Sự xâm nhập của cái được gọi là đạo này đã làm mất đi những nét văn hóa truyền thống, đưa đến sự mất đoàn kết của một tộc người. Nó làm cho các hộ người Mông nghèo càng thêm nghèo và kéo theo các tệ nạn xã hội phát triển.Người Mông có tính gắn kết cộng đồng rất cao. Bất kể ở đâu họ cũng coi nhau như anh em một nhà để cùng vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống. Nhưng “đạo Vàng Chứ” đã phá vỡ liên kết đó, bắt nguồn từ những giáo lý, quy định trói buộc. Và mâu thuẫn đã nảy sinh giữa người theo đạo với người không theo đạo.
Mê muội, vi phạm pháp luật
Trao đổi với những người theo “đạo Vàng Chứ” chúng tôi được biết hằng tuần vào các ngày thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật, các “con chiên” sẽ phải đến nhà nguyện, thực chất là nhà một người dân cho mượn. Anh Vừ Sáy Chư, bản Cà Nà Pá (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên), cho biết đến nghe giảng đạo phải góp khoảng 10.000 đồng/tuần, hoặc ít cũng vài ba ngàn đồng cho “trưởng đạo” dù không biết để làm gì. Theo anh Chư, hình như để cho những người này có tiền mua vé xe đi xuống Hà Nội, mua tài liệu về “đạo Vàng Chứ”.
Khi được hỏi, nếu không theo đạo có được không? Trưởng bản Cà Nà Pá - Giàng A Hội lắc đầu ngán ngẩm: “Cũng được nhưng khổ lắm. Ai đã theo rồi mà nay không theo nữa thì những người tự phong “trưởng đạo” sẽ bảo người theo đạo trong bản không giúp đỡ cho nữa. Mượn cái cày, cái cuốc cũng không được đâu”.
Nghe trưởng bản nói thế, anh Vừ Sáy Chư gật gù xác nhận và nói thêm: “Trưởng bản không theo đạo, khi tập trung dân phổ biến về chính sách, sản xuất, mùa vụ, mọi người có nghe đâu. Bảo đến thì có đến nhưng không vào, được mấy phút là bỏ đi hết. Đấy là nói lợi cho họ đấy”.
Một buổi truyền đạo ở xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, Điện Biên.
Khảo sát ở các bản đan xen có người theo “đạo Vàng Chứ” và có người không theo ở các xã trên tuyến biên giới Điện Biên đều xảy ra tình trạng trên. Phó Chủ tịch xã Leng Su Sìn-Lỳ Xè Chừ chia sẻ, ở những bản này sự cố kết cộng đồng mang tính truyền thống của người Mông gần như bị phá vỡ.
Một thực trạng đáng lo ngại nữa khi “đạo Vàng Chứ” hoành hành ở các bản người Mông, anh Giàng A Hội cho biết những người theo đạo tự tiện mua bán đất rừng, chặt phá cây rừng làm nhà và đem bán. Họ cứ tự ý làm, chỉ cần báo cho người của họ (các trưởng đạo). Kể cả việc khai báo tạm trú, tạm vắng thì họ cũng không báo chính quyền. Khi trưởng bản phát hiện, làm căng thì họ làm ầm lên, quay phim, chụp ảnh, đơn kiện gửi khắp nơi, cố tình gây khó cho chính quyền.
Thậm chí, vì mâu thuẫn giữa người theo đạo và không theo mà một cái chết thương tâm đã xảy ra. Tháng 7-2010, cụ Giàng Sè Páo, 91 tuổi là bố của Phó Chủ tịch xã Nà Bủng - Giàng A Vừ, đã bị bắn chết. Nguyên do nhà cụ Páo không ai theo đạo dù những người theo đạo nhiều lần lôi kéo, cô lập. Một số đối tượng theo đạo thấy cụ Páo hay lên trạm kiểm soát biên phòng, nghĩ cụ là người của biên phòng đi tuyên truyền chống lại đạo. Một đêm, chúng đã dùng súng CKC bắn chết cụ và bỏ trốn khỏi địa bàn.
