nét, trông cứ mờ mờ, tôi tối.
Trong ngăn giữa nhà có tới cả trăm người, phân làm hai bên. Từ phía dưới nhìn lên chỗ có người đứng giảng đạo. Bên phải là đàn bà, con gái, trẻ em. Bên trái là đàn ông và nam thanh niên. Những tấm gỗ xẻ được kê 2 đầu trên những đoạn gỗ để ngồi.
Khi hỏi, đang là mùa mưa, mùa gieo hạt mà bà con không đi nương lại đi cầu nguyện thế này? Mọi người nhìn chúng tôi như người “trời” rồi bảo, có Vàng Chứ lo cho cái ăn cái mặc rồi, chỉ phải đi cầu nguyện Vàng Chứ thôi. Những người này hầu hết là người di cư từ các nơi khác đến. Mọi người ngồi nghe rất chăm chú.
Khi thấy chúng tôi vào cũng có đôi ba người ngoái cổ xuống nhìn rồi lại tập trung vào nghe người đứng sau bục giảng. Chỉ riêng các cháu nhỏ vẫn cứ tồng ngồng chạy nhảy bên ngoài và trong gian giảng đạo. Ngồi nghe giảng, có một vài chị vạch áo cho con bú. Cũng có vài ba cháu nhỏ ặt cổ ngủ trên địu sau lưng mẹ.
Giáo lý của “đạo Vàng Chứ”
Phải nói rằng, chúng tôi ngồi nghe nhưng gần như mù tịt, không hiểu được người phía trên đang rao giảng cái gì. Bởi người đó chỉ nói bằng tiếng Mông. Trên tay người đó cầm cuốn sách “Những lời nói của Vàng Chứ để cứu người”. Ông Giàng Séo Chẩn nói: Người đang giảng tên là Giàng A Phủ, 30 tuổi. Khi chúng tôi hỏi, thế Giàng A Phủ trình độ văn hóa lớp mấy, có học qua trường lớp đào tạo nào về tôn giáo không? Ông Chẩn thật thà: Không biết. Thế Giàng A Phủ đang nói điều gì? Ông Chấn cười cười: Giàng A Phủ đang giảng “đạo Vàng Chứ” cho mọi người nghe. Ông ấy nói cái gì? Ông Chẩn lại cười cười bảo. Giàng A Phủ nói rằng, Vàng Chứ là vua của người Mông, được nhà trời cử xuống để chăm sóc người Mông. Vàng Chứ dặn mọi người không được ăn tiết canh, không được hút thuốc, ốm không cần đến bệnh viện mà chỉ cần Vàng Chứ cho uống nước của Vàng Chứ là khỏi. Để có ăn, chỉ cần cầu nguyện Vàng Chứ thì Vàng Chứ sẽ cho lúa, ngô, khoai ăn ngày 3 bữa, không cần làm.
Để kiểm tra lại thông tin mà ông Chẩn vừa cung cấp, chúng tôi hỏi Phó Chủ tịch xã Leng Su Sìn, Lỳ Xè Chứ. Phó Chủ tịch xã Lỳ Xè Chứ gật gật đầu xác nhận.
Khi chúng tôi hỏi, đang có mưa, là dịp để làm đất gieo hạt, cấy cầy mà sao mọi người lại tập trung ở đây cầu nguyện? Ông Giàng Séo Chẩn không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn chúng tôi. Chúng tôi lại hỏi. Ông bà cha mẹ sinh ra mình, khi chết không thờ cúng để nhớ ơn mà lại đem tháo dỡ bàn thờ gia tiên? Thấy ông Giàng Séo Chẩn không nói, anh Vừ Sáy Chư, người trước cũng có đôi ba lần đi nghe giảng đạo nhưng không theo bảo: Vàng Chứ bảo ông bà, cha mẹ chết rồi, linh hồn đã lên trên trời. Trên ấy đã có Vàng Chứ trông nom chăm sóc, không cần phải cúng nữa. Chỉ cần cầu nguyện Vàng Chứ là Vàng Chứ lo cho hết.
