Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Thách thức đối với Việt Nam: chuỗi cung ứng

Thách thức đối với Việt Nam: chuỗi cung ứng

Bankok Post

Weekly Link Ngày 18 tháng 5 năm 2011
Việt Nam là một trong những câu chuyện ấn tượng nhất về tăng trưởng trong vòng hai thập kỷ qua trên thế giới. Đặc biệt, đất nước này từ 10 năm nay đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và đang trở thành một địa chỉ kinh doanh hấp dẫn. Tuy vậy, nền kinh tế hiện đang đối mặt với những nhược điểm và thách thức từ bên trong, điều này được thể hiện ra ngoài ở khả năng cạnh tranh thấp về nhiều mặt. Mặt khác, những đổi thay nhanh chóng và phức tạp ở bên ngoài đang tác động tới nền kinh tế mở cửa của Việt Nam theo những chiều hướng cần lưu ý.

Những vấn đề chính của chuỗi cung ứng: Vietnam Competitiveness Review [Nghiên cứu Cạnh tranh Việt Nam] đưa ra một đánh giá chi tiết về những điểm mạnh và điểm yếu của đất nước này. Được xuất bản gần đây bởi các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cạnh tranh châu Á (của Singapore) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (của Việt Nam) dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Giáo sư  Michael Porter của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard, bài viết này nhận diện những vấn đề chính liên quan đến cơ cấu chuỗi cung ứng mà đất nước này cần giải quyết.
Kể từ khi bắt đầu cải cách nền kinh tế vào giai đoạn nửa sau những năm 1980, GDP tính theo mỗi đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là gần 6%, đưa hàng triệu người thoát nghèo. Bài viết này cho rằng động lực thúc đẩy chính nằm ở năng suất lao động tiến bộ. Nhưng bất chấp những thành quả đạt được gần đây, Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước về phát triển cơ sở hạ tầng, mức độ trưởng thành của chuỗi cung ứng và khung chính sách quản trị của quốc gia.  
Chính sách phát triển công nghiệp theo các cụm ngành nghề [cluster development]: Muốn nâng cao sức cạnh tranh thì đòi hỏi phải có các ngành nghề được chuyên môn hóa để tăng hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ mà một công ty hoạt động riêng lẻ không thể nào đạt được mức hiệu quả ấy. Cách làm phổ biến này được dựa trên việc tạo ra các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, cung ứng tín dụng rẻ cho các công ry cá lẻ và tạo nên cơ sở hạ tầng chuyên dụng. Các chiến lược phát triển dành cho khu vực tư nhân hiện đang tỏ ra có những hạn chế. Chính phủ nên giúp các công ty ở các cụm ngành nghề có thể cạnh tranh ở một mức độ cao chứ không phải là trốn tránh cạnh tranh.
Cơ sở hạ tầng đường bộ: chính phủ trong những năm gần đây đã gia tăng đầu tư vào hệ thống quốc lộ Bắc-Nam và nâng cấp hầu hết các tuyến đường nội đô, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ là cao, ở tỉ lệ trên 10% GDP so với 7-8% ở Thái Lan và Trung Quốc. Song, do không có các giải pháp lựa chọn vận tải đa phương thức nên nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục bị vướng mắc ở chi phí vận chuyển ngày càng tăng do giá xăng dầu leo thang.
Cảng biển và thương mại duyên hải: Tuy Việt Nam có những cảng biển quốc tế (ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng) có thể đón tàu trọng tải lớn nhưng dịch vụ của các cảng này không đáp ứng những yêu cầu của các nhà vận tải, còn đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng biển không theo kịp với tăng trưởng xuất khẩu. Chẳng hạn, chi phí dịch vụ hiện nay là quá cao; thủ tục hải quan tốn quá nhiều thời gian, thông thường phải mất từ  3-7 ngày và có trường hợp lên tới một tháng (ở Singapore thì thời gian làm thủ tục hải quan chỉ mất trung bình 10 phút); Việt Nam đang còn thiếu một cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế; đường sắt và đường bộ không kết nối với hệ thống cảng biển, điều này đang cản trở hiệu quả của thương mại duyên hải trong nước.
Hàng không: các cảng hàng không cũng đang vấp phải những rào cản công suất chuyên chở hành khách. Chất lượng dịch vụ không tốt, các chuyến bay quốc nội thường bị trễ. Thị trường chuyển chở hành khách nội địa chỉ là 9-10 triệu hành khách mỗi năm. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển các kênh trung chuyển xuất khẩu và trung chuyển nội địa nếu viết tận dụng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không một cách có hiệu quả.
Đường sắt: Mặc dù  Việt Nam có 2.600 km đường sắt song cơ sở hạ tầng đã lạc hậu. Thị trường đường sắt do nhà nước độc quyền đã không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng. Cho dù tuyến đường sắt Bắc-Nam (nối với Bắc Kinh) đang được nâng cấp song sự thực là việc không có hệ thống đường ray đôi có nghĩa là chỉ cần một chỗ bị tắc nghẽn nhẹ là có thể khiến cho toàn bộ tuyến đường bị dừng hoạt động. Không có các tuyến đường sắt kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, Lào và Campuchia. Đường sắt khổ 1 mét xuống cấp đang hạn chế tốc độ chạy tàu; và quá nhiều đường ngang giao cắt với đường bộ chạy qua các khu dân cư đang thường xuyên gây ra những vụ tai nạn.
Bài viết Cạnh tranh Việt Nam nhận diện những khuyến nghị cụ thể về chính sách và một cơ cấu thực thi nhằm xây dựng những lợi thế cạnh tranh ngày càng tinh vi. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, song à người ta đang thấy rõ một điều là Việt Nam vẫn còn cả một con đường dài phía trước phải đi.
Weekly Link là một diễn đàn được điều phối bởi Barry Elliott và Chris Catto-Smith CMC làm việc tại Viện Tư vấn Quản Lý tại Thái Lan. Diễn đàn này dành cho các chuyên gia trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Diễn đàn hoan nghênh mọi đóng  góp, câu hỏi, phản hồi và tin tức gửi tới địa chỉ:  Barry.Elliott@inslo.com  hoặc cattoc@cmcthailand.org
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang