Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 17/05/2011
TTXVN (Niu Đêli 12/5)
Trong lịch sử, Ấn Độ đã có mối liên hệ với các nước và nhân dân các nước khu vực ven Ấn Độ Dương qua ảnh hưởng tôn giáo, văn hoá cùng các mối quan hệ khác. Tuy nhiên, điều đó đã bị phá vỡ bởi các cuộc xâm lược của các cường quốc thực dân châu Âu sau thế kỷ 16. Sự ra đi của các nước thực dân Anh, Pháp, Hà Lan sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã buộc các nước khu vực Ấn Độ Dương thay đổi chính sách đối ngoại của mình xuất phát từ lợi ích dân tộc, các thực tế địa chính trị đang nổi lên và sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh. Những thực tế đó đã và đang đặt ra các thách thức đối với Ấn Độ.Trong bài thuyết trình mang tên “Cuộc đấu tranh quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương” tại hội nghị chuyên đề mới đây ở trường Đại học Xítni (Ôxtrâylia), nhà nghiên cứu Ấn Độ Chandan Mitra đề cập về những thách thức đối với Ấn Độ ở khu vực này như sau:
Ấn Độ được xác định là trung tâm của các nước ven bờ Ấn Độ Dương đã chọn chính sách không liên kết làm chính sách đối ngoại của mình nhằm giữ cho Ấn Độ Dương trở thành “khu vực hoà bình”. Mặt khác, Ấn Độ bắt đầu thiết lập các mối quan hệ mới với các nước vùng duyên hải ở Ấn Độ Dương. Trong hơn 60 năm qua, Ấn Độ can dự nhiều hơn bao giờ hết ở khu vực thông qua quan hệ thương mại, viện trợ và giúp đỡ tài chính. Bất chấp các nỗ lực đã được thực hiện, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm và điều đó chỉ có thể xảy ra khi Ấn Độ chi tiền cho các nhu cầu của các nước khát khao phát triển ở khu vực. Là một cường quốc kinh tế và công nghệ đang nổi lên, Ấn Độ bắt đầu xem Ấn Độ Dương là vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại của mình, khôi phục lại và tăng thêm động lực cho chính sách đó.
Các mối đe doạ an ninh chủ yếu đối với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương
Hiện nay, các mối đe doạ an ninh chủ yếu đối với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương xuất phát từ 3 yếu tố; thứ nhất, đó là sự xói mòn dần dần ảnh hưởng chính trị của Niu Đêli ở khu vực; thứ hai, sự có mặt của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực; và thứ ba, các hoạt động không kiểm soát được của cướp biển Xômali.
Sự xói mòn ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ thể hiện rõ nhất tại Xri Lanca, nơi bất chấp sự giúp đỡ của Côlômbô giành thắng lợi trong cuộc nội chiến chống phiến quân “Những con hổ giải phóng Tamin” (LTTE), Niu Đêli đã không thể bảo vệ một cách phù hợp dù là lợi ích của người Tamin tại Xri Lanca hay tính mạng cũng như kế sinh nhau của ngư dân Tamin người Ấn Độ, mà số phận củahọ bị phó mặc cho Hải quân Xri Lanca. Các vấn đề tiêu cực mà Ấn Độ phải đương đầu với Xri Lanca hiện nay đang có nguy cơ lặp lại ở Manđivơ, Môrixơ và Xâysen trong những năm tới nếu ban lãnh đạo chính trị Ấn Độ không quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình tại các quốc đảo này.
May mắn là lợi ích của Ấn Độ vẫn còn chiếm ưu thế tại Manđivơ bất chấp mối quan hệ ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế. Manđivơ tiếp tục muốn Ấn Độ giúp họ tăng cường khả năng đối phó với các mối đe doạ an ninh xuất phát từ các phần từ Hồi giáo cực đoan có căn cứ tại Pakixtan cũng như bọn cướp biển Xômali. Bởi vậy, nước này vẫn quan tâm tới lợi ích của Ấn Độ. Xâysen cũng như vậy. Mặc dù chấp nhận sự trợ giúp của Bắc Kinh để tăng cường khả năng chống cướp biển, song Victoria vẫn chấp nhận sự trợ giúp và đề nghị hợp tác của Niu Đêli như trước đây.
Tuy vậy, Ấn Độ có lý do để lo ngại về những diễn biến gần đây tại Môrixơ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm nước này vào tháng 2/2009. Trong chuyến thăm này, ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố cho nước chủ nhà vay với lãi suất thấp 260 triệu USD để hiện đại hoá và mở rộng sân bay ở nước này. Ngoài ra, ông còn công bố khoản cho vay không tính lãi trị giá 5,9 triệu USD và viện trợ không hoàn lại 30 triệu nhân dân tệ. Thủ tướng Môrixơ Navinchandra Ramgoolam còn nói hai nước đã thảo luận khả năng trợ giúp tiếp theo để cải thiện điều kiện giao thông ra vào khu vực thủ đô thường xuyên bị tắc nghẽn của quốc đảo này.
Ông Hồ Cẩm Đào cam kết đẩy nhanh việc xây dựng khu vực kinh tế và thương mại trị giá 730 triệu USD do Trung Quốc cấp vốn ở khu vực phía Bắc Môrixơ. Dự án mang tên Tialy sẽ là dự án có vốn nước ngoài lớn nhất tại Môrixơ, tạo ra 40.000 việc làm. Từ năm 1972 tới chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào 2/2009, tổng số tiền trợ giúpcủa Trung Quốc dành cho Môrixơ là 117 triệu USD. Hiện có 13 công ty Trung Quốc hoạt động tại Môrixơ trong các lĩnh vực dệt, xây dựng và công nghệ thông tin.
Khu vực kinh tế và thương mại rộng 521 mẫu Anh tại Môrixơ được Trung Quốc coi là một phần quan trọng trong chính sách “đi ra bên ngoài” và chiến lược châu Phi của họ. Mục tiêu của Trung Quốc là sử dụng Môrixơ như một bàn đạp phục vụ cho các dự án xây dựng và kinh doanh tại miền Nam châu Phi. Đại bản doanh của các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Nam châu Phi dự kiến sẽ được đặt tại thành phố thương mại mới này, và sẽ do Trung Quốc xây dựng ở ngoại ô thủ đô Pot Lui (Port Luis như một phần của dự án nói trên.
Sau sự xói mòn ảnh hưởng về chính trị của Ấn Độ tại Xri Lanca, giờ đây người ta laị nhìn thấy tiến trình tương tự tại Môrixơ. Quốc đảo này từng chịu ảnh hưởng văn hoá và kinh tế của Ấn Độ. Giờ đây Môrixơ tiếp tục chịu ảnh hưởng của Ấn Độ về văn hoá, song về kinh tế họ ngày càng hướng về Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Và điều hiển nhiên là khi có ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng, ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc đối với người Môrixơ cũng sẽ tăng lên.
Sự suy giảm ảnh hưởng của Ấn Độ về chính trị và kinh tế ở Ấn Độ Dương diễn ra cùng với sự hiện diện của Trung Quốc ở các nước khu vực này đang không ngừng tăng lên qua việc trợ giúp các nước này như phát triển cơ sở hạ tầng – sân bay, thành phố kinh tế và thương mại ở Môrixơ; xây dựng sân bay quốc tế và cảng thương mại Hambantota, mở rộng và hiện đại hoá cảng Côlômbô, sửa chữa và xây dựng đường bộ và đường sắt ở Xri Lanca; xây dựng hải cảng mới tại Kyaukryu tới tỉnh Vân Nam để có thể chuyển khí đốt và dầu mở sản xuất tại Mianma cũng như dầu mỏ do các tàu chở dầu chuyển từ khu vực Tây Á và châu Phi thẳng về Trung Quốc mà không cần phải đi qua eo biển Malắcca; và xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc kết nối Rănggun với Vân Nam. Trung Quốc cũng đang thương lượng với Bănglađét về hiện đại hoá cảng Chitagong và kết nối hệ thống đường sắt của Bănglađét với hệ thống đường sắt của Mianma.
Ưu thế của Trung Quốc đối với Ấn Độ
Để mở rộng và tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc có hai thứ vũ khi mà Ấn Độ không thể sánh kịp ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai gần – nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và ưu thế lớn về kỹ năng xây dựng. Trong khi đó, các nước khu vực này đang mong muốn phát triển hạ tầng cơ sở.
Dù có lực lượng hải quân tốt nhất thì ảnh hưởng cũng sẽ bị hạn chế một khi không có ảnh hưởng về chính trị và kinh tế ở các nước khu vực Ấn Độ Dương. Bằng cách tăng cường sự có mặt và ảnh hưởng trên đất liền ở các nước khu vực, Trung Quốc bước đầu thắng thế so với Ấn Độ. Hải quân Trung Quốc hiện vẫn chưa thể sánh với sự hiện diện trên biển của Hải quân Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, tuy vậy sự có mặt và ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước khu vực sẽ tạo ra thách thức ngày càng tăng đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Những báo cáo mang tính giả thiết rằng lợi ích của Trung Quốc đòi hỏi họ phải sở hữu căn cứ quân sự – đặc biệt là căn cứ hải quân – ở khu vực Ấn Độ Dương là chưa có những bằng chứng xác đáng. Hiện tại, lợi ích của Trung Quốc là tăng cường sự có mặt về kinh tế. Khi sự có mặt về kinh tế tăng, lại có mặt về chính trị cũng sẽ tự động tăng lên. Đúng là Trung Quốc trong một thời gian dài đã phát triển thông qua việc quan hệ cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự có ý nghĩa chiến lược cho Pakixtan, Xri Lanca và Mianma. Người ta cũng có thể thấy sự khởi đầu tương tự như vậy với Bănglađét.
Liệu các quan hệ như trên có hình thành một phần của chiến lược được vạch kế hoạch kỹ càng nhằm vươn tới sự có mặt về quân sự lâu dài ở Ấn Độ Dưoơg hay không? Hiện chưa có bằng chứng để khẳng định ý kiến này. Ở thời điểm hiện nay, Trung Quốc đang tập trung cho sự có mặt về kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Ý định của Bắc Kinh tiến vào lĩnh vực cung cấp vũ khí và xây dựng quan hệ là một động thái mang tính chiến thuật nhằm đạt được hai mục tiêu này.
So với chiến lược hải quân của họ tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc rất ít nói về các đường nét chiến lược tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc không có các nguồn lực cần thiết để có thể thách thức ưu thế do Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ nắm giữ tại Ấn Độ Dương. Lợi ích hiện tại của họ ở khu vực này là bảo vệ an ninh cho các tuyến đường cung cấp nhiên liệu và tăng cường sức mạnh cho Pakixtan làm đối trọng với Ấn Độ.
Việc các tàu Hải quân Trung Quốc tham gia hoạt động tuần tra chống cướp biển tại Ấn Độ Dương và vịnh Ađen không tạo ra bất kỳ phản ứng công khai nào ở khu vực cũng như ở phương Tây. Các nước khu vực cũng như phương Tây hiểu được nỗi lo ngại của Trung Quốc về mối đe doạ từ cướp biển Xômali. Các cuộc tuần tra thường xuyên chống cướp biển do các tàu của Hải quân Trung Quốc thực hiện cho phép họ làm quen với các điều kiện hoạt động, bắt đầu thiết lập quan hệ giữa hải quân – hải quân với các nước khác, và đề xuất việc trợ giúp trong khả năng xây dựng.
Liệu Trung Quốc có sử dụng hoạt động chống cướp biển làm nền tảng cho chiến lược lâu dài ở Ấn Độ Dương hay không? Trung Quốc tránh công khai thảo luận về vấn đề này để không gay ra những lo ngại không cần thiết ở khu vực về sự quyết đoán của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Các sĩ quan Hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu thường lên tiếng về sự cần thiết phải có căn cứ hải quân ở khu vực này nhằm bảo đmr việc cung cấp hậu cần cùng các nhu cầu khác cho hoạt động tuần tra chống cướp biển của tàu khiến Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, song tiếng nói này không được Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích. Trung Quôc chưa vạch ra chiến lược hải quân dài hạn tại khu vực này.
Trong bối cảnh trên, Ấn Độ – với khả năng hàng hải to lớn của mình – đã cố gắng đóng một vai trò “đòn bẩy kín đáo” và “cân bằng quyền lực” ở khu vực Ấn Độ Dương. Năm 2008, Ấn Độ đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về hải quân khu vực Ấn Độ Dương với sự tham gia nhiệt tình của tất cả các nước ven bờ Ấn Độ Dương. Rất tiếc rằng việc tập trung thảo luận đã bị phân tán trong các hội nghị tương tự – nhất là trong hội nghị gần đây tại Arập Xêút./.