Hôm chúng tôi vào Nà Hỳ, được anh em cán bộ đồn BP cho xem một đoạn băng quay một thanh niên người phương Tây đang thuyết giảng về chúa. Đoạn băng này theo anh em cán bộ của đồn BP Nà Hỳ cho biết, anh em  có được là từ máy điện thoại di động của một thanh niên ở xã Nà Bủng. Phần một của đoạn băng trên là phóng sự ngắn nói về một thanh niên phương Tây, khi sinh ra bị khuyết tật, không có tay và chân.
Phía chân bên trái chỉ có phần bàn. Bằng nghị lực của bản thân, người thanh niên này có thể làm được tất cả các việc từ đánh răng đến uống nước, thậm chí tắm, bơi, nghe, gọi điện thoại và sử dụng xe đi lại. Phần 2 của đoạn băng trên, người thanh niên này “đứng” trên bàn, dùng cơ hông di chuyển trên đó và nói chuyện về sự trợ giúp của chúa. Anh ta cho rằng, bản thân làm được các việc trên là nhờ có chúa. Tất nhiên là đoạn băng trên anh thanh niên nói bằng tiếng nước ngoài và đã được dịch ra tiếng Việt phổ thông. Trong băng trên có một số đoạn, qua lời phiên dịch, anh thanh niên có ý trách chúa tại sao lại sinh ra anh ta và để anh ta không được bình thường như người khác.
Sau khi tự trách chúa, anh ta lại tự lý giải rằng, chúa có nói với anh ta đó là chúa muốn thử thách. Chúa nói cứ cầu nguyện chúa thành tâm thì chúa sẽ cho tất cả. Xâu chuỗi tất cả nội dung trong bài “thuyết giảng” của mình, anh ta kết luận. Hãy cầu chúa và tích cực siêng năng cầu chúa thì chúa sẽ cho tất cả, bù đắp tất cả mọi khiếm khuyết mà tạo hóa đã sinh ra.
Sau khi xem xong đoạn băng, nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ tâm linh thì quả là một con người mà có thể nói là sống được đã khó chứ chưa nói đến có thể làm được tất cả các công việc sinh hoạt thường nhật một cách bình thường. Và điều không tưởng ấy có thể trở thành sự thật thì chắc phải nhờ có một sự giúp đỡ của thế giới siêu nhiên nào đó. Nhưng nếu xét trên góc độ bản năng sống của con người thì đây thực sự chỉ là một nỗ lực phi thường và sự cố gắng vượt bậc của cá thể người thanh niên đó.
Lợi dụng vào nỗ lực của bản thân người thanh niên, người ta đã dựng lên một hình ảnh mang tính chất siêu phàm từ sự giúp đỡ của một thế lực siêu nhiên mà ở đây là chúa. Đoạn băng này được phát tán trong các buổi lễ rao giảng “đạo Vàng Chứ”. Những người rao giảng về “đạo Vàng Chứ” đã đánh đồng “đạo Vàng Chứ” với Tin lành, làm ảnh hưởng đến sự “thuần khiết” của đạo Tin lành, làm biến tướng giáo lý của đạo Tin lành.
Lù Pò Khương
(Kỳ 3: Những hành vi và việc làm của “đạo Vàng Chứ”).





“Đạo Vàng Chứ” xâm nhập vào đồng bào Mông, không những làm mất đi những nét văn hóa truyền thống mà còn đưa đến sự mất đoàn kết ngay trong tộc người này. Sự phân biệt giữa người theo đạo và người không theo đạo đã gây nên sự mất đoàn kết nặng nề ngay trong mỗi gia đình, mỗi bản của đồng bào Mông. Trong các bản theo “đạo Vàng Chứ”, một số chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc không được triển khai thực hiện. Tình hình an ninh xã hội có chiều hướng phức tạp và luôn là điểm nóng về an ninh trật tự xã hội.
Trong “lễ cầu nguyện” ở nhà ông Giàng Sáo Chẩn.
Phá vỡ truyền thống cộng đồng…
Người Mông vốn có truyền thống cố kết cộng đồng rất cao. Dù người Mông ở đâu, nếu có chung họ là anh em. Chính sự đoàn kết ấy đã giúp người Mông vượt qua được bao thăng trầm vất vả, cơ cực cũng như đói khổ. Trong điều kiện canh tác phải nói là vất vả nhất trong số các dân tộc khác, nhưng dù khó khăn đến đâu, dù vất vả đến đâu, người Mông cũng vượt qua và phát triển chính là dựa vào sự đùm bọc cưu mang của cả cộng đồng dân tộc. Nhưng từ khi có “đạo Vàng Chứ” xâm nhập, tính cố kết cộng đồng và sự đoàn kết thương yêu trong đồng bào dân tộc Mông bị chia rẽ, gây mất đoàn kết trầm trọng. Những sự chia rẽ ấy đều bắt nguồn từ những giáo lý và những quy định của “đạo Vàng Chứ” trói buộc.
Khi trao đổi với những người theo “đạo Vàng Chứ”, chúng tôi được biết, những người theo đạo Vàng Chứ đều phải nghỉ làm nương vào các ngày thứ 5, thứ bẩy và chủ nhật để đến “nhà nguyện” mà thực chất là một nhà dân cho mượn địa điểm để cho những người tự phong là “trưởng đạo” giảng đạo. Anh Vừ Sáy Chư, người của bản Cà Là Pá cho biết, mỗi tuần đi đến các “nhà nguyện” như thế, nếu ai khá giả, có chút “của ăn của để gọi là” phải đóng góp 10 nghìn đồng. Nếu ai không có thì đóng 5 nghìn, 4 nghìn hoặc 2 nghìn cũng được. Nhưng dẫu ít hay nhiều đều phải đóng góp. Số tiền mà những người tự phong là “trưởng đạo” thu được từ những đóng góp đó để làm gì thì anh Vừ Sáy Chư cũng không biết. Theo anh Chư, hình như để cho những người này có tiền mua vé xe đi xuống Hà Nội, mua tài liệu về “đạo Vàng Chứ” thì phải. Và tất nhiên, số tiền thu được ấy chi tiêu, mua sắm hay làm gì thì không ai biết và không bao giờ được “kinh tế công khai”.
Khi được hỏi, nếu không theo đạo có được không? Ngay trưởng bản Cà Là Pá, Giàng A Hội lắc đầu ngán ngẩm bảo: Không theo đạo cũng được nhưng khổ lắm. Ai đã theo rồi mà nay không theo nữa, tự ý bỏ thì những người tự phong “trưởng đạo” bảo mọi người theo đạo trong bản không giúp đỡ cho nữa. Mượn cái cày, cái cuốc cũng không được đâu. Người Mông di cư từ nơi khác đến, có biết bao nhiêu khó khăn cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Họ cô lập mình thì chẳng làm được gì đâu. Theo rồi là không thể bỏ được.
Anh Vừ Sáy Chư khi nghe trưởng bản Giàng A Hội nói thế cũng xác nhận và tâm sự: Không theo đã khổ mà theo rồi bỏ thì còn khổ hơn. Không bỏ được đâu. Họ (ý nói những người tự phong “trưởng đạo”) xui mọi người không giúp đỡ, không cho mượn đất để trồng cây lúa, cây ngô, xua đuổi như con ma rừng, con cú, con cáo thì còn biết đi đâu. Nơi ở cũ đã bán rồi. Hết tiền rồi. Về làm sao được. Phải nghe theo thôi.
Ngừng ngắn rồi anh Vừ Sáy Chư thở dài, kể: Như trưởng bản Giàng A Hội đấy. Vì trưởng bản không theo đạo. Có việc bàn với dân về mùa vụ sản xuất, phổ biến chính sách đối với đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước mà mọi người có nghe đâu. Bảo đến thì có đến nhưng không vào, chỉ đứng ngoài ngõ. Đến đó nói chuyện được mấy phút rồi người chạy đi nọ, người chạy đi kia, bỏ đi hết. Đấy là nói lợi cho họ đấy. Nếu mà nói đến đạo, họ bỏ đi ngay, thậm chí còn không đến nữa.
Đợi cho anh Vừ Sáy Chư nói xong, trưởng bản Giàng A Hội nhăn nhó: Mình là trưởng bản, mình không theo đạo, nói với người theo đạo “nó” không nghe mình nói lắm đâu. Mình bảo: Mùa không làm, nương không đi, bảo làm mà không làm thì không có cái ăn. Nó không nghe thì kệ nó thôi. Mình mà nói nhiều, cái nương nhà mình không lên cây, đến mùa nhà mình bỏ nương hoang à. Lúc đó lấy cái gì mà ăn.
Khảo sát tất cả các bản có người theo “đạo Vàng Chứ” và có người không theo “đạo vàng Chứ”, nghĩa là đan xen giữa đạo và không đạo trong tất cả các xã trên tuyến biên giới Điên Biên đều xảy ra tình trạng trên. Tình trạng bao vây cô lập những người không theo đạo của những người theo đạo là rất nặng nề và nghiêm trọng. Ngay bản thân Phó Chủ tịch xã Leng Su Sìn, Lỳ Xè Chừ cũng xác nhận hiện tượng trên. Những bản có sự đan xen giữa người theo “đạo Vàng Chứ” và không theo “đạo Vàng Chứ”, sự cố kết cộng đồng mang tính truyền thống của người Mông coi như bị phá vỡ hoàn toàn.
 … đến vi phạm pháp luật
Không những chỉ phá vỡ sự đoàn kết vốn là truyền thống của người Mông mà khi “đạo Vàng Chứ” xâm nhập vào còn lôi kéo và đưa dẫn nhiều người đi đến nghèo khổ và vi phạm pháp luật, trái với giáo lý của đạo Tin lành.
Khi gặp gỡ trao đổi với những người Mông di cư từ nơi khác đến, có rất nhiều người cho biết, khi họ đang ở nơi cũ, những người đi giảng đạo đã nói với họ, ở nơi họ di cư đến, đất đai còn rất nhiều lại rất màu mỡ, làm ăn rất dễ. Nếu muốn no, đủ ăn thì đưa cả nhà đến đó. Vàng Chứ cũng lên đó rồi. Và vì thế mà họ nghe theo. Khi họ trót bán nhà, tài sản và vật dụng ở nơi ở cũ để đi lên đây mới biết. Đất hết, những chỗ làm được thì mọi người đã làm cả rồi. Thế là họ rơi vào tình trạng, đi tiếp thì không được mà quay về nơi cũ thì cũng không xong. Không còn con đường nào khác, họ buộc lòng phải nhờ vào bà con anh em cùng họ. Vì cùng mang họ người Mông, có một số gia đình đã nhượng, cho mượn đất nương để canh tác, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Và khi đó, những người tự phong “trưởng đạo” đến bảo có được như thế là nhờ họ và đương nhiên lúc đó phải mang ơn họ đã cưu mang lúc khó khăn. Đồng bào Mông vốn xưa nay là người thật thà chất phác, giúp đỡ vô tư, không kể công, nhưng lại là người rất nặng về sự trả ơn. Và khi nghe những người tự phong “trưởng đạo” nói thế, họ tin và càng luôn nghĩ mình mang ơn. Tin theo với đồng bào Mông cũng có nghĩa là hành động để trả ơn. Nhưng họ đâu có biết, chính những người đó đã lợi dụng vào lòng thật thà và mong ước chính đáng của họ mà đưa dẫn gia đình họ đến cơ cực vất vả và nghèo đói, dồn vào bước đường cùng. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao, rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ, giúp đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Mông thoát đói nghèo nhưng tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào không giảm, thậm chí còn gia tăng. Và tại sao số hộ theo “đạo Vàng Chứ” lại phát triển nhanh trong những năm qua. Và tại sao hiện tượng di cư luôn gắn liền với hoạt động của “đạo Vàng Chứ”.