Một số “trưởng đạo”, “thừa tác viên” như Lý Trùng Tủa, Lý A Dế, Giàng A Sâu ở khu vực xã Mường Mươn còn lôi kéo hơn 70 thanh niên Mông ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An trang bị dao, kiếm rồi đưa sang bên Poong Kẹo (Lào) huấn luyện. Lý A Dế còn sử dụng trái phép khẩu AK47 với 29 viên đạn. Khi bị phát hiện, Lý A Dế đã định sử dụng lực lượng do hắn lôi kéo chống lại công an. Trước đó, khi có dự án xây dựng trường học cho con em người Mông, Lý A Dế cùng một số kẻ quá khích đã khống chế không cho dân được đóng góp gỗ, công để dựng trường. Khi cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Mươn giải thích cho đồng bào hiểu thì Lý A Dế lại xúi giục người Mông di cư đi các nơi khác với lý do nơi đó đất còn rộng và rất tốt, dễ làm ăn. Thậm chí chúng còn quay lại nói xấu chế độ, vu cáo chính quyền ngăn cấm hoạt động tôn giáo. Với những hành vi gây rối như vậy, Công an Điện Biên đã ra lệnh bắt giữ Lý A Dế và đồng bọn. Nhưng chúng đã nhanh chân bỏ trốn khỏi địa bàn.
Phó Chủ tịch xã Leng Su Sìn - Lì Sè Chừ (phải) và Trưởng bản Cà Nà Pá - Giàng A Hội trầm ngâm trăn trở khi nói đến việc truyền đạo trên địa bàn.
Lo “thiên đường” cho dân
Thực tế cho thấy bên cạnh những người mê muội thì rất nhiều người đã ngộ ra bản chất vấn đề.
Anh Vừ Sáy Chư, một thời theo “đạo Vàng Chứ” bộc bạch: “Theo Vàng Chứ có được gì đâu, còn khổ thêm, còn phải đóng góp hằng tuần, không được thờ cúng ông bà... Đã thế còn làm những việc trái với pháp luật”. Nói rồi anh dẫn chứng ngay: “Mấy người theo “đạo Vàng Chứ” ở bản Cà Nà Pá đấy, nghe trưởng đạo vào rừng chặt phá, tranh đất của nhau. Khi cán bộ đến giải quyết chạy trốn vào rừng mắc võng ngủ…”.
“Vàng Chứ cứ nói, ai đi theo Vàng Chứ sẽ không bị ốm hoặc ốm thì không cần đến BV, chỉ cần uống “nước thánh” của Vàng Chứ là khỏi. Nhưng có phải thế đâu!” - Trưởng bản Giàng A Hội kể: “Năm 2009, bản bị dịch lỵ, sốt phát ban tới mấy trăm ca, chủ yếu là trẻ em. Lúc đó, có thấy Vàng Chứ đâu. Mấy chú biên phòng đến khám rồi cho thuốc uống, mới chữa khỏi.”
Còn ông Sình Quán Pao ở bản Huổi Dạo, xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé thì giải thích rõ ràng: “Theo đạo có lợi gì đâu, vẫn đói khổ, Nhà nước vẫn phải cho gạo, cho mái lợp. Nuôi con trâu, con bò, bán đi mua được cái xe máy, các trưởng đạo lại bảo là Vàng Chứ cho. Đi săn cả đêm được con thú, họ cũng bảo Vàng Chứ cho… Vàng Chứ có đâu mà cho. Bà con mình làm ra chứ. Nói dối thế thì không phải người Mông mình rồi”.
Tuy nhiên, để rời bỏ đạo không dễ. Ở những nơi có “đạo Vàng Chứ”, các trưởng bản thường là “trưởng đạo”, họ sẽ không đưa những người ngoài đạo vào danh sách hộ nghèo để hưởng trợ cấp hay tiền tết, tiền cứu trợ. Đó là cách để họ khống chế, cô lập người nhạt đạo, muốn bỏ đạo và không theo đạo.
Bản chất vấn đề đã rõ, “đạo Vàng Chứ” không phải là đạo hay một tôn giáo nào cả, chỉ là một thứ “tà đạo” lợi dụng và xuyên tạc đạo Tin lành. Họ truyền đạo một cách bất hợp pháp, các chức danh đều tự phong…
Về phía chính quyền, nhận thấy những khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc, trong những năm qua đã có rất nhiều chính sách, đề án nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng số hộ đói nghèo vẫn còn đến 60%-70% và để giải quyết được tình trạng này cần cả một quá trình dài với nhiều biện pháp đồng bộ. Trong nhiều việc để đạt được mục tiêu đó, để có một “thiên đường” thực sự thì việc nhanh chóng loại bỏ cái gọi là “đạo Vàng Chứ” này ra khỏi đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây là không thể chậm trễ.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 70 đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật… Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21-3-1991, Nghị định số 26/ NĐ- CP ngày 19-4-1999, Chỉ thị số 01/2005/CT- TTg ngày 04-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ và Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo đều khẳng định: “Mọi hoạt động mê tín dị đoan được bài trừ, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật”. |
BẢO ANH - VĂN ĐỨC
Để dụ dỗ người dân, những người truyền đạo nói rằng đi theo Vàng Chứ sẽ có được cuộc sống ấm no, không cần làm cũng đủ ăn; bệnh tật sẽ được chữa khỏi mà không cần đến bệnh viện.
LTS: Ngoài việc dụ dỗ, lừa bịp người dân khiến họ bỏ bê đồng áng và đói nghèo, sự xâm nhập của “đạo” này vào một số bản của đồng bào dân tộc Mông đã phá vỡ sự đoàn kết của cộng đồng dân cư. Thậm chí một số người theo đạo còn có những hành động chống phá Nhà nước. Người viết đã đi dọc tuyến biên giới để tìm hiểu ngọn nguồn về thứ đạo này.
Mê muội theo “lời truyền” đó, nhiều bà con người dân tộc Mông miền biên viễn nơi cực Tây Tổ quốc bỏ cả công việc đồng áng để dành ba buổi/tuần đi nghe giảng đạo.
Thực hư về “Vàng Chứ”
Theo một số người dân tộc Mông ở vùng biên giới Nà Hỳ và Nà Bủng, huyện Mường Nhé, Điện Biên, thì Vàng Chứ là người trần mắt thịt và hiện đang ở rất xa. Một số người thì cho rằng Vàng Chứ là ông vua của người Mông được trời cử xuống. Ai theo thì sống, không theo sẽ chết. Rằng đi theo Vàng Chứ sẽ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và giúp thoát đói nghèo.
Cứ thế, dù hiểu không đầu không cuối như vậy nhưng nhiều người Mông miền biên viễn này cứ đi theo. Họ theo vì họ được nghe nói rằng sắp tới sẽ có lũ lụt, lở núi. Nếu theo Vàng Chứ sẽ được cứu giúp. Với họ, Vàng Chứ là người có một sức mạnh siêu nhiên. Chưa dừng lại ở đó, những người dân tộc Mông còn mê muội đóng góp tiền bạc với niềm tin là Vàng Chứ sẽ trả lại gấp mười lần thế.
Tham khảo thêm thì được biết, “đạo Vàng Chứ” do Vàng Pao, một tướng phỉ sau khi bị thất trận chạy sang Mỹ, dựng nên nhằm mục đích chống cộng. Trên cơ sở đạo Tin lành, Vàng Pao đã dựng lên cái gọi là “đạo Vàng Chứ” để mê hoặc, lôi kéo những người Mông với dụng ý tập hợp lực lượng.
Một góc bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên.
Sở dĩ họ chỉ tập trung dụ dỗ người Mông vì theo Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ, Trung tá Vũ Đức Lâm, người Mông tốt bụng, thật thà, dễ tin người nhưng do trình độ văn hóa còn hạn chế nên dễ bị lôi kéo.
Phụ nữ Mông vốn lam lũ, vất vả, sáng mở mắt là lên nương, tra ngô, tối mịt về chỉ kịp xoa hai chân vào nhau là lăn ra ngủ. Đời sống quá vất vả nên khi nghe nói theo đạo Vàng Chứ sẽ có được cơm ăn no, áo mặc ấm, thế là họ gật đầu theo.
Ở xã Nà Hỳ, chúng tôi thu thập được ba cuốn tài liệu được coi là “kinh thánh” của cái gọi là đạo này. Những quyển này được in giấy tốt, khá cẩn thận nhưng không có xuất xứ. Được biết, trưởng đạo lấy từ Hà Nội về. Ngôn ngữ viết trong đó là chữ Mông La tinh, rất khó đọc. Số người đọc được chủ yếu là thanh niên, họ học từ bao giờ cũng không ai biết. Thiếu tá Lầu A Tú, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nà Hỳ, là người dân tộc Mông nhưng cũng không đọc được các tài liệu trên.
Sau đó, chiến sĩ Hờ A Nếnh, người dân tộc Mông ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, đã đọc và dịch một số đoạn trong cuốn sách mà theo Nếnh đó là cuốn “Những người lắng nghe Chúa Giêsu hát thánh ca”. Bản thân Hờ A Nếnh cũng có một số từ đọc được song không hiểu nghĩa mà phải nhờ Thiếu tá Tú dịch hộ.
Đại ý đoạn đầu trong đó được dịch như sau: “Vàng Chứ là ngôi sao trên trời. Mặt trời, mặt trăng cho Vàng Chứ thức ăn…”.
Tôi có hỏi Nếnh sao đọc được, sau phút ngần ngại, Nếnh bẽn lẽn bảo học khi còn ở quê, theo chúng bạn đi xem cầu nguyện nên biết. Có những câu, nghe mãi nên thuộc.
Nhà nguyện và những giáo lý
Theo Thiếu tá Lầu A Tú, khoảng đầu những năm 90 bắt đầu có người Mông di cư tập trung, trước đó có tồn tại nhưng chỉ ở bốn bản. Đa số những người di cư là theo đạo. Còn những người chưa biết thì khi di cư đến, “đạo” nghiễm nhiên xâm nhập.
Hiện tại, trên 16 xã biên giới của Điện Biên có khá đông người theo đạo. Số người theo đạo được phân làm bốn nhánh khác nhau nhưng giáo lý để cầu nguyện vẫn chỉ là các tài liệu mà chúng tôi đã có được, theo mọi người cho biết đó là “kinh thánh” của Vàng Chứ.
Một buổi truyền đạo vào sáng Chủ nhật cuối tháng 3-2011 ở bản Cà Nà Pá.
Bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên nhìn từ đường cái xuống nằm ở khu đất rộng khoảng 2 ha nhưng có tới 175 hộ người Mông sinh sống, trong đó có đến 135 hộ di cư đến, chưa có hộ khẩu. Nhìn lên bốn hướng núi, tịnh không một bóng người làm nương hay tra hạt dù trời đang độ xuân. Tất cả dân bản đều tập trung vào nhà ông Giàng Séo Chẩn để cầu nguyện.
Ông Giàng Séo Chẩn, 57 tuổi, cũng không phải là người nguyên gốc ở đây mà ở xã Su Phìn, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Theo ông Chẩn, ông di cư sang đây cũng là do những người đi giảng “đạo Vàng Chứ” bảo ở đây đất tốt, làm ăn dễ lắm.
Trong căn nhà 40 m2 rất đông người Mông ngồi cầu nguyện. Bên phải là đàn bà, con gái, trẻ em. Bên trái là đàn ông và nam thanh niên, ngồi trên những tấm gỗ được kê thành hai dãy. Khi được hỏi, đang mùa gieo hạt sao bà con không đi nương lại đi cầu nguyện thì câu trả lời đúng như trong giáo lý: “Có Vàng Chứ lo cho cái ăn cái mặc rồi. Chỉ phải đi cầu nguyện Vàng Chứ thôi!”. Tìm hiểu thì được biết, người giảng đạo hôm đó là Giàng A Phủ, 30 tuổi, trình độ văn hóa lớp 4.
Lợi dụng cả hình ảnh của người khuyết tật
Khi ở Đồn biên phòng Nà Hỳ, chúng tôi được xem một đoạn băng quay một thanh niên phương Tây đang thuyết giảng về Chúa được lấy từ điện thoại của một thanh niên ở xã Nà Bủng. Nội dung phần một nói về một thanh niên phương Tây dù không có chân tay nhưng bằng nghị lực đã vượt qua khiếm khuyết để làm tất cả các việc từ đơn giản nhất là đánh răng đến khó hơn là bơi lội.
Phần hai nói về việc người thanh niên này đứng trên một chiếc bàn trước hội trường để nói chuyện về sự trợ giúp của Chúa. Đoạn băng đã được dịch ra tiếng Việt với đại ý là sau khi trách Chúa đã sinh ra anh ta không bình thường thì anh ta cũng lý giải đó là Chúa muốn thử thách và nhờ có Chúa anh đã làm được mọi việc. Chúa nói cứ cầu nguyện Chúa thành tâm thì Chúa sẽ cho tất cả...
Với đoạn băng này, nếu nhìn nhận ở bản năng sống thì con người có các khuyết tật như thế sống được đã khó nhưng người thanh niên này còn làm được những việc khác một cách bình thường và tài tình. đây là một nỗ lực phi thường để sinh tồn.
Điều đáng nói ở đây là hình ảnh người thanh niên nỗ lực sống đã bị lợi dụng để nói đến sự siêu phàm nhờ sự giúp đỡ của một thế lực siêu nhiên. Đoạn băng này được phát tán trong các buổi lễ rao giảng “đạo Vàng Chứ” ở các bản người Mông thông qua việc đánh đồng thứ đạo này với đạo Tin lành, làm ảnh hưởng và biến tướng một dòng đạo chính thống.
BẢO ANH - VĂN ĐỨC
Kỳ 2: Cuộc tháo chạy khỏi “đạo Vàng Chứ”