Không chỉ xúi giục các hộ người Mông di cư, gây mất ổn định, nghèo đói, mà bản thân những người tự phong là “trưởng đạo” còn tự ý cho phép những người theo “đạo Vàng Chứ” quyền riêng, “quyền bất chấp quy định pháp luật”. Anh Giàng A Hội, trưởng bản Cà Là Pá cho biết thêm một thực trạng đáng lo ngại nữa: Đất đai là của nhà nước, không được mua bán. Nhưng những người theo “đạo Vàng Chứ” cứ mua đi bán lại bình thường. Pháp luật không cho chặt cây, phá rừng, nhưng họ vẫn cứ vào rừng chặt cây, làm nhà và đem bán. Ngay Nhà nước đầu tư cho tấm lợp, mái tôn, những người theo “đạo Vàng Chứ” đi nhận về rồi đem bán cho người khác. Họ tự ý làm, chỉ cần báo cho người của họ (ý nói các “trưởng đạo”) thôi. Ngay khai báo tạm tú tạm vắng, họ cũng không báo cho trưởng bản hay chính quyền, họ chỉ báo cho người của họ mà thôi, rồi cứ thế ở. Trưởng bản phát hiện, làm căng, họ sẽ quay phim, chụp ảnh, rồi làm đơn kiện gửi đi các nơi, cố tình gây ra điểm nóng.
 Hành vi vi phạm pháp luật của số đối tượng quá khích, sùng bái “đạo vàng Chứ” không chỉ ở mức độ lừa dối, lôi kéo, cô lập, mà đã có nơi chúng sử dụng súng quân dụng bắn người. Tháng 7-2010, cụ Giàng Sè Páo, 91 tuổi, là bố của Phó Chủ tịch xã Nà Bủng, Giàng A Vừ. Cả nhà cụ Giàng Sè Páo không có ai theo đạo. Sau bao nhiêu lần vận động, lôi kéo, cô lập nhưng cụ Páo vẫn quyết không theo. Đi đâu cụ Páo cũng bảo: Theo đạo không được gì, chỉ thấy thiệt và “được” khổ thôi. Một số đối tượng theo “đạo Vàng Chứ” thấy cụ Páo hay lên trên trạm kiểm soát Biên phòng với anh em bộ đội chơi và hút thuốc lào. Một mặt, chúng cho rằng cụ là người của Biên phòng, phần nữa chúng cho rằng cụ đi tuyên truyền chống lại “đạo Vàng Chứ”. Lợi dụng đêm tối, một số đối tượng theo đạo đã dùng súng CKC bắn chết cụ. Bắn chết cụ Páo xong, các đối tượng bỏ trốn khỏi địa bàn, đến nay, các cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã song vẫn chưa bắt được.
Điển hình nhất là việc Lý Trùng Tủa, Lý A Dế, Giàng A Sâu là những “trưởng đạo” và “thừa tác viên” tự phong của “đạo Vàng Chứ” ở khu vực xã Mường Mươn đã lôi kéo hơn 70 thanh niên Mông ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, trang bị dao, kiếm rồi đưa sang Poong Kẹo bên nước bạn Lào huấn luyện, tập võ. Bản thân Lý A Dế còn sử dụng trái phép khẩu AK47 với 29 viên đạn. Khi bị phát hiện, Lý A Dế đã định sử dụng lực lượng do hắn lôi kéo phá trụ sở Công an Mường Chà. Trước đó, khi có dự án xây dựng trường học cho con em người Mông, Lý A Dế cùng đồng bọn đã khống chế không cho dân được đóng góp gỗ, công để dựng trường. Khi cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Mươn giải thích, làm rõ cho đồng bào hiểu thì Lý A Dế lại xúi dục người Mông di cư đi các nơi khác với lý do nơi đó đất còn rộng và rất tốt, dễ làm ăn. Với những hành vi phi “giáo lý”, gây mất trật tự an ninh trong bản, xâm hại đến an ninh quốc gia, Công an Điện Biên đã phải ra lệnh bắt giữ Lý A Dế. Lý A Dế và đồng bọn đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Lợi dụng vào quyết định trên, cố tình đổi trắng thay đen, gây dư luận nói xấu chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đối tượng khác đã vu cáo chính quyền cấp cơ sở ngăn cấm hoạt động tôn giáo.
Những hành vi và giáo lý của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, vi phạm nghiêm trọng luật pháp và an ninh quốc gia. Với những hành vi và việc làm trên, có lẽ, không một tổ chức tôn giáo nào có thể chấp nhận mà kiên quyết loại bỏ và sẽ đưa thứ tôn giáo đó vào “tà giáo”  trong các giáo lý của mình.
Lù Pò Khương
(Kỳ 4: Nơi “thiên đường” của đồng bào)





Trong quá trình đi lấy tư liệu để làm phóng sự này, luôn thường trực trong đầu chúng tôi những câu hỏi: Tại sao biết theo “đạo Vàng Chứ” là khổ mà vẫn có hộ đồng bào theo? Để “giải thoát” đồng bào khỏi những trói buộc với “đạo Vàng Chứ” khi đã trót nghe theo thì phải làm gì? Đâu là khâu quyết định? Không lẽ...
 “Đạo Vàng Chứ” gắn liền với di cư, phá rừng, thất học và đói nghèo ở Tây Bắc, Điện Biên
Tiếng nói từ đồng bào dân tộc
“Đạo Vàng Chứ” đang là vấn đề gây bức xúc trong công tác quản lý an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như triển khai các hoạt động xóa đói giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc. Những người theo “đạo Vàng Chứ” không chỉ tuyên truyền, lôi kéo, cô lập, lừa dối làm các hộ dân tộc Mông di cư, gây ra sự biến động và phá vỡ kết cấu tổ chức ở cơ sở mà còn ngăn cản việc triển khai trong các hộ dân ở đây.
Những vấn đề này được thể hiện ngay trong tâm tư của rất nhiều người đã “chán đạo”, “nhạt đạo” mà ngay trong một số người đang theo “đạo Vàng Chứ”. Anh Vừ Sáy Chư, người đã một thời theo “đạo Vàng Chứ” khẳng định: Theo “đạo Vàng Chứ” không được cái gì, chỉ “được” khổ hơn thôi. Không hơn gì người không theo đạo cả. Theo “đạo Vàng Chứ” còn phải đóng góp hằng tuần khi đi cầu nguyện, không được ăn tiết canh, không được thờ cúng ông bà. Đã thế, theo “đạo Vàng Chứ” lại đi làm trái với pháp luật, làm bừa, làm dối. Mình không theo nữa đâu. Nói rồi anh Vừ Sáy Chư liên hệ: Đấy. Mấy người theo “đạo Vàng Chứ” ở bản Cà Là Pá đấy. Nghe theo những người “trưởng đạo”, vào rừng chặt phá, tranh đất của nhau. Khi cán bộ đến giải quyết, phải chạy trốn vào rừng. Sợ quá, phải mắc võng ngoài rừng ngủ. Nghe theo họ, làm theo họ thì phải chịu khổ thôi.
Cũng chung tâm sự như anh Vừ Sáy Chư, trưởng bản Cà Là Pá bộc bạch: Mình là trưởng bản, mình không theo đạo. Người theo đạo gây khó khăn với mình. Mấy năm rồi, do số người di cư đến đông, đất không có sản xuất. Tranh chấp đất rồi dẫn đến cãi cọ, thù ghét nhau, mất hết cả tình anh em. Vàng Chứ cứ nói, ai đi theo Vàng Chứ thì sẽ không bị ốm. Nhưng những người theo vẫn ốm. Vàng Chứ lại bảo. Ốm không cần đến bệnh viện, Vàng Chứ cho nước uống là khỏi. Có bao nhiêu người nghe theo. Cũng đến xin nước của Vàng Chứ uống mà có khỏi đâu. Đến lúc sắp chết thì vẫn phải đưa lên bệnh viện chữa đó thôi. Năm 2009, bản Cà Là Pá bị dịch lỵ, sốt phát ban (sởi) tới mấy trăm ca, chủ yếu là trẻ em. Lúc đó có thấy Vàng Chứ đâu, chỉ có mấy chú Bộ đội Biên phòng đến khám rồi cho thuốc uống, mới chữa khỏi.
Khi chúng tôi hỏi ông Sình Quán Pao, sinh năm 1957, ở bản Huổi Dạo, xã Nà Bủng: Ông thấy theo “đạo Vàng Chứ” có lợi gì không? Ông Pao cười nhạt: Ôi. Không thấy được lợi gì đâu. Có theo cũng chả được gì. Vẫn đói, vẫn khổ. Nhà nước vẫn phải cho gạo, cho mái lợp. Mấy người nuôi được con trâu, con bò, bán đi mua được cái xe máy, mua được cái điện thoại. Mấy người “trưởng đạo” lại bảo, chúa cho đấy. Đi săn cả đêm, bắn được con thú, mấy người đấy cũng bảo, chúa cho đấy. Con trâu chóng lớn, con bò chóng to, họ cũng bảo chúa cho đấy. Chúa có đâu mà cho. Bà con mình làm ra chứ. Nói dối thế thì không phải người Mông mình rồi. Chúng tôi lại hỏi tiếp: Đang theo “đạo Vàng Chứ”, nay không theo nữa, họ bảo những người theo đạo không giúp cho mượn cái cày, cái cuốc. Rồi, họ gây khó khăn trong làm nương, trồng cấy, tranh chấp đất với ông thì làm sao? Ông Páo vỗ vỗ tay lên trán, kéo chiếc điếu ục vào lòng, mồi điếu thuốc lào, châm lửa kéo một hơi thật dài. Sau khi thư thả nhả hết khói, ông thủng thẳng nói: Cái đó thì có đấy. Không theo họ thì họ chèn ép nhiều lắm. Khó khăn họ không giúp đâu. Nhưng khó khăn đã có mấy chú ở đồn Biên phòng giúp rồi. Nếu khó quá, mình sẽ nói với xã chứ. Người Mông mình, cả đời, sáng thức dậy là chỉ biết tiếng khóc. Khổ nhiều rồi. Nay có Đảng, Nhà nước lo cho cái ăn, cái mặc, giúp mái lợp nhà, giúp trâu để nuôi. Vàng Chứ chỉ nói nhưng có làm được gì cho dân đâu. Mình phải nghe theo cái mình nhìn thấy chứ.
Hiện tại, ở xã Nà Bủng, Nà Hỳ, Leng Su Sìn, Chung Chải... có rất nhiều người “nhạt đạo” song chưa dám bỏ để trở về truyền thống cũ của dân tộc mình. Trong các buổi cầu nguyện, mọi người kháo nhau theo “đạo Vàng Chứ” chán lắm, chả được gì lại mất tiền. Tìm hiểu về hiện tượng trên, chúng tôi mới hay. Tuy chán, “nhạt đạo” song họ chưa dám bỏ vì hiện nay, ở những nơi có “đạo Vàng Chứ”, nhất là các bản, trưởng bản là “trưởng đạo”, khi có chính sách xét hộ đói nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước hay tiền Tết, tiền cứu trợ thì những người “trưởng đạo” ở đó thường ép, khống chế, không đưa những người ngoài đạo, bỏ đạo vào danh sách của bản gửi lên trên. Họ thường chỉ đưa danh sách các hộ theo đạo vào. Hầu như ở các bản như thế này, các trưởng bản là “trưởng đạo” đã lợi dụng dân chủ ở cơ sở để cô lập và khống chế số người “chán đạo”, muốn bỏ đạo và không theo đạo.         
Để có một “thiên đường” cho dân
Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2004. Đặc biệt, ngày 4/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành. Cũng nhận thấy những khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, đề án nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định bền vững đời sống trong đồng bào các dân tộc. Đồng bào dân tộc trên các tuyến biên giới được thụ hưởng từ các chính sách này rất nhiều.
Tuy nhiên, Pháp lệnh của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ cũng như các chính sách khác nhằm hỗ trợ giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống bền vững thì trước hết cần có thái độ dứt khoát với cái gọi là “đạo Vàng Chứ” đang diễn ra ở các xã, bản ở đây. “Đạo Vàng Chứ” không phải là đạo hay một tôn giáo nào cả. “Đạo Vàng Chứ” chỉ là một thứ “tà đạo” đã xuyên tạc và làm thay đổi sự thuần khiết của đạo Tin lành. Lợi dụng vào đạo Tin lành đã được Nhà nước công nhận để truyền bá cái gọi là “đạo” mà thôi. Bởi, nếu bất cứ một người dân nào khi đã theo đạo, trở thành “con chiên” của chúa thì đều phải thụ lễ Báp têm và biết 28 tín điều căn bản cũng như các lời răn của chúa. Ở “đạo Vàng Chứ” không có một tín đồ nào biết về những điều rất cơ bản trên mà chủ yếu là do chính những người tự phong “trưởng đạo” “vẽ” nên theo chủ quan của họ.
Không những thế, có rất nhiều người chưa được Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hay Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) cấp chứng chỉ tư cách pháp nhân trong hoạt động truyền giáo mà đều tự phong. Trong quá trình truyền đạo, những người này đã lôi kéo, tập hợp lực lượng, có âm mưu chống phá cơ quan Nhà nước, ngăn cản người dân thực hiện nghĩa vụ công dân trong xây dựng trường học ở Mường Mươn như Lý A Dế; sử dụng súng quân dụng bắn chết người khi không theo sự lôi kéo của họ như trường hợp của cụ Giàng Xè Páo ở Nà Bủng. Hay như việc chống đối không nghe trưởng bản phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như về thời vụ gieo trồng ở bản Cà Là Pá, Leng Su Sìn...
Chúng tôi có đem những vấn đề trên trao đổi với một số vị chức sắc của Tin lành. Khi nghe xong, mọi người đều cho rằng, những việc làm trên là trái với giáo lý. Những người theo Tin lành không làm chuyện như thế.
Trong Kinh thánh, chúa có dặn: Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa trên đầu mọi người. Ở đâu kính chúa thì ở đó có chúa. Trong lời răn của chúa cũng đã nói: Bao giờ con chim đại bàng chui qua lỗ kim, thì khi đó, kẻ làm điều ác mới lên được thiên đàng. Đem những lời của chúa răn dạy soi vào giáo lý của “đạo Vàng Chứ”. Rõ ràng, giáo lý của “đạo Vàng Chứ” đi trái với những điều răn dạy trên.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 70 đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật... Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Ngay trong các Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21/3/1991, Nghị định số 26/ NĐ-CP ngày 19/4/1999 và Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo đều khẳng định: “Mọi hoạt động mê tín dị đoan được bài trừ, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật”.
Lời kết
Khi chúng tôi rời Điện Biên, ai cũng canh cánh trong lòng về con số hộ đói nghèo trong đồng bào các dân tộc ở đây, nhất là trong đồng bào Mông, đặc biệt là trong số hộ di cư quá cao. Để có thể xóa đói giảm nghèo bền vững cho các hộ gia đình này là cả một quá trình dài và không kém phần vất vả.
Trong rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đó, sẽ có một “thiên đường” thực sự đến với đồng bào khi loại bỏ được cái gọi là “đạo Vàng Chứ” ra khỏi đời sống tinh thần cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày. “Đạo Vàng Chứ” đã và đang mang đến những hệ lụy... buồn cho cả vùng đất và đồng bào dân tộc nơi đây.
Lù Pò Khương

Tổng số lượt xem